Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Đồng bằng Cửu Long - P9
 
11/2009

Thử tìm giải pháp thuỷ lợi cho đồng bằng Cửu Long

Phần 9. Đề nghị vài biện pháp

Trần Đăng Hồng, PhD

 

NHỮNG THÁCH ĐỐ TRONG TƯƠNG LAI

Những biện pháp chống lũ lụt và phát triển thủy lợi hiện hửu được thiết kế dựa trên trận lụt lớn năm 2000. Cho tới nay (2009), chưa có trận lũ lớn tương tự xảy ra nên chưa định giá được hiệu quả của các tuyến đê ngăn lũ. Lụt định kỳ hàng năm vẫn xảy ra, khoảng 40 % diện tích của ĐBCLVN bị ảnh hưởng, mùa lụt nhiều nơi kéo dài 3-4 tháng, có nơi sâu 2-3 m, nhưng không gây thiệt hại. Đa số dân chúng sống an toàn trong khu bảo vệ bởi các đê, trên các tuyến, cụm dân cư. Một số dân chúng còn tiếp tục “sống chung với lũ” với nhiều tiện nghi hơn trước. Đời sống nhờ vậy có phần cải thiện hơn xưa.

          Tuy nhiên ĐBCLVN đang và sẽ phải đương đầu với nhiều thách đố:

 

1. Nạn nhân mản.

Dân số DBCLVN năm 2000 khoảng 16.9 triệu, hiện nay (2009) là 18 triệu. Với tỉ lệ gia tăng dân số 1.6 % hiện nay, hay 1.2 % trong tương lai như các dân tộc tiên tiến khác, dân số sẽ tăng lên 25 triệu năm 2025, và 46 triệu năm 2075. Như vậy, nhu cầu lương thực từ 5.1 triệu tấn năm 2000, lên 7.5 triệu tấn năm 2025, và 13.7 triệu tấn năm 2075, với nhu cầu thực phẩm là 300 kg/đầu người/năm như hiện nay. Cũng cần biết thêm là mật độ dân cư ở ĐBCLVN hơn 400 người/km2, gấp đôi mật độ của cả nước (7).

          Về mặt kinh tế, tuy là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam, với 50 % sản lượng lúa, 70 % lượng trái cây, 52 % thủy sản của toàn quốc, đóng góp 90 % số lượng gạo xuất cảng, và 60 % kim ngạch xuất cảng thủy sản của cả nước, dân chúng ở ĐBCLVN còn nghèo so với bình quân chung của cả nước. GDP bình quân đầu người năm 2006 ước tính đạt 493 USD, so với 729 USD của cả nước. Dân hiện sinh sống trong 3 triệu căn nhà, mà 70 % là nhà tạm bợ (15). Một số lớn dân chúng không có đất canh tác, trong lúc có người chiếm hửu trên 100 ha ruộng lúa. Hiện còn khoảng 4 triệu người trong số 18 triệu dân còn trong diện nghèo đói (26).

          Diện tích DBCLVN khoảng 3.97 triệu ha, trong số đó có 2.4 triệu ha có khả năng canh tác lúa. Nhờ các biện pháp thủy lợi biến cải từ một vụ lúa/năm thành 2 hay 3 vụ lúa/năm, tổng số vụ lúa canh tác gia tăng từ  2.251 triệu ha năm 1985, lên 3.87 triệu ha năm 1999-2000.  Nhờ vậy, sản lượng lúa đã tăng từ 4.7 triệu tấn vào năm 1976 lên 19.1 triệu tấn vào năm 2005.         

 

2. Nước biển đang dâng cao.

Trong khoảng thời gian 1955-1990, nước biển Đông đo tại Hòn Dâu dâng cao 0.19 cm/năm ở Miền Bắc (1), trung bình dâng cao 0.3 cm/năm tại trạm Vũng Tàu trong thời gian 1978-2007 (8); và như vậy, nước biển sẽ dâng cao thêm từ 20 – 27 cm vào năm 2100, còn với vận tốc dâng như IPPC tiên đoán thì nước biển sẽ dâng cao thêm 64 cm vào năm 2100 (31).

Đồng bằng Cửu Long có độ cao 0-4 m trên mực nước biển, riêng vùng Cà Mau chỉ cao hơn mực biển 0-0.5 m, trong lúc thuỷ triều cao 4 m, nên khả năng chìm dưới mặt biển khá lớn, nhất là vùng rừng ngập mặn hiện nay, và coi như một phần lớn đồng bằng bị đe doạ bởi thủy triều từ phía biển (26).

Nếu nước biển dâng cao thêm 0.2 m, khoảng 706 km2 đất ở ĐBCLVN bị chìm ngập, và nếu dâng cao 0.6 m sẽ có khoảng 994 km2 đất bị chìm ngập (6). Theo Bộ Nông Nghiệp VN, nếu mực nước biển dâng cao 1 m, ĐBCL sẽ mất từ 15,000 đến 20,000 km2 đất (Việt báo, 12/1/2008).

 

2. Sông Cửu Long biến đổi 

Theo Ủy Ban Mekong (12, 13, 14) thì thành phần cung cấp lưu lượng sông Cửu Long có 16 % nước từ Trung Quốc, 2 % từ Miến Điện, 35 % từ Lào, 18 % từ Thái Lan, 18 % từ Cambodia, và 11 % từ Việt Nam.

Lưu lượng nước chảy vào lưu vực sông Cửu Long (Mekong River) là 2,000 m3/sec vào mùa khô (Tháng 12 – Tháng 3), trong mùa mưa là 25,000 m3/sec (Tháng 7 – Tháng 11), với lưu lượng trung bình hàng năm khoảng 475 tỷ m3 nước.

Vào địa phận Việt nam, hai nhánh sông Cửu Long (sông Tiền và Hậu) có lưu lượng trung bình 53 tỷ m3 nước/năm. Vận tốc chảy trung bình trong lảnh thổ VN là 15,000 m3/giây (tại Tân Châu là 14,200 m3 nước /giây), tối thiểu 2,500 m3/giây trong mùa hạn, tối đa là 40,000 m3/giây trong mùa lủ.

Dự đoán cho biết vào năm 2070, vủ lượng trên toàn lưu vực sông Cửu Long không thay đổi mấy (chỉ giảm 5 tỷ m3 nước mưa, tức giảm khoảng 0.8 %), nhưng mưa nhiều hơn hiện nay 40% trong mùa mưa, ngược lại mùa hạn kéo dài thêm (31).

Trong vòng 30 năm qua, 13 đập nước lớn (>10MW), vài ngàn hồ nước nhỏ (Campuchia 800, Lào 600, Việt Nam 600, Thailand 4,000) đã xây dựng dọc sông Mekong và chi lưu, và hơn 100 dự án thuỷ điện lớn nhỏ trên Mekong dự trù xây dựng, sẽ đe doạ vùng hạ lưu. Riêng ở phần Trung quốc, 2 đập thủy điện đã hoạt động: (Manwan, 1993, hồ chứa 0.92 tỷ m3; Dachaoshan, 2003, hồ chứa 0.96 tỷ m3), một sắp hoạt động (Xiaowan, 2012, hồ chứa 14.55 tỷ m3), và 4 cái đang hoạch định trong đó đập Nuozhadu có hồ chứa 22.7 tỷ m3, nâng tổng số nước của 7 hồ này khoảng 55 tỷ m3, tương đương với tổng số lưu lượng chảy vào lảnh thổ Việt Nam là 53 tỷ m3 nước/năm (14). Trên lý thuyết, việc xây đập ở thượng lưu sẽ có lợi cho hạ lưu. Vào mùa mưa lũ, các đập được đóng để chứa nước nên làm giảm lũ lụt ở hạ lưu. Đập xả nước cho chạy máy điện quanh năm, tuy nhiên mùa hạn sản xuất điện nhiều hơn, nên xả nước nhiều hơn, vì vậy vùng hạ lưu có nhiều nước hơn vào mùa hạn hán.

Tuy nhiên, các quốc gia Lào, Thái Lan và Campuchia chắc chắn sẽ gia tăng hệ thống thủy lợi để gia tăng diện tích canh tác, chính vẫn là lúa. Hiện tại, tỉ số diện tích đất được dẫn thủy ở các quốc gia này chỉ khoảng 20 %, trong lúc ở ĐBCLVN là 50 %. Như vậy, trong tương lai ĐBCLVN chắc chắn sẽ thiếu nước trầm trọng vào mùa hạn.

