Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Tản mạn về nuôi bò sửa
 
Lên mạng ngày 20/10/2008

TẢN MẠN VỀ NUÔI BÒ SỮA Ở MIỀN NAM VIỆT NAM
 
Sau khi học xong lớp 12 Công Thôn, tôi có thi đậu vào Trường Cao đẳng Nông cơ ở Bình Dương nhưng không vào học. Sau này tôi tốt nghiệp ngành chăn nuôi và làm việc trong ngành chăn nuôi ở một nông trường ở miền Tây suốt 27 năm. Tôi có tham gia chương trình phát triển bò sữa trong các dự án do Canada tài trợ ở tỉnh SócTrăng…
        HUỲNH HỮU CHÍ
 
Làm sao nuôi bò sữa được tại các nước nhiệt đới?
   Bò sữa ban đầu (từ những năm 50 của thế kỷ trước) do các thầy học từ nước ngoài về nói, được học sinh trong nước tưởng tượng như là những con vật chuyên sống trên các thảo nguyên bao la, các đồng cỏ xanh bát ngát. Lúc ấy, người ta cho rằng ở miền Nam, chỉ có thể nuôi bò sữa được tại các vùng khí hậu mát như Lâm Đồng, Bảo Lộc hoặc vùng tây nguyên.
   Thời gian trôi qua, không ai bảo ai, bỗng nhiên khoảng năm 2000, TP.HCM và vùng phụ cận phát triển số lượng bò sữa 30.000 – 40.000 con chiếm tỉ lệ bò sữa nuôi cao nhất nước làm không ít người theo phái kinh điển ngạc nhiên.
   Bò sữa năng suất cao có gốc từ các nước ôn đới với giống nổi tiếng cao sản nhất là Holstein Friesian gốc từ Hà Lan. Tuy nhiên, hiện nay, các nước chăn nuôi tiên tiến đều có hiệp hội Holstein của quốc gia và đã tạo được nhiều dòng Holstein năng suất cao phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu (xuất khẩu bò giống và xuất khẩu tinh). Bò ôn đới chưa thích nghi không nuôi được ở vùng nhiệt đới vì hai lẽ: không chịu được khí hậu nóng và không tiêu hóa tốt cỏ chất lượng kém ở vùng nhiệt đới.
   Một trong những cách làm của nhiều nơi để cải thiện năng suất thấp của giống vật nuôi điạ phương trong vùng nhiệt đới là cho con đực ôn đới năng suất cao phối giống với con cái nền của địa phương tạo thành thú lai. Đối với bò sữa, người ta đã dùng các loại bò nhiệt đới như bò Sahiwal (tạo thành bò AFS/Australian Friesian Sahiwal của Úc), bò Sind (bò sữa lai của Việt Nam)… để làm cái nền cho lai máu bò sữa ôn đới vào.
   Dĩ nhiên đa số trường hợp lai tạo như vậy, người ta phải dùng cách gieo tinh nhân tạo vì các lý do: (1) bò đực ôn đới cao sản không sống và phối giống trực tiếp tốt trong khí hậu nóng, (2) bò ôn đới cao sản có tầm vóc chênh lệch so với bò cái nền, không thể
nhảy trực tiếp được, và (3) tinh bò dùng gieo là tinh của bò đã được tuyển chọn, có năng suất cao với tính di truyền ổn định.
   Chủ trương của ngành nông nghiệp Việt Nam là dùng bò lai Sind làm bò cái nền để gieo tinh bò sữa Holstein Friesian (HF) tạo thành bò sữa lai F1, F2, F3… Tinh bò sữa được nhập từ nhiều nước từ Hoa Kỳ, Nhật, Úc… và được cấp không cho nông dân thông qua dự án phát triển bò sữa quốc gia. Bò F1 là bò sinh ra từ bò cái nền được gieo tinh HF có 50% máu HF, bò F2 là bò cái sinh ra từ bò cái F1 gieo tinh HF có 75% máu HF và tương tự, bò F3 có 87,5% máu HF và F4 có 93,75% máu HF…
 
Gieo tinh nhân tạo hay thụ tinh nhân tạo?
   Gieo tinh nhân tạo dĩ nhiên là tiếng dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt vì công việc này ở gia súc cũng được thực hiện đầu tiên ờ nước ngoài. Chữ này được dịch từ chữ artificial insemination. Động từ inseminate có nghĩa là gieo hạt giống, đưa tinh trùng vào (to sow seed into, to impregnate: gieo giống vào, làm thụ thai thụ phấn) rõ ràng có nghĩa chủ động, không thể dịch thành một danh từ hay động từ có nghĩa thụ động như  từ “thụ tinh” được, nhưng không biết vì sao, sách vở và nhiều nhà khoa học Việt Nam vẫn gọi công việc này là thụ tinh nhân tạo, nghe có vẻ thụ động và buồn cười. Tôi đi gieo tinh hay tôi đi thụ tinh khi tôi cầm cây súng bắn tinh dịch vào tử cung bò hoặc heo. Tôi vẫn luôn sử dụng từ “gieo tinh nhân tạo” khi làm việc hoặc tập huấn cho nông dân, chứ nhất định không dùng từ “thụ tinh nhân tạo”.
 
