Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Gioi han tuoi tho
 

ĐẾN ĐÂU LÀ GIỚI HẠN CỦA TUỔI THỌ?
 Nguyễn Thượng Chánh, DVM
 
 Tuổi thọ (longévité) trong điều kiện sức khoẻ bình thường, không ngừng gia tăng thêm mãi tại các quốc gia kỹ nghệ giàu có... Sự gia tăng nầy thật ra phải được xem như là một sự kéo dài của tuổi trẻ (jeunesse) hơn là một sự kéo dài của…tuổi già (vieillesse).
 
Tại sao chúng ta già? Tuổi thọ đến lúc nào sẽ dừng lại? Nhân loại đã đạt được đến mức nầy hay chưa?
 
Người viết xin tóm lược sau đây những vấn đề tuổi thọ nhìn qua lăng kính hoàn toàn khoa học của giáo sư Jean Claude Ameisen qua tác phẩm nổi tiếng: «La Sculpture du vivant: le Suicide cellulaire ou la Mort créatrice».
JC Ameisen. Professor of Immunology, Paris 7/ Xavier Bichat school of Medicine. Head of the Research laboratory “Programmed cell death, Aids pathogenesis and host/pathogen interactions”. Chairman of the Ethics Committee of France National Institute of Health (INSERM)
 
Mấy năm trước đây, cụ bà Jeanne Calment người Pháp được chính thức xem là người có tuổi thọ cao nhất. Bà được sinh ra vào năm 1875, sống một mình đến 110 tuổi, sau đó tiếp tục sống đến giai đoạn cuối của cuộc đời trong viện dưỡng lão cho đến năm 1997 thì qua đời, thọ trên 122 tuổi.
 
Trong lãnh vực động vật, tuổi thọ là thước đo của sinh thái (biodiversité). Chim họa mi canari có thể sống đến 10 năm, bò 30 năm, quạ 100 năm, cá voi 150 năm, rùa 200 năm...
 
Sự khác biệt về tuổi thọ cũng có thể xảy ra cho các cá nhân trong cùng chung một chủng loại với nhau.
 
Tuy có cùng một hành trang di truyền y như nhau, nhưng ong chúa (reine) có thể sống đến 5 năm trong khi các ong thợ (ouvrière) chỉ sống không quá 2 tháng và lại tùy thuộc vào thực phẩm được cung cấp cùng mùi vị sinh dục (phéromones) của ong chúa tiết ra...
 
Tại sao tất cả mọi sinh vật đều phải già để cuối cùng chết đi?
 
Đây là một vấn đề hết sức phức tạp.
 
Từ lâu, các nhà khoa học đều gán cho mỗi chủng loại một khả năng thích ứng để tồn tại và truyền giống (reproduction).
Vậy, liệu sự già và sự chết có đem đến cho sinh vật một lợi ích gì không?
Kết quả của hiện tượng tiến hóa (évolution) trong một chủng loại được căn cứ trên sự kiện các sinh vật có thể sinh sản để bảo tồn nòi giống của chủng loại.
Những đột biến (mutation) có lợi cho tuổi già có thể tích tụ dần dần một cách ngẫu nhiên (aléatoire) trong mỗi chủng loại.
 
Kết quả của các đột biến vừa kể sẽ không làm tổn hại đến khả năng tiến hóa của chủng loại với điều kiện là đột biến không được xảy ra sau tuổi sinh sản và truyền giống.
 
Trong một môi trường càng khắc nghiệt hay không thích nghi, cộng thêm với sự hiện diện của thú ăn mồi (prédateurs) thì sự tích tụ đột biến càng gia tăng nhiều hơn nữa trong mỗi chủng loại.
 
Trong mỗi tế bào của cơ thể, hay còn gọi là tế bào mẹ, đều có sự hiện diện của những phân tử xấu (do độc tố, cặn bã, ảnh hưởng xấu từ môi trường bên ngoài, v.v...). Có thể gọi những thành phần nầy là những phân tử sát thủ (executeur) để hủy hoại tế bào.
 
Bên cạnh những phường gian ác hiếu thắng, tế bào cũng có chứa những phân tử bảo vệ (protecteur) nhờ đó mà có thể ngăn chặn được tác hại của sát thủ khi đến tuổi sinh dục.
 
