Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Khao co va nong nghiep Mien Nam 1
 


KHẢO CỔ HỌC VÀ
NỀN NÔNG NGHIỆP CỔ MIỀN NAM
 
Trần Văn Đạt, Ph.D.
 
 
 
1.       Mở Đầu
 
Vùng đất Nam Phần chạy dài từ nơi tiếp giáp với các cao nguyên Bảo Lộc-Di Linh đến tận mũi Cà Mau, thường được chia làm hai miền theo độ cao trên mực nước biển: vùng đất hơi cao ở phía đông bắc gọi là Miền Đông Nam Phần và vùng đất thấp, bằng phẳng với nhiều sông rạch ở phía tây nam gọi là Miền Tây Nam Phần hay Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Miền Đông Nam Phần hiện nay có dân số độ 13,8 triệu người và diện tích 34.808 cây số vuông (Tổng Cục Thống Kê, 2006), gồm nhiều ngọn đồi gợn sóng, ít ngọn núi nằm rải rác như núi Chứa Chan, núi Bà Rá, núi Bà Đen, núi Châu Thới… Miền đất này có độ cao trung bình từ vài chục thước đến 100-200 m và có địa hình thấp dần khi hướng ra biển, với sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, nhiều đầm lầy, rừng đước, bần ngập mặn, như Rừng Sác. Đất đai cấu tạo bằng đất đỏ do lớp phún thạch núi lửa và đất xám phù sa cổ, với các sông lớn như sông Đồng Nai, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Ngành trồng lúa nước vẫn còn quan trọng, nhưng các loại cây kỹ nghệ cũng không kém ưu thế, được phát triển liên tục trong hai thập niên vừa qua, chủ yếu cây cao su, cà phê, tiêu, điều, cây ăn quả. Ngoài ra, còn có lâm sản và thủy hải sản và ngành công nghiệp đang phát triển mạnh ở vùng này. Miền Đông hiện nay gồm các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, và Sài Gòn.
 
Miền Tây Nam Phần có độ cao thấp, trung bình độ 1-2 m trên mực nước biển, có dân số độ 17,4 triệu người (2006) và diện tích 40.605 cây số vuông, được tạo thành do phù sa mới của sông Cửu Long và một phần nhỏ của sông Đồng Nai, có những giồng cát cao đến 5 m ở ven biển. Đất hơi cao ở biên giới Việt-Miên và có chiều hướng thấp dần đến 0,5 m khi tiến về biển. Đất đai bằng phẳng, nhiều đầm lầy ẩm thấp, sông rạch chằng chịt. Có ít ngọn núi thấp, cao vài trăm thước ở tận cùng xứ sở và giáp nối với nước Cao Miên, như dãy núi Thất Sơn, gồm 7 núi: Núi Cấm, núi Tượng, núi Cô Tô, núi Sam, núi Két, núi Nước và núi Dài Lớn. Ở nội địa, có ba vùng trũng thấp rộng lớn là Đồng Tháp Mười (700.000 ha), khu Tứ Giác Long Xuyên (489.000 ha) (theo Wikipedia) và vùng U Minh (270.000 ha) (Nguyễn Văn Ngưu, 2002). Ngoài nông nghiệp trồng lúa chủ yếu, còn có ngành cây ăn quả, thủy hải sản, chăn nuôi, lâm sản... ĐBSCL gồm 13 tỉnh và thành phố: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Thành Phố Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, và Kiên Giang.
 
Cách nay độ 4.000 năm (thời đại đồ đồng và sơ kỳ thời đại đồ sắt), đã có sắc dân thuộc bộ tộc như Xtiêng, Châu Ro, Mạ… sống theo lối du canh với nghề săn bắt và hái lượm ở miền Đông Nam Phần. Vương quốc Phù Nam (từ chữ Fu Nam của Tàu), gồm nhiều sắc tộc Malayo-Polynesian xuất hiện ở miền nam của bán đảo Đông Dương từ thế kỷ thứ II tr. CN đến đầu thế kỷ VII sau CN, với đế đô Vyadhapura ở tỉnh Prey Veng của Cao Miên ngày nay. Trong thời kỳ hưng thịnh, vương quốc Phù Nam trải rộng từ Miền Nam Việt Nam đến châu thổ sông Menan của Thái Lan, Miến Điện và xuống đến các nước Malaysia và Indonesia. Người Phù Nam có nguồn gốc Úc-Á, chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nên người dân theo đạo Hồi, Ấn Giáo và Phật Giáo. Đến giữa thế kỷ VII, nước Phù Nam suy tàn, bị một vương quốc nhỏ gốc Khmer ở phía bắc của nước này chiếm lấy và thành lập nước Chân Lạp. Trong thế kỷ thứ IX và X, nước Chân Lạp bị phân chia bởi hai nhóm luôn đối nghịch nhau, có lúc trở thành 2 vương quốc nhỏ: Lục Chân Lạp là phần đất cao, nước Cao Miên bây giờ với đông đảo cư dân gốc Khmer sinh sống, và Thủy Chân Lạp thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay, đất thấp với nhiều sông rạch, đầm lầy, rừng rậm với dân cư thưa thớt và sự cai trị của trung ương còn quá lỏng lẻo; cho nên nhiều sắc dân khác dễ xâm nhập và sống lẫn lộn, nhứt là người Việt Nam, Chàm và Tàu.
 
