Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Nhớ áo nâu
 
Lên mạng ngày 20/11/2010
Ngày 22 tháng 10 năm 2010

NHỚ ÁO NÂU
Nguyễn thị Thu Hồng
  Trường Trung học Nông Lâm Súc Cần thơ
Giã từ trường Tiểu học thân yêu để lên đệ thất trường Trung học Đoàn thị Điểm Cần thơ là một quá trình gian nan của tôi. Vào được trường rồi, Ba tôi ra điều kiện “con chỉ được loanh quanh từ hạng nhất đến hạng năm thôi nghen!”. Thương ba má … tôi đã phấn đấu cật lực để học thật tốt mà tôi tự coi như một sự đáp đền, báo hiếu công lao dưỡng dục của gia đình trong cảnh thiếu thốn thời “gạo châu củi quế”. Cuối năm đó tôi đạt được kết quả mỹ mãn. Năm sau,  học xong đệ lục với thứ hạng đầu lớp, đùng một cái ba tôi biểu “con phải thi vào đệ ngũ Nông Lâm Súc” (NLS). Điều kiện đó không thật quá khó đối với sức học của tôi, nhưng tôi buộc phải xa trường, xa bạn vừa mới quen, đâu chỉ có vậy, muốn vào được NLS phải thỏa mãn việc chuyển trường và một núi điền kiện, thủ tục nhiêu khê, yêu cầu khắt khe so với các trường khác. Thật buồn chán!
Thấy tôi buồn, chị hai tôi tỉ tê, cặn kẽ động viên “em Dung – em gái sau tôi – vừa mất vì bạo bệnh làm ba má buồn, kinh tế gia đình mình lại lâm cảnh cạn kiệt lo thuốc thang cho em, túng quẫn lại càng thêm túng quẫn …, ba biểu em thi vào NLS là có ý giành phần học bổng ít ỏi nhưng vô cùng quí giá với gia đình mình, nhẹ bớt một phần tiền học, giảm gánh nặng cơm áo cho ba má. Chị nghĩ đó là lí do”. Ba tôi lại nhất quyết “con nhà nông thì phải theo nghề nông”để lấp đi. Nguyên Ba tôi làm ở trong ngành Nông nghiệp của Cần thơ, nhưng nhà tôi không có lấy mảnh đất cắm dùi! Mọi người trong nhà xúm vào phân tích lợi hại, khó khăn, góp những lời khuyên nhủ, động viên… tôi động lòng và hiểu ra sự thể liền biến nỗi buồn bồng bột trẻ thơ, lấy lại niềm hứng khởi. “Thi thì thi, sợ gì” – trong tôi bừng lên ý chí quyết tâm chứng tỏ trách nhiệm nhỏ bé của tôi trước tình cảnh quá đỗi eo hẹp của gia đình. Thế là dứt lìa thời áo trắng thơ mộng, tôi khoác “ÁO NÂU”. Ai đã từng học NLS ngày ấy hẳn biết thế nào là thời “áo nâu”.
Những ngày đầu “áo nâu” bước ngay vào đợt huấn luyện – mà trong giới “áo nâu” ngày ấy vẫn gọi là “tuần lễ huấn nhục” để được nếm trải hương vị nhọc nhằn của nghề nông: nào là vét mương sình bùn, hôi tanh đến phát lợm, rồi là những buổi đi nhổ cỏ, phát quang cật lực khiến đôi bàn tay trắng trẻo búp măng tuổi thơ ngày nào thành chai sần rớm máu, là quét dọn chuồng bò, là tắm heo, phân nhão bê bết lên “áo nâu”, thật ngộ nghĩnh không giống ai …. Về sau “áo nâu” còn phải học các bài tập làm “nữ sinh lái máy cày” học làm nông dân “cấy lúa Thần Nông” mà “thi sĩ Trần văn Diên” từng tô vẽ …. Ai cũng cho rằng thông qua lao động cùng nhau thì tình yêu bản thân, tình đồng loại sẽ nảy nở, gắn kết nhau hơn. Qui luật đó đúng với mọi người, và đúng với tôi trong số đồng loại “áo nâu” đó. Bộ tứ sơ khai, gắn kết của“bọn áo nâu” liền được hình thành tắp lự. Đến bây giờ, sau bao năm tháng cách xa nhau, tôi cũng không thể lí giải tường tận vì sao mà “bọn tôi” thân nhau, quí nhau, sẵn lòng hi sinh, xẻ chia trong khó khăn, hoạn nạn cũng như lúc hân hoan vui sướng, luôn coi nhau như chị em một nhà: Này là HOA hiền lành như ni cô, đây là THÚY thời trang nhất nhóm, kia là TÁM tính tình chân chất, thật thà như đếm, và còn THU HỒNG hiếu động, học cũng dữ mà quậy cũng chẳng chịu thua ai. Cái thời hoa phượng thơ ngây, sôi động đó trôi trôi miên man trong học vùi miệt mài, đầy lòng nhân ái cuồng nhiệt hồn nhiên, vô tư lự ….
Rồi cả bọn được lên học năm đệ tam. Đến đây, bộ tứ quyến luyến “tách bầy” sang các lớp khác nhau để theo ban học, nhưng tình cảm nồng nàn đó vẫn bền chặt, keo sơn, vẫn trong sáng, đẹp đẽ. Cho tới tận bây giờ tình cảm lo lắng chăm sóc cho nhau của bọn “áo nâu” ngày ấy vẫn thắm đượm không một chút phôi pha, mờ nhạt.