Hơn nũa, Trung quốc vừa bắt đầu đào ba tuyến kênh nối sông Dương Tử và các nhánh sông này miền nam, trung và tây Trung Quốc dẫn nước tới miền bắc hay bị khô hạn. Dự án sẽ hoàn thành năm 2014 với tổn phí 62 t đôla (2). Vì vậy, không loại khả năng Trung Quốc trong tương lai sẽ chuyển hướng dòng Cửu Long trong lảnh thổ của họ chảy vào Trung Quốc, và như vậy hạ lưu sẽ mất khoảng 76 tỷ m3 nước/năm.

Ngoài ra, nếu có chiến tranh, Trung quốc có thể sử dụng sông Cửu Long để phá hoại kinh tế vùng hạ lưu, mà Việt Nam sẽ nhận hậu quả trầm trọng nhất. Vào mùa hạn, Trung quốc có khả năng gây hạn hán ở hạ lưu. Vì 8 đập nằm trên bậc thang, chỉ cần 6 đập bên trên hoạt động bình thường để sản xuất điện, 2 đập dưới cùng  (Ganlanba và Mengsong) đóng lại để nhận chứa nước thải từ các đập trên, và hạn chế xả nước chỉ vừa đủ sản xuất điện lực,  thì đủ làm hạn hán ở hạ lưu trong mùa hạn. Ngược lại, vào mùa lũ lụt ở hạ lưu, nhất là nhằm vào lúc thủy triều cao ở Biển Đông, Trung quốc có khả năng gây lũ lụt trầm trọng ở hạ lưu bằng cách xả lũ cùng lúc 8 cái hồ nước vỉ đại này.

Khả năng đó đã xảy ra. Giữa tháng 8/2008, nước sông Cửu Long dâng cao đột ngột gây lụt tại Vientian, Luang Prabang của Lào và các tỉnh Chiang Rai, Nakhon Pathon, Nong Khai của Thái Lan. Các cơ quan phi chính phủ cho rằng con lụt này là do 2 đập thủy điện của Trung quốc ở thượng nguồn xả lũ.

Ngoài ra, bất cứ một dự án thủy lợi nào làm thay đổi lưu lượng phát xuất từ vùng thượng lưu đến trung lưu đều có khả năng thay đổi tình trạng lũ lụt ở ÐBSCL.  Chẳng hạn, việc xã lũ từ đập thủy điện Yali của Việt Nam vào đầu tháng 8 năm 2005 đã gây lũ lụt ở hạ lưu sông Sesan trong tỉnh Ratanakiri của Campuchia và có lẽ đã làm mực nước ở nội đồng Ðồng Tháp Mười đang tăng nhanh lại càng tăng nhanh hơn vào trung tuần tháng 8 (18).

Dòng chảy sông Cửu Long thấp nhất năm 1993 và gây hạn hán trầm trọng ở Việt Nam trùng vào lúc đập Manwan hoàn thành và bắt đầu tích nước. Năm 1997, Trung quốc đóng cửa đập trong 4 ngày để sửa chửa đập, không cho nước hồ chảy vào hạ lưu, gây khô hạn ở phần đất Việt Nam, gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 100,000 USD/ngày (17).

 

ĐỀ NGHỊ BIỆN PHÁP

Việt Nam là một thành viên trong Ủy Ban Mekong. Tuy nhiên, Ủy Ban này chỉ là cơ quan cố vấn, không có quyền hạn để áp đặt lên quốc gia này hay quốc gia khác để sử dụng công bằng nguồn nước Mekong. Lịch sử qua mấy ngàn năm ở vùng này là “cá lớn nuốt cá bé”, luôn luôn tranh chấp biên giới và tài nguyên. Việt Nam phải tìm đường tự cứu mình hơn là trông chờ sự quan tâm của cơ quan này hay cơ quan quốc tế khác.

 

1. Hợp tác với các nước trong Ủy Ban Mekong

Mặc dầu phải đơn phương tự lo cho mình, Việt Nam cũng phải hợp tác với các nước trong lưu vực sông Mekong để cùng chia sẻ lợi ích chung của sông Cửu Long trong việc phát triển thịnh vượng chung cho cả khu vực, hoặc bằng các ký kết song phương với từng quốc gia, hay đa phương với cả khu vực. Đó là nghiên cứu thiết lập (i) các đập, hồ tích trử nước dư thừa trong mùa mưa để giảm thiểu lũ lụt và sử dụng nước trong mùa hạn, không có phương hại lẫn nhau; (ii) chuyển một phần nước sông Cửu Long trong lảnh thổ Campuchia vào hệ thống sông Đồng Nai để giảm thiểu lụt ở hạ lưu; (iii) giao thông đường thủy, đường bộ và phát triển kinh tế dọc ven sông; (iv) giải quyết vấn đề ô nhiểm nước sông Cửu Long.

Đặc biệt quan tâm cùng với Campuchia thiết lập đập trên sông Tonle Sap, chuyển nước lũ vào Biển Hồ trong mùa lũ, và tháo nước vào mùa hạn để Campuchia và Việt Nam cùng sử dụng. Loại đập này vừa có khả năng đóng mở giữ nước và tháo nước Biển Hồ, đồng thời tàu thuyền lớn qua lại dể dàng, nối Nam Vang với Biển Đông, Biển Tây qua lảnh thổ Việt Nam, hay ngược dòng đến Thái Lan, Lào và Trung Quốc. Vì vậy cần phải thiết kế với kỹ thuật cao, hiện đại của Hòa Lan, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nhật Bản với phuơng diện tài chánh dồi dào từ các nước này yểm trợ.

 

2. Kiện toàn hệ thống đê và thành lập nhiều polders hơn nữa

Để nuôi sống dân số gia tăng và làm dân giàu, phải biến cải phần lảnh thổ bị lũ lụt hàng năm thành khu vực an toàn, để thế nào kiểm soát được nước hoàn toàn theo ý muốn như các polders ở Hòa Lan. Vào mùa lũ có hệ thống đê cao bảo vệ, có hệ thống cống và hệ thống bơm nước hửu hiệu, bơm nước vào hay bơm nước ra polder. Có vậy, mới có thể đa canh với loại cây cần đất khô và mới có thể công nghiệp hóa nông thôn.

          Các đê dọc biên giới của ĐBCLVN cũng là xa lộ (xa lộ N1) nối dài của Xa Lộ Trường Sơn của Tây Nguyên Miền Trung cho tới Miền Bắc, và nối với Hành Lang Phía Nam (Southern Coastal Corridor) từ Cà Mau - qua Rạch Giá - Hà Tiên- Kampot- Koh Kong - Trat -  Chantabun, BangKok  cho tới Miến Điện;  và nối Hành Lang Xuyên Á từ Bà Rịa – Sài Gòn – Tây Ninh – tới Nam Vang (25).

Về phía Đồng Tháp Mười, dọc theo đê biên giới phải có nhiều cống giúp thoát nước để nước bạn Campuchia không bị ngập lụt trầm trọng và lâu dài. Nước thóat từ biên giới được đưa vào kinh được đào vét rộng và sâu hơn, và chảy tiêu thoát vào (i) hồ chứa nước Đồng Tháp Mười (nói phần 4c), và vào sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông để chảy vào sông Vàm Cỏ ra Biển Đông ở cửa Xoài Rạp. Nhưng thoát nước qua sông Vàm Cỏ rất chậm vì sông uốn khúc nhiều ở hạ lưu, cần nghiên cứu thêm việc đào kinh nối dòng thoát Vàm Cỏ Đông chảy vào nhánh Sông Sài Gòn. Chẳng hạn, hiện nay đã có hệ thống kinh nối Đồng Tháp Mười với Sông Sài Gòn qua các kinh Tháp Mười – Rạch Chanh (tức kinh Nguyễn Văn Tiếp) – kinh Thủ Thừa (nối Vàm Cỏ Tây với Vàm Cỏ Đông) – Bến Lức – Kinh Đôi – Kinh Bến Nghé hay Kinh Tẻ, cả 2 đều đổ vào sông Sài Gòn (11). Cần phải vét rộng và sâu thêm hệ thống kinh này vừa làm đường thoát lũ vừa là giao thông đường thủy dễ dàng giữa Cảng Sài Gòn về các tỉnh Miền Tây xuyên qua Đồng Tháp Mười.