Tài liệu dưới đây được soạn thảo nhằm tìm hiểu nguồn gốc và sự hình thành của vùng đất Nam Phần trong thời đại đá cũ đến thời đại kim loại và nền văn hóa Óc Eo, cùng sự tương quan giữa các thành quả khảo cổ học và nền nông nghiệp cổ của cư dân sống trên phần đất này.
 
2.       Khảo Cổ Học Miền Nam (Viện Khảo Cổ Học, 1999 và Võ Sĩ Khải, 2002)
 
Sau khi chiếm được Nam Kỳ, vào thập niên 1870, người Pháp đã thu lượm được nhiều công cụ đá mài và công cụ bằng đồng thau ở miền Đông Nam Phần. Năm 1878-1879, Ông F. Caspar và M. Jugant (trong Viện Khảo Cổ Học, 1999) đã tìm thấy nhiều rìu, đục bằng đá mài nhẵn và rìu đồng có họng tra cán ở chung quanh vùng Sài Gòn. Theo Ông Võ Sĩ Khải (2002), một minh văn chữ Phạn được tìm thấy tại chùa Prasad Pram Loven ở Gò Tháp, Đồng Tháp Mười cũng vào năm 1878-1879 có ghi lại những nghi thức thờ thần Visnu nhân dịp Thái Tử Gunavarman được giao quyền cai trị vùng bùn lầy của Đồng Tháp Mười vào thế kỷ VI sau CN. Minh văn này được đưa về Sa Đéc và được công bố vào 1931.
 
            Ông A. Corré (1880) đã báo cáo những công cụ bằng đá đã được tìm thấy cùng với hai bản minh văn chữ Phạn ở núi Ba Thê, tỉnh An Giang. Những khảo sát về sau cho thấy vùng Ba Thê phát hiện nhiều phế tích bằng đá, gạch, mi cửa, tượng Phật, linh vật, tượng thần…
           
Ông E. Hamy (1897) đã công bố bộ sưu tập hơn 100 hiện vật bằng đá và 10 di vật bằng đồng của 20 điểm di tích trong lưu vực sông Đồng Nai.    
 
Năm 1898, Phái Bộ Khảo Cổ Học Đông Dương (Mission archéologique de l'Indochine) được thành lập ở Sài Gòn, nhằm tạo cơ sở phát triển cho các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu và khai quật được mở rộng hơn. Chỉ 3 năm sau, 1901, Phái Bộ này đã trở thành Trường Viễn Đông Bác Cổ và di chuyển ra Hà Nội để bành trướng công tác khảo cổ cho cả Việt Miên Lào, ngoài nghiên cứu nền văn minh của Ấn Độ và Nhựt Bổn (EFEO, 2007).
 
            Năm 1902, Ông D. Grossin thực hiện khai quật đầu tiên ở sườn đồi phía tây Cù Lao Rùa của sông Đồng Nai và kết quả được công bố trong tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ (Grossin, 1902). Sau đó, đại úy F. Barthère (1911) đã có bộ sưu tập đồ đá Biên Hòa quan trọng với 114 rìu có vai, 25 rìu tứ giác, lưỡi câu, vòng trang sức, dọi xe sợi, bi gốm…
           
Năm 1937, các nhà khảo cổ L. Malleret và O. Jansé (1958) tiến hành một cuộc thám sát ở Cù Lao Rùa và tìm thấy 2 rìu có vai và nhiều đồ gốm có hoa văn đường song song, gốm mỏng, có màu nâu, đỏ và độ nung cao (Malleret, 1959 và 1963).
 
