Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Cần Thơ và biến đổi khí hậu
 
Lên mạng ngày 19/9/2008

THÀNH PHỐ CẦN THƠ VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU,
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh
GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM QUAN TRẮC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG CẦN THƠ.
 
  1. Các hiện tượng bất thường và báo cáo của Liên hiệp quốc
Qua tham khảo một số số liệu của các cơ quan chuyên ngành chúng tôi có một số ghi nhận sau:
-         Kể từ năm 1978 đến 2005 nhiệt độ trung bình của khu vực thành phố Cần Thơ tăng 0,5OC. Số liệu này phù hợp với số liệu tính toán của tổ chức IPCC (Mặt trận quốc tế về biến đổi khí hậu toàn cầu), từ 1975 đến 2005 nhiệt độ khu vực châu Á tăng thêm 0,6OC.
 
 
-         Cũng từ 1978 đến 2005, mực nước cao nhất trong năm tại Cái Côn dâng cao thêm 0,4m. Trong khi đó mức nước thấp nhất thì lại có khuynh hướng hạ thấp xuống 0,13m.
 

-         Một ghi nhận khác cho thấy, từ năm 2000 đến 2007 mức nước cao nhất tại Tân Châu, khu vực đầu nguồn tiếp nhận sông Mekong thuộc Việt Nam, bị thấp xuống gần 0,8m. Trong khi đó mực nước cao nhất tại bến phà Cần Thơ tăng thêm gần 0,3m. Vào mùa khô năm 2006, lưu lượng nước của sông Tiền và sông Hậu chỉ còn khoảng 1600m3/giây thay vì 2500m3/giây như trước đây 30 năm, tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập. Bản đồ bên cho thấy vào tháng 4 năm 2004, nước mặn 1‰ chỉ cách bến Ninh Kiều 15 km.



Những hiện tượng trên chứng minh Cần Thơ đang bị tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Mực nước tại Cần Thơ dâng lên do: nhiệt độ tăng làm nước biển dâng cao + gió đông bắc, + lực ly tâm của trái đất + lũ từ thượng nguồn Mekong + triều cường. Trong đó nước biển dâng cao có nguyên nhân là nhiệt độ không khí nóng làm tan băng ở hai cực và nước giản nở thể tích do bị nóng lên.
Cuối năm 2007, trong một báo cáo của Chương trình phát triển của Liên Hiệp quốc đã xác định Việt Nam là một trong năm vùng bị tác hại của biến đổi khí hậu nặng nề nhất của thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long với các đặc tính: vùng đất thấp ven biển đông, mật độ dân số cao nhất trong 3 miền (hơn 400người/km2) và có tiềm năng kinh tế lớn về xuất khẩu lúa và thủy sản; nên sẽ là khu vực bị tác hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu của Việt Nam.
 
  1. Các biểu hiện của tác động do biến đổi khí hậu đến ĐBSCL và dự báo
Nhóm chuyên gia của Đại học Hoàng Gia Thái Lan, theo kịch bản trung bình, đã ứng dụng mô hình của tổ chức IPCC và dự báo một số yếu tố khí tượng có biến đổi quan trọng cho tới năm 2100 như sau,
    1. Nhiệt độ không khí sẽ tăng lến từ 4-5 OC, số ngày có nhiệt độ cao hơn 35OC sẽ tăng lên đến 240 ngày/năm,
    2. Lượng mưa trong năm sẽ tăng lên, nhưng số ngày mưa lớn hơn 3mm sẽ giảm đi, điều đó có nghĩa là mưa sẽ lơn hơn và lũ sẽ tàn khốc hơn,
    3. Vào mùa mưa mực nước biển đông sẽ cao hơn hiện nay khoảng 1 m, nhưng mực nước lũ của khu vực ĐBSCL sẽ tăng thêm khoảng gần 2m so mức lũ cao nhất hiện nay. Vào mùa khô mực nước giảm xuống do không có đủ nguồn băng, tuyết cấp nước cho thượng nguồn sông Mekong, tạo điều kiện cho nước biển xâm nhập vào sâu trong đất liền.
Kết quả của những biến đổi này chắc chắn sẽ rất nặng nề vế mọi ngành nghề sản xuất và đồi sống của người dân trong vùng, nhất là sản xuất nông nghiệp và thủy sản.
 
  1. Thành phố Cần Thơ sẽ bị tác động như thế nào?
Thành phố Cần Thơ với vị trí năm giữa ĐBSCL, từ xưa đến nay đã hưởng nhiều ưu đãi từ thiên nhiên: nước ngọt dư thừa quanh năm, nước ngập không sâu, mùa nước nổi không kéo dài; nên không như người dân vùng An giang, Đồng Tháp đã quen với ngập sâu hay người dân vùng biển đã quen với nước mặn; trong suy nghĩ và hành động cũng như trong thực tế cuộc sống của người dân thành phố Cần Thơ hầu như không có các ý tưởng, các công trình xây dựng cũng như các công cụ sinh hoạt dành cho việc đối phó với lụt lội sâu vào mùa mưa và xâm nhập mặn vào mùa khô.
Nay với chế độ thủy văn bất thường của thời kỳ biến đổi khí hậu, cuộc sống người dân và các ngành nghề sản xuất tại thành phố Cần Thơ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL.
 
