Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Lời Trần Tình
 
Lên mạng ngày 15/9/2008

LỜI TRẦN TÌNH
 
Nguyễn Hồng Đơn
 
   Sỉ tử lớp Công Thôn cùng nhau dồi mài kinh sử khoảng thời gian tám trăm ngày dưới mái trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ. Vào đầu mùa hè năm 1973, khi đã hoàn tất chương trình học lớp 12 cũng là mùa chia tay. Mỗi bạn bước vào một bước ngoặc mới. Một ngã rẽ tâm tình, tình nghĩa thầy trò, tình cảm bạn bè. Đường thầy thầy đi để tiếp tục truyền đạt kiến thức cho thế hệ kế tiếp, nẻo trò trò bước để kiến tạo cho mình công danh sự nghiệp. Và cũng từ ngày ấy đến nay thầy cùng trò đã bước đi với những bước chân dài độ 37 năm mới hội ngộ tại nhà hàng Hoa Sứ Cần Thơ.
 Một đêm dài, dường như dài hơn so với mọi đêm, trăn trở không sao ngủ được, mong chờ trời mau sáng để đi họp mặt. Tâm trạng này có lẻ không riêng tôi ?! Và rồi việc gì đến cũng đến. Các bạn ở trong nước và hải ngoại với bao công sức tìm kiếm, thăm hỏi địa chỉ của qúi thầy cô, và các bạn đồng lớp, cùng trường cuối cùng cũng đã qui tụ đầy đủ. Ngoại trừ Long Tuyền, Khai Thông, Quách Gú, Công Dũng ở nước ngoài và bận việc gia đình không tham dự được, nhưng cũng gởi quà về đóng góp chung vui cho ngày hội ngộ.
   Lần nầy thì không ngần ngại và xa lạ hay bở ngở như ngày đầu nhập học năm 1970 vào lớp 10 Công Thôn trường Nông Lâm Súc Cần Thơ nhưng là ngở ngàng qua từng khuôn mặt của qúi thầy cô, của các bạn nam nữ đã trải qua 37 năm phong trần. Gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng. Trong lòng không riêng ai, có lẽ có một cảm xúc không thể diễn tả được. Vâng! Bây giờ không thể phủ nhận một câu nói, thầy trò mình hôm nay đã già rồi nhìn nhau không nhận diện được!
   Riêng tôi trải qua bao nhiêu năm trên con đường tạo lập công danh còn có được may mắn thỉnh thoảng gặp lại các bạn ngày xưa cùng lớp cùng trường. Nguyễn Long Tuyền là người bạn mà chúng tôi có cùng một ý nghĩ dại dột: Vào nhà thờ Đức Bà Sài Gòn để thưởng thức bánh thánh đêm Noel năm 1974, bánh thánh đâu chẳng thấy mà chỉ thấy áo của haiđứa tôi ướt đẫm mồ hôi vì phải chen lấn với dòng người đổ xô vào quá đông để ra ngoài cửa vì chúng tôi không phải là con chiên của chúa.
 Hồng Đơn gặp lại Kim Thu vào một buổi sáng ở bến phà Thủ Thiêm, tôi vui mừng khi nghe Kim Thu bảo đã tìm được việc làm ổn định, vậy là đở được một phần gánh nặng kinh tế của gia đình Kim Thu, và rồi chúng
tôi vội vàng chia tay vì mỗi người có mỗi việc.
   Tốt nghiệp ra trường, tôi giảng dạy trường chuyên nghiệp, không hẹn mà gặp nhau, ba đứa tôi là Hồng Đơn, Văn Phương và Ngọc Thu cùng giảng dạy chung một trường. Mình đã chung nhau một lớp ở trung học và cũng là đồng hương, nay cũng là đồng nghiệp thì còn gì bằng khi ở xứ lạ quê người và đồng thời chúng tôi cũng cùng chung một cảnh ngộ, với những kỷ niệm không phai sau hơn 3 năm chung sống bên nhau. Vào thời điểm đó Trương Văn Hưng đến thăm chúng tôi. Gặp lại bạn thì vui mừng lắm, với tính vui vẻ của Hưng như ngày nào. Hưng bảo Thầy Đơn ơi! Học trò bảo sao thầy khó quá? Với tôi thì biết sao không!? Với bạn bè thì không, nhưng với học sinh thì phải như vậy! Vì thuốc có đắng mới giải hết bệnh. Nhà mô phạm có khó thì học sinh mới nên thân!!
   Hai bạn thân Thu và Phương ở lại giảng dạy nơi đó. Tôi chia tay từ giả về quê, tình cờ gặp lại Văn Lích và Như Quý. Cả hai đều vừa tốt nghiệp Đại Học Cần Thơ. Lần nầy Lích tốt nghiệp ngành nông nghiệp vậy là lộn ngành rồi. Còn Như Quý không phải đi lộn chuồng mà cũng đã lộn ngành, tốt nghiệp thú y chăn nuôi. Sao cũng được, thi đậu vào đại học là chuyện khó và đã tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư chăn nuôi thú y thì tốt lắm rồi. Nhưng có một điều là thiếu một chút tôi đã làm sư phụ bất đắc dĩ của hai nhân tài nầy thì thật khó xử cho tôi. Vì bạn Lích học rất giỏi và là chuyên gia của lớp thường xuyên phỏng vấn thầy cô, còn bạn Như Quý thì học giỏi hơn tôi khi còn học chung lớp.