Các đê cũng như các kinh cấp 1 trong đồng bằng cũng phải là đường giao thông thủy bộ cần thiết cho phát triển kinh tế.

 

3. Sửa đổi quy hoạch tổng thể và sản xuất nông nghiệp

Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phải nằm trong quy hoạch tổng thể gồm phát triển công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Tác giả sẽ đề cập 2 phần trên vào một dịp khác.

Năm 2008, ĐBCLVN sản xuất khoảng 20 triệu tấn lúa, chiếm 55 % sản lượng toàn quốc, và 2.3 triệu tấn thủy sản mà 78 % là do nuôi. Đồng bằng đóng góp 90 % lượng gạo xuất cảng của toàn quốc, và 60 % kim ngạch là do tôm xuất cảng. Tính theo số lượng xuất cảng thì lớn, nhưng không đem lại lợi tức bao nhiêu, tổng kim ngạch xuất cảng của ĐBCL chỉ có 3 tỷ USD năm 2006, không tới 10 % tổng kim ngạch xuất cảng của cả nước. ĐBCLVN có cần tiếp tục độc canh ngành lúa để xuất cảng gạo không?

Trước nhất, ĐBCLVN có đủ nước canh tác trong mùa hạn, tức vụ lúa Đông Xuân không? Trong mùa mưa, ĐBCLVN dư thừa nước để canh tác vụ Hè-Thu hay Thu Đông trên toàn thể 2.4 triệu ha đất ruộng, nhưng không đủ nước để canh tác toàn thể diện tích này trong vụ lúa Đông Xuân, tức mùa hạn, từ tháng 1 đến thàng 4.

Hiện tại, trong 5 tháng mùa hạn (từ tháng 1 đến tháng 5), ĐBCLVN chỉ nhận được số lượng nước (chảy qua sông Tiền và sông Hậu) trong giới hạn từ 1,800 m3/s (là lưu lượng tối thiểu chảy vào mùa hạn) đến 3,300 m3/s (lưu lượng tối đa vào mùa hạn), tính trung bình 2,500 m3/s, tức khoảng 32.4 tỷ m3 nước. Trong tình trạng hiện tại, khi các cửa sông chưa đóng kín bằng hệ thống đập dọc biển, chúng ta chỉ sử dụng được tối đa 30 % dung lượng nước này, tức khoảng 9.72 tỷ m3 trong canh tác nông nghiệp, kỹ nghệ và gia dụng để cả ĐBCLVN không bị nhiểm mặn và thiếu nước ngọt.

Với điều kiện khí hậu, đất đai và hiện trạng canh tác lúa ở ĐBCLVN hiện nay, trong vòng 100 ngày canh tác lúa Đông Xuân, lượng nước bốc hơi trung bình khoảng 2,400 m3/ha (biến thiên từ 1,800 đến 3,000 m3/ha, tùy tháng và địa phương), thấm lậu qua bờ bao và xuống sâu khoảng 3,500 m3/ha (từ 2,000 – 5,000 m3) (3), nhu cầu sinh học để có năng xuất cao khoảng 5,000 m3/ha, và giữ một lớp nước tối thiểu trên mặt 1,000 m3/ha, như vậy có nhu cầu  nước trung bình khoảng 12,000 m3/ha/vụ. Như vậy, ĐBCLVN chỉ canh tác tối đa được khoảng 810,000 ha lúa Đông Xuân để không ảnh hưởng nhiều tới môi trường sinh thái. Ngay cả một khi được đóng kín bằng hệ thống đê biển và cống ngăn mặn, nghĩa là hoàn toàn không bị nước biển xâm nhập, ĐBCLVN cũng chỉ sử dụng tối đa 60 % dung luợng nước này, tức canh tác tối đa khoảng 1.6 triệu ha lúa Đông Xuân, bởi vì cần một số nước giữ ở sông rạch, giữ thủy cấp cao để đồng bằng không bị lún sụp. Hiện tại, chính phủ đang khuyến khích canh tác 1.6 triệu ha cho vụ lúa Đông Xuân 1009-1010. Đó là lý do tại sao nước mặn mỗi năm càng xâm nhập sâu vào nội địa, và thiếu nước canh tác và sinh hoạt trong nhiều vùng ở ĐBCLVN giữa mùa hạn.

Gia tăng diện tích lúa Đông Xuân, dĩ nhiên chính phủ đạt được chỉ tiêu số lượng gạo xuất cảng, nhưng phần thất thiệt về năng xuất (do nước mặn, thiếu nước ngọt) và lợi tức thì người dân gánh chịu.

Gia tăng diện tích trồng lúa, gia tăng số vụ lúa/năm, và kỹ thuật thâm canh lúa hiện nay là giảm phẩm chất nước (phèn, nhiểm mặn, ô nhiểm phân bón, thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ), làm gia tăng đất bị nhiểm mặn. Trong 2 thập niên qua, canh tác lúa trong mùa khô (vụ Đông xuân) ở VN đã sử dụng nhiều nước gấp đôi số lượng sử dụng của các đồng bằng hạ lưu Cửu Long khác (14).

Để hợp lý hóa vấn đề sử dụng nước ngọt, trong lúc vẫn gia tăng lợi tức của nông dân, và tránh vấn đề độc canh lúa, cần phải quy hoạch lại chương trình sản xuất nông nghiệp đúng theo môi trường của địa phương.

 

1. Vùng duyên hải và bán đảo Cà Mau. Trước nhất phải quy định lại vùng ngọt hóa, vùng nước lợ và vùng mặn hóa trên vùng duyên hải và bán đảo Cà Mau thật rỏ ràng và có ý kiến của người dân địa phương. Việc nông dân không hợp tác và phá hủy nhiều công trình ngọt hóa ở vùng Bạc Liêu, Cà Mau kể từ 2000 cho biết việc cưởng bách dân canh tác lúa trong nhiều vùng ngọt hóa trên vùng đất vốn nhiểm mặn trầm trọng này chỉ làm dân nghèo thêm, bởi vì trồng lúa không có lợi. Canh tác lúa không có lợi ngay cả ở những vùng đất trù phú như miệt Cần Thơ, An Giang. Ngược lại, canh tác hoa màu chịu mặn và nuôi thủy hải sản đem nhiều lợi tức hơn cho người dân và mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước hơn xuất cảng lúa gạo. Vì vậy, cần giới hạn lại khu vực ngọt hóa vừa tầm với khả năng cung cấp nước ngọt, kỹ thuật ngăn chận nước mặn và khả năng tài chánh bảo toàn hệ thống. Hơn nữa không cần thiết canh tác nhiều lúa ở Bán Đảo Cà Mau. Canh tác lúa không có lợi.

Vùng duyên hải và bán đảo Cà Mau xưa nay vốn là vùng sản xuất thủy hải sản, và nông dân đã có kinh nghiệm sống chung với nước mặn. Việc thất bại nuôi tôm rầm rộ với quy mô lớn trong thập niên 1990s đã giúp cho nông dân tự tìm một mô hình thích hợp cho sản xuất ở vùng nhiểm mặn. Đó là luân canh giữa nuôi tôm trong mùa hạn khi nước mặn xâm nhập vào ruộng, và trồng lúa trong mùa mưa sau khi đất được rửa bớt muối. Với hình thức canh tác này đều cho năng xuất tôm cao (ít bệnh, ít thức ăn vì nhờ phiêu sinh từ rơm rạ mục, năng xuất trung bình 100 - 300 kg tôm/ha/) và năng xuất lúa cao (3.5 đến 5 t/ha), nhờ vậy nông dân có lời (sau khi trừ phần tổn phí) từ 8 triệu đến 50 triệu đồng/ha/năm. Trước đây, hoặc chỉ nuôi tôm, hoặc chỉ trồng lúa, nếu không phá sản thì cũng chỉ có lời chút đỉnh, “lấy công làm lời”. Mặc dầu đây chưa phải là một mô hình hoàn hảo, nhưng khả dỉ mang lại nhiều lợi tức cho người dân, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái của vùng biển. Cần phải nghiên cứu những giống lúa kháng mặn thích ứng cho vùng này, chẳng hạn như giống lúa CSR10 của Australia vẫn cho năng xuất cao ở 7 g muối/l.