            Vào năm 1944, Ông L. Malleret đã bắt đầu khai quật khu di tích Óc Eo và núi Ba Thê để tìm hiểu các tầng văn hóa, đưa đến một khám phá ngoạn mục của vùng Đông Nam Á về nền "văn hóa Óc Eo".
 
Nhà khảo cổ E. Saurin (1963) đã nghiên cứu hơn 10 di tích trong vùng Xuân Lộc, Hàng Gòn và Dầu Giây và xếp các di chỉ này thuộc về một nền "Văn hóa kim khí khu vực". Ông Saurin (1968 và 1973) đã báo cáo 15 di vật ở một hố sâu 0,40 m tại đồn điền Hàng Gòn, Xuân Lộc, liên quan đến sơ kỳ thời đại đá cũ. Ở Dầu Giây, Ông cũng tìm thấy 1 rìu tay ở độ sâu 1,50m và 2 chiếc nạo, một mũi nhọn trên mặt đất.
 
Từ 1902 đến 1945, hơn 300 địa điểm có di tích và di vật kiến trúc đã được báo cáo ở Miền Nam, từ vùng Hà Tiên - Rạch Giá, núi Sam, Thất Sơn, Ba Thê - Óc Eo, đồng Xà No, các vùng đất cao, vùng cận biên Sóc Trăng, vùng U-Minh - Cạnh Đền, vùng sông Tiền và sông Hậu, Đồng Tháp Mười cho đến thung lũng sông Đồng Nai (Võ Sĩ Khải, 2002).
 
            Từ 1945 đến 1975, ông H. Fontaine và Hoàng Thị Thân (1975) thực hiện những cuộc đào tìm hiểu về thời kỳ tiền sử và mộ chum chứa nhiều di vật gốm, đá, đồng, sắt, đồ trang sức ở di chỉ Phú Hòa. Fountaine (1972 và 1975) đã báo cáo một bộ sưu tập trên 4000 công cụ bằng đá và hàng vạn mảnh gốm cho biết tầm quan trọng của các di vật này đối với thời đại kim khí nơi đây. Vùng Phước Tân có nhiều công cụ đá hơn hết (2596) so với Bến Đò (1309 chiếc), Cù Lao Rùa (400 chiếc) nên Ông đã đề nghị xếp các di tích này vào nền "Văn hóa Phước Tân". Ông còn xác định niên đại C14 của các di vật này từ 2300 đến 3100 năm (tính từ 1950).
 
            Từ năm 1975 đến nay, Trung Tâm Nghiên Cứu Khảo Cổ Học thuộc Viện Khoa Học Xã Hội ở Miền Nam đã khảo sát, đào xới, kiểm chứng hơn 90 di tích và khai quật hơn 20 di tích kiến trúc ở miền Nam, như khu di tích An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Giờ (rìu đá mài), Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng… Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu tổng hợp có hệ thống được thực hiện đầy đủ, dù số di tích và di vật được tìm thấy khá lớn (Võ Sĩ Khải, 2002). Hiện nay, ngành khảo cổ học Nam Phần đã tốn nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm những bằng chứng xác thực, đầy đủ hơn về giai đoạn sơ kỳ thời đại đá cũ, làm sáng tỏ thời đại kim khí của Miền Đông Nam Phần và tìm hiểu chi tiết hơn về chủ nhân, cội nguồn và quá trình phát triển của nền văn hóa Óc Eo rực rỡ của đất nước Miền Nam.
 
3.       Hình Thành Vùng Đất Miền Nam
 
Theo các nhà địa chất, vào đầu Kỷ Thứ Ba (Pliocene) và Thứ Tư , đồng bằng miền Nam hình thành một trũng rộng lớn. Từ đó, các địa chất dần dần lấp đầy vùng trũng, tạo thành một lớp trầm tích dày trên 2.000 m. Đó là đồng bằng Nam Phần trù phú ngày nay. Ngoài ra, còn có giả thuyết đất nước có hiện tượng sụt lún tạo ra hai đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL vào thời đại đá cũ Cánh Tân (Viện Khảo Cổ Học, 1998).
 
