Lên mạng ngày 16/4/2009
Bụi Gia Trang
Xuất hiện vào thời điểm tụi nó đang ghiền tiểu thuyết phiêu lưu của Duyên Anh, với những bộ kiếm hiệp của Kim Dung, cho nên tên gọi nầy chắc có phần nào bị ảnh hưởng bởi những cuốn sách đó của hai ông. Đặt tên cho cái sào huyệt của mình đang ẩn náo là Bụi Gia Trang, tụi nó thích được làm người lớn như những nhân vật con nít trong truyện. Chứ thật sự thì không tên nào có thể thổi ra được mùi vị giang hồ ở đâu, mà cũng chẳng thấy được mặt mũi đứa nào lại có dính chút bụi đờitrên đấy cả.
Lúc đó, để thực hiện một dự án sản xuất ngắn hạn ngay khuôn viên của trường, tụi nó xin đống đô vào một phòng học đã tạm ngừng hoạt động trong ba tháng hè. Sau khi dự án xin trồng thí nghiệm lúa Thần Nông trên hai công đất của trường được chấp thuận; tức thời, ngay ngày đầu tiên của mùa hạ năm đó, tụi nó mang nồi niêu, chén dĩa, chiếu mùng từ nhà đến; dọn trống một phòng học bên trong ở cuối dãy, gần với con lộ lớn, mà cứ xem như cả bọn đang lập tiêu cục vậy đó. Ra ngoài làm sạch rơm rạ, gom góp lại chung với cỏ dại rồi đốt lên thành tro với khói trên mảnh đất trống được cấp, mà cứ tưởng mình đang làm một chuyện gì vĩ đại, như là đi phá rừng xẻ núi để lập thành trang trại chẳng bằng.
Trong khuôn viên của trường, chung quanh có cây xanh bóng mát; có đồng bắp với nương khoai, có vườn tược với mương nước. Vào mùa hè thường không có Sư phụ lên lớp, và cũng chẳng có đệ tử nào khác bén mảng tới, cho nên khung cảnh rất là yên tịnh, và hữu tình như trong những chuyện viết diễn tả về làng quê thôn xóm. Bụi Gia Trang của tụi nó lúc mới được thành lập là ở ngay tại địa điểm như vậy đó.
*
Xuất thân từ cùng trường trung học phổ thông thành phố, năm đó, tụi nó xin thi tuyển và được chọn vào học lớp đệ ngũ của trường trung học NLS nầy. Sáu thằng chỉ biết mặt nhau trên sân chơi bóng rổ vào mỗi chiều của hai năm học trước đó, vậy mà khi tới đây, cho dầu cũng bị phân tán mỏng vào những phòng lớp khác biệt, nhưng lại có cùng sở thích chơi thể thao, nên nhờ đó mà tụi nó cũng hòa hợp với nhau rất dễ. Vả lại hoàn cảnh sinh hoạt ở nơi nào cũng chẳng có khác biệt chi cho lắm. Những giây phút ban đầu, câu nói ‘ma củ hiếp ma mới’ vẫn là kim chỉ nam ở bất cứ mọi trường, cho nên đám học trò ma mới nầy cũng phải biết đoàn kết để được an toàn trước đã.
Trong trường có hai khu gia cư dành riêng cho những học viên ở xa đến tạm trú. Một khu có tên là “Sóc Cãi”. Người ta nói là cư dân sống trong khu vực nầy thì lại thường hay thích cãi với nhau, cho dầu là chuyện lớn hay chuyện nhỏ, chuyện ở bên trong hay ở bên ngoài. Ngay cả khi ra đường đạp phải cái cục ấy mà mang về đến Sóc, thì họ cũng có thể lấy làm đề tài để cãi với nhau cho được.
