Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Đội bóng lớp tôi
 
Lên mạng ngày 17/2/2009

Đội Bóng Lớp Tôi
  
  
   
 
Nhìn thấy bức ảnh trắng đen, nhận ra được những khuôn mặt trẻ trung, quen thuộc của những người bạn ngày nào, năm ấy, khiến đã gợi lại trong lòng nhiều kỷ niệm. Tôi chợt nhớ đến một khoãng thời gian xa xưa trước đó.
Lúc đó, khi hãy còn là một học sinh của trường trung học tại tỉnh nhà, tôi cũng đã từng tham gia vào những trận đá banh cùng với các bạn trong lớp. Tuy rằng bây giờ trước mặt không có ảnh để xem, để nhớ, nhưng trong lòng tôi hãy còn man mán những hình bóng của một thời đã trôi qua với những kỷ niệm thật vui, thật khôi hài khó để quên đi.
 Những ngày cuối Đông đang trông chờ một mùa Xuân mới, ngồi nhớ tới chuyện xưa, xin gởi đến các bạn đôi hàng về “Đội Bóng Lớp Tôi”.
 
Thành Phần và Lực Lượng
 
Đội bóng đá của lớp tôi nếu có cộng đi, đếm lại thì cũng chỉ đủ mười một đứa, cho nên mỗi khi giao đấu với các đội banh khác, chúng tôi bắt buột là phải hiện diện cho thật đông đủ.
Huấn luyện viên của chúng tôi là những cái truyền hình trắng đen, mà trên đó được trình chiếu lại những trận tranh giải của túc cầu thế giới. Mở to đôi mắt ra coi “cọp” trên cái màn ảnh nho nhỏ, chúng tôi bắt chước để học theo những bước chân đá bóng, đưa banh của các cầu thủ mà mình ưa thích. Mỗi đứa với mỗi kiểu tự huấn luyện khác biệt, ấy thế mà khi ra sân tranh tài thì cũng biết dàn binh, bố trận trông ra cũng rất thuận tình, hợp ý với nhau.
            Những đấu pháp trên sân thì cứ theo tình hình từng trận đấu mà thủ quân của đội đưa lời đề nghị. Bình thường, nếu theo đúng chiến thuật “Bốn Ba Ba” thì các cầu quân của đội bóng lớp sẽ có những nhân vật như sau:
            Trước tiên là thủ môn Thanh Tùng. Anh thì cao ráo nhưng lại hơi gầy. Gầy không phải vì thiếu ăn bị ốm, mà là do anh hút thuốc lá hơi nhiều và cứ mãi thức khuya. Đôi mắt tinh sáng bên sau đôi kính cận mà lúc nào anh cũng phải gắn chặt trên sóng mũi của mình, đã làm cho nhiều bạn không tin anh là người thủ môn xuất sắc. Thật sự thì Thanh Tùng rất giỏi với các bộ môn tính toán trong lớp, cho nên đầu óc của anh lúc nào cũng bén nhọn, hợp cùng tay chân lanh lợi, đã thường xuyên giúp anh chận bắt được những đường banh đá thật hốc hiểm của đối phương.
            Hàng hậu vệ thì có những tay hộ pháp nổi tiếng như trưởng lớp Hữu Nghị thì lại giỏi về văn chương, cộng với tài ăn nói thật mạch lạc. Chí Thông thì hoạt bát trong lớp, và lúc nào cũng đầy một bụng tiếu lâm chay lẫn mặn, để sẵn sàng tung ra cống hiến cho mọi người. Cả hai anh đều to lớn với thân hình cao trên thước bảy. Bão Toàn thì trầm lặng ít nói, nhưng lúc nào cũng có nụ cười sẳn sàng trên môi mỗi khi gặp bạn. Chiều cao chỉ trung bình, nhưng nhờ tập luyện với những quả tạ mỗi ngày, cho nên Bão Toàn cũng đã có được những bắp thịt thật rắn chắt trên thân thể của mình.