Cũng may trong tiến hóa, cơ thể giữ lại các phân tử bất hảo lại cho chính nó chớ không truyền sang cho các tế bào mầm (cellules germinales) hoặc cội nguồn của tế bào con (cellules filles).
 
Bỏ lại sau lưng nỗi khổ đau nhọc nhằn đắng cay của tế bào mẹ, tế bào con (noãn và tinh trùng) khởi đầu cuộc hành trình của mình từ zéro với một di sản hoàn toàn trong sáng và mới mẻ để tạo lập ra một con người mới.
 
Như vậy, sự già nua không phải chỉ là một sự sai lầm đáng tiếc của tạo hóa, nhưng đó cũng là một mặt trái của cuộc đời, một cái giá phải trả cho tất cả sai lầm của chúng ta trong quá khứ.
 
Sự lão hóa cũng có thể được xem như là phần đối kháng của sinh dục (reproduction), chẳng khác nào các bậc cha mẹ phải chấp nhận gánh chịu tất cả lỗi lầm hay tội lỗi trên thế gian nầy, để mong sau cho con cháu chúng ta có được một tương lai tươi sáng và huy hoàng hơn, trong một xã hội hoàn mỹ hơn...
 
Qua một cái nhìn khác, sự già nua có thể được xem như là hậu quả tất yếu của những lỗi lầm, món nợ phải trả cho tuổi niên thiếu. Nếu nhìn một cách lạc quan hơn, thì sự lão hóa là kết tinh của tất cả các thành tích chớ không phải chỉ là những sai lầm trong quá khứ!. 
 
Sinh vật đơn bào và sinh vật đa bào
 
Cho mãi đến năm 1960, người ta còn nghĩ rằng sự già và sự chết đã bắt đầu bám theo sự xuất hiện của các sinh vật đa bào (pluricellulaire, multicellulaire), chẳng hạn như các loài thực vật và động vật trong đó có cả loài người từ hơn một tỉ năm.
 
Để lưu truyền nòi giống các tế bào sinh dục (tinh trùng và noãn) đã phối hợp lại với nhau để tạo ra một sinh vật mới.
 
Còn đối với các sinh vật đơn bào (unicellulaire) như vi khuẩn và các loài men hoặc nấm vi sinh, chúng chỉ có một tế bào duy nhất nên cách sinh sản của chúng là phân cắt làm đôi thành 2 tế bào y như nhau và sau đó thì mỗi tế bào này phân cắt tiếp thành 2 tế bào khác, vân vân và vân vân...
 
Qua sự kiện nầy, theo lý thuyết có nghĩa là chúng không bao giờ già và chết đi được.
 
Thực tế gần đây, khoa học đã cho biết là sinh vật đơn bào vẫn phải bị sự chi phối và program của hiện tượng già và chết đi như tất các loại sinh vật đa bào. Bằng chứng là một vài loại vi khuẩn và nấm có nguồn gốc từ 3 - 4 tỉ năm về trước, cũng phải kinh qua giai đoạn lão tử như tất cả mọi sinh vật khác.
 
Một tế bào nấm hay là tế bào mẹ chỉ sinh sản ra lối 20 thế hệ tế bào con (cellules filles) sau đó thì trở nên triệt sản (stérile) và chết đi. Cái vẻ vĩnh cửu của một khối men (levure) không phải là hình ảnh của một khối tế bào mãi mãi trẻ trung nhưng là sự kết tụ tiếp nối theo mãi mãi của hằng hằng sa số tế bào phù du.
 
Lý do tế bào mẹ phải chết đã bắt nguồn từ việc tích tụ dần dần của các thành phần sát thủ (executeur), còn gọi là phân tử có hại cho tế bào... Khi phân cắt ra tế bào con, tế bào mẹ vẫn giữ lại cho mình những sát thủ nên phải chịu hậu quả theo thời gian. Ngược lại, tế bào con thì bắt đầu bằng một gia tài trọn vẹn mới không một vẩn đục trong cuộc sống.
 
Sự bất tương đồng giữa thế hệ mẹ có thể xem như là một cơ chế thiết yếu của sự tiến hóa để làm xuất hiện và lưu truyền một hiện tượng bí hiểm đó là sự trẻ trung hóa. Mỗi một tế bào con khi sinh ra đều thụ hưởng như tổ tiên chúng cách đây trên một tỉ năm, một tiềm năng để được trẻ trung và có thể sinh sản.
 