Việt Nam cũng cần nghiên cứu cây phì-diệp-biển (Suaeda maritime (L.) Dum.) mọc tự nhiên trong môi trường nước biển Việt Nam. Hiện tại loại cây này đã được canh tác với nước biển để lấy hột ép thành dầu sản xuất nhiên-liệu-sinh-học, khả năng cho 1,260 l /ha so với 420 l/ha từ đậu nành. Bả ép dầu chứa nhiều protein có thể làm thức ăn gia súc và thủy sản (22). Cỏ Sporobolus virginicus canh tác ở vùng Đông Bắc Thái Lan được tưới bằng nước mặn để làm đồng cỏ cho trâu bò. Salicornia bigelovii cho dầu ăn và thân làm thức ăn gia súc. Atriplex barclyana dùng làm thức ăn cho trâu bò, đều là các loài thích ứng vùng nước mặn.

Quan trọng nhất là cây dừa là cây thích hợp vùng nước lợ, thấy trồng bất cứ nơi nào trên vùng duyên hải, nhưng chưa khai thác đúng tiềm năng. Chẳng hạn một trái dừa uống tươi ướp nứơc đá chỉ có 3,000 đồng một trái bán ở mọi tỉnh thành phố, trong lúc một chai nước uống không rỏ ngưồn gốc có dung tích tương đương có giá bán từ 5,000 đến 10,000 đồng. Nước dừa đóng hộp, vô chai được bày bán ở khắp siêu thị Âu Châu, vệ sinh và bổ dưởng hơn cả nước khoáng trong chai. Trong khi đó, người Việt Nam uống nước vô chai không nguồn gốc. Ngoài ra, dừa còn nhiều công dụng khác, và đã từng phát triển mạnh ở Bến Tre.

Canh tác rong biển (sea weed) như GracilariaEucheuma rất phổ biến ở Trung và Nam Mỹ cũng như Phi Luật Tân. Canh tác tảo biển giàu protein như SpirulinaDuvalielle (chứa từ 50 tới 70 % protein) cũng cần đặc biệt nghiên cứu để chế biến thức ăn bổ sung dinh dưởng cho người và gia súc như đã thực hiện ở Hawaii.

Với nhiều vũng đầm trong 8 tỉnh duyên hải, rất lý tưởng cho việc nuôi tôm,  cá, sò huyết (Arca granosa),  cua, ghẹ, đồi mồi, hải sâm (Holothuria scabra), tu hài (Snout Otter Clam), nghêu (clam), sò điệp (scallop), bào ngư  (abalone) hàu ngọc trai (pearl oyster), sò trai hai mảnh -xanh  (green mussel), mực, cầu gai ( nhím biển ), v.v…rong biển (rong câu), v.v. mà vùng ĐBCLVN chưa bắt đầu.

Cũng cần biết thêm là kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp hiện tại còn quá ấu trỉ, cho năng xuất quá kém, nhiều bệnh tật, nên nuôi tôm không có lời. Năng xuất chỉ 300 kg/ha ở Cà Mau đến 500 kg/ha ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre. Để sản xuất 1 kg tôm, phải cần  2 kg thức ăn, với giá 25 ngàn đồng/kg, trong khi đó giá tôm nguyên liệu quá thấp, đối với cỡ tôm 30 con /kg giá khoảng 100 ngàn đồng/kg, loại 40 con/kg giá 80 ngàn đồng/kg.  Do đó, chỉ tính riêng tiền chi phí thức ăn cho tôm đã chiếm đến gần 50 %. Cần phải nghiên cứu lại kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp theo kinh nghiệm nước người. Kỹ nghệ nuôi tôm ở Hawaii đã đạt 45 t/ha/năm với tôm-thẻ-chân-trắng (Penaeus vannamei).

Với một bờ biển trải dài hơn 600 km, với diện tích khoảng 1 triệu ha đất nhiểm mặn, cần thiết lập một viện nghiên cứu chuyên về nước mặn, tương đương với Viện Nghiên Cứu Lúa Ô Môn và Viện Cây Ăn Quả Long Định của vùng nước ngọt. Thật đáng tiếc, một vùng có nhiều tìm năng kinh tế như vậy mà chưa có một trường đại học để chuyên về nước mặn, nước lợ. Đại học Duyên Hải Nha Trang không thể đáp ứng được với nhu cấu phát triển đặc biệt của vùng này.

 

2. Trong vùng nước ngọt quanh năm. Hiện tại, nơi canh tác lúa 3 vụ/năm nên chuyển hướng canh tác 2 vụ lúa + 1 vụ hoa màu ngắn hạn (100 – 120 ngày)  trong mùa hạn như đậu nành, đậu xanh, bắp, sorgho đường ít có nhu cầu nước. Việc canh tác lúa liên tục làm đất mất dưởng chất, tích tụ nhiều chất độc (thuốc diệt cỏ, thuốc sâu và bệnh), vì để duy trì năng xuất cao, nông dân phải gia tăng số lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, v.v.

Chẳng hạn ở vùng Tân Châu, Châu Đốc, cho mỗi vụ lúa trên 1 ha ruộng nông dân bón 170 -250 kg phân Urea (46 % N), 100 kg phân DAP (chứa 18 % N+46 % P2O5), 50 – 80 kg phân ClK (60 % K2O), sử dụng 1 - 1.2 lít thuốc diệt cỏ Butachlor, xịt thuốc trừ sâu cuốn lá với Alpha Cypermerine (1 l/ha/1 lần phun, thường khoảng 3 lần) hoặc 3.6 Abamectin (0.4 l/ha/1 lần phun), trừ rầy nâu với Bassa (1 lít/ha/lần phun); hoặc Chess (1 kg/ha/lần phun, mỗi vụ từ 0-4 lần phun), trừ nhện với Kinalus (1 lít/ha/1 lần phun, 1-2 lần/vụ). Để trị bịnh lúa, dùng Validamicin 3 % (2 lit/ha/lần, 2-3 lần/vụ), hoặc Anvil 5SC (1 lit/ha/ lần phun, 2 lần /vụ) cho bệnh Khô vằn; bịnh Đạo ôn với Fuan (fuji one)1 lit/ha/lần phun, 2-3 lần /vụ;  bệnh Cháy bìa lá với Sasa (hoặc Asusu) khoảng 0.5 kg/ha/lần phun, 1-2 lần/vụ; bệnh Lem lép dùng Tilt Super 300 cc/ha/lần phun, 2-3 lần/vụ. Ngoài ra, nông dân còn dùng cả chất kích thích tăng trưởng GA3, 20 g/ha/lần phun, 1-2 lần/vụ và xịt phân bón lên lá 7-5-44-TE để nuôi hạt sau khi trổ, 1 kg/ha/lần phun, 1-2 lần/vụ. Vì vậy, tổn phí sản xuất rất cao, không có lời. Nếu năng xuất lúa khoảng 4 t/ha/vụ thì coi như lổ, lời khoảng 400,000 đồng/ha/vụ (khoảng 23 USD) nếu năng xuất 5 t/ha, lời khoảng 6 triệu đồng/ha (340 USD) nếu năng xuất đạt 6 t/ha/vụ. Thông thường, cứ 3 vụ lúa/năm thì một vụ huề vốn, 2 vụ có lời.  Năng xuất trung bình ở Tân Châu là 18 t/ha/3 vụ lúa. Ở vùng Đồng Tháp năng xuất thấp hơn, nhất là vụ Đông Xuân bị ảnh hưởng phèn và thiếu nước, coi như không lời mấy.

Việc nuôi cá đồng, cá rô Phi Tilapia trong mùa nước lũ thay cho 1 vụ lúa có thể là một mô hình hửu hiệu. Nông dân cũng có nhiều kinh nghiệm nuôi cá rô, cá rô Phi Tilapia trong ruông lúa từ thập niên 1950s.

Nuôi cá da trơn nước ngọt (cá Basa, cá Tra) trên sông và ao hồ dọc Sông Tiền, sông Hậu và các kinh đào mang nhiều lợi tức. Ở Đồng Tháp nuôi cá tra, năng xuất trung bình 150 t/ha/năm (1 vụ nuôi kéo dài 7-8 tháng, xem như 2 năm có 3 vụ cá), tuy nhiên nếu nuôi đúng kỹ thuật cho năng xuất 300 t/ha/năm. Nếu giá cá bán tại ao với giá 15,000 đồng /kg cá thì coi như huề vốn với ao cá có năng xuất 150 t/ha. Vào tháng 10/2008 giá cá tra bán tại chỗ khoảng 17,000 đồng/ kg, và giá cá xuất vào thị trường EU ở mức 3.2 USD/kg.