Các anh hậu vệ nầy đều thuộc vào hàng “nội công thâm hậu” của đội. Họ chạy nhanh như những cơn lốc, có thể làm bốc tung những quả banh đang nằm kề cận bên đường chân của mình. Cả ba lúc nào cũng tỏ ra rất dư thừa công lực, khi phải ra đón chận những đường dẫn bóng của phe kia, đang hướng gần về phía khung thành của phe nhà. Những bước chân “hùng hồn”, cùng với những hơi thở “hồng hộc” của các anh phát vang có thể làm rợn tóc cho những người đang dẫn bóng. Nhắm thẳng vào quả banh đang lăn lóc trên sân, để rồi các anh tung ra những ngọn cước thật là “thần sầu, quỉ khóc”. Nếu không được chính xác để trúng vào bóng, thì cũng có cơ mai để trúng một cái gì khác gần bên cạnh đấy. Không phải là cái chân, cái đùi thì cũng có thể là cái mông hay cái bụng của những ai kia. Bởi thế cho nên, địch thủ thường thì đã biết là phải tránh họ để lánh nạn trước cho thật xa.
            Thanh Sơn, Thiện Ngộ cùng Phước Hải là các cầu thủ thuộc dàn trung ứng.  Cả ba với những lối chơi bóng trên sân rất có phong độ, cho nên cả đội ai ai cũng đều ưa thích. Các anh không cao, không mập; không ốm cũng chẳng gầy. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào dốc váng thì cũng khó đoán được thể lực của mọi người. Cho dầu là nhỏ con, nhưng các anh thì lại rất bền sức. Suốt trận đấu hai hiệp, chín mươi phút, Thanh Sơn, Thiện Ngộ và Phước Hải có thể chạy liên tục không ngừng từ dưới sân nhà lên đến sân bạn, rồi trở lại sân nhà. Chạy từ góc trái sang góc phải, hay từ cánh phải sang cánh trái, thì cũng không có điểm gì có thể làm khác biệt cho tài nghệ của riêng ai. Với lối chơi tốt ở nhiều vị trí khác nhau trên sân, các anh đã từng góp công giúp đội nhà vượt thoát được những giây phút hiểm nghèo đang xẩy ra trước khung thành; cũng như đã từng góp sức cùng với các bạn để dàn quân mà uy hiếp thủ môn của đối phương.
            Hàng tiền đạo thì có Thiên Tài, Trọng Ngân và Thành Long thì lại khéo léo với nghề dẫn bóng, chuyền banh, cùng những cú đá bóng như là dứt điểm từ một khoảng cách thật xa trước khung thành. Thiên Tài và Thành Long là hai cầu thủ trụ cột của đội, mà còn là những tiền đạo có nhiều kinh nghiệm và tài năng cá nhân. Cả hai biết tạo mối liên hệ tốt cùng với các đồng đội của mình, cho nên hai anh cũng còn được xem như là những thủ quân của đội bóng lớp.
Còn tôi, thì cũng vốn làm nghề giữ cửa thành trước đó, nhưng khả năng cá nhân thì lại không thể so sánh cho bằng được với Thanh Tùng, cho nên tôi đã được đưa lên hàng ngũ phía trên, để rồi từ vị trí đó mà có cơ hội làm phụ cái việc “xé lưới, phá nhà” của thiên hạ.
 
