Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Con đường đi tới Canh Nông
 

Lên mạng ngày 27/3/2009

Con Đường Đưa Tới Canh Nông


Lúc còn nhỏ bé sống với cha mẹ ở thôn quê, hằng ngày ngoài giờ học bé thường theo các cô chú ra ruộng chơi, ai làm gì thì bé "quậy" phá cái đó: có khi cắt lúa, ôm lúa, đập lúa, làm cỏ, nhổ mạ, bé "làm việc" hết sức năng nổ!!! Gặp ngày chúa nhựt mà cấy lúa thì bé mê lắm. Được dịp lội sình, được ăn xôi và thích nhứt là được nghe các cô:

                                        Hò ơ...  tay ôm bó mạ ra đồng
                                       Miệng hò, tay cấy mà lòng ...nhớ thương...

Các chú tay thì thảy mạ, miệng thì:

                                       Hò ơ... thương ai em cứ đem cho,
                                      Chứ đừng hà tiện... ốm o gầy mòn..


Ngày nào cấy lúa là bé say mê nghe hò hát,  ăn uống ngoài đồng với các  công cấy đến xế chiều mới về nhà...thật vui làm sao!

Thời gian tuổi thơ ở quê của bé trôi qua. Học hết lớp ba bé phải lên thành phố Mỹ tho học tiếp vì trường làng hết lớp rồi. Bé buồn quá, xa mẹ,  xa . . . cánh đồng lúa thân yêu!
 
                                    Xa mẹ lòng đã xốn xang
                                    Xa cánh đồng làng gan ruột héo hon
      

Má mướn một căn phố, tống hết anh chị em lên đó để đi học. Chị Hai ở quê phụ má chăm sóc vườn tược, anh ba đi tập kết, chị tư đi học may ở Gò Công, để sau nầy kiếm tiền kiếm tiền phụ má nuôi em. Chị năm là người hy sinh, phải nghỉ học ở nhà nấu cơm cho đàn em thơ.

Nghĩ mình là học trò ở quê, không học bằng tụi ở thành nên bé xin học lại lớp ba. Học được tuần lễ đầu, cô giáo thấy con bé nầy học giỏi nên cho lên lớp nhì ngay!

Thắm thoát bé học hết tiểu học. Bải trường đến, anh chín và bé về quê để ôn bài thi đệ thất. Còn nhỏ quá, thế mà cũng chăm học lắm, suốt ngày xách chiếu ra vườn học bài, thỉnh thoảng anh chín trèo lên cây bẻ dừa, hay hái ổi, quít ăn rồi học tiếp...
 
                                        Tưởng là Kim Trọng như ai
                                        Ai dè Bùi kiệm nào hay chữ phần

Số Bùi Kiệm là Bùi Kiệm, dù ráng đến đâu bé cũng Bùi Kiệm như thường...Sau khi thi trượt, bé về quê nghỉ hè... Thắm thoát, ngày nhập học lại đến, sao bé cảm thấy người cứ bị mệt hoài. Tim hay đập mạnh. Má phải dẫn đi bác sĩ. Bác sĩ nầy là anh chú bác với má. Sau khi khám, bác bảo:" Nó bị tim, không cho đi học nữa, cho nó ở nhà nấu cơm đi!"
    
Nghe lời bác, nhưng má không cho bé uống thuốc Tây. Ngày nào bà cũng cho ăn tim heo, chưng với châu thần, trái táo và sanh địa. Một thời gian bé lại sức, mặt mày hồng hào lên! Có lẽ do bé thức khuya học bài nhiều quá nên bị mệt thôi, chứ không bệnh gì nặng đâu. Bé cũng muốn học lại nhưng  ngày tựu trường đã qua nên đành nghỉ học luôn năm đó.

Ở vườn chơi miết cũng chán. Vã lại tối ngày bé cứ đi tắm sông, bắt óc, bắt cá với bọn trẻ hàng xóm, mình mẩy quần áo lúc nào cũng "bát ngát" mùi bùn, nên má gửi bé ra xóm chợ ở với chị tư. Lúc nầy chị tư đã thành nghề, mở tiệm may khá lớn, có tới mười học trò. Những lúc thấy máy may  trống là bé nhảy lên , lấy vải vụn tập may... chỉ may một chút là gãy kim, hoặc đứt chỉ. Chị tư quát lên:' Xuống chưa, tối ngày lên máy này đã tới máy kia, gãy hết kim, đứt hết chỉ, phá chỉ phá gai..."