Trong năm 2008, ĐBCLVN có khoảng 5,102 ha diện tích ao nuôi cá tra Pangasius hypoththalmus  và ba sa Pangasius boncourtii, ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, cho sản lượng 1 triệu tấn cá, năng xuất trung bình 200 tấn cá/ha/năm, xuất cảng trên 535 ngàn tấn qua 117 quốc gia, vùng lãnh thổ (Châu Âu chiếm 48%), kim ngạch xuất cảng đạt 1.250 tỷ USD (28). Cá Pangasius có năng xuất 50- 80 tấn/ ha ở ao hồ nước ngầm , 100- 200 tấn/ha ở các ao hồ phù sa và 300- 600 tấn / ha / năm ở lồng bè cở lớn, tỉ trọng  thả cá con rất cao , bề sâu 3 m và nước chảy , thay đổi thường xuyên. Lợi tức nuôi lồng bè theo nước chảy lên đến 2 tỷ đồng VN/ ha một năm (23).

Nuôi cá lóc trong hầm ao hay trong bể có lót nylong dày, sâu 1 m, mỗi m2 nuôi khoảng 100 – 150 cá lóc con,  chỉ trong 5 tháng một lứa. Mỗi 100 m2  ao cá lót nylong, có thể lời 25 triệu đồng trong 5 tháng.

          Tôm càng cũng dễ dàng nuôi trong đồng ruộng nước ngọt khắp ĐBCLVN, nhất là vùng ngày xưa canh tác lúa cấy 2 lần ở Cần Thơ, Vĩnh Long, vì ruộng cần có một lớp nước sâu tối thiểu 0.6 m, và nước có pH = 7 - 8.5.

ĐBSCL cũng là nơi chăn nuôi trâu bò (gồm cả bò lấy thịt và bò sữa) và gia cầm thích hợp, đặc biệt là vịt thả trong ruộng, trên mương, rạch. Số vịt được nuôi ở khu vực này chiếm trên 50% cả nước. Cần phải có cánh đồng trồng cỏ dinh dưởng cao, thay vì trâu bò thả rong ăn cỏ hay rơm rạ như hiện nay.

Trên vùng đất cao dọc ven sông là nơi dành cho cây ăn trái, mà xưa nay vốn được gọi “Miệt Vườn”. Tại vùng Cần Thơ, nông dân cải thiện vườn cây tạp bằng cách lên bờ bao chung quanh để tránh ngập úng và hệ thống mương, liếp, để trồng cam, quit, bưởi. Đặc biệt chú trọng về cải thiện giống trái cây hầu bắt kịp và cạnh tranh với Thái Lan trong lảnh vực này trên thị trường quốc tế. Ở vùng Cần Thơ, trồng bửơi cho lợi tức khoảng 20 triệu đồng/ha/năm, cam khoảng 40 triệu đồng/ha/năm trong lúc lúa chỉ lời 1 triệu đồng /ha/3 vụ lúa/năm. Tuy nhiên cam VN không có khả năng xuất cảng vì trái màu xanh khi chín. Hiện tại, 90 % vườn vùng Cần Thơ là vườn tạp, đa số là chuối giống tạp, xen kẻ với cam, quit, bưởi, vườn bị ngập nước trong mùa lụt. Cần phải cải tạo các vườn này, có bờ đê ngăn lụt, có mương dẫn nước và cống giữ nước, và chuyên canh một loại cây ăn trái trên diện tích lớn theo quy chế hợp tác mới có khả năng xuất cảng và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Mía cũng có thể phát triển nhiều hơn nữa với điều kiện là phải có giống tốt, năng xuất cao và độ đường cao, nhà máy đường phải hiện đại và phải biết quản lý chương trình canh tác mía và nhà máy hợp lý mới có lời. Với kỹ thuật hiện tại, chỉ huề vốn và thua lổ. Năng xuất mía trung bình là 60-70 t/ha tùy năm với độ đường trung bình quá thấp,  8 %, có nơi chỉ có 5 % độ đường. Tổng số diện tích trồng mía ở ĐBCLVN biến thiên giữa 50,000 (hiện nay) và 87,000 ha (năm 2000) tùy theo giá mía của vụ trước.

Trên vùng đất phèn như Đồng Tháp Mười hay vừa phèn vừa giàu hửu cơ như ở vùng U Minh, phát triển trồng khóm (dứa, nhóm Queen) đóng hộp. Hiện tại năng xuất biến thiên 10 – 20 t/ha/năm. 1 ha dứa một năm có lợi tức từ 20 triệu tới 30 triệu đồng. Ở Hawaii, sau khi ép lấy nước đóng hộp, xác thơm khóm được sấy khô pha với mật đường để làm thức ăn cho bò. Khoai mì cũng thích hợp trên đất phèn.

Cây cacao hiện đang phát triển mạnh ở vùng Bến Tre. Trung bình 1 ha đất trồng xen cây ca cao với dừa cho khoảng 1.5 tấn hạt (biến thiên giữ 1 và 2.5 tấn/ha), bán với giá trên dưới 23,000 đồng/kg. Vào tháng 10/2009, giá cacao ở Bến Tre tăng tới 45,000 đồng/kg. Tập đoàn Cargill phân chất cho biết chất lượng cacao Bến Tre có hàm lượng chất béo 55 % - 56 %, thuộc loại phẩm chất hàng đầu châu Á. Có thể phát triển cho tới vùng Cân Thơ, trồng xen kẻ với cây ăn trái. Trước 1960, trồng ca cao rất thành công ở vùng Cần Thơ, nhưng không tiêu thụ được đành đốn bỏ. Ngày nay, đã có nhiều công ty mua thu góp hạt cacao ủ, như công ty ED & FMAN và Cargill.

 

4. Giữ nước ngọt trong đồng bằng.

Hiện nay, ngay vào đầu mùa hạn nước trong sông rạch đều cạn, nhiều vùng trong Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và vùng duyên hải không có nước ngọt để uống, vì phèn hoặc nước mặn trong sông rạch.

 

a. Thiết lập hệ thống cống đầu kinh. Lý do chánh, ngoài yếu tố sử dụng quá tải khả năng nước ngọt do sông Tiền sông Hậu cung cấp cho trồng lúa Đông Xuân ở đầu nguồn, các kinh dẫn nước từ sông chánh vào Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên chưa có hệ thống cống hửu hiệu để giữ nước. Vì vậy, nước lụt tràn vào nhanh, hết lụt nước cũng chảy ra nhanh.

 

b.Vét nạo sông, kinh và rạch. Sông và kinh rạch hiện tại bị phù sa lắng tụ, dòng nước bị tắc nghẻn, trở nên cạn ở nhiều nơi. Sông Tiền miệt Tân Châu bị cạn, tàu lớn không lưu thông được. Sông Vàm Nao cũng bị lắng tụ phù sa. Ngành đóng tàu vủa Việt Nam hiện nay rất phát triển. Nên đóng nhiều tàu với xáng nhiều cở để nạo vét lòng sông, và kinh rạch. Ở hạ lưu sông Mississippi, chính phủ cho phép tư nhân nạo vét sông và kinh rạch để lấy đất bán cho các công trình xây cất đô thị trong vùng đầm lầy. Việc đô thị hóa nông thôn ở ĐBCLVN cần một số đất rất lớn.

 

c. Thiết lập hồ chứa nước. Từ thời xa xưa người Phù Nam và người Khmer đã đào nhiều ao chứa nước ngọt. Vết tích những ao hồ này còn thấy nhiều nơi có sắc tộc Khmer sinh sống, như Trà Vinh, Sóc Trăng, 7 hồ khá lớn ở vùng đất cao vùng Thất Sơn.

Trong mỗi thành phố ở ĐBCLVN, nơi thiếu nước ngọt, nhất là các thành phố khép kín bởi đê chống lụt trong Đồng Tháp Mười, cần phải đào nhiều hồ tương tự như Ao Vàm Láng (Gò Công) đào năm 1993, dài 200 m, rộng 100 m, sâu 3 m, do cộng đồng Châu Âu tài trợ nhằm trữ nước mưa và nước ngọt. Tại Mộc Hóa, một hồ nước được đào năm 1956.