Cuộc Đấu Bóng với Những Cổ Động Viên và Những Chiến Thắng
 
            Những trận đá banh giao hữu, thường thì đã được hẹn rõ ràng với nhau về thời gian cùng địa điểm. Đa số là vào những buổi chiều sau giờ tan lớp. Bãi cát to lớn chạy dọc theo một bên bờ của dòng sông Hậu, đã trở thành nơi gặp mặt thường xuyên của chúng tôi. Vì nằm cách xa với thành phố, với lại không có một dạng cây nào che mát chung quanh, cho nên bãi cát nơi đấy rất ít khi có bóng dáng của người nào khác qua lại, vào những lúc mà ánh mặt trời hãy còn treo lơ lững trên không.
Sau những giờ phút đùa banh trên đám cát vàng, đội bóng bạn đã ra về, thì cũng chẳng bao lâu sau đó, đội banh của chúng tôi lại bắt đầu một trận “thủy chiến” khác, ngay trong lòng của dòng sông nước đục đầy phù sa nầy. Cả đám thoát y tập thể để cùng tranh bơi, đùa giởn với nhau trong nước; hoặc đôi khi cũng hớp vào bụng vài ngụm nước không cần lóng phèn nầy cho tạm đỡ khát. Bơi lội đã đủ chán thì trở lại lên bờ, đứng chờ đôi ba phút cho thân thể khô ráo, để rồi có thể khoát lại vào người những bộ đồng phục hãy còn tạm tươm tất. Chải lại mái tóc, mang lại đôi giày, chúng tôi đã biến mình trở lại thành những đứa học sinh trung học “hiền lành và ngoan ngoãn” của buổi sáng trước giờ vào lớp, mà lúc bấy giờ thì đang chuẩn bị trở về nhà.
            Những dịp gặp gở thường xuyên ở bãi cát như trên, đó chỉ là những cuộc “thao dượt quân sự” bình thường của chúng tôi vào mỗi tháng hoặc đôi ba tuần. Những trận tranh bóng thật sự sôi nổi thì thường được tổ chức ngay trên phần đất của khuôn viên trường, hay đôi khi còn xẩy ra trên sân vận động lớn của thành phố. Hai khung thành của sân vào những lúc đó sẽ có lưới cao bao phủ; và ngay cả những cầu thủ của hai đội, cũng đều được trang phục bằng những chiếc thun cánh ngắn, cùng màu với mả số riêng biệt đã được in rõ ràng trên lưng áo phía sau. Ngoài ra, lại còn có sự hiện diện của những cổ động viên nhiệt tâm, nhiệt tình, đang có mặt đông đảo chung quanh.
            Trường trung học của chúng tôi không chỉ dành riêng cho các nam sinh, hoặc chỉ là đặc biệt cho các nữ sinh. Trái lại, trường của chúng tôi thì cho phép cả hai phái nam và nữ, đều có thể vào sinh hoạt chung với nhau trong cùng một lớp. Đa số các lớp khác của trường đều là như vậy, ấy thế mà duy nhất ở lớp chúng tôi, thì lại chỉ gom có được một  phái “đực rựa” với nhau trong cùng một phòng. Thật ra, nếu không có bóng dáng của một “bông hồng” nào đó trong lớp thì cũng chẳng phải ngạc nhiên; vì bởi các môn học của lớp đã khó, mà tay chân của bọn chúng tôi lại còn phải đụng chạm với xăng dầu và máy móc vào những giờ thực tập nữa; thử hỏi phái “đẹp” nào có đủ can đảm để vào ngồi chung bàn với một đám dơ như lọ lem, mà lại phá như quỉ của chúng tôi.
Các anh trong lớp của chúng tôi thì thật sự vốn là những thư sinh “dài lưng tốn vải”. So với những đội đá banh khác trong trường, thì lúc nào bọn họ cũng có nhiều bạn, nhiều giai nhân, tận tình đến ngay trên sân để ủng hộ tinh thần của các cầu thủ lớp nhà.  Ấy mà mai mắn thay, cũng nhờ sự xuất hiện của những cổ động viên nữ trẻ đẹp ở các lớp khác như thế nó lại có sức mạnh lôi cuốn những con “sơn dương” của lớp chúng tôi chịu xuống núi đi tìm những bãi cỏ trên các sân đá bóng nơi nầy. Chẳng mấy khi chúng tôi thấy được các bạn trong lớp của mình lại hăng hái như thế. Không những chỉ đến để ủng hộ một cuộc đấu banh đang tranh với nhau bên trong sân trận, các anh lại còn tích cực tấn công các cổ động viên “duyên dáng và thùy mị” của các đội bạn, đang hiện diện bên ngoài vòng đai của cuộc chiến.
Những cầu quân của đối phương đang thi đấu bên trong, trên bãi đá bóng đầy cát to sỏi nhỏ, thường thì đã bị phân tâm rối trí khi mà các ủng hộ viên bất đắc dĩ của lớp chúng tôi đang hiện diện bên ngoài những bãi cỏ mịn màng. Cho nên những chiến thắng sau đó, cũng đã đến cho đội bóng của chúng tôi thật dễ dàng, từ khi có sự xuất hiện của các chàng trai trong lớp. Suốt niên học của lớp mười một và mười hai, đội banh của lớp chúng tôi đã được nỗi danh về bộ môn bóng tròn trong toàn khu vực; mà trong lúc đó, một số ủng hộ viên của lớp, cũng đã được nỗi tiếng trong ngành tâm lý chiến của cả khuôn viên trường.
Sau khi trận đấu kết thúc, có những giai nhân đã được các tài tử của lớp chúng tôi, mời lên ngồi trên băng ghế phía sau của chiếc xe Honda hai bánh; để rồi từ những sân đá bóng đó, các chàng đã đưa các nàng an toàn về đến tận nhà trước khi trời lại tối. Cũng đã có những người đẹp, mà vào những buổi chiều hôm sau, đã đồng ý ngồi nán lại trên những bãi cỏ xanh tươi nơi sân trường, để thưởng thức tiếng đàn huyền dịu, cùng lời ca trầm ấm của các nghệ sĩ “đa tài và đa tình” của lớp chúng tôi.
 
