Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Ngày ấy bây giờ và mai sau
 

Lên mạng ngày 9/9/2008

 NGÀY ẤY BÂY GIỜ VÀ MAI SAU
Thái Thị Khiêm
 
   Đi ra đi vào miệng tôi lẫm nhẫm đọc thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư: “Con nai vàng ngơ ngác – đạp trên lá vàng khô”, hình ảnh chú nai thêu dệt mùa thu làm tôi nhớ đến lớp, nhớ trường cũ, nhớ tình xưa… lắm khi thôi thúc tôi cầm bút viết lại hồi ký này, cùng đôi dòng tự sự: Ngày ấy! Năm 1970 trời độ sang thu có 56 con nai vàng ngơ ngác tuổi đời 15 còn niên thiếu từ khắp các tỉnh thành Sàigòn, Mỹ Tho, Sađéc, Vĩnh Long, Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc… tập trung về đất Cần Thơ để gặp gỡ số đông là nai vàng tại Phong Dinh-Tây Đô. Gắn kết chúng tôi bởi nhơn duyên “Công Thôn” dưới mái trường Nông Lâm Súc Cần Thơ niên khóa 1970-1973. Ngôi trường thân yêu của chúng tôi nay đổi mới thích nghi với sự phát triển của đất nước. Toàn cảnh trường trông thanh lịch hơn, khang trang và hiện đại. Vị trí trường vẫn tọa lạc trên nền đất cũ nằm phía bắc Lộ 20 nay đổi tên:“Trường Cao Đẳng Kinh Tế Kỹ Thuật Cần Thơ”.
   Là kẻ mang tâm sự hoài cổ - ôn cố tri tân làm sao tôi có thể quên hàng cườm thảo bông vàng đứng thướt tha nhưng không ủy mị như nàng liễu đợi chờ. Trông nó dũng mãnh hơn, sẵn sàng dang rộng cánh tay che mát cả lối đi về tòa nhà nội trú phía sau trường.
   Cũng từ phía đằng sau ấy một số bạn nam lớp tôi đang khổ hạnh tại “Sóc Lương”. Sóc là thôn hoặc xóm làng của người anh em dân tộc Khơ Me họ gọi. Còn lương ư? Có lần được nghe bạn nam giải thích nhưng chưa mấy rõ ràng: lương thiện hay lương lẹo hoặc lương lượm gì cũng có… nhóm G5 (gờ năm) lớp tôi cũng chưa dịp nào hành hương thăm “Sóc” thật tình mà nói tôi cứ ngây ngô liên tưởng đến truyện Thủy Hử mà cho rằng ở đó có 108 vị anh hùng hảo hớn đang khoác áo nâu sòng chờ ngày tang bang thế tế… Với sự hiểu biết thô thiển ngày ấy nay viết lại có gì không phải các bạn hoan hỉ bỏ qua cho. Nhưng dù sao Sóc Lương của trường mình cũng vang bóng một thời phải không các bạn?
   Từ khu Nội Trú đi về phương bắc là vườn Thủy Lâm giáp với Phi Trường. Trung tâm trường là khuôn viên thực hành nông trại của anh em Canh Nông và Mục Súc. Buổi sáng tinh mơ hay vào những chiều tắt nắng, tại đây kẻ ra người vào như trảy hội: Chốn này lom khom… tiều vài chú, họ đang cuốc đất lên líp hoặc bâm đất. Đằng kia thì bên anh gieo hạt, bên nàng bắt sâu… Còn dọc theo con kênh xanh xanh chàng và nàng đang chuyền nước để tưới mát những luống rau ta trồng. Họ chuyện trò với nhau hoặc phá lên những trận cười dòn tan. Vì vậy cảnh quan nơi đây rất sinh động. Có lúc toàn một màu xanh rì của ngô khoai, rau muống, xà lách… Đến khi thu hoạch xong còn trơ lại những líp đất phong trần. Nhưng trong chúng tôi ai cũng hiểu rằng là chúng đang chuẩn bị khoát lên chiếc áo xanh mượt mà trở lại. Thế nên khu nương rẫy này được xem là nguồn tự sản tự tiêu rau quả để cải thiện bửa ăn cho các môn đệ chùa nhà.
   Song song với Lộ 20 (nay là đường Nguyễn Văn Cừ) là dãy phòng học Lý Thuyết Văn Hóa riêng ban Công Thôn lớp tôi suốt 3 năm đóng đô tại dãy lớp có 2 phòng, một phòng dành cho lớp đàn em “ruột” Công Thôn. Dãy nhà này đã xuống cấp nhưng bù lại rợp mát nhờ cây cao bóng cả, nên thơ hơn, phía vách ngoài (ở hướng đông) nguyên một dàn hoa quỳnh anh đầy hoa vàng rực rỡ hòa quyện sắc áo nâu học trò. Những sáng trước khi vào lớp học dưới nắng mai mấy giọt sương long lanh còn sót lại, cộng hưởng cái óng vàng anh khiến cho loài hoa bình dị này đã đủ sức thuyết phục sự chiêm ngưỡng của bọn tôi một cách lạ thường.