            Miền Đông Nam Phần, đặc biệt hai tỉnh Đồng Nai và Sông Bé là khu hoạt động của núi lửa xa xưa, để lại các vết tích của thềm dung nham chảy bị cắt bởi hệ thống suối rạch ở Xuân Lộc, và cao nguyên badan ở cao độ 150-200m ở An Lộc-Lộc Ninh. Tuổi của khu vực badan này vào khoảng 640.000 năm (Carbonnell et Pompeau, 1969) hoặc cuối thời kỳ Cánh Tân (Pleistocene) (Phạm Hùng, 1978).
 
            Các hiện tượng biển tiến và biển lùi do băng tan và đóng băng theo thứ tự, ảnh hưởng quan trọng đối với địa bàn cư trú của người dân bản địa ở Nam Phần. Biển tiến lần cuối cùng khoảng 5.000 năm trước, nhưng mỗi thời kỳ biển tiến, tình trạng biển không hoàn toàn ổn định liên tục, mà mực nước biển giao động lên xuống, thấp nhứt không quá phạm vi đất liền hiện nay. Do đó, nhiều nơi đất thấp của đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có lúc bị chìm sâu trong nước biển một thời gian lâu dài.
 
Đa số ý kiến cho rằng biển tiến cách đây 15.000 năm chỉ đạt 40m dưới mực nước biển hiện nay, khoảng 11.000-9.000 năm trước đạt 10-15m dưới mực nước biển hiện nay và khoảng 5.000 năm trước đến được mực nước bây giờ. Nhưng khoảng 4.500-4.000 năm trước nước biển dâng lên cao đến +5-3m trên mức hiện nay làm ngập lụt cả ĐBSCL và khoảng 3.000-2.500 năm chỉ còn +2m. Sau đó, biển tiếp tục rút xuống đến mực nước biển ngày nay (Lưu Tỳ và đồng nghiệp, 1985). Cho nên, nhiều nơi đất thấp của ĐBSCL có thể bị ngập lụt cách nay khoảng 4.500-3.000 năm, trong khi Miền Đông Nam Phần không bị ảnh hưởng nào do biển tiến, ngoại trừ khu vực gần biển Cần Giờ và cư dân có thể sống lâu dài liên tục với nghề nông trên những vùng đất cao. Các di vật khảo cổ được phát hiện trong di chỉ Xuân Lộc cho biết sơ khởi người vượn có thể sinh hoạt trên vùng đất này hàng trăm ngàn năm.
 
4.   Thời Đại Sơ Kỳ Đá Cũ ở Miền Nam
 
Nhóm di tích Xuân Lộc (hay Gia Tân): Nhà khảo cổ E. Saurin (1968 và 1973) đã phát hiện 15 di vật ở đồn điền Hàng Gòn, Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai liên quan đến thời đại sơ kỳ đá cũ và được phân loại như sau: 3 rìu tay gần gũi với rìu tay Acheuléen điển hình, 5 công cụ 3 mặt, 3 công cụ nhiều mặt, 1 mũi nhọn, 1 công cụ hình rìu và 1 hòn ném. Ở Dầu Giây, Ông cũng tìm thấy 1 rìu tay ở độ sâu 1,50m và 2 chiếc nạo, một mũi nhọn trên mặt đất. Những công cụ đá ở Hàng Gòn và Dầu Giây gần gũi với các nhóm di vật miền Đông Campuchia và có thể có niên đại Acheuléen.
 
Từ năm 1975 trở về sau, các nhà khảo cổ kiểm tra lại 2 địa điểm Hàng Gòn VI và Dầu Giây II do E. Saurin tìm thấy trong năm 1968 và thám sát thêm khu vực đồi badan Xuân Lộc và lưu vực cổ sông Đồng Nai thuộc tỉnh Đồng Nai và Sông Bé. Các nhà khảo cổ học tìm thấy một công cụ chặt thô, một chiếc rìu tay hình bầu dục khá gần gũi với rìu tay Acheuléen (Nguyễn Đổng Chi, 1976, Nguyễn Văn Long và Lê Trung Khá, 1977). Một cách tổng quát, các hiện vật như rìu tay, công cụ hình rìu được tìm thấy có nguồn gốc đá badan, ở ngoài mặt đất, còn khá ít, nhưng các tổ hợp công cụ của Đồng Nai gần gũi với Núi Đọ, được xem có thời đại đá cũ sơ kỳ (Viện Khảo Cổ Học, 1998).
 