Còn khu vực sinh sống kia thì có tên gọi là “Sóc Lương”. Cũng chẳng biết lời đồn đãi của thiên hạ đúng hay sai. Tuy nhiên những chuyện đánh cắp bí mật xảy ra trong phạm vi của trường, nếu chưa tìm ra thủ phạm, thì cũng có thể đoán ra được nghi can ấy, cũng là dân đang định cư trong cái Sóc “Lương không được Thiện” nầy. (Những thành viên có tuổi trong hai cái Sóc Lương và Sóc Cãi, cũng có thể gọi là đại biểu cho thành phần và lực lượng của nhóm ma củ ở trường rồi đó.)
Tụi ma mới chúng nó chẳng đứa nào có tên trong hộ khẩu của hai khu gia cư nói trên. Tụi nó là dân nội địa sống trong thành phố, có nhà ở không xa mà cũng chẳng gần với địa điểm của trường. Nhà của thằng Hai thì xa nhất trong đám. Trọn hai năm trước đấy, mỗi ngày đi học, buổi trưa nó đã phải lội bộ gần hai cây số đường tới trường, rồi buổi chiều cũng phải cuốc chừng đấy quãng đường mới về lại đến nhà. Đi vào học ở nơi nầy thì khoãng cách từ nhà đến đó cũng phải tăng lên gấp đôi, cho nên Ba của nó mua cho một chiếc xe củ để nó có thể đạp đến lớp mỗi ngày. Cái sung sướng vô hạn của thằng Hai, với lần đầu tiên trong đời đã có được một báu vật, cũng chẳng còn tồn tại trong lòng với nó được bao lâu.
Một buổi chiều tan lớp, trời vẫn còn nắng chói chang, ấy thế mà thằng Hai thì lại trông thấy mây đen vần vũ trước mặt mình. Sấm sét hình như cũng đang nổi lên cơn liên hồi trên bầu trời, khi mà nó không nhìn thấy được bóng dáng con ngựa sắt trên bãi nữa. Nó chạy quanh, chạy quẩn như chó điên đến chỗ nầy tìm, tới chỗ kia kiếm cũng không thấy được tâm dạng chiếc xe của mình. (Một vụ đánh cắp bí mật đã xảy ra trong khuôn viên của trường, mà nạn nhân lại là một thằng học viên mới di cư đến chẳng được bao lâu. )
Từ đó, đôi mắt vốn thường đã đỏ vì mãi lo thức khuya (đọc tiểu thuyết Kim Dung) nên thiếu ngủ, bây giờ lại càng ngầu thêm, khiến một đứa trong bọn phải thì thầm nhắc nhở cho những tên khác: “Coi chừng thằng Hai nó sắp khùng rồi đó!” Tụi nó nghe vậy đã chẳng cảm thông với tâm trạng não nề của nạn nhân, mà lại còn đặt cái biệt danh riêng đầu tiên gắn cho thằng Hai, để rồi từ đó cũng bắt đầu câu chuyện của Bụi Gia Trang sau nầy.
Tuy không phải những tay chơi thể thao giỏi, nhưng khi ra sân thì lại rất hợp gu với nhau, cho nên đội bóng chuyền của tụi nó cũng đứng có hạng trong trường vào năm đó. Những trận tranh tài để được giải thưởng hạng nhất với hai con gà nông trại, một con cho đội về nhì đã xảy ra trong năm đầu tiên của tụi nó trên ngôi trường mới nầy. Đội banh vỏn vẹn với sáu tên đã vượt qua khỏi vòng loại vào tranh trận cuối cùng, gặp phải đội trụ cột của trường với thành phần và lực lượng là những thành viên của hai Sóc. Trong cuộc thi đấu nầy, hai bên đều dồn sức lực để giành phần thắng về cho đội của mình, nhưng rốt cuộc thì tụi nó cũng phải chịu thua.