Qua hiện tượng lão hóa của tế bào để rồi sau đó chúng chết đi, chúng ta tự hỏi phải chăng đây là một sự nhiệm mầu của tạo hóa, một tế bào khi chết đi sẽ tạo điều kiện cho một tế bào khác xuất hiện ra...Trong cái sống đã hiện hữu cái chết và ngược lại.
 
Thời gian già có giống nhau ở tất cả mọi chủng loại hay không?
 
Giai đoạn già rất thay đổi tùy theo từng chủng loại. Ngày nay khoa học cho biết con người có thể tăng thêm tuổi thọ không phải bằng cách kéo dài tuổi già ra nhưng thật sự là bằng cách kéo giai đoạn trẻ trung...dài thêm ra.
 
Tuổi thọ tăng nhiều tại các quốc gia kỹ nghệ
 
Từ 150 năm nay, tuổi thọ không ngừng tăng thêm lên mãi trong cộng đồng nhân loại trên thế giới.
 
Tuổi thọ trung bình là:
-          Năm 1850: 40 tuổi
-          Năm 1950: 65 tuổi
-          Ngày nay: 75-80 tuổi
 
Từ 50 năm qua, tuổi thọ không ngừng gia tăng là nhờ vào sự giảm tử suất ở trẻ sơ sanh cũng như ở người truởng thành.
 
Tại Nhật bản ngày nay, một người phụ nữ ở lứa tuổi 65 có xác xuất để bà ta sống qua khỏi tuổi 80, là 50 lần nhiều hơn năm 1950.
 
25 năm trước đây, có 1000 cụ Nhật bản thọ trên 100 tuổi và ngày nay số này đã tăng lên 2800 người .
 
Tại Pháp, 35 năm về trước, có 1000 cụ ông, cụ bà sống trên 100 tuổi và ngày nay số này nhảy vọt lên 1500 người.
 
Vậy, tuổi thọ có giới hạn không? Câu trả lời là có, nhưng không ai có thể xác định chính xác được đến mức nào thì tuổi thọ phải dừng lại...
 
Các tiến bộ về khoa học, về y khoa, phòng bệnh, dinh dưỡng, môi sinh, về nếp sống mà chúng ta đang thụ hưởng hiện nay đã dự phần đáng kể trong việc làm gia tăng tuổi thọ trong tương lai.
 
Tăng tuổi thọ là một chuyện, nhưng phải là tuổi thọ trong sức khỏe mới  là chánh yếu
 
Ngày nay, tổng số cụ ông và cụ bà thọ trên 100 tuổi cũng nhiều hơn ngày xưa gấp bội, và đặc biệt hơn nữa là số người sống trên 100 tuổi trong điều kiện “sức khỏe bình thường” của tuổi tác cao cũng rất nhiều.
 
Các dấu hiệu bên ngoài của lão hóa đã thay đổi một cách kín đáo, đến độ mà chúng ta không còn ý thức đến nó nữa. Hình một cụ ông 65 tuổi chụp cách đây 60 năm, có vẻ già hơn một cụ ông cùng lứa tuổi ngày nay.
 
Thật vậy, càng ngày các dấu hiệu của sự già nua càng bị đẩy lùi ra xa. Cùng với tuổi già, bệnh tật cùng bắt đầu xuất hiện ra mà đặc biệt nhất và nguy hiểm nhất là khoảng từ 60 đến trên 80 tuổi. Đó là bệnh cancer, bệnh tim mạch, và các bệnh lý về sự thoái hóa của hệ thần kinh (neurodégénérative).
 
Từ 90 tuổi trở đi, xác xuất chết sẽ giảm thiểu đi so với giai đoạn trước đó.
 
Người ta thường không chết cùng một nguyên nhân ở tuổi 70 và ở tuổi 100.
 
Trong giai đoạn từ 90 tuổi trở lên, các cụ chết vì cơ thể yếu đi, lực cơ giảm nhiều khiến dễ bị té ngã chấn thương, bắt buộc phải nằm giường, không thể ăn uống được như xưa và bị mất sức. Hệ miễn dịch bị suy giảm đi rất nhiều nên dễ bị bệnh, để cuối cùng...thì quy tiên mà chúng ta thường gán cho các cụ chết vì bệnh già.
 