Một số nhà khảo cổ học đang còn tranh luận về sự hiện diện của con người trên một số địa điểm, như Xuân Lộc (Đồng Nai) và Núi Đọ (Thanh Hóa). Rất nhiều công cụ đặc biệt cho thời đại đá cũ đã được tìm thấy, nhưng các di chỉ được thu thập rải rác trên mặt các đồi gò, thềm sông. Trái lại, ở Miền Bắc một số di tích có cốt người cổ, nhưng chưa phát hiện được các công cụ lao động, như di chỉ Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Hang Hùm (Viện Khảo Cổ Học, 1998 và 1999). Do đó, cần có những cuộc nghiên cứu khảo cổ mới, những khai quật mới để có đầy đủ thông tin chính xác giúp xác nhận một nền văn hóa cổ xưa xuất hiện ở hai nơi này, nếu thật sự có.
 
Hình 1: Đồ đá Nam Bộ (Viện Khảo Cổ Học, 1998)

 
5.   Thời Đại Kim Khí và Ngành Nông Nghiệp Cổ Miền Đông Nam Phần (Viện Khảo Cổ Học, 1999)
Trong thời kỳ Toàn Tân cách nay 10.000 năm, bậc thềm phù sa cổ này thành lập một vòng cong từ Vũng Tàu đến Hà Tiên. Đến thời đại đồng thau (cách nay 4.000 năm), tức vào thời kỳ biển lùi, cư dân từ vùng đất cao, đồi núi tiến xuống chiếm ngụ đồng bằng, trước tiên trên những giồng đất cao để thành lập cứ địa cho bành trướng khắp miền Tây Nam Phần sau này. Nhiều cuộc nghiên cứu khảo cổ ở Miền Đông Nam Phần trước và sau 1975, với hàng trăm di tích khảo cổ học và hàng vạn di vật khảo cổ thu lượm được, đã cho thấy một nền văn hóa chung cho lưu vực sông Đồng Nai - một trung tâm văn hóa lớn trong thời đại kim khí của nước nhà. Có thể phân chia các di chỉ khảo cổ học miền Đông Nam Phần theo khu vực địa lý như sau:
 
(i)         "Các di chỉ khảo cổ học ở độ cao 100-200m, chủ yếu ở Xuân Lộc với diện tích thường rộng, tích tụ văn hóa dày, hiện vật phong phú, tập trung ở Hàng Gòn, Phú Hòa, Dầu Giây, Long Giao, Suối Linh, Đồi Phòng Không, Cầu Sắt, Đồi Mít, Đồi Xoài, Bình Xuân…
 
(ii)        Các di chỉ khảo cổ ở hạ lưu sông Đồng Nai với diện tích rộng, tích tụ văn hóa dày như Dốc Chùa, Bình Đa, Phước Tân, Mỹ Lộc…
 
(iii)       Khu vực cận biển với các di chỉ Cái Lăng, Bưng Bạc, Bưng Thơm, Cái Vạn, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ; và các vùng phù sa như Rạch Núi, An Sơn, Rạch Rừng, Lộc Giang…"
 
5.1.      Các đặc trưng chính
Qua nhiều thập niên thu lượm, thám sát, khai quật ở hàng trăm các di chỉ khảo cổ, các di vật được phát hiện rất phong phú và đa dạng, gồm những cổ vật làm bằng các chất liệu đá, đồng, sắt, gốm, xương…, tạo nên bản sắc riêng biệt cho miền Đông Nam Phần qua nhiều thời kỳ văn hóa.
 
Đồ đá: Di vật đồ đá phát hiện với số lượng to lớn, làm ngạc nhiên các nhà khảo cổ học liên hệ. Ở Gò Đá (Mỹ Lộc), trong nửa tiếng đồng hồ, Ông Holbe đã nhặt được 100 chiếc rìu đá (Holbe, 1889). Ở địa điểm khảo cổ Phước Tân có 3.000 di vật đá thu lượm được từ 1969 đến 1975. Nhiều địa điểm khảo cổ khác cũng vậy. Sự phân bố các di vật ở các di chỉ Miền Bắc thấp hơn các di chỉ Miền Nam (Phạm Quang Sơn, 1978). Chất liệu chế tạo đồ đá thường là đá badan và đá hoa cương (granite). Kỹ thuật ghè đẽo hình dáng và mài hoàn chỉnh, vắng bóng kỹ thuật cưa.
 