Ngoài ra, cần biến một số đầm lầy, ao hồ, lung, bầu thiên nhiên thành hồ chứa nước ngọt.  Chẳng hạn:

Hồ nước ngọt Búng Bình Thiên (An Phú, Châu Đốc), là một hồ nước ngọt tự nhiên, có diện tích khoảng 300 ha vào mùa hạn, khoảng 1,000 ha vào mùa nước nổi, độ sâu trung bình 4 m vào mùa hạn, 7 m vào mùa mưa, có chỗ sâu 20 m. Cần phải có hệ thống đê và cống bao quanh để giữ nước.

Đông Hồ (Hà Tiên) hiện nay là một đầm nước lợ, có chiều dài 8 km, rộng 1.2 km, có thể biến thành một hồ nước ngọt, lấy nước ngọt từ sông Giang Thành và kinh Vĩnh Tế (tương tự như tạo thành hồ Ijsselmeer từ biển của Hòa Lan).

Vịnh Ông Trăng (Cà Mau) có chiều dài 8 km, rộng 1.7 km cũng có thể biến thành một hồ nước ngọt cho vùng cực nam Cà Mau.

Trong Đồng Tháp Mười vùng thấp nhất vời nhiều đầm lầy nằm trong khu vực tứ giác giới hạn bởi các kinh Kháng Chiến – Đồng Tiến – Phước Xuyên - Tân Thanh - Lò Gạch (20), có diện tích khoảng 700 km2; trong số này hiện tại còn có trên 50,000 ha đất đầm lầy hoang vu không có dân cư. Có thể biến vùng đầm lầy này thành một hồ trử nước ngọt có khả năng tồn trử 3 tỷ m3 nước.

U Minh vốn là vùng đất thấp gồm đầm lầy thuộc các tỉnh Kiên Giang (còn 50,000 ha đất đầm lầy chưa khai thác), Hậu Giang (còn 770,000 ha chưa sử dụng), Bạc Liêu (18,893 ha đầm lầy chưa sử dụng) và Cà Mau. Trong mùa mưa, nước ngập 3 m, nhưng bị cạn và nước mặn xâm nhập vào mùa hạn. Cần phải có hệ thống đê bao quanh và hệ thống cống giữ và điều hòa mực nước, có khả năng trữ trên 10 tỷ m3 nước.

Việc thiết lập các hồ chứa nước ngọt trong ĐBCLVN rất cần thiết, vì: (i) cung cấp nước ngọt trong mùa hạn, (ii) giúp nước thẩm lậu vào các túi nước ngầm gần kiệt quệ hiện nay, (iii) giúp đồng bằng không bị lún sụp, và (iv) bảo vệ môi trường, sinh thái tự nhiên.

 

d. Sử dụng nước mưa. Với vũ lượng trên 1600 mm mưa/năm, ngày xưa người dân thường tích trử nước mưa để sinh hoạt. Nay nên khuyến khích lại việc tích trử nước mưa trong các thùng (tank) bằng kim loại hay bằng nhựa hay trong hầm ngầm tráng xi măng. Ngay cả các quốc gia tiến bộ và giàu có như Australia, người dân trong thành phố (như Brisbane) cũng đã phải tích trử nước mưa rất hiếm hoi cho sinh hoạt.

e. Gia tăng nước trong túi nước ngầm (aquifer). Dân chúng trong ĐBCLVN sử dụng nước ngầm, không những cho sinh hoạt, mà còn cho mục đích nông nghiệp và kỹ nghệ. Vùng Bán Đảo Cà Mau là vùng có nhiều giếng nhất, Cà Mau có 178,000 giếng, Bạc Liêu có 98,000 giếng. Riêng tại Cần Thơ có 32,000 giếng khoan cở nhỏ của hộ gia đình với công suất khoảng 5 m3/ngày, hơn 300 giếng cở trung bình công suất khoảng 500 m3/ngày cho trạm cấp nước nhỏ và 20 giếng qui mô lớn công suất trên 100 m3 /ngày để cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp (9). Ước tính tổng lượng nước ngầm hiện đang khai thác sử dụng toàn vùng khoảng 1 triệu m3/ngày nhưng hầu hết các địa phương trong vùng đều chưa có quy hoạch khai thác, sử dụng, và bảo vệ nước ngầm. Hiện tại, ở vùng Cà Mau, nước ngầm đã giảm sâu thêm 12 -15 m. Nếu tiếp tục bơm nước ngầm sử sụng như hiện nay sẽ có 3 nguy cơ lớn: (i) nước ngầm sẽ cạn kiệt, (ii) đồng bằng sẽ bị lún sụp và hậu quả nước biển dâng cao sẽ trầm trọng thêm, và (iii) nước mặn sẽ xâm nhập vào túi nước ngầm.

          Trong ĐBCLVN có 5 loại túi nước ngầm chính phân theo tuổi địa chất từ thời Holocene đến Upper Myocene (32), đa số và quan trọng là túi nước ngầm bị nhốt (confined aquifers) ở độ sâu bên dưới lớp sét ít thấm nước. Loại túi nước ngầm thời  Upper-Middle Pleistocene, là loại giếng ở tầng cát thô đến nhuyển tập trung ở vùng Bắc và Nam của đồng bằng. Bên dưới là túi nước ngầm trong lớp sạn đến cát của thời Lower Pleistocene, cung cấp nước có phẩm chất cao và cho nhiều nước. Dân chúng trong ĐBCLVN hiện khai thác nước ngầm từ túi thời Pleistocene. Trong ĐBCLVN nước ngầm trong túi được đầy (một phần nhỏ) lại trong mùa mưa lụt do nước thấm qua đất từ các nguồn nước mưa, sông, rạch, ao, hồ.

Nghiên cứu trong 5 năm tại Cần Thơ cho biết mực nước ngầm của tầng Pleistocene bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ thủy triều sông Hậu. Giếng ngầm tầng Holocene cách sông Hậu 1 km không bị ảnh hường, nhưng giếng tầng Pleistocene thì bị ảnh hưởng nhiều. Các giếng xa sông Hậu 3 km ít bị ảnh hưởng hơn (9).

Cần nghiên cứu các túi nước ngầm, sự chuyển vận nước ngầm và khả năng bơm nước sạch (sau khi khử và làm sạch nước) của nước mưa hay sông hồ trong mùa lũ vào các túi nước ngầm để duy trì nước ngầm, và ngăn chặn sự lún sụp của đồng bằng. Nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ có các công trình gọi là Aquifer Storage and Recovery (ASR) đã thực hiện bơm nước sạch trong mùa nước dư thừa (từ tuyết tan, nước mưa, nước hồ trong mùa mưa) vào các túi nước ngầm, để sử dụng vào mùa hạn. Luật lệ khắc khe quy định là trước khi bơm vào túi nước ngầm, nước phải được biến chế thành tiêu chuẩn sạch của nước uống để không gây ô nhiểm cho túi nước (29)

 

5. Chuyển nước sông Hậu vào U Minh.

Hiện tại, lụt được giảm thiểu ở Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên nhờ hệ thống đê và kinh đào hiện tại. Tuy nhiên, ngập lụt lại xảy ra trầm trọng hơn ở các tỉnh hạ nguồn từ miệt ranh giới An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An vì nước thóat không kịp ra biển Đông. Cần chuyển lượng nước này vào hồ chứa U Minh bằng cách nới rộng và sâu hơn các hệ thống kinh đào hiện có nối Hậu Giang với Bán Đảo Cà Mau và U Minh, như kinh Ô Môn, kinh Xà No.

 

6. Ngăn chận nước biển dâng cao, nước mặn xâm nhập

Nước biển dâng cao từ từ, phải mất hàng trăm năm mới dâng cao từ 20 cm đến 60 cm, chứ không đột ngột như nước lũ. Nước mặn hiện tại đã xâm nhập nhanh và sâu vào nội địa. Đây là một nguy cơ lớn và cấp thời phải giải quyết.

          Biện pháp làm đập, như Đập Ba Lai, trên tất cả cửa biển cho mọi con sông lớn và nhỏ trong ĐBCLVN không ổn, vì các lý do:

          (i) ĐBCLVN bị khép kín, không còn bị ảnh hưởng của thủy triều, tác động rất lớn vào môi sinh, đời sống động thực vật và con người, và tạo ô nhiểm nước bên trong.