  1. Các biện pháp đáp ứng
Trước khi nói về các biện pháp đáp ứng xin được trình bày sơ bộ về nguyên nhân gây biến đổi khí hậu:
-         Ánh sáng mang năng lượng mặt trời chiếu vào trái đất. Trước giai đoạn công nghiệp hóa (CNH) phần lớn năng lượng ánh sáng sẽ dội ngược ra không gian nên nhiệt độ không khí trái đất không bị nóng lên. Kể từ giai đoạn CNH, khí thải do đốt nhiên liệu có chứa CO2 đã giữ lại năng lượng mặt trời làm bầu không khí nóng lên và gây biến đổi chế độ thủy văn như hiện nay.
-         Không chỉ có khí CO2, còn các loại khí khác gây hiệu ứng nhà kính khác như: khí biogas (CH4), dinitơ oxy (N2O), Ozôn (O3), khí làm lạnh (CFCs) và hơi nước trong không khí. Đặc điểm gây hiệu ứng nhà kính của các khí trên như sau:
o       Cacbonic (CO2) là loại khí quan trọng nhất vì nó có tỷ lệ lớn nhất trong số khí nhà kính, nó chịu trách nhiệm gây nên hơn 60% hiệu ứng nhà kính. Cho tới gần đây nó chỉ còn chiếm 0.03% thể tích không khí nhưng hiện nay đã lên khoảng 0,04%, chu kỳ trong không khí là 100 năm.
o       Mêtan (CH4) là khí nhà kính có khả năng tích nhiệt gấp 21 lần CO2. CH4 được cho là khí chịu 20% trách nhiệm trong việc gây hiệu ứng nhà kính. tồn tại trong không khí 11-12 năm. Các họat động của con người gần đây đã làm tăng lượng mêtan phát sinh như trồng lúa, chăn nuôi, lọc dầu, khai thác mỏ, bãi chôn rác và sự phân hủy sinh khối (sản xuất 1 tấn thủy sản đông lạnh, từ nuôi cá đến thành phẩm, nếu không xử lý tốt chất thải có khả năng gây ra 90 tấn CH4)
o       N2O là một chất khí có khối lượng cực nhỏ trong khí quyển, thể tích của nó ít hơn 1/1000 lần thể tích của Cacbonic. Nhưng ngược lại, khả năng tích nhiệt trong không khí lại cao hơn Cacbonic 200-300 lần. Vi sinh vật cũng loại  N2O từ đất và đưa vào khí quyển. Đó là hiện tượng khử đạm và hiện tượng này làm phát sinh oxyt nitơ(1 ha chơm chơm 600kg N2O/năm). Biển cũng là nguồn cung N2O trong khí quyển. N2O là một trong các khí nhà kính có thời gian tồn tại lâu dài nhất, đến 150 năm.
o       Ozon (O3) là thành phần quen thuộc của bầu khí quyển, được liên tục sinh ra và mất đi trong không khí. Ozon cũng đảm nhận vai trò một loại khí nhà kính, nhưng khả năng giử nhiệt đang được tính toán làm rõ.
o       Khí CFCs (chlorofluorocarbons) có nồng độ trong khí quyển thấp nhất so với các khí gây hiệu ứng nhà kính, nhưng khả năng tích nhiệt của nó rất lớn, từ 3000-13.000 lần lớn hơn Cacbonic. Khả năng tồn tại trong không khí là 400 năm.
-         Các khí trên thường được qui đổi mức độ tác động tương đương CO2 để mô tả trong lĩnh vực gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.
-         Tại Cần Thơ và Việt Nam khả năng phát sinh khí CO2 không lớn, nhưng khả năng sinh khí CH4 , N2O trong vườn cây, ruộng lúa rất quan trọng đáng chú ý giảm thiểu số lượng và tác động. (Đang có hiện tượng là Hoa Kỳ và Trung Quốc là 2 quốc gia phát sinh nhiều khí nhà kính thì liên tiếp nhận bảo lũ có cường độ cao trong các năm gần đây. Liệu có liên quan giữa phát thải khí nhà kính và thiên tai của các quốc gia đó?)
 
Về biện pháp đáp ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ thì chúng tôi xin sự góp ý thêm của quí đại biểu. Riêng chúng tôi thấy cần nghiêm chính nghiên cứu xây dựng ngay từ bây giờ “Chiến lược phòng ngừa và đáp ứng tác động của biến đổi khí hậu” đối với ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng, vì khả năng nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng xong các công trình đáp ứng biến đổi sẽ rất dài, hàng chục năm, nếu không làm từ bây giờ sẽ trễ. Xin giới thiệu một số ý như sau:
 
A.Biện pháp trước mắt
-Nâng cao nhận thức người dân về tác hại của CC, để tự từng người tự tìm ra phương cách thích hợp nhất,
-Nghiên cứu các biện pháp đáp ứng lũ dâng và xâm nhập mặn cho sinh hoạt và sản xuất cho từng vùng cụ thể,
-Nghiên cứu trữ nước ngọt trong mùa mưa để dùng cho sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.
 
B.Biện pháp lâu dài
Nghiên cứu xây dựng đê biển và đê sông Hậu như hình bên.

 

 
Để kết luận xin đưa ra một nhận xét của hội nghị các nhà khoa học ASEAN tại Bali thàng 2 năm 2008 vừa qua: “Tốc độ của các biện pháp đáp ứng chậm hơn tốc độ của biến đổi khí hậu” để chúng ta cùng suy ngẩm.
Hội nghị tìm hiểu biến đổi khí hậu tại Cần thơ

Cần Thơ, 22 tháng 08 năm 2008
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh

Trích từ Đặc san "Trường củ tình xưa"

Trở lại trang KH&NN
 
  Số người đọc 399124 visitors (1033767 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free