TIỂU SỬ Kỹ-Sư PHAN LƯƠNG BÁU
Giám Đốc Trường Cao-Đẳng Nông Nghiệp, Viện Đại-Học Cần-Thơ (1905- 1981)
Written by Phù Sa with collaboration of Catherine Nương Thụy, Sydney, Australia- January 2007. Bài viết của Phù Sa-Nương Thụy.
Ông PHAN LƯƠNG BÁU sanh ngày : 02 tháng 12 năm 1905, tại làng Thới Thạnh, huyện Ô Môn, hạt Cần Thơ trong một gia đình trung lưu sống bằng nông nghiệp.
Thiếu thời ông học tại Cần Thơ:Cours Supérieur 1920-1921 École de CanTho, 1ère Année 1921-1922 Collège de CanTho. Qua niên khóa sau ông lên SàiGòn học 2è Année 1922-1923 và 3è Année 1923-1924 Collège Chasseloup Laubat, rôì bắt đầu du học tại Pháp. Học tiếp trung học tại Lycée DESCARTES ở TOURS. Cuối năm 1926 thân phụ của ông qua đời, ông về nước chịu tang rôì trở qua Pháp. Lên đại học ông học ở INSTITUT AGRICOLE thuộc UNIVERSITÉ de NANCY, tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp năm 1930.
- Đồng thời ông học tại Faculté des Sciences Université de Nancy đậu chứng chỉ Cao Học Thực Vật Ứng Dụng.
- Học tại École Nationale de Sericulture - Montpellier được tặng Huy chương Thủ Khoa năm 1931.
- Được giáo sư CUÉNOT Viện Trưởng Viện Đaị Học NANCY đỡ đầu luận án Tiến Sĩ Kỹ Sư, song bị gián đoạn vì phải về nước quán xuyến sáng nghiệp của gia đình. Về nước năm 1932,Ông chuyên lo việc canh tác ở miền tây nam phần Việt Nam.Trong thời gian này, ông được cử làm hội viên Phòng Canh Nông Nam Kỳ, Hội viên Hội đồng Kinh Tế Lý Tài ĐÔNG DƯƠNG . Tháng giêng năm 1937 ông lập gia đình với bà Võ Thị Liên, hai ông bà có tất cả 7 người con. Năm 1945 cùng với giới trí thức cả nước ông tham gia kháng chiến chống Pháp với nhiệm vụ tiếp tế lương thực khu tây nam bộ. Vì ông là một người được kính trọng trong đạo Cao Đài nên Việt Minh nhằm tranh thủ nhân tâm những tín đồ đạo Cao Đài, đề cử ông làm đại biểu quốc hội khóa đầu tiên.
Đến năm 1946 gia đình ông tản cư về Vàm Nhon Ô Môn rôì đến Ông Gièo Rạch Giá. Khi tình hình tạm ổn ông đem gia đình trở về Cần Thơ, rồi ông bà bắt đầu dạy học. Khoảng thơì gian này đất nước còn đang loạn lạc, người Việt gốc ở thành thị chưa hôì cư về nhiều, chẳng chú trọng đến việc học ; chỉ có Ấn kiều và Hoa kiều không phải tản cư,vẫn ở lại làm ăn buôn bán được nên họ mới cần cho con học hành để có thể tiếp xúc với khách ngoại quốc khi buôn bán. Do đó những ngươì học trò đầu tiên của ông bà là trong thành phần này. Dần đến năm 1950, ông bà mở INSTITUTION VOVAN taị số 72 Paul Bert Cần Thơ,(lấy lại tên cũ của trường do thân phụ của bà là cụ Võ Văn Thơm mở từ năm 1917, có cả nội trú, đến lúc kinh tế khủng hoảng năm 1930 trường phải đóng cửa). Đến niên học 1954-1955 trường Trung Học Tư Thục VÕ VĂN có các lớp Ban Việt ngữ từ tiểu học đến Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ và Ban Pháp ngữ các lớp 5è , 6è Modernes, 7è français.
Gần cuối năm 1956, ông Phan Lương Báu được Bộ Canh nông bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục BLAO. Trường được tài trợ bởi kề hoạch Colombo, xây dựng mới từ giảng đường đến văn phòng, nhà hiêụ trưởng, nhà giáo sư đến ký túc xá, ông cho trồng một đồng cỏ rộng 18 mẫu, xây đập nước, tháp nước. Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục đẫ có thời được xếp vào hàng đầu những trường nông nghiệp ở Đông Nam Á.
