Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Kỷ niệm với thầy Nguyễn văn Thước
 
Lên mạng ngày 26/9/2008
 
 Kỷ niệm với thầy Nguyễn Văn Thước
 
 Huỳnh Thiện Chánh
 
          
 V
ào năm học 1964-1965 tôi đậu vào trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ lớp Đệ Tam ( lớp 10) ban Mục Súc. Năm này nhà trường chỉ tuyển vào Đệ Tam có một lớp Canh Nông và một lớp Mục Súc. Chỉ tiêu lớp Canh Nông là 20 người còn mục Súc là 15 người, còn lại dành cho lớp Đệ Tứ (lớp 9) lên. Nhưng phần lớn các bạn học xong Đệ Tứ lại chuyển qua học huấn sự (học thêm một năm chuyên môn) . Nên rốt cuộc hai lớp chỉ còn không hơn ban đầu bao nhiêu. Đây là hai lớp Đệ Nhị cấp đầu tiên của trường. Lớp chúng tôi nghiễm nhiên trở thành lớp anh cả.
          Chúng tôi phải học chuyên môn là Nông-Lâm-Súc-Công thôn cả lý thuyết lẫn thực hành, vừa phải học tất cả các môn phổ thông nên phải học ngày hai buổi chỉ được nghỉ chiều thứ bảy và chúa nhật. Về chuyên môn có các thầy cơ hữu của trường như thầy hiệu trưởng Trần Hiệp Nam dạy mục súc, thầy Lê Quang Hồng dạy thủy lâm, thầy Phan Lương Báu dạy canh nông ( sau là thầy Trần Đăng Hồng dạy ), thầy Nguyễn Tấn Phúc và thầy Lê Hiền Lương dạy thực hành nông trại….Còn những môn phổ thông thì thỉnh giảng các giáo sư ỏ hai trường Phan Thanh Giản (nam trung học) và Đoàn Thị Điểm (Nữ trung học). Môn phổ thông hai lớp dồn lại học chung.
         Vào đầu năm học 1965-1966 trường có chương trình IVS( chí nguyện quốc tế) do thầy Trần Đăng Hồng kỹ sư canh nông làm trưởng đoàn. Còn lại phần lớn các thầy cô cơ hữu đều có chân trong ban lãnh đạo đoàn. Hầu hết học sinh chúng tôi đều xin gia nhập đoàn để vừa có thêm phụ cấp vừa được nhiều cơ hội thực hành và nhất là đoàn có nhiều hoạt động vui chơi, giáo dục ngoại khoá. Chúng tôi được tổ chức thành nhiều tổ mỗi tổ từ năm đến sáu bạn .Vào những chiều thứ bảy và cả ngày chủ nhật chúng tôi đi về miền quê lân cận của tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ )để giúp nông dân chăm sóc hoa màu và gia súc. Đến hè các tổ hoạt động bung ra đến tỉnh lân cận như Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng.
          Trong năm học này có thêm nhiều thầy cô cơ hữu chuyển đến trong đó có thầy Nguyễn Văn Thước. Thầy Thước là một trong những giáo cơ hữu đầu tiên của trường dạy môn phổ thông, thầy dạy Việt Văn. Thầy Thước có dáng ngườI cao, hơi gầy (mặt xương), nước da hơi ngăm ngăm, có sóng mũi dọc dừa và chiếc cằm hơi to (sau này khi được đọc sách về xem tướng tôi mới được biết đó là mẫu của người có nhiều nghị lực).
Thầy Hồng và thầy Thước là 2 thầy lãnh đạo đòan học sinh IVS xuyên suốt nhất, tích cực và năng động nhất . Họat động IVS có hơi cực nhưng ngược lại cũng rất vui . Vui nhất là những đêm họp mặt và cắm trại. Hai thầy dạy chúng tôi nhiều trò chơi và bài hát tập thể. Hè năm 1966 thầy Thước hướng dẫn hai lớp đi du sát Rạch Giá, chuyến đi có vị hôn thê của thầy cùng tháp tùng. Cô người xứ Đà Lạt, vóc người trung bình, khá đẹp . Đầu năm học 1967 tôi vào học trường Cao đẳng Sư Phạm Nông lâm súc, rồi ra trường đi dạy, chưa được gặp lại thầy.
Sau biến cố năm 1975 nhiều bạn bè chúng tôi phải ngược xuôi vất vả để kiếm sống. Nhưng rồi sau đó, chúng tôi lại tìm được nhau qua ban liên lạc hội cựu học sinh Nông-Lâm-Súc Cần Thơ. Đến mùa hè năm 2000 tôi không ngờ lại được gặp thầy Thước ở Hà Tiên . Thầy nhìn tôi và anh Trần Đại Thắng (học sau tôi 2 lớp) lúc đầu có hơi ngờ ngợ….
                   Thầy cho biết vừa ở Mỹ về và đến du lịch ở Hà Tiên, tiện dịp thầy hỏi thăm địa chỉ học trò cũ hiện đang sống ở Hà Tiên do ban liên lạc cung cấp và chúng tôi được gặp thầy.
                   Như một lãng tử giang hồ, chỉ một túi sách nhỏ trên tay, thầy rất vui vẻ và cởi mở. Thầy cho biết thầy đã vượt biên và qua Mỹ ở đã khá lâu. Ở bên đó môn Việt Văn của thầy không có đất sống nên thầy phải học lại ngành điện và tốt nghiệp kỹ sư điện, thầy xin làm ở công ty chế tạo các mạch điện tử, ở đó tất cả các công đoạn đều được điều khiển bằng computer. Thầy trò chúng tôi thuê một chiếc xe lôi có gắn thùng ra Mũi Nai chơi. Thầy chiêu đãi chúng tôi rất thịnh soạn. Chúng tôi gọi món cua rang me và bia. Thầy, Tôi, Thắng và người bạn vong niên (của Tôi và Thắng) cùngthưởng thức. Sau đó chúng tôi đến viếng Thạch Động, Lăng Mặc Cửu và chùa Tam Bảo, mỗi nơi đến Thầy đều chụp nhiều hình và quay phim. Tất cả đều được chú thích kỹ. Cuối buổi thầy chia tay trở về Rạch Giá để đi tàu cao tốc ra thăm Phú Quốc.
                   Khoảng một, hai năm sau nghe tin thầy mất tôi rất bàng hoàng và xúc động không tin đó là sự thật
                   Đến khi gặp thầy Trần Đăng Hồng mới hay thầy Thước mất do bệnh ung thư. Ước muốn của thầy là được trở về Việt Nam gặp người thân, bạn bè và những học trò mà thầy đã dạy dỗ (tôi là một trong những đứa học trò may mắn đó) và thầy đã thực hiện chuyến đi cuối cùng. Ôi! thầy đã cố gắng biết bao để kìm nén cơn đau của căn bệnh quái ác luôn hành hạ thể xác thầy. Thầy luôn nở nụ cười để những người gặp thầy được niềm vui tron vẹn của cuộc hội ngộ.
                   Dù thầy đã trở về cõi vinh hằng nhưng mãi mãi vẫn còn trong trí nhớ của tôi. Thầy đã cho tôi bài học lớn về cuộc sống./.

Cần Thơ, ngày 25 tháng 9 năm 2008
HUỲNH THIỆN CHÁNH
thienchanh@gmail.com

 

Thầy Nguyễn Văn Thước, Trần Đại Thắng, Huỳnh Thiện Chánh và một bạn thân. Hình chụp tại Lăng Mạc Cửu, Hà Tiên (2000)

Trở về Trang BẠN VIẾT

 
  Số người đọc 400369 visitors (1037831 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free