Bé có hiền đâu, chạy ra sân nói vô:" Đứt chỉ thì nói, phá chỉ phá gai , phá chỉ phá gai...là sao? ( lập lại hai lần)

Chị vát  chổi chà rượt đánh cho bỏ tội hổn láo! Chạy quanh chạy quẩn bé dọt lên cây trứng cá trước sân. Chị lấy ghế đứng lên và trèo lên cây luôn. Chị đét cho một trận " nên thân".

- Tư ơi tư, từ rày em hỏng dám phá máy may nữa đâu, đừng quýnh em nữa tư ơi"

Nghe em năn nỉ thảm sầu quá, chị bớt cơn nóng giận...Giận thì giận chứ sáng sớm là chị lo đi chợ mua bánh trái, thịt thà đầy đủ cho em. Quần áo mới  chị may cho lia chia, vì lúc nầy chị mới 26 tuổi, còn độc thân nên thương em út lắm!

Một năm rong chơi "dưỡng gà" trôi qua. Ngày tựu trường đến. Bé dẫn má đến trường Trúc Giang, một trường tư thục nọ để ghi danh học lớp tiếp liên. Về nhà má nói với các anh:" Con Thịnh nó rành ghê, dẫn má mút lên lầu, đi lòng vòng một hơi mới kiếm được văn phòng để ghi danh, đóng tiền học cho nó".

Thời gian trôi qua, mới đây đã hết niên học. Bé được lãnh phần thưởng xuất sắc của trường, gồm một cặp da, sách giáo khoa và tập vở...thật quí quá! Làm má và các anh chị hãnh diện và vui lắm!

Ngày thi tuyển đệ thất đến. Không biết số học sinh dự thi bao nhiêu, mà số ký danh của bé 1111,con số khó quên và được đậu hạng 16/300.  Lúc đó nhà trường lấy 6 lớp đệ thất, mỗi lớp 50.  Vì đậu khá cao nên bé được cô chủ nhiệm bầu làm lớp trưởng, đồng thời bé được lãnh học bổng toàn phần.

Cuộc đời của cô bé nữ sinh trường Lê Ngọc Hân thật là sung sướng, rất đầy đủ về mọi mặt. Bé tham gia vào chương trình văn nghệ và thể thao của trường. Rất tốn thời gian để tập luyện những môn nầy mỗi khi đi trình diễn, nhưng bé không bê bối việc học hành, lúc nào cũng đứng 3 đứa đầu trong lớp.

Cuộc đời ai cũng vậy, thường gặp những thử thách để mình trưởng thành! Hay để đưa dần theo sự thay đổi của con tạo đây?

Học kỳ II năm đệ ngủ bé không được học bổng nữa. Bé lên văn phòng hỏi, cô thư ký Thu  rất dịu dàng trả lời:" Đây là ngoài phạm vi của chị, muốn biết em đến tòa hành chánh..."

Mình muốn biết sự thật. Nhưng thường sự thật hết sức phủ phàng! Với đôi tay bé nhỏ, với thân phận yếu hèn. Chẳng làm được gì! Bé  cảm ơn người "lén" cho bé coi hồ sơ mật ( gia đình có cha đi cách mạng, anh đi tập kết, mặc dù lúc nầy cha đã trở về). Bé lặng lẽ ra về mà lòng đau nhói!

Nữa năm học còn lại, bé không còn vui đùa và  hồn nhiên của tuổi thơ ngày nào nữa! Học hành bê bết! Trong lớp mấy đứa bạn thân chia buồn với bé. Nhưng bé vẫn vời vợi buồn!!!

Bản chất bé rất mê canh nông... Rất may, hè đến Kim Dung bạn thân của bé, rủ đi Saigon nộp đơn thi vào trường Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ. Xin phép cha không cho...cha bảo rằng nếu đậu cha cũng không có tiền cho đi học xa được. Thế là bé nhờ Dung một mình đi nộp đơn.

 Hai đứa đều có chị ở Saigon, do đó gần đến ngày thi, tụi nầy "âm mưu": Dung đến nhà bé hỏi cha cho bé đi Saigòn với Dung thăm chị Dung, và ngược lai, bé đến xin phép má Dung cho Dung đi Saigon thăm chị của bé, vì không đứa nào dám đi một mình cả. Hai bên cha mẹ đều hảo ý... hai đứa hí hởn... mơ sau nầy sẽ làm kỹ sư nông nghiệp, thích lắm!!!

Kết quả bé được bảng hổ đề tên: 38/100 vàoTHNLS Cần Thơ, còn Dung thì rớt. Bây giờ bé biết làm sao đây? Có chú Quình ở Cần Thơ, nhưng cha cương quyết không hỏi dùm bé. Bé canh ngày chú về tăhm Mỹ Tho ( mỗi tháng chú về một lần, ở nhà cô Tám), bé hỏi:

- Dạ thưa chú, con đã đậu vào trường NLS Cần Thơ, xin cho con được qua ở trọ nhà chú đi học nhen chú?

