Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Văn chương truyền khẩu
 
Lên mạng ngày 21/4/2009


VĂN CHƯƠNG TRUYỀN KHẨU  
 
    Khi tôi còn bé, lúc ấy má tôi tuổi ngoài 30, mỗi đêm má ngồi vá áo bên cái rổ may, kể chuyện đời xưa, hò hát ngoài đồng ruộng, khi chèo ghe, bơi xuồng trên sông thời năm 1920, 1930, 1940. Má còn nuối tiếc không hiểu tại sao bây giờ không còn câu hát, giọng hò ngoài đồng ruộng, trên sông như thời má còn trẻ. Má nhớ từng danh nam nữ trong xóm làng hát hò có vần có điệu hay lắm!
   Khoảng thập niên năm 1950, trong dịp tất niên trong lớp học của chị tôi, má dạy chị tôi trình diễn một bài hát xưa, sau này khi tôi đứng tuổi hỏi má bài hát ấy, má không còn nhớ vì tuổi già!
   Tôi thích giờ Việt Văn năm lớp đệ thất bình luận về ca dao, tục ngữ qua điệu hát, điệu hò, điệu vè, điệu lý… trong văn chương truyền khẩu. Văn chương truyền khẩu là văn hóa của xã hội xưa, nói lên tư tưởng, tập quán, phong cách sống, đạo đức, niềm tin, tôn giáo, tình người...
   Dạy con:
          Công cha như núi Thái Sơn,
       Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
          Một lòng thờ mẹ kính cha,
      Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
   Ơn nghĩa thầy cô: Không thầy đố mầy làm nên.  
   Tình yêu lứa đôi bắt buộc phải chọn một, nên bẽ bàng:
           Tưởng giếng sâu nối sợ dây dài,
       Ngờ đâu giếng cạn tiếc hoài sợ dây.  
   Nghĩa vợ chồng phải thủy chung, cho dù nhọc nhằn gian khổ:
           Râu tôm nấu với ruột bầu,
       Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon;
           Chàng đi cho thiếp theo cùng,
       Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.
   Vợ chồng một lòng:
           Trên đồng cạn dưới đồng sâu,
        Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.
   Trong xã hội phải tương trợ nhau:
             Bầu ơi! Thương lấy bí cùng,
         Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
   Dân tình luôn luôn sớt chia khi gặp thống khổ, hoạn nạn:
        Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ;
        Máu chảy ruột mềm.     
   Đức tin vào đấng thiêng liêng, hướng về tinh thần:
        Lạy trời mưa xuống,
        Có nước tôi uống,
        Có ruộng tôi cày,
        Có bát cơm đầy,
        Có khúc cá to.
  Kỷ thuật canh tát: Nhất nước nhì phân, tam cần tứ giống. 
   Hợp sức để sinh tồn: Đoàn kết gây sức mạnh;
            Một cây làm chẳng nên non,
        Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
   Tâm lý: Ăn coi nồi ngồi coi hướng;
                Khi yêu trái ấu cũng tròn,
                Ghét nhau bồ hòn cũng méo.
   Cách xử thế: Khách đến nhà không gà thì vịt;
                        Bánh sáp đi bánh qui lại.
   Cách sống: Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn. Tích vàng phòng sự.  
   Trêu ghẹo nhau: Trai tơ đòi vợ khóc thầm thâu đêm;
                              Gái có chồng như gông đeo cổ,
                             Gái không chồng như phản gổ long đong.
   Nhắc nhở nhau keo sơn gắn bó:
                    Tay bưng dĩa muối chấm gừng,
                Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.
   Trách hờn, chồng trách vợ:     
              Dí dầu tình bậu muốn thôi,
           Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.(bậu nghĩa là vợ)
                     Vợ trách chồng:       
                          Ru con khuya khoắc đêm hè,
                      Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.
     Dạy răng:  Gái chưa chồng cứ đi dọc đi ngang,
                       Gái có chồng cứ thẳng đàng mà đi
   Từ ngàn xưa ca dao tục ngữ dùng thơ lục bát hay lục bát biến thể, vì không viết xuống nên quên thời điểm và tên tác giả.
   Từ miền bắc hò điệu sa mạc xưa:
           Con ơi con ngủ cho say,
        Mẹ đi gọi gió cho mây trở về.
   Tới miền trung ngân nga điệu lý tình tang trẻ hơn:
          Ai đem con sáo sang sông,
      Để cho con sáo xổ lồng bay xa.
   Vào đến miền nam trời thanh gió mát, Cửu Long dồn dập sóng vổ mạng thuyền, hò miền nam hay hò cấy lúa vang vang:
          Tay ôm bó mạ ra đồng,
      Miệng hò tay cấy mà lòng ngớ thương!
   Vui lửa trại năm xưa ở sân trường Nông Lâm Súc Cần Thơ, thầy cô và các bạn nam nữ vây quay quanh lửa hồng, cùng vổ tay nhịp nhàng theo điệu hò lơ rất dễ nhớ lại vừa vui, quên đi bao ngày học hành mệt nhọc:
      Hò lơ hó lơ, lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ hò lơ hó lơ!
      Nếu anh không lấy được nàng, a li hò lờ.
      Bơi xuồng ra biển, a li hò lờ.
      Anh liền bơi dô, hò lơ hó lơ,
      Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ hò lơ hó lơ… 
 
Trần Văn Diên, ngày 20/04/09

Trở lại Trang Bạn Viết
 
 
  Số người đọc 396296 visitors (1026538 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free