Bọn đàn anh đoạt giải nhất thì khen đám đàn em mới nầy có nhiều triễn vọng trong tương lai; đám đàn em thì ca tụng bọn đàn anh chơi bóng đã giỏi, mà lại còn biết nhường, và biết chỉ dẫn thêm cho chúng. Thành thử ra, tình nghĩa anh em cùng trường chợt trong khoảng khắc lại rộ ra như hoa nở trong mùa xuân. Ba con gà được gom lại tổ chức thành một bửa ăn tối linh đình, có mặt của tụi nó tham gia cùng với bà con hai Sóc. Cũng bắt đầu từ đó, những câu chuyện ma đã không còn xuất hiện để quấy phá tụi nó, chẳng hạn như chuyện ‘ma trấn nước con ngựa sắt’ của thằng Hai lúc trước nữa. (Có thể tụi nó đã được các pháp sư đàn anh nầy vẽ lá bùa bảo hộ, dán vào lưng cho mỗi đứa rồi mà không có tên nào biết.)
*
Tuy là những sản phẩm nội địa của thành phố, nhưng trong bọn cũng có đứa được nhiều cơ hội tiếp xúc đến đồng ruộng thôn quê, qua mối liên hệ mật thiết với bà con bên Nội hay Ngoại vào những ngày tháng đi nghỉ hè, hay là về quê ăn tết. Một khi trở thành học viên của trường nầy thì ai ai cũng biết cuốc đất đào mương, lên liếp trồng khoai, tưới rau nhổ cỏ. Biết hốt cả phân bò, và biết làm một dự án sản xuất. Mới xong năm học đầu tiên, tụi nó hăng hái muốn thực hiện một dự án trồng thử lúa. Để làm được việc nầy một cách công bằng, thì trước tiên tụi nó phải tạm rời tổ ấm gia đình để đến sống bụigần nơi canh tác. Chính vì thế mà Bụi Gia Trang của tụi nó mới được ra đời vào mùa hè năm đó.
Nhà đã có tên cho nên người ở trong đó cũng phải có danh xưng để gọi. Tự dưng lại không thích xưng hô bằng những từ hoa mỹ: Phước Hậu, Ngọc Thành, Hồng Phúc…như trước, tụi nó muốn tìm những bí danh khác để mà gọi tên cho nhau. (Việc nầy chắc cũng bị ảnh hưởng nặng bởi chuyện của Duyên Anh!)
Trước đó trong nhóm đã có đứa được đặt biệt danh ‘Hai Khùng’, kể từ lúc nó sắp điên lên vì bị mất chiếc xe đạp. Tới phiên một thằng khác thì tụi nó lại gọi là ‘Ba hay La’, bởi vì tên nầy hay la rầy thiên hạ. Thật ra thằng Ba chẳng phải là nóng tánh hay khó tánh, chỉ tại miệng của nó thấy chuyện gì không vừa ý trước mắt mà muốn nói thì cứ nói ngay. Thằng Ba thì rất rành về những công việc đồng án, cho nên bọn chúng kêu nó là lãnh tụ của dự án sản xuất lúa nầy.
Đứa kế tiếp thì lại được tặng cái biệt danh là ‘Tư Sảng’. Ba má của nó đâu có phải là địa chủ hay tư sản gì; chỉ tại cái bệnh hay phát biểu của nó cho nên mới có biệt danh để gọi là như thế. Thằng ‘Năm Ngố’ rồi tới thằng ‘Sáu Ngông’, cả hai đều thông minh, nhưng không hiểu tại sao lại có bí danh như vậy. Thằng nhỏ nhất trong bọn được gọi là ‘Út Nùng’. Bởi vì nó nhỏ con nhất, và da của nó thì cũng đen nhất, đen như dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng cao nguyên.
Theo dự án kê khai thì nguyên vật liệu được cung cấp hoàn toàn miễn phí theo chương trình giáo dục, ngay cả đến máy bơm nước cũng đã được nhà trường cho mượn trước. Đúng y như một nông gia chuyên nghiệp chẳng khác. Trời đã sáng thì thằng Ba bắt đầu quát tháo lên rùm ben, vì bởi tụi kia vẫn còn đang nướng thêm trên những mặt bàn để ngủ tiếp. Sau đó mỗi tên đều được cấp cho những vũ khí trên tay, cùng lội ra đồng để bắt đầu cho một ngày trao dồi công phu, luyện Cửu Dương Chân Kinh gồm có chín chương: cày, bừa, trục, gieo, cấy, bón, chăm, gặt, đập.