Có thể nào làm giảm ngắn lại giai đoạn nguy hiểm của tuổi 60-80 hay không?
 
Các nhà khoa học hy vọng có thể làm giảm bớt sự xuất hiện của bệnh tật bằng các biện pháp phòng ngừa. Thí nghiệm ở thú cho biết, mỗi khi tuổi thọ của con vật tăng lên 30%, thì không những hiện tượng lão hóa được làm chậm lại mà các bệnh liên hệ đến tuổi già cũng ít xuất hiện ra hơn.
 
Vật thí nghiệm tuy già nhưng sinh hoạt như những vật còn trẻ tuổi.
 
Ngoài các loại thuốc men ra, một số phương pháp khác cũng có thể được đem sử dụng. Chẳng hạn như việc giúp chuột vận động thường xuyên, bằng cách cho nó chạy trong bánh xe đặt trong lồng, sẽ giúp nó cải thiện trí nhớ và làm chậm sự xuất hiện của các bệnh liên hệ đến tuổi già.
 
Ảnh hưởng của di thể (gène) và ảnh hưởng của môi trường
 
Thí nghiệm ở các cặp song sinh thật (vrais jumeaux) cho thấy, môi trường sống ảnh hưởng đến 75%, so với 25% ảnh hưởng của gène trên tình trạng sức khỏe của một sinh vật.
 
Ảnh hưởng của y khoa và môi trường
 
Lối sống của chúng ta, thí dụ như có rượu chè hút xách không, có cuộc sống lành mạnh không, v.v... chắc chắn là sẽ có ảnh hưởng đến tuổi thọ.
 
Thật vậy, y khoa giữ một vai trò thiết yếu trong việc phòng và trị bệnh tật, nhưng thuốc men không thể giúp giải quyết được hết tất cả các vấn đề sức khỏe của chúng ta.
 
Để cho sức khỏe và tuổi thọ được tốt, thì cần phải có sự phối hợp và hổ trợ của nhiều lãnh vực khác nhau chẳng hạn như sinh học, y khoa, tâm lý học, xã hội học, văn hóa, pháp lý và kinh tế, v.v...
 
Ai cũng biết là tình trạng béo phì (obésité) càng ngày càng gia tăng tại các quốc gia Tây phương, và nó có ảnh hưởng rất nhiều trên tuổi thọ của người dân.
 
Vấn đề nghỉ hưu cũng có thể ảnh hưởng trên tuổi thọ của một số người. Đối với nhiều người, nghỉ hưu là sự gián đoạn trong sinh hoạt chuyên môn và có thể kéo theo sự gián đoạn với xã hội và với môi trường sống.
 
Già và chết chỉ là lẽ thường tình của tạo hóa mà thôi!
 
Hiện tượng già không phải là một tai nạn đáng tiếc, nhưng đó là hậu quả tất yếu của tuổi trẻ và sinh sản.
 
Chết để tạo điều kiện cho một sự sống khác có thể tiếp nối được.
 
Cũng như hình ảnh hào hùng của loài cá hồi saumon sống ngoài biển nhưng can đảm, bất chấp mọi khó khăn và hiểm nguy, vượt ghềnh, vượt thác, ngược dòng trở về lại thượng lưu, nơi mà ngày xưa chúng được sinh ra. Và tại nơi nầy, vùng nước ngọt hiền hoà, cá mẹ sẽ đẻ trứng và chết liền ngay sau đó. Thân xác của mẹ trở thành nguồn thực phẩm vô cùng quý báu giúp cho bầy cá con có đủ sức mà tìm đường ra biển, để trưởng thành, và để tiếp nối một cuộc sống khác!.
 
Kết luận
 
Kiếp nhân sinh rất phù du hư ảo.
 
Chúng ta chỉ là một dân tộc ô hợp được kết tinh bởi hằng tỉ tế bào tác động lẫn nhau để tạo nên thân xác và trí tuệ.
 