          (ii) Lưu thông của tàu thuyền gặp nhiều khó khăn với loại đập Ba Lai hay Âu thuyền Tắc Thủ. Xây dựng những loại đập tân tiến như hệ thống Cống Chống Lụt trên sông Thames của Anh quốc, hay trên đê biển Afsluitdijk của Hòa Lan thì quá tầm tài chánh, kỹ thuật và quản lý của Việt Nam.

Một giải pháp thích hợp nhất, vừa chống mặn xâm nhập trên sông, vừa duy trì ảnh hưởng của chế độ thủy triều của Biển Đông, vừa duy trì sinh môi mặn của vùng duyên hải, vừa thuận lợi cho tàu bè lớn lưu thông là áp dụng kiểu đập ngầm (underwater sill) trên sông Mississippi của Hoa Kỳ. ĐBCLVN về mặt thủy tính tương tự như hạ lưu sông Mississippi của Hoa Kỳ

Trên sông Mississippi, nước biển xâm nhập vào khoảng 96 km (gần Myrtle Grove) kể từ cửa biển, cách New Orleans khoảng 64 km, là nơi bắt đầu có 13 công trình cấp nước sinh hoạt cho thành phố New Orleans, với số lượng 1.8 triệu m3/ngày với tiêu chuẩn lượng chloride dưới 250 ppm (phần triệu). Đây cũng là đoạn sông tàu lớn lưu thông dập dìu nhất trên thế giới. Công binh Hoa Kỳ tìm một biện pháp hửu hiệu vừa ngăn chận nước mặn vừa cho phép tàu lớn lưu thông dễ dàng, mà lại rẻ tiền so với cách làm đập nổi có cống ngăn mặn thông thường. Đó là việc thiết lập đập ngầm (underwater berm, underwater sill) (21).

          Bởi vì nước mặn có tỉ trọng (1.03) lớn hơn nước ngọt (tỉ trọng 1.0), nên nằm ở bên dưới lớp nước ngọt. Vì là dòng nước chảy, nước ngọt ở trên, nước mặn ở đáy, tạo thành một “lưởi nước mặn” (Salt wedge). Hình dáng và vị trí lưởi nước mặn thay đổi theo lưu lượng nước chảy.

 

 

 

Tiết diện lưởi nước mặn

 

Nếu lưu lượng cao, dòng chảy xiết (mùa lụt), lưởi nước mặn ở gần phía cửa biển. Nếu lưu lượng thấp (mùa khô hạn), lưởi nước mặn tiến sâu vào nội địa. Với dòng chảy lưu lượng 8,500 m3/s (300,000 cfs) thì nước mặn ở ngoài cửa biển Southwest Pass. Khi lưu lượng giảm xuống 7,079 m3/s (250,000 cfs), nước mặn xâm nhập đến Head of Pass là nơi có nhiều nhánh sông chảy ra biển. Vào năm hạn hán, như năm 1988 hay trong thập niên 1930s, lưu lượng dòng chảy chỉ còn 2,831 m3/s (100,000 cfs), lưởi nước mặn đến New Orleans (cách biển 160 km). Lưởi nước mặn có thể di chuyển từ 3 đến 5 km/ngày, xuôi dòng hay ngược dòng tùy lưu lượng dòng chảy.

 

 

Tương quan giữa lưu lượng dòng chảy và vị trí lưởi nước mặn trên sông Mississippi

 

Sau nhiều năm nghiên cứu, cùng với tài liệu đo đạc trong quá khứ, Công Binh Hoa Kỳ quyết định thiết lập một đập ngầm (underwater sill) xuyên qua sông tại vị trí cách biển khoảng 100 km, gần Myrtle Grove, cách New Orleans 60 km ở phía nguồn. Ngày bắt đầu khởi công đào vét là ngày 1/7/1988, vào ngày này đáy lưởi nước mặn ở vị trí 128 km cách cửa biển (vượt quá nơi đập ngầm 28 km).

 

Vị trí nơi thiết lập đập ngầm

 

 

Đập ngầm được xây cách mặt nước 14.1 m (để tàu lớn thông thương), có chiều dài 500 m ở khúc sông rộng 600 m. Từ mặt đập đến đáy sông là 13.5 m, mặt đập rộng 13.5 m, đáy đập rộng 34.5 m, tổng số vật liệu bơm đấp đập là  649,868 m3/ (850,000 cu yd). Công tác hoàn thành trong 4 tuần lể (ngày 1/8/2008). Tổn phí 790,000 USD (giá năm 1988) (21).

          Công trình này bảo đảm nước ngọt cho thành phố New Orleans, đồng thởi tàu lớn ra vào tấp nập trên đập. Về phía hạ ngưồn của đập ngầm thì chứa nước lợ. Để cung cấp nước ngọt cho một số ít cư dân ở hạ nguồn, dùng tàu chở nước ngọt tiêu chuẩn từ New Orleans đến hạ nguồn.

 

 

Đập ngầm chận nước mặn xâm nhập nhưng tàu lớn lưu thông được

 

Chỉ cần một đập ngầm trên sông Hậu ở vị trí từ khoảng giữa Cù Lao Dung và Trà Ôn bảo đảm được lưu thông tàu hàng lớn đến cửa Định An, đồng thời ngăn chặn được nước mặn xâm nhập quá vị trí Trà Ôn.

Cũng vậy trên sông Tiền, chỉ cần 2 đập ngầm trên sông Cổ Chiên (khúc đầu sông Láng Thé với Cổ Chiên) và sông Mỹ Tho (đoạn giữa cù lao ấp Tam Hiệp, nơi tiếp giáp sông Cửa Tiểu và sông Mỹ Tho, và Mỹ Tho).

Để ngăn chận nước mặn xâm nhập vào sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây, thiết lập một đập ngầm tại Tân Trụ.

Dỉ nhiên cần phải nghiên cứu thủy tính, nhất là sự di chuyển của lưởi mặn.

Trên các cửa sông, cửa biển mà giao thông hàng hải không quan trọng lắm, ngoài ghe tàu nhỏ, nhất là cống đập ở các đầu kinh lớn trên sông chánh, và dọc theo đê duyên hải, thiết lập các Cống đập kiểu Sà-Lan, một thiết kế mới do Viện Thủy Lợi nghiên cứu thành công (30). Lợi điểm của loại cống đập sà-lan là rẻ tiền, dể tháo ráp để di chuyển được đến vị trí mới, và ghe tàu qua lại được (30).

 

7. Thiết lập đê biển. Đây là một dự án lâu dài, bền vửng dọc theo biển Đông và Biển Tây để đáp ứng với nước biển dâng cao. Cần phải hệ thống hóa thiết kế đê biển theo tiêu chuẩn chứ không rời rạc như hiện nay. Một cách tổng quát, Biển Đông và Biển Tây rất hiền hòa, ít bảo tố so với vịnh Mexico của hạ lưu Mississippi, North Sea của Hòa Lan, vịnh Bengal của Bangladesh, hay ngay cả với Vịnh Bắc Việt, thường có nhiều trận bảo với độ tàn phá cao. Hiện tại, tạm thời thiết lập đê bằng đất có đường mặt khá rộng dùng làm đường lộ giao thông, hai bên bờ trồng cỏ Vetiver chống soi mòn do gió và sóng biển, như vài đoạn của tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện. Điều quan trọng là phía biển phải trồng rừng ngập mặn tối thiểu cũng vài trăm mét chiều rộng để cản sức sóng và giúp lắng tụ phù sa biển. Trong tương lai trước mắt, đê này sẽ thành xa lộ dọc biển nối từ Vũng Tàu đến Cửa Bồ Đề, dọc theo bờ bắc sông Cửa Lớn đến Vịnh Ông Trang, rồi dọc theo bờ Biển Tây đến Hà Tiên, nối liền với xa lộ N1 dọc biên giới Việt Campuchia.

Trên vùng biển bị soi mòn nhiều do dòng chảy của biển, như vùng Bồ Đề, cần thiết lập tường-thẳng-góc (groins) bằng đá hay gổ đặt thẳng góc với bờ biển, để chặn hay giảm sức sóng, giảm dòng chảy để phù sa lắng đọng ngay chân tường (xem phần 2).