   Nhớ ngày nào thời thơ ấu với bài tập đọc văn xuôi Tôi Đi Học của tác giả Thanh Tịnh: “Trời cuối thu lá ngoài đường rơi rụng nhiều, trên không có những đám mây trôi bàng bạt… mẹ tôi dẫn tôi đi trên con đường ngoằn ngoèo đến ngôi trường làng…”. Rồi bước vào trung học lần lần bạn bè thân thiết nhau hơn. Lớp học có nam lẫn nữ nhưng tình cảm bạn bè xử sự với nhau như một gia đình lớp Công Thôn trong một đại gia đình Nông Lâm Súc; giúp đỡ lẫn nhau, vui đùa tế nhị, vui để mà học, trao đổi với nhau những câu nói bâng quơ trong giờ giải lao hay các câu hỏi ngớ ngẫn để phá phách thầy cô trong giờ học. Đấy chỉ là những lời lẽ vô tư của tuổi học trò không ẩn ý và rồi tất cả cũng vội vả đi vào quên lãng.
   Thời gian trôi như bóng câu qua cửa sổ, một bài tập đọc văn vần tôi còn nhớ: “Thời giờ ngựa chạy, tên bay
                 Hết trưa, lại tối, hết ngày, lại đêm
                 Đông qua, xuân lại trước thềm
                 Hè về rực rở, êm đềm thu sang…”
 Giờ đây con thì chăm học, cha mẹ thì chăm làm?! Nhớ lời Thầy Nguyễn Thượng Hạng khi còn ở lớp học vừa dặn dò, vừa thử thách mà tôi nhớ mãi: “Các em hãy tạo cho mình cái có, rồi mới đòi hỏi cái có của người khác”. Rất là chí lý; Nhưng cái có tìm ở đâu với hai bàn tay trắng, lăn lăn trên đường đời vạn nẻo, tạo được cái có thấy sao khó quá; nhưng rồi có bao nhiêu năm các bạn đã đua nhau trong trường học, thi nhau trong trường đời và thành đạt ngày hôm nay thì cái khó không bó được cái khôn của sỉ tử lớp Công Thôn nói riêng và Nông Lâm Súc nói chung phải không các bạn !! Ông bà ta thường nói: “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” mà thầy trò Nông Lâm Súc nhà mình thì ngày nay “bách nghệ bách tri”?!
   Ôn cố tri tân, chuyện xưa Hồng Đơn đã kể có lẽ còn nhiều thiếu sót vì thời gian đã qua hơn 37 năm. Còn cái mới thì lớp Công Thôn chúng ta “tình như thủ túc”, giúp đỡ lẫn nhau từ khi còn trong lớp đến khi ra ngoài đời, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng với nghĩa cử “thi ân bất cầu báo” thật là một tinh thần cao qúi.
   Quá khứ thì không ai muốn nhắc đến và đồng thời cũng không ai bằng lòng với hiện tại mình đã đạt được sau bao năm làm việc vất vã. Nhưng ở hiện tại có một điều Hồng Đơn muốn nói là người bạn trước đây đã hỏi tôi, đã viết phần đầu, thay vì dụng cụ lao động nầy thuộc về tôi vì là dân Nông Lâm Súc. Nhưng thượng đế lại bang tặng cho anh ta cây cuốc và đã cuốc đất hơn 30 năm. Có lẽ bây giờ đã hiểu được ý nghĩa màu nâu của chiếc áo học sinh trường Nông Lâm Súc, xem ra ông trời có con mắt.
   Còn quay về quá khứ Hồng Đơn đã luyện được viên cao đơn hoàn tán trị bệnh trẻ mãi không già hiệu là “Tâm Sự Thuở Học Trò” để qúi thầy cô cùng các bạn thân về với thực tại trở lại “Trường Cũ Tình Xưa”.
    I have written down all of the memory about my golden time at school in the past with the best teachers, honest classmates and friends.
    Lời cuối Hồng Đơn chúc qúi thầy kính yêu và các bạn thân mến ở quê nhà cũng như hải ngoại vạn sự như ý, an khang, thịnh vượng.
    Nguyễn Hồng Đơn lớp 10 Công Thôn niên khóa 1970-1973; tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Sài Gòn khóa 8 Ban Công Thôn 1973-1975, địa chỉ: 100/2 khu vực 13, Phường Châu Văn Liêm, Quận Ô Môn, Thành Phố Cần Thơ Việt Nam. đtn 0710-862-412; đtdđ 0979-140-914.    
 
Nguyễn Hồng Đơn, ngày 10-09-2008
 
Trích từ “Trường Cũ Tình Xưa” trang 88

Trở về Trang BẠN VIẾT
 
 
  Số người đọc 423389 visitors (1094569 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free