- Ờ, được con, mà chú nói cho con biết nhà chú trường chay, con ăn được thì ăn,  hôm nào thèm thì con cứ ra chợ mà ăn.

- Dạ, thưa được chú, con xin cảm ơn chú!

Suy nghĩ lại, sao chú mình quá dể, đáng lẽ chuyện nầy người lớn giáp mặt với nhau mới phải...

Bé mừng quá! Về nhà bé thưa lại với cha, cha có vẻ giận bé, nhưng vì thương con...cũng bỏ qua...

Với một vali nhỏ ... thân gái dậm trường...hoàn toàn xa lạ....qua phà, tưởng đã đến Cần Thơ, bé vô cùng ngạc nhiên...hỏi người đồng hành mới biết phải đi một "cuốc" xe lôi nữa mới đến nhà chú.

...Ngày đầu tiên đi học, chú giao cho Trung Tín, ( bạn của Quách Như Quan) con trai của chú đưa đi, và dẫn vô trường dùm, y như mẹ dẫn con đến trường vậy! Hỏi thăm đủ điều  và cho chị vào lớp rồi em mới về, trưa em đến đón chị. Thật bé nhớ hoài ngày nhập học đó! Nhớ ơn Trung Tín lắm!

Ngày thứ hai đi học là ngày lịch sử nhứt: thầy Phiếm dẫn cả lớp thực hành cày ruộng bằng trâu. Chu choa ơi:" Cô nữ sinh Lê Ngọc Hân với bộ áo dài trắng thơ mộng nay còn đâu? "

Bờ đê thì nhỏ, mưa lâm  râm nên trơn trợt lại càng trơn trợt hơn. Cố gắng bấm mấy đầu ngón chân xuống bùn dữ lắm bé mới khỏi té được. Hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi má bé, nhưng vì nước mưa hòa vào nước mắt, hơn nữa ai cũng lo nhìn xuống đất để đi, nên không ai thấy bé " mưa" cả! Hên quá!

Thầy giao cho mỗi đứa phải đứng lên cày mấy vòng ruộng. Thầy dạy quẹo trái hay phải thì mình phải hò hét lên:" Dí, thá..." để trâu đi theo ý mình. Cũng là dân quê, nhưng chuyện nầy mình không hề biết! Khó ơi là khó! Đứng trên cày thì trơn quá, trợt té lên té xuống mấy lần mới xong một vòng ruộng...khổ ơi là khổ!!!!

- Cho bỏ tật mê canh nông nha con! ( bé thì thầm...)

...Rồi mấy năm trôi qua...

   "Quơ" được một mớ kiến thức canh nông. Bé" ngang xương"**ra trường với cấp bằng Huấn sự Nông Chính. Thời đó bằng cắp nầy cũng "oai" lắm! Bé cũng may mắn, được thủ khoa nữa chứ.../.
 
(** Vì hoàn cảnh gia đình bé không thể  học lên được)

Xin Đính kèm:

Danh sách thầy cô khóa Huấn sự & Hình các bạn Khóa HS.
 
Xin thành kính nhớ ơn quí Thầy cô:

1/ Thầy Phan Lương Báo: Tằm tang
2/ Thầy Trần Đăng Hồng: Cây kỹ nghệ
3/ Cô Trần Cao Huân     : Cây lúa
4/ Thầy Nguyễn Hoàng Sơn: Hoa màu phụ
5/ Thầy Lê văn Bảy: Bảo vệ thực vật
6/  Thầy Nguyễn Phi Long: Cây ăn trái (?)
7/ Thầy Lê Thanh Phong: Kinh tế nông nghiệp ( giáo sư thỉnh giảng, mỗi tuần đến lớp bằng máy bay từ Saigòn)



Hàng đứng: Từ trái qua: Phan Kim Hồng, Y-Sing-Nie, Nguyễn văn Bé, Vũ văn Bách, Lê Thị Dân.
Hàng ngồi: Từ trái qua: Nguyễn thị Thoại, Phạm thị Nhiễm, và T.t. Thịnh

 
***Khóa học có 7 thầy và 9 trò. Trong hình chụp thiếu 1 là Tô Thị Dững, vì bạn nầy đã dù về Nha trang mất rồi!
 
Cali, 26-3-09
 
Trần thị Thịnh

Trở lại Trang Bạn Viết

 

 
  Số người đọc 397293 visitors (1028833 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free