 

8. Phát triển hệ thống đường thủy và hải cảng quốc tế

Phải quan niệm thủy lợi trong khung cảnh phát triển kinh tế và quốc phòng chung cho ĐBCLVN như thời nhà Nguyễn đã quan niệm, không chỉ hạn hẹp trong lợi ích thủy nông mà thôi.

          Việc tối tân các Cảng Cần Thơ, và các cảng ở các thành phố ven sông như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cao Lảnh, Long Xuyên, Năm Căn Cà Mau, v.v. và cảng Hà Tiên, Rạch Giá, trên Biển Tây là cần thiết, cũng như nạo vét sông Tiền, sông Hậu, Cửa Định An, các Kinh Vàm Xáng, Vĩnh Tế, Cái Sắn, Xà No, để tàu hàng trọng tải lớn có thể từ Biển Đông đến Biển Tây, đến các cảng lớn trong ĐBSCL, đến Nam Vang, Thái Lan, Lào và Trung Quốc. Nhờ sự giao thương rộng mở, kinh tế ĐBCLVN mới có cơ hội phát triển được.

          Trong hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật và các quốc gia trong tiểu vùng Mekong gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Miến Điện và Thái Lan từ ngày 6 đến 8 tháng 11 năm 2009, chánh phủ Nhật cam kết dành 5.5 tỉ đôla Mỹ trong ba năm cho năm nước khu vực sông Mekong, với khoản vay lãi thấp, cho các dự án như đường cao tốc kết nối khu vực, dự án nước và đào tạo công nghệ (2). Đây là một dịp may mà Việt Nam phải chụp cơ hội để phát triển ĐBCLVN.

 

 

CẢM TẠ: Tác giả chân thành cảm tạ Giáo Sư Tôn Thất Trình (Hoa Kỳ), Giáo sư Thái Công Tụng (Canada) đã đọc bản thảo và cho nhiều ý kiến quí giá. Tác giả không quên cám ơn Ông Trần Công Bình (Tân Châu), Bác sỉ Nguyễn Thái Thới (Mộc Hóa) và một số cựu sinh viên Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ, học viên Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ đã cung cấp tài liệu báo chí trong nước, hướng dẫn quan sát và thu thập dử kiện tại địa phương.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Anonymous (2005). Global warming and Vietnam.

 http://www.tiempocyberclimate.org/portal/archive/vietnam/preface.htm

2. BBC ngày 7/11/2009.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/11/091106_japan_mekong_pledge.shtml

3. Dương văn Chín (2008). Tưới nước tiết kiệm cho lúa Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long. Báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 23/1/2008.

4. Đặng Kim Sơn (2008). Thủy lợi và phát triển nuôi trồng thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long.
http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=1589

5. FAO  1998. Flood management and mitigation in the mekong river basin.

 http://www.fao.org/docrep/004/ac146e/AC146E00.htm

6. Kỷ Quang Vinh (2008). Lower Mekong Delta and climate change: site and areas vulnerable to climate change. PPS.
www.eepsea.cc-sea.org/pages/ppt/C02_KyQuangVinh.pdf

7. Kỷ Quang Vinh (2009). 10 năm môi trường thành phố Cần Thơ.
http://thnlscantho-2.page.tl

8. Kỷ Quang Vinh (2009). Cantho city climate change and resilience works. Seminar held by the University of Can Tho, 5 October 2009

9. Kỷ Quang Vinh, Lương Hồng Tân & Thomas Nuber (2009). Một số vấn đề trong sử dụng nước ngầm ở thành phố Cần Thơ.

10. Lê Anh Tuấn. Các đập nước và hồ chứa ở thượng nguồn:có hay không nguy cơ môi sinh tiềm ẩn cho hạ nguồn sông mekong?

http://www.vncold.vn/Web/Content.aspx?distid=230

11. Lê Công Lý (2009). Lịch sử kinh Nguyễn Văn Tiếp ở Đồng Tháp Mười. http://vn.myblog.yahoo.com/lecongly83/article?mid=416

12. Mekong River Commission (1997).

13. Mekong River Commission (November 2005) Overview of the hydrology of the Mekong Basin

14. Mekong River Commission (2006). Mekong Hydrological, Environmental and Socio-Economic Modelling Tools for the Lower Mekong Basin Impact Assessment. WUP-FIN Phase 2 Final Report – Part 2: Research, Findings and recommendationst

15. Nguyễn Hửu Thái (2008). Đồng bằng Cửu Long – một cái nhìn từ bên ngoài.

16. Nguyễn Minh Quang (1999). Đại Cương Về Xâm Nhập Nước Mặn tại DBSCL. http://www.vastvietnam.org/quang/qgman.html

17. Nguyễn Minh Quang. 2003. Hydrologic impacts of china’s upper mekong dams on the lower mekong river.
http://www.mekongriver.org/publish/qghydrochdam.htm

18. Nguyễn Minh Quang (2006). Những vấn đề thủy lợi ở ĐBCLVN. 7 Phần.  http://www.vastvietnam.org/

19. Ngô Trọng Thuân.  Dòng chảy mùa cạn ơ đồng bằng sông Cửu long. Tuyển tập báo cáo Hội thảo khoa học lần thứ 10 - Viện KH KTTV & MT

20. Thái Chí Bình (2006): Thử xác định vị trí hai túi nước của Miền Tây Nam Bộ.
http://www.ou.edu.vn/vietnam/files/tapsankhoahoc/2006/PDF/So%2004(10)/
tskh04(10)_page68.pdf

 

21. Timothy L. Fagerburg; Michael P. Alexander (1994). Underwater Sill Construction for Mitigating Salt Wedge Migration on the Lower Mississippi River. Miscellanous paper HL 94-1.
http://chl.erdc.usace.army.mil/chl.aspx?p=s&a=Publications!385

22. Tôn Thất Trình (2008). Phì diệp biển nuôi trồng bằng nước biển làm rau và nhiên liệu sinh học chăng? http://nongnghiepphothong.page.tl/Phi-diep-bien.htm

23. Tôn Thất Trình (2009). Những hướng phát triển tỉnh Trà Vinh. http://nongnghiepphothong.page.tl/TraVinh.htm

24. Tôn Thất Trình (2008). Xây dựng Hành Lang Xuyên Á Việt Thái Miên thứ hai, nối Biển Đông Việt Nam với biển Andaman Miến Điện, và đẩy mạnh phát triễn tỉnh Tây Ninh. http://nongnghiepphothong.page.tl/HL-Xuyen-A.htm

25. Tran Thuc and Hoang Minh Tuyen Hydraulics computations for the lower Mekong river basin to study flood drainage for the plain of reeds in Vietnam:
 http://www.mekongnet.org/images/5/55/Thuc.pdf

26. UNDP (2008). Viet Nam’s Community Based Adaptation Country Programme Strategy (CBA CPS).

http://www.undp-adaptation.org/projects/websites/ docs/Final_CBA_CPS_(SGP_Viet_Nam).doc

27. Văn Hửu Huệ. Những thách thức cho phát triển thủy lợi ĐBSCL.
http://vinhlong.agroviet.gov.vn/tapchi.asp?sotc=11/2008&ID=1105

28. Vô danh (2008). Đồng bằng sông Cửu Long: Kim ngạch xuất nhập khẩu cá tra, ba sa đạt 1,250 tỷ USD:

http://www.agro.gov.vn/news/newsDetail.asp?targetID=11463

29. Vô danh (2009). Aquifer storage and Recovery.

http://www.edwardsaquifer.net/asr.html

30. Vô danh (2009). Công nghệ đập sà lan – một giải pháp thủy lợi cho vùng lũ. Nhân Dân, ngày 11/11/2009.

http://mail.google.com/mail/?hl=en&shva=1#inbox/124ee4f9072f1f97

31. Whetton, P.1994. Constructing climate scenarios: the practice. In: Climate Impact Assessment Methods for Asia and the Pacific [Jakeman AT and AB Pittock (eds)]. Proceedings of a regional symposium, Australian International Development Assistance Bureau, 10-12 March 1993, Canberra, Australia, pp 21-27.

32. Ian White (2002) Water management in the Mekong Delta: Changes, conflicts and opportunities. Technical Documents in Hydrology, No 61.UNESCO, Paris, 2002.

 

Reading, UK, 11/2009

 
  Số người đọc 399519 visitors (1035241 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free