Đi Đá Mướn
 
Đã nổi tiếng thì sẽ có người biết đến. Cũng có thể nhờ tài quãng cáo khéo léo của Trọng Ngân, mà một ngày nọ, anh đã phải đến để ngỏ lời mời chúng tôi đi đá banh dùm cho một đơn vị của phường, nơi gia đình anh đang cư ngụ. Cả bọn hãy còn phấn khởi với khí thế đang lên trong lòng, cho nên mọi người đều đồng ý sẽ đi “đá mướn” theo yêu cầu của khách. Buổi trưa hôm ấy, chúng tôi đã đến tụ tập đông đủ tại nhà của Trọng Ngân. Sau khi gởi những chiếc xe đạp, cùng những tập sách lại nơi đấy, chỉ mang theo bên người bộ đồng phục của đội cùng với đôi giày đá bóng cá nhân, chúng tôi hăng hái tiến quân đến điểm hẹn.
Đại diện của địa phương ra tiếp là một người đàn ông tuổi trạc trung niên, mà chúng tôi đã gọi lén tên với nhau là ông “Bầu”. Ông vui vẻ trò chuyện với Thiên Tài và Thành Long qua sự giới thiệu của Trọng Ngân. Hôm đó, đội bóng của lớp đã trở thành đội banh đại diện cho “Nghiệp Đoàn Thợ May” của phường do ông “Bầu” lãnh đạo. Chúng tôi sẽ đi tranh giải giao hữu với một nghiệp đoàn bóng đá khác ở một địa phương cách đó cũng không xa.
Ông “Bầu” có ngỏ ý muốn thiết đãi chúng tôi một tiệc nước giải lao để làm quen (và cũng để làm lể ra mắt chính thức vai trò quan trọng của ông trong đội ngày hôm đó), thế là cả bọn đã theo bước chân ông đổ quân vào một quán cà phê nằm bên lề đường gần đấy. Ông chủ tiệm cùng người phụ việc trong quán ân cần ra tiếp đón chúng tôi hết sức nhiệt tâm. Sau khi đã đặt xuống mỗi bàn một bình trà nóng trong cái ấm bằng nhôm đã đổi màu và biến dạng, chủ quán mở lời thăm hỏi từng người về những ly nước mà chúng tôi muốn được thưởng thức. Những loại thức uống quen thuộc, sau đó cũng đã được gọi tên ra một cách hết sức từ tốn, tức thời những cái dĩa có chứa trên đó những cái bánh bao to hãy còn bốc lên đầy hơi nóng, cũng đã được người phục vụ nhanh tay mang ra đặt trước mắt chúng tôi, trên mặt bàn. Rồi nào là những dĩa khác với những cái bánh “bò”, bánh “tiêu”, bánh ngọt…bên trên, cũng đã theo đúng thông lệ của chủ để được mang ra mời khách. Tôi không nhớ, ông “Bầu” có kêu gọi chúng tôi tự nhiên tiêu thụ những loại thực phẩm sang trọng đó hay không, nhưng chỉ khi nhìn thấy được Trọng Ngân ra tay hành sự trước, thế là cả bọn cũng đã phải nhanh mồm, lẹ miệng để bắt chước mà theo kịp với anh. Tiếng cười nói vui vẻ và ồn ào của cả bọn được trổi lên thay thế cho những phút giây ban đầu thật “khiêm nhường và khách sáo” khi được diện kiến với “chủ nhà”.
Xong bửa tiệc chiêu đãi thịnh soạn, chúng tôi trèo lên một chiếc xe đò nhỏ chở khách đã đậu chờ sẵn trước quán cà phê tự bao giờ. Ông “Bầu” cũng hớn hở (?) ngồi lên băng ghế phía trước bên cạnh với Trọng Ngân và Thiên Tài; còn lại những đứa chúng tôi thì chia nhau trên những băng trống ở phía sau. Không khí bên trong lại trở nên yên lặng và nặng nề sau khi xe bắt đầu chuyển bánh. Chúng tôi trầm tư với những cảm giác “hối hận” về bửa ăn đã qua cùng những lo âu trong lòng về trận đá banh sắp tới. Không biết những cầu thủ mà chúng tôi sắp đương đầu để thi đấu thì tài nghệ của họ như thế nào? Chúng tôi có thể dành được chiến thắng để mang về cho ông “Bầu” hào hiệp vào buổi chiều hôm nay hay không?
Xe chạy không nhanh nhưng cũng cần khoảng thời gian hơn hai mươi phút sau thì mới đến được nơi. Chu cha ơi! Sân đá bóng nơi đây tuy không to lớn cho bằng sân vận động của thành phố, nhưng sao mà người ở đâu thì đã hiện diện đông đảo không ngờ. Khách đi đến để xem thì đã đứng đầy chung quanh, và vây quanh cả phạm vi tranh giải. Thì ra là trên sân đang có một trận đấu banh then chốt khác đang diễn tiến trong những phút giây sau cùng của hiệp cuối. Một bên là đội tuyển của một lực lượng “Hải Quân” nào đó, đang giao đấu với tỉ số đã dẫn đầu trước một đội tuyển khác của quận ở địa phương. Tiếng người cổ vỏ trên sân đang vang dội bên trong, tiếng những máy xe đang chạy ồn ào trên đường phố bên ngoài; cả một khu vực thật sự sống động như một ngày vui của hội chợ. Mọi người chung quanh thì đang sinh hoạt trong bầu không khí tưng bừng náo nhiệt, ấy thế mà chúng tôi thì lại im lìm, lặng lẽ đi tìm chỗ thay áo, đổi giày, để rồi chuẩn bị ra sân trong những phút giây hồi hộp cận kề.
 