    Thi một học kỳ xong, chuẩn bị đón xuân về trường cho quét vôi lại kho nhà xưởng, nó song song với đường liên tĩnh Long Xuyên-Cần Thơ, kho nhà xưởng này nay không còn nữa. Thầy Lộc, chúng tôi ai cũng gọi là “Bố Già” hướng dẫn thực hành: ngâm vôi bột với nước theo tỉ lệ và cho a dao để tăng độ bám khuấy cho đều đâu khoảng hơn nửa thùng phi lớn khoảng 200 lít. Các bạn nam phân công các nàng giữ nhiệm vụ canh chừng Bố để kịp thời báo động thầy đi về xóm rẫy để còn hướng dẫn anh em Canh Nông. Tôi còn nhớ rất rõ khi Bố Già vừa rời khỏi hiện trường thì hiệu lệnh xuất phát để cho các bạn nam để hành động: kẻ lên thang trên cao, người dùng thùng con trung chuyển nước vôi đem lên theo phương pháp dây chuyền, tạt ào ào lên vách… với tác phong công nghiệp của thứ ba học trò… chẳng mấy chốc phi nước vôi cũng gần cạn kiệt. Vách tường vôi lúc bấy giờ trông y như tấm bảng dạy toán chứa đầy những dấu cộng, dấu nhân to đùng, bên nọ bên kia là những parabol nghiệt ngã… Chỉ tội cho đám cỏ mần chầu dưới chân tường dẩm toàn một màu vôi trắng xóa. Qua rồi trận chiến khốc liệt, để đến giai đoạn hòa hoãn, hầu vá lấp lổ trống cứng đầu, xong rồi thu dọn chiến trường đánh nhanh rút gọn chờ Bố về để nghiệm thu công trình đầu đời của chúng tôi lớp 10 Công Thôn.
     Thư giản một chút các bạn ạ! Rồi tôi lại viết tiếp đây: Tôi nhớ không nhầm ở thời điểm học kỳ 2 Lý Mỹ Phúc và tôi được phân công chặt sắt cột khuôn vĩ để đổ bê tông hay đan xi măng thì phải? Mỹ Phúc xử dụng cở đo rồi giữ dây sắt 0.6 m/m nằm trên đe, còn tôi một tay giữ đục, tay kia cầm búa vận công lực hết sức bình sinh vào nhát búa – rất chuẩn, nhưng có lẻ phải cho vài nhát nữa dây sắt mới chịu đứt lìa? Hai bạn trẻ tiến hành nhát búa thứ kế tiếp, bỗng dưng tay tôi chùng xuống rồi buông bỏ đồ nghề la lên…máu!!! -Máu hả? Mỹ Phúc hỏi lại.
   Chính xác là một vòi máu tí bằng thân kim khâu tay phun vút lên rồi bẻ cong vòm xuống giống như tia nước phun ở đại lộ Hòa Bình Cần Thơ từ ở vị trí giữa ngón trỏ và ngón cái nơi dân gian gọi là trái chanh của bàn tay bạn tôi. Tôi vội gạt lùa máu qua một bên để tìm thương tích, máu vẫn phun lên nhưng không có vết thương nào! Hoãng qúa tôi dùng ngón tay đè kìm máu rồi cả hai chạy về phòng y tế của trường. Vì rằng kẻ gây án không để lại vết sẹo nào cho người bị hại nên thầy nghị án rút kinh nghiệm sau nầy. Bây giờ thấm thoát mà đã gần 40 năm trôi qua, một khoảng thời gian vừa đủ để chứa quá nhiều biến động và những sự đổi thay, một số bạn nam lớp tôi đã về chốn vĩnh hằng. Những người còn sống thì phần đông lâu lắm mới được gặp lại nhau trong tay bắt mặt mừng vào hai lần xuân họp mặt. Cũng không ít bạn cách xa nửa vòng trời trái đất nay tìm về nguồn cội để kính thầy thân bạn và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thuở cơm cha áo mẹ công thầy, thuở còn làm cây trong vườn ươm, được thầy cô chăm sóc dạy dỗ.
   Nhưng có ai ở mãi vườn ươm?... Và hôm nay kính thưa quý thầy cô chúng em:”Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Đa số các bạn trong lớp rất thành đạt và đủ đầy, đồng thời cũng không ít bạn lắm thăng trầm và còn nhiều gian khó. Tôi và các bạn trong lớp cũng được sẽ chia chung trong một tấm lòng với tình thương tương ái.
   Và mãi sau với phương tiện thông tin hiện đại, nên chúng tôi liên lạc nhau rất dễ dàng. Sắp tới đây là những chu kỳ xuân họp mặt hy vọng quý thầy cô và các bạn lớp sẽ hết sức cố gắng vượt qua những rào cản của ngày thường hãy đến với nhau gặp lại quý thầy cô và các bạn của hội đồng môn Nông Lâm Súc.
   Tôi xin chân thành cảm ơn mối quan hệ bạn bè. Nếu có kiếp sau, chúng ta sẽ được gặp lại nhau trong tình bằng hữu nghĩa kim bằng.          
 
Viết xong ngày 26-03-2008

Trở về trang BẠN VIẾT
 
 
 
 
  Số người đọc 419650 visitors (1084838 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free