Tụi nó vận dụng nội công đào từng cục đất to lên trên mặt. Theo đúng bài vở đã ghi thì gọi là đi cày theo phương pháp thủ công; nhưng ở đây thì không phải do trâu bò kéo, mà là do tụi nó vun tay múa cuốc. Sau khi cày xong thì sáu thằng cũng với những vũ khí trên tay làm nhỏ, làm nhuyễn những cục đất to ban nãy. Đây gọi là bừa đất ra, cũng theo đúng với sách vở của nhà trường. Cày bừa xong mới bơm nước vào; thế là chấm dứt một ngày lao động mệt nhọc. Cho dầu thằng nào thằng nấy cũng đang nhễ nhãi mồ hôi, áo quần thì lem luốc, nhưng lại vui vẻ cả làng khi cả đàn (không phải đàn trâu đâu nha!) được nhào xuống mương tắm, mặc cho thằng Ba đứng trên đó một mình canh chừng mực nước với cái máy bơm.
Buổi sáng hôm sau tiếp tục cho chương kế tiếp là trục đất. Thằng Tư phát biểu sáng kiến mới; dùng một cái ống cống thoát nước bằng xi măng đang nằm lăn lóc trên lề đường của trường để trục bùn. Cả bọn hớn hở nghe lời làm theo. Cái cống được đưa xuống thửa đất của tụi nó chưa di chuyển được bao xa thì bị lún ngay trong đó. Có cố hì hì, hục hục đẩy tới, nó cũng không chịu lăn tiếp; đẩy lên để trả về chỗ củ, nó cũng chẳng chịu nhúc nhích chút nào. Rốt cuộc thì tụi nó cũng phải dùng dụng cụ gỗ trên tay để phè phè, phịch phịch trả bàicho thuộc. Mảnh đất trồng trọt của tụi nó bổng dưng bây giờ lại phải chia chổ ở cho một cái cống vô tích sự đã lì lợm không chịu rút lui, cho nên tụi nó cũng phải mất đi một phần của diện tích lúa sẽ được trồng lên trên đấy.
Việc ngâm lúa giống ủ ra mầm đã được thằng Ba một tay lo liệu trước đó. Miếng đất dùng để gieo mạ cũng đã chuẩn bị xong, chờ ngày hạt nẩy mầm ra mộng. Cả bọn đứng nhìn thằng Ba trổ tài rãi đều những nắm lúa trong tay xuống mảnh đất một cách rất nhà nghề. Sau đó, thì cứ theo bài vở đã học: khi nào phải bón phân, làm thằng nộm đuổi chim đến phá như thế nào, giữ mực nước ra sao, để chờ ngày hạt lúa lên cao thành mạ.
Một tháng sau thì mạ đã đủ lớn để mang ra cấy. Buổi sáng hôm đó, cũng ra đứng nhìn thằng Ba đi một đường quyền trong bùn với điệu võ phóng phi tiêu ‘mạ’ xuống đất. Sau khi một hàng mạ đã được phóng làm chuẩn, cả bọn phân phối nhân lực đều trên cánh đồng, rồi còng lưng phóng tiếp những phi tiêu khác giống như thằng Ba đã biểu diễn ban nãy. Chỉ cần hơn một nữa ngày thì tụi nó cũng đọc xong chương cấy lúa. Đứng trên bờ đất nhìn xuống cánh đồng với những hàng mạ non, cho dầu nó không được ngay hàng thẳng lối, nhưng tụi nó cũng cảm thấy hãnh diện trong lòng với những đường biểu diễn của một phương trình vĩ đại, đã được vẽ lên trên mặt đất bùn nơi đó ngày hôm nay.