Cuộc Chiến Bại Thảm Thương
 
 Đội của chủ nhà mà chúng tôi phải đối diện để đương đầu ngày hôm ấy, ngoại trừ hàng tiền đạo thì có một tuyển thủ thuộc đội “Hải Quân” trong trận tranh bóng trước đó; cho dầu đã thay đổi màu áo nhưng anh vẫn còn giữ lại đôi giày đá bóng bằng da thú trong chân. Đa số những cầu thủ còn lại khác là những người dân sinh sống chung quanh các khu vực lân cận; họ là những người trung niên, là những nông dân, những công nhân, những thợ máy... khoát vào người chiếc áo thun trắng đã ngã dáng phèn không rõ số, mặc vào thân cái quần đùi ngắn cũng không cùng dạng. Với đôi chân đất không cần đến giày hoặc là với đôi giày vải thô sơ, nhưng sao, tôi vẫn trông thấy họ cũng chạy rất nhanh, đá rất mạnh vào những quả banh chẳng thua kém ai.
Sau khi tiếng còi mở đầu cho trận đấu được thổi ra, thì chỉ hơn mười phút hùng hổ trên sân với đối phương, đội ngũ của chúng tôi sau đó đã bắt đầu chơi bóng thiếu mạch lạc. Vị trí của mọi người trong sân đã không còn rõ rệt như trước nữa. Có anh vừa chạy được đôi thước thì lại phải ngưng bước để xoa bụng rồi mới tiếp tục. Có người thì đã dừng hẳn lại, chóng tay vào hông mà thở hổn hển ngay trên phần đất của đối phương. Vài cầu thủ cũng đã tỏ ra lúng túng, thay vì chuyền bóng cho phe ta, nhưng rồi cứ phải phá banh liên tục vào chân của phe khác. Những cầu quân từng chạy nhanh như gió của ngày nào, ấy thế mà chiều hôm đó, thì lại phải rượt đuổi theo sau lưng của những người đang dẫn bóng phía trước. Người từng khéo léo dẫn bóng thì không còn phong độ để chuyền banh; còn những cặp giò đã từng tung lưới địch thì cũng bị chói chặt trước những đôi chân đất, nhưng lại vững chắt như thành đồng, của các hậu vệ địa phương.
Hàng trung ứng thì không đủ sức để trợ giúp cho các hậu vệ. Dàn tiền đạo thì cũng không còn nhanh nhẹn để kéo quân về bảo vệ khung thành. Lợi dụng thời cơ nầy, đối phương đã cố vươn lên nhiều lần trong tiếng cổ vũ của những người đang đứng chung quanh. Sau khi nhận được một đường chuyền bóng thật đẹp từ cầu thủ của đội tuyển “Hải Quân”, một tiền đạo khác của đội chủ đã vượt qua mặt Chí Thông, để rồi nhẹ nhàng tung lưới thủ môn Thanh Tùng mở đầu tỉ số đầu tiên cho trận đấu. Lập tức cả sân trường đã vang lên những tiếng reo hò, mừng vui của quan khách, mà đa số đều là những người đã đến để ủng hộ cho đội bóng của sân nhà.
 Ngỡ ngàng nhìn nhau không nói nên lời, chúng tôi phát hiện là mọi người trong đội đã không còn phong độ đá bóng như xưa. Chúng tôi đã tỏ ra hoàn toàn yếu kém về thể lực, mà cũng không còn phương cách nào để củng cố lại cho tinh thần đang thật sự xuống dốc. Không bao giờ tôi trông thấy Thanh Tùng lại phải bận rộn trước khung thành như những giây phút nầy. Anh đã phải chận bóng đón banh liên tục, ấy thế mà lại còn phải ném banh đưa bóng không ngừng về phía trước cho các đồng bạn của mình. Đội hình của đội thì cứ phải thay đổi từ dạng Bốn Ba Ba chuyển sang thành Bốn Hai Bốn; lại biến thành Năm Năm để rồi sau đó thì cũng không còn hàng ngũ gì trên sân nữa cả. Chúng tôi chỉ còn biết đá phá từng trái banh từ trong chân của đối phương ngay trên phần đất của sân nhà để chờ tiếng còi báo hiệu chấm dứt hiệp đầu của trận đấu.