Bò lai đến mức nào còn nuôi dễ dàng?
   Người ta cho là bò lai càng nhiều máu HF thì càngcó sữa cao, nhưng càng khó nuôi và dường như đã có khuynh hướng là cố định máu bò lai ở F3 để vừa duy trì được tính dễ nuôi, vừa có năng suất cao. Thái Lan cũng có quan điểm như vậy và họ đã chọn tạo ra nhiều bò sữa đực F3 để cung cấp tinh cho nông dân. Loại tinh F3 này đã nghe có sản xuất tại Việt Nam để cung cấp cho nông dân dùng cố định máu bò sữa lai ở mức F3 nhưng vẫn chưa thấy phổ biến. Người mới nuôi bò sữa do được tập huấn như vậy nên đều thích mua bò F1, tối đa là F2 để khi bò đẻ con ra có thể sử dụng được nhiều các thế hệ sau hơn. Vì ý thích như vậy, người ta dễ mua nhằm bò sữa F1 giả. Bò sữa F1 giả có thể là bò con của bò lai Sind cho bò sữa đực F3 nhảy trực tiếp (không gieo tinh) nên có năng suất sữa không cao và ổn định. Một loại bò sữa  F1 giả khác là bò có máu HF nhiều hơn (có thể đến F3, F4…) nhưng ngoại hình trông giống như bò F1. Do đó, khi đi mua bò sữa, dù mua bò lai F, hoặc bò rặt HF cũng đều phải đến trại nuôi xem xét kỹ lưỡng để tránh mua nhầm bò xấu.
  
TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang nuôi loại bò gì?
   TP. HCM và các tỉnh lân cận (Bình Dương, Bình Phước, Sông Bé…) có đàn bò sữa chiếm 70% cả nước đang nuôi loại bò sữa phát triển từ cách gieo tinh HF rặt trong hàng chục năm qua. Mức độ máu HF của bò vùng này có thể nói đã là 100% (nói vui có thể cho là bò vùng này hiện nay là bò lai từ F10 trở lên/F10 có 99,9% máu HF, F11 có 99,95% máu HF). Đây là vùng khí hậu nóng, nhưng nông dân ở đây đã tạo được một giống HF thích nghi với điạ phương với năng suất bình quân hiện nay là 15 kg sữa/ngày (4.500 kg/chu kỳ). Như vậy, không hẵn bò máu HF cao là khó nuôi, không tồn tại được ở khí hậu nóng, mà nó còn đã được chứng minh là có thể phát triển tốt nữa.
 
Năng suất sữa hay lợi nhuận?
   Một số giáo sư tiến sĩ khi đến trại nuôi bò thường hỏi năng suất bò sữa nuôi và tỏ vẻ thất vọng khi được trả lời bò nuôi có sản lượng sữa bình quân 10 – 11 lít/ngày. Sản lượng này là câu trả lời đã được phóng đại thêm vì sợ bị chê cười của một số trại chăn nuôi bò sữa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực ra, ở vùng Sóc Trăng, sản lượng bình quân của bò sữa vào năm 2005 là 6 kg/con/ngày (lúc chưa có Trạm thu mua), 2006 là 7 kg/con/ngày và 2008 là 8 kg/con/ngày. Tuy vậy, sản lượng sữa này vẫn mang lại lợi nhuận cho người nuôi và số lượng bò sữa vẫn tăng lên. Lượng sữa thu mua hàng ngày ở hai huyện Mỹ Xuyên và Mỹ Tú ở tỉnh này đã là trên 5 tấn/ngày.
 
Người nghèo nuôi bò sữa được không?
   Thực tế phát triển bò sữa ở Sóc Trăng cho thấy người nghèo có thể nuôi bò sữa, cải thiện cuộc sống nếu được giúp vốn mua bò ban đầu. Và thật ra, bò sữa càng phù hợp với người nghèo hơn các vật nuôi khác. Các vật nuôi như heo, gà, cá đều đòi hỏi mua thức ăn gần như 100%,trong khi đa phần thức ăn cho bò sữa có thể tự sản xuất (cỏ) và dự trữ (rơm) hoặc tận dụng phụ phế phẩm của sản xuất khác. Người nuôi bò có thể có thu nhập hàng ngày hoặc định kỳ hàng tuần, 10 ngày (nếu bán sữa cho điểm thu mua) và gần như chỉ mua thêm thức ăn khi bò sản xuất sữa. Giá bán sữa rất ổn định và trước nay chỉ tăng theo thời gian, chứ không giảm hoặc biến động như giá heo, gà. Chăn nuôi bò sữa cũng ít bị rủi ro về bệnh như tai xanh ở heo, cúm ở gia cầm. Ở Sóc Trăng, bò năng suất bình quân 8–10 kg/ngày có thể mang lại lợi nhuận 8-10 triệu/con/năm. Nếu trồng có đúng kỹ thuật, 1 công đất có thể nuôi được 4 bò, tạo thu nhập đủ cho gia đình 4 – 5 người.
 
 
 
TP Cần Thơ, ngày 20-10-2008 
Huỳnh Hữu Chí
 
Trích từ "Trường Cũ Tình Xưa" trang 147

Trở về Trang BẠN VIẾT
 
 
  Số người đọc 423442 visitors (1094629 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free