Đến cuối năm 1958 ông được thuyên chuyển về làm hiệu trưởng trường Canh Nông Thực hành Cần Thơ. Sau biến cố 1 tháng 11 năm 1963,học sinh các trường lớn trên lảnh thổ Việt Nam Cộng Hòa từng đợt nổi lên đòi lật đổ ban giám đốc, ông đã từ chức hiệu trưởng. Qua năm 1964, ông được bổ nhiệm làm Phụ tá Giám đốc Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn. Năm đó quân đội vừa chuyển giao Thành Cộng Hòa cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục, ông đặc trách việc biến cải thành giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng làm việc cho trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc. Đến cuôí tháng 5/1964 ông xin về Cần Thơ, một mặt chăm sóc trường nhà, cho xây thêm lớp học, mở các lớp đệ nhị cấp ; mặt khác ông đứng vào trong Hội đồng nhân sĩ Miền Tây, Hội đồng này cử ra Uỷ ban vận động thành lập Viện Đại Học Miền Tây. Kết quả là Viện Đại Học Cần Thơ được khai giảng vào niên khóa 1966-1967.
Tháng giêng 1967 ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp thuộc Viện Đại Học Cần Thơ. Sau khi khai giảng được niên khóa đầu tiên vào năm 1969 ông bàn giao trường cho tiến sĩ Nguyễn Viết Trương. Ông được Bộ Giáo Dục tặng huy chương Văn Hóa Giáo Dục BộiTinh.
Ông tiếp tục điều hành trường Võ Văn,trường bấy giờ là Nữ Trung Học Tư Thục Võ Văn và các lớp tiểu học. Học sinh của trường tốt nghiệp cấp 3 với tỷ lệ cao, có em đậu hạng Tối Ưu. Nhiều phụ huynh học sinh đã viết thơ cho ông bày tỏ niềm vui khôn xiết và lời cảm ơn chân thành. Cũng như bao trường khác, trường Tư Thục VÕ VĂN tồn taị đến ngày 30-4-1975 thì chấm dứt.
Tánh ông rất kỹ lưỡng, việc gì cũng phải làm nghiêm túc, việc học phải đến nơi, hành đến chốn. Có lần ông kể chuyện lúc học bên Pháp, mùa lạnh tới giờ thực tập vẫn phải xách nước tắm ngựa dù trời lạnh rét. Học ở trường Kỹ nghệ Tầm Tang cũng phải học cho thấu đáo, hôm có kết quả tốt nghiệp một anh bạn cùng khóa người Ấn Độ thấy tên ông đứng đầu ,liền chạy về phòng báo tin mừng cho ông, miệng reo hò vang dội,anh ấy mừng vì thấy người dân thuộc địa đậu thủ khoa. Ông muốn tập cho học trò mình quen với tánh siêng năng đó nên ông không bỏ bớt giờ thực hành dù học viên có kêu nài. Như thế có học viên cho rằng ông quá gắt. Nhưng cũng có học viên dám trò chuyện với thầy, có bạn rắn mắt hỏi : Thưa thầy hôì ở Pháp thầy thấy phụ nữ Pháp có đẹp không? Vị thầy vui vẻ trả lời, ông tả từng nét đẹp của phụ nữ Pháp khiến cho cả lớp được dịp vui cười thoả thích; sau cùng ông kết luận : Tuy vậy vẫn không bằng phụ nữ Việt Nam ! Cả lớp lại cười rộ lên.
Về sau có những sinh viên, học viên cũ đến thăm, tỏ ý hối tiếc khi nhắc laị lần bãi khóa vì bị giảm học bổng, hay lần đả đảo ban giám đốc đòi ông từ chức, ông ôn tồn bảo : Đó là 2 lần thầy trả nợ thời học sinh : Một lần do ảnh hưởng tình hình đất nước,một lần vô tình bị oan taị trường Chasseloup Laubat, vào giờ chơi 2 đứa bạn lấy bình mực chọi nhau, chọi sao mạnh tay quá, bay qua cửa sổ ra tới ngoài đường, trúng ngay một người đầm , mực đổ tung toé trên áo. Người đầm vào trường thưa. Giám thị xuống lớp hỏi ra 2 thủ phạm, thế là 2 anh học trò bị đòn tơi bời. Quá nóng ruột bạn bè xôn xao lên, xúi thầy lên kêu oan dùm 2 bạn .Nhà trường không tin mà còn phạt cả lớp, đưa đến bãi khóa. Thấy không yên tâm, Ông thân thầy liền rút thầy đưa đi Tây, qua bên ấy thầy mới học thi tú tài. Hôì đi học thầy đã dự 2 lần bãi khóa, lớn lên khi đi dạy thầy bị học trò bãi khóa laị đủ 2 lần. Đó phải chăng là luật nhân quả!
Mặc dầu những năm tháng cuối đời Ông sống trong cảnh buồn chung, nhưng với một người có đức tin , hẳn rằng tâm ông đã thanh thản khi rời khỏi trần gian này.Ông từ trần ngày 12-11-1981 nhằm ngày 16-10 năm Tân Dậu, hưởng thọ 77 tuôỉ. Mộ phần ông tọa lạc taị Chiếu Minh Nghĩa địa Cần Thơ.
Trở về trang BẠN VIẾT