Những giây phút chờ đợi lại nặng nề trôi qua không theo ý muốn. Chẳng bao lâu sau, cũng xuất phát từ tình huống lúng túng của hàng phòng vệ, sau khi một quả bóng phạt góc được tung vào, tiền đạo của đội tuyển “Hải Quân” đã đánh đầu thật bất ngờ. Bóng bay vào một góc cao làm bó tay thủ môn Thanh Tùng, để rồi sau đó thì nâng cao tỉ số bàn thắng cho đối phương trong tiếng reo hò mừng vui một lần nữa của những người đang trực tiếp theo dõi trên sân.
Cuối cùng, trọng tài cũng thương hại chúng tôi mà “ban” cho tiếng còi báo hiệu. Cả bọn chạy nhanh về địa điểm đóng quân mà uống vội, nuốt vàng những ly nước đá lạnh để giải khát. Chợt có tiếng cảnh báo của một đồng đội nào ở phía sau: “Tụi mầy coi chừng đó…uống nước cho nhiều vô bụng đi, để rồi một cái bánh bao hồi nãy, nó nở ra biến thành hai, thành ba cái trong đó thì biết!”. Ối chu cha ơi! Lời báo động nầy có phải là đã quá muộn cho chúng tôi rồi hay không? Làm sao mỗi đứa có còn nhớ là đã dồn bao nhiêu cái bánh bao? đã đổ bao nhiêu ly trà đá? cà phê? đá chanh?…vào trong cái dạ dày đang đói của mình ở buổi tiệc liên hoan linh đình trước đó.
Ông “Bầu” của đội đi đến nơi tụ họp của chúng tôi với sắc mặt không lộ nét vui. Không mở một lời thăm hỏi nào cho ai, ông chỉ đến để rồi lôi Trọng Ngân đi ra xa khỏi nhóm. Cả hai trao đổi qua lại những lời gì cho nhau mà chúng tôi không ai có thể nghe được gì cả. Sau đó thì ông “Bầu” cũng đã rời khỏi chỗ bỏ đi, còn Trọng Ngân cũng lủi thủi bước trở về với đội khi mà tiếng còi báo hiệu hiệp kế của trận đấu đang được thổi lên vang dội từ trong sân.
Cho dầu Trọng Ngân không thuật lại những tâm sự gì mà ông “Bầu” đã trút ra ban nãy cho anh; chúng tôi cũng đã biết phải làm gì trong những phút kế tiếp trên sân bóng đá thật xa lạ nầy. Sức khỏe của mỗi người tuy chưa được bình thường, nhưng chúng tôi cũng đã xuất hiện trở lại trên sân với đội hình tương đối đàng hoàng hơn trước. Chưa đủ sức để đưa những đường banh dài và nhanh để công hãm khung thành của địch, thì chúng tôi lại thay đổi lối chơi banh bằng những đường chuyền bóng ngắn trong chân cho nhau. Chiến thuật Ba Ba Bốn được thành hình, và tôi được rút về bổ sung cho quân số của hàng phòng thủ. Trách nhiệm đặc biệt của những hậu vệ lúc nầy là phải thay phiên cặp sát một bên cạnh của người tuyển thủ “Hải Quân” để cầm chân anh. Rồi cứ như thế mà chúng tôi từ từ tiến quân lên tấn công, hoặc là nhanh chân kéo quân về bảo vệ khung thành. Trận chiến tuy không có được những giây phút sôi động như hiệp trước cho đội chủ; nhưng đội khách của chúng tôi cũng thì đã tạm giải quyết được vấn nạn nâng cao tỉ số của đối phương.