Lúa đã cấy xong, những việc làm kế tiếp cũng dễ dàng vì chỉ cần theo đúng sách vở thực hành. Chẳng hạn như khi nào mới bón thêm phân, chừng nào mới cấy dậm thêm cho lúa, thăm chừng và chăm sóc cho lúa phát triễn như thế nào... Cũng may mắn thay, lũ côn trùng và đàn sâu bọ đang bận nghỉ hè ở một nơi nào khác, cho nên chẳng thấy bóng dáng của chúng đến viếng thăm thửa ruộng ở trường nầy. Công việc chỉ còn cực thêm một ít vào lúc phải đi nhổ cỏ dại, cho nên tụi nó có rất nhiều thời giờ rảnh rỗi sau đó.
*
Những ngày đầu tiên, thực phẩm viện trợ từ nhà vẫn còn dồi dào, chỉ cần thổi lửa lên nấu gạo thành cơm thì cũng đã có một bửa ăn ngon vào bụng. Ăn no lại cộng vào cái mỏi mệt vì lao động cả ngày ngoài đồng, cho nên đứa nào cũng đánh một giấc thẳng cẳng cho tới khi tiếng gáy của thằng Ba lại phát ra, thay thế con gà trống báo bình minh đến. (Thật sự thì mỗi sáng, sau khi mặt trời đã lên khá cao mới thấy được mặt mũi của tụi nó bắt đầu bước ra khỏi cửa.)
Lương thực theo thời gian thì cạn dần, thời giờ rảnh rỗi cho tụi nó thì lại nhiều thêm, cho nên những đứa ở Bụi Gia Trang có cơ hội đi tìm những thú vui (?) khác. Đã biết câu “Nhất quỉ, nhì ma…” thì phải biết luôn vai trò quan trọng đứng vào hàng thứ ba phải là tụi nó.
Những cây bắp non trên cánh đồng gần đấy lúc nào cũng an toàn, cho dầu nếu chúng có cảm giác không yên lòng vào những lúc trông thấy bộ mặt đầy cái bang của tụi nó đang lang thang gần đấy. Các trưởng lão ở đây cũng biết giữ gìn ý tứ, vì bởi trên giang hồ võ lâm đương thời chỉ có một môn phái Bụi Gia Trang của tụi nó là đang tung hoành trong trường mà thôi. Chỉ tội cho cây xoài đầy trái ở cạnh con đường dẫn từ cổng chính vào các dãy lớp, đã không được yên giấc ngủ ban trưa trong mùa hè yên lặng. Mỗi khi thấy bóng dáng của tụi nó đang lãng vãng bên cạnh, thì cả cành lẫn nhánh cũng phải rùng mình rụng trái. Thằng Năm với tay sút bóng rổ rất chỉnh, mà đập banh bóng chuyền cũng chính xác, thì làm sao những trái xoài đang treo lơ lững trên nhánh có thể tránh khỏi ngón Nhất Dương Chỉ của nó. Những trái xoài hãy còn xanh, bình thường nếu đi mua ở chợ đem về ăn thì chắc chắn đứa nào cũng phải nheo mắt mà than là chua quá. Ấy vậy mà những trái xoài cũng màu xanh nầy, thì tụi nó lại chuyền tay cho nhau nhai vội, nuốt vàng vào bụng mà tấm tắc khen ngon.
Cả ngày đi mò cá bắt cua quanh những mương nước trong trường để mang về làm lương thực. Tụi nó lấy đất đấp thành bờ ngăn nguồn nước chảy, rồi thay phiên tát cạn khu vực hành quân để truy lùng binh lính cá. Hì hục cả buổi, đôi khi cũng chỉ tìm ra được vài con cá nhỏ, không đủ nhét vào kẻ răng của thằng Út nữa. Rồi cả bọn lại lục đục đi tìm cua. Thằng Tư nhìn ra một cái hang, thằng Sáu định thò tay vào, thì thằng Ba cản lại, nói coi chừng hang rắn. Thằng Năm điều tra thấy những dấu lấm chấm, cho là dấu của chân cua đi qua để lại. Thằng Hai thắc mắc sao hang nầy lại to hơn thân mình của một con cua (đồng) bình thường. Cả bọn không có đứa nào dám thọc tay vào nữa, mà trái lại còn phải leo lên bờ cả đám sau đó, vì không biết là hang của quái vật gì. Tìm không có thức ăn thì cũng phải trở về lại gia trang vì đói. Tụi nó nấu lên một nồi cơm, rưới vào chén cơm đang nóng một chút mở, rồi đổ thêm muỗng nước mắm ớt có tỏi, có dắm với đường lên, ăn vào bụng mà cũng cảm thấy ngon miệng không có chỗ nào chê cho được. Một bửa ăn tuyệt vời như vậy có cần đến cua và cá chi đâu.