Bộ hiện vật đá Đồng Nai rất đa dạng, gồm có các loại rìu vai, rìu không vai, rìu tứ giác dạng hình thang rõ rệt (ở Miền Bắc và Trung có hình vuông), nhiều cuốc đá lớn (dài trên 15 cm, vai vuông vắn, lưỡi được mài bén ở một hoặc hai mặt), đục đá (có lưỡi sắc, hơi nhọn, chế tạo khá sơ sài), dao hái (độc đáo, dài độ 10-15 cm, có đốc thẳng, lưỡi cong hình cung, khá mõng), dao cắt hay cưa đá, bàn mài (dạng hình lõm), mũi nhọn đá (gắn vào tre gỗ làm vũ khí tự vệ, chọc lỗ hay săn bắn). Những dụng cụ bằng đá này được sử dụng trong các hoạt động nông nghiệp, một nghề chủ yếu của cư dân trước thời đại kim khí còn sót lại. Miền Đông Nam Phần có thể có một hay những nền văn hóa khác trong thời đại cuối đá cũ và đá mới cần được nghiên cứu thêm để xác nhận.
 
Điểm đáng chú ý là trong tất cả các địa điểm khai quật, các nhà khảo cổ hầu như không tìm thấy dụng cụ cày, như đã thấy trong nền văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc. Cho nên, nền nông nghiệp ở đây là nền nông nghiệp dùng cuốc, nhưng đã có trình độ cao. Các cư dân đã dùng rìu tứ giác chặt cây phá rừng, dùng cuốc đá để đào xới đất, dùng mũi nhọn đá để chọc lỗ trồng trọt, dùng dao đá để thu hoạch và bàn mài để bóc vỏ hạt, ngoài những chức năng phụ khác.
Hình 2: Rìu đá, công cụ đá Cầu Sắt, Nam Bộ
(Viện Khảo Cổ Học, 1999)

 
Ngoài ra, còn có đồ trang sức bằng đá như vòng đeo tay, hạt chuỗi bằng đá quý, khuyên tai bằng đá ngọc xanh (Nguyễn Thị Kim Dung và cộng sự, 1995). Còn có khuôn đúc đồng dùng chế tạo rìu, giáo, lao, lưỡi câu, chuông nhỏ…
 
Đồ gốm: Miền Đông Nam Phần có nhiều hệ thống sông ngòi, kinh rạch, các gò đất đỏ Basalte, đầm lầy tạo điều kiện thuận lợi phát triển đồ gốm. Đồng Tháp Mười là một vùng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất nhiều loại đồ gốm. Bộ đồ gốm ở vùng này có sắc thái đặc biệt do ảnh hưởng con người, hệ sinh thái của vùng.
 
Đồ đồng và sắt: Bộ đồ đồng tìm thấy được tương đối ít hơn lưu vực sông Hồng, sông Mã…, nhưng nhiều hơn đồ đồng ở ven biển của nền văn hóa Sa Huỳnh. Đồ đồng được tìm thấy gồm có các loại rìu, chủ yếu rìu cân, vai xuôi, một mặt phẳng, một mặt lồi, lưỡi cong hình hyperbol, họng tra cán hình chữ nhựt hay hình bầu dục. Ngoài ra, còn tìm thấy giáo hình lá hay hình đa bút, đồ trang sức còn rất ít như vòng tay có mặt cắt hình bán nguyệt hay dẹp. Trong giai đoạn muộn như Suối Chồn, Dầu Giây, Hàng Gòn còn tìm thấy các công cụ sản xuất và vũ khí bằng sắt được chế tạo bằng rèn (thay vì đúc như ở miền Bắc) rất phong phú và hoàn chỉnh hơn, như cuốc, rìu, dao, liềm, kiếm, vòng tay, nhẫn... Nhờ các công cụ sản xuất kim khí này, ngành nông nghiệp đã tiến lên một tầng cao, với năng suất lao động và hoa màu tăng vượt bực.
 
Đồ thủy tinh gồm có loại vòng tay cắt hình tròn, chữ D, khuyên tai hai đầu thú, khuyên tay có ba mấu, khuyên tai mặt cắt hình tam giác và hạt chuỗi. Người ta còn tìm thấy đồ trang sức mạ vàng và bằng vàng, bạc được tìm gặp ở các di chỉ mộ chum có niên đại sơ kỳ thời đại sắt, Tiền Óc Eo và Óc Eo.
 
Ngoài ra, người ta còn tìm thấy các trống đồng ở Bình Phú (Thủ Dầu Một), Vũng Tàu (niên đại thế kỷ VI tr CN), Lai Sơn (Kiên Giang), Lộc Tấn (Bình Phước).
 
 
 
  Số người đọc 423224 visitors (1094353 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free