Sau hơn bốn mươi phút bất phân thắng bại của hiệp thứ hai nầy. Thủ môn Thanh Tùng, sau khi đã chặn được một đường bóng đá dứt điểm thật hóc hiểm từ xa của tuyển thủ “Hải Quân”, nhưng rồi thì sau đó, anh cũng đã phải ngậm ngùi đi vào lưới để nhặt bóng, sau khi một cầu thủ khác của đối phương đã lao vào, đá tiếp quả bóng vừa văng ra khỏi tay của anh, từ một khoảng cách rất ngắn. Trước đôi mắt ngơ ngác của người thủ môn và của cả chúng tôi; cuối cùng thì tiếng còi cũng được thổi ra báo hiệu cho trận đấu đã thật sự kết thúc, với tỉ số là 3-0 nghiêng hẳn về một bên cho đội của chủ nhà.
Chẳng cần thay lại áo, đổi lại đôi giày làm chi nữa; sau khi bắt tay từ giã với các cầu thủ của đội chủ, chúng tôi cũng đã nhanh chóng rút quân để rồi sau đó vội vàng trèo trở lại lên xe. Lợi dụng những giây phút chưa có mặt của ông “Bầu”, chúng tôi mới có dịp để lời qua tiếng lại mà tâm sự cho nhau nghe. Một đứa trong bọn phát biểu “Tao tưởng là bửa nay tụi mình phải vát cả cái ‘cần sé’ mà chất banh đem về rồi đó!”. Một đứa trong toán cũng phụ lời “Đâu có trận nào mà bị thua thảm thiết như hôm nay vậy!”. Một đứa khác vừa buột miệng than “Không biết tại sao, tao cứ bị đau xóc hông hoài, làm sao mà chạy cho nổi!”, tức thì đứa nọ lại tấn công “Ai biểu mầy ăn nhiều quá làm chi!”…Mà thật sự là như vậy, từ hồi nào cho đến bấy giờ, có lần đi đá banh nào mà chúng tôi lại được ăn uống ngon miệng, và no bụng như lần nầy. Đi đá banh trong những lúc “đói và khát” sau giờ tan lớp, đó là một thú vui cho chúng tôi bên cạnh những giờ phút căng thẳng với những trang sách nặng nề của mỗi ngày. Chẳng có ai trong đội đã từng có kinh nghiệm đi “đá mướn” là phải như thế nào trước đó đâu.
Ông “Bầu” bước lên xe thì không khí bên trong cũng đã im lìm trở lại. Không ai dám mở lời, và ngay cả chính ông cũng không buồn lòng ra tiếng. Khách đến xem những trận đá bóng ban nãy cũng đã nhanh chóng lìa khỏi khu vực, để rồi cũng trả lại nơi đây một khung cảnh yên lặng của buổi hoàng hôn. Xe nổ máy rồi bắt đầu lăn bánh, chúng tôi từ giã sân vận động nầy với một tâm trạng thật sự nhẹ nhàng thật nhiều so với chuyến xe đò “hành quân” trước đấy.
Phước Hải, người bạn ngồi kế bên đã nheo ánh mắt làm ám hiệu riêng cho tôi. Nhìn theo hướng mắt đó của anh, tôi đã sắp phát ra tiếng cười to nhưng mai thay thì nhịn lại được. Tôi trông thấy anh đang cẩn thận moi ra từ trong cái xách tay anh mang theo, một cái bánh “tiêu” màu vàng cam quen thuộc mà tôi đã trông thấy trong quán cà phê của bửa trưa ngày hôm đó. Cẩn thận và nhẹ nhàng xé bánh làm đôi, anh kín đáo chuyền vào tay tôi sau khi đã tiếp nhận được cái chớp mắt đồng tình của người đồng đội tên Thái Lâm.
 
Viết tại California,
 
  Số người đọc 396277 visitors (1026414 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free