Có đêm Thuận Râu từ thành phố lên thăm, nó mang theo lương thực tiếp tế gồm một ít đồ ăn gọi là mồi, cùng với thức uống là những chai đựng đầy rượu. Chỉ mới có từng đấy tuổi đời mà chúng đã học đòi làm người lớn. Cả bọn ngồi nhậu với nhau như người sành điệu. Cùng cạn ly đến say mèm, rồi cùng ói mữa ra cả đám ngay trong đêm. Ngày hôm sau lại phải lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ để trả phòng học nầy cho trường như ngày chúng mới đến. Chiều nay Bụi Gia Trang sẽ đóng cửa, rồi tụi nó cũng sẽ hoàn trả lại cho gia đình những tên học trò ngoan ngoãn của ngày nào.
*
Ba tháng hè trôi qua nhanh. Mới hôm nào tay chân hãy còn lấm tấm bùn lầy trên một cánh đồng trống ở trường; bây giờ tụi nó lại đang ngồi trên ghế, trong một lớp học mới, với chiếc áo nâu và cái quần đen tươm tất. Ngày đó những cọng mạ non yếu ớt được bàn tay của tụi nó nâng niu cấy xuống thửa ruộng ẩm nước, bây giờ trở thành một cánh đồng khô xum xê với bông lúa đã chín vàng đầy hạt. Mùa thu hoạch đầu tiên nầy không có đàn anh ngày ấy đến san sẻ và cổ võ. Bọn họ đã rời khỏi ghế nhà trường vào mùa hạ năm đó, trả lại phòng học trống cho những đàn em kế tiếp bước vào. Một ngày cuối tuần nào đó, Bụi Gia Trang của tụi nó sẽ bước xuống thửa ruộng nầy gặt luá, rồi đập lúa thu hoạch; để rồi ngày mai chúng cũng sẽ trả lại nơi nầy một mảnh đất trống…
Lời tâm sự:
Bụi Gia Trang được thành lập vào mùa hè 1970 tại trường trung học NLS Cần Thơ, đúng một năm sau thì đã biến mất trên giang hồ. Lý do là tụi nó đổi ý, muốn trở thành những tay ‘sơn lâm thảo khấu’, ủa quên, không phải. Tụi nó muốn trở thành những nhân viên kiểm lâm sau nầy, cho nên mới dọn lên trường trung học NLS ở Bảo Lộc mà ‘quậy’ tiếp.
Chuyện của Bụi Gia Trang xẩy ra vào lúc tụi bọn hãy còn trong tuổi thiếu niên đầy hồn nhiên và vui sống. Nhưng mà phải chờ đến gần bốn mươi năm sau mới được ghi lại, cho nên một vài chi tiết có thể sai, có thể bị thiếu xót. Tuy nhiên, những nét chính bên trên chỉ muốn được dùng để nhắc nhớ lại một thời niên thiếu của tụi nó, lúc còn làm học trò nhưng lại có cuốc cầm tay.
Viết để gởi đến các anh, các chị và các bạn học viên của cùng một mái trường khi xưa một vài giây phút giãi trí. Viết để tặng các cư dân của hai Sóc Lương và Sóc Cãi ngày trước, được gợi nhớ lại một vài kĩ niệm nho nhỏ. Và cũng viết để tìm lại hình ảnh của những nhân vật thật sự của Bụi Gia Trang ngày nào.
Cali, tháng tư, hai ngàn lẽ chín
*