Ngày nay, mọi người đều biết rằng tất cả tế bào đều có khả năng tự hủy diệt trong vòng vài tiếng đồng hồ. Sự tồn vong của tế bào ngày nầy qua ngày nọ tùy thuộc vào khả năng tiếp nhận được các tín hiệu khả dĩ giúp ngăn chặn lại việc tự sát của chúng. Sự mong manh và tính hổ tương giữa các tế bào lẫn nhau để tồn tại là động lực vô cùng mạnh mẽ giúp cho thân xác chúng ta có thể tái tạo lại được một cách thường xuyên.
 
Chết, không còn được biểu hiện qua hình ảnh ghê rợn của lưỡi hái tử thần, nhưng thay thế vào đó là một hình ảnh thật mới mẻ của nhà điêu khắc tài ba trong lòng cuộc sống, tẩn mẩn nhồi nắn để dần dần làm ló dạng ra một hình thể mới với tất cả sự phức tạp của nó.
 
Nhãn quan mới mẻ này đã làm đảo lộn ý niệm của con người về cuộc sống.
 
Nó giúp chúng ta có thể lý giải lại được hầu hết các bệnh tật, tạo thêm niềm hy vọng về cách chữa trị, và đồng thời làm thay đổi nhận thức về tuổi già.
Nous sommes chacun une nébuleuse vivante, un peuple hétérogène de milliards de cellules, dont les interactions engendrent notre corps et notre esprit. Aujourd'hui, nous savons que toutes ces cellules ont le pouvoir de s'autodétruire en quelques heures. Et leur survie dépend, jour après jour, de leur capacité à percevoir les signaux qui empêchent leur suicide. Cette fragilité même, et l'interdépendance qu'elle fait naître, est source d'une formidable puissance, permettant à notre corps de se reconstruire en permanence. A l'image ancienne de la mort comme une faucheuse brutale se surimpose une image radicalement nouvelle, celle d'un sculpteur au cœur du vivant, faisant émerger sa forme et sa complexité.
Cette nouvelle vision bouleverse l'idée que nous nous faisons de la vie. Elle permet une réinterprétation des causes de la plupart de nos maladies et fait naître de nouveaux espoirs pour leur traitements. Elle transforme notre compréhension du vieillissement.
(Le Sculpture du vivant: le Suicide cellulaire ou la Mort créatrice. J.C Ameisen)
Vậy, sanh bệnh lão tử chỉ là lẽ thường tình của tạo hóa mà thôi!.
Chẳng mất mà cũng chẳng còn, chỉ là biến đổi lẫn nhau mà thôi… (rien ne se perd, rien ne se crée, tout se transforme. Lavoisier)
          Vieillir en beauté, c’est vieillir avec espoir,           Già an lạc là già trong hy vọng,                            
            Être content de soi en couchant le soir.                  Lòng sung mãn trong giấc mộng bình an.
            Et lorsque viendra le point de non recevoir,           Khi số tận kêu ta dừng bước tiến,
            Se dire qu’au fond, ce n’est qu’un au revoir.        Chỉ là tạm biệt, vô thường có không.
                                         Ghyslaine Delisle                                                      Nguyễn thượng Chánh

 
            Tham khảo:
 
-          J.C Ameisen. La Sculpture du vivant: le Suicide cellulaire ou la Mort créatrice.
http://cmb.ehess.fr/document233.html
 
http://lasculptureduvivant.free.fr/
-          J.C Ameisen. La longévité a-t-elle une limite? Pour la Science no 355, mai 2007
-          
-           Matt Rosenberg. Life expectancy. About.com Aug 19, 2007
http://geography.about.com/od/populationgeography/a/lifeexpectancy.htm
-           Mort programmée. JDN/science
http://www.journaldunet.com/science/biologie/dossiers/06/vieillissement/7.shtml
-          Longévité. Les États unis perdent du terrain.Cyberpress.ca
http://www.regime-facile.fr/actualite/actu-mincir-longevite-les-etats-unis-perdent-du-terrain-641.html
-            Tuổi thọ của người Mỹ. Nguoiviet online. 11/6/2008
 
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=79867&z=14
-          Tuổi thọ của người Việt Nam  đạt 73,1. VietnamNet. 2/1/2006
http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2006/01/528496/
-          Bs Nguyễn văn  Đích. Sống Lâu
http://www.thoi-nay.com/index.asp
 
      Montreal, July 29, 2009

Trở lại trang KH&NN
 
 
  Số người đọc 423242 visitors (1094372 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free