Sẽ rất không trọn vẹn nếu chỉ nhớ về những “áo nâu” mà không nằm lòng về tập thể thầy cô nhà trường đã tận tâm, tận lực dạy dỗ, rèn luyện, dìu dắt, lo lắng, chăm sóc học trò như con em ruột của mình, nhiều khi còn hơn thế. Nhớ lắm thầy Quang Hồng cô Huân, thầy Niệm cô Hoa, thầy Kim, thầy Thước, thầy Hy, thầy Đăng Hồng, thầy Lương, thầy Bé thầy Kiệt và nhiều, nhiều nữa … luôn lo cho học trò trước rồi mới lo cho gia đình riêng. Hoàn cảnh của thầy cô, tôi biết, không hề sung túc, khá giả gì !. Đức hi sinh tận tụy, lòng bao dung, nhiệt huyết với nghề trong môi trường sư phạm ngày ấy mới tuyệt vời làm sao, mãi là tấm gương cho thế hệ học sinh chúng tôi, đi theo chúng tôi suốt trên đường đời từ đó và sẽ tiếp nữa. Giờ đây có thầy cô đã mãi mãi đi xa, có thầy cô đã hưu trí, cũng còn thầy cô vẫn tiếp tục nhiệt huyết, cần mẫn trên bục giảng như con tằm rút ruột nhả tơ vì sự nghiệp trồng người.
Một kỉ niệm khắc sâu trong tâm khảm tôi về tình cảm thầy trò, nay xin được nhắc lại dâng lên cô thầy, tô thêm bức tranh sư phạm mẫu mực đó, như một lời tri ân.
Số là mỗi lần đến lớp được cùng sinh hoạt, học tập với bạn bè tôi thật vui sướng, hạnh phúc, tạm quên đi những nghịch cảnh ,khi bước về nhà đối diện với sự thật buồn lo vì gia đình trong cơn khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Má tôi xoay sở mọi cách cho gia đình tám đứa con đang tuổi lớn, tuổi học hành. Ngoài việc lo miếng ăn ra, ba má còn lo biết bao thứ khác, nào giấy viết, quần áo, nào tiền trường … mọi chi tiêu ấy đều trông vào đồng lương công chức  của ba tôi. Qủa thật khoản thu nhập đó không thấm tháp vào đâu để lo cho tám “cái tàu há mồm” lúc nào cũng thích ăn. Theo nỗi lo lắng của ba má, tôi tự nghĩ “làm sao rút ngắn chuỗi ngày học trên ghế nhà trường – gánh nặng cho gia đình …, chỉ còn cách học thật nhanh, đủ trình độ để học nghề, ra đi làm kiếm tiền phụ ba má”. Phải “Thi nhảy lớp” là giải pháp khả thi nhất nẩy ra trong đầu óc non nớt, liều lĩnh của tôi. Chuyện thi nhảy là động trời, nên tôi phải làm đủ mọi cách để thực hiện cho bằng được. Tôi không dám trình bày với ba má, mà đem ý tưởng táo bạo đó thưa với thầy Phạm văn Kim (hiện nay thầy đang giảng dạy tại trường Đại học Cần thơ), liền được thầy cùng thầy Nguyễn Dương hết lòng ủng hộ, tạo mọi thuận lợi giúp tôi thực hiện. Hai thầy không chút ngần ngại xác nhận ngay“đã kèm hết chương trình lớp đệ nhị” cho tôi để đủ điều kiện dự thi nhảy vào Tú tài 1 mà không qua lớp đệ nhị. Tôi tin rằng trong suốt những năm dạy dỗ hai thầy đã thấy rõ được quyết tâm, nghị lực và khả năng của tôi để thi nhảy. Nhưng dù sao, trước trọng trách nhà giáo thầy nghiêm nghị nhưng nhỏ nhẹ căn dặn”thầy tin em sẽ đạt được nguyện vọng lớn của em và cũng là mong mỏi của thầy, chớ làm thầy thất vọng!”. Trong lòng tôi trào dâng lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến thầy trước nghĩa cử dấn thân vì học trò đó. Tôi chỉ còn biết cắn răng “dạ” thật nhỏ và thầm hứa dưới hai hàng nước mắt.
Lại lăn vào học – học – và học, rồi cũng tới kì thi. Trong trí não tôi lúc nào cũng khắc sâu ý chí quyết tâm thực hiện lời hứa danh dự với thầy kính yêu, nhất định không để phụ lòng tin và nhất là làm mất uy tín của thầy. Thi xong từng môn tôi tự lượng mỗi bài làm đều đã làm khá trọn vẹn, trong tôi tràn trề hi vọng sẽ đậu. Tôi tiếp tục học hành bình thường như không có chuyện gì xẩy ra, im lặng như thóc không dám hé môi việc thi nhẩy với bất cứ ai, kể cả với chị hai tôi – người chị tôi luôn tin cậy – và cả với bộ tứ nối khố huyền thoại, phấp phỏng, hồi hộp ngóng chờ kết quả thi.
Vào một ngày không ngờ, chính thầy Nguyễn trường Hy đích thân đến tận nhà báo tin tôi đã thi đậu Tú tài 1 và chúc mừng trước sự ngỡ ngàng vui mừng của cả nhà. Nhất là ba tôi. Ông không tin vào tai mình khi nghe thầy Hy nhắc đi nhắc lại câu nói “em Hồng đã thi đậu Tú tài1, tôi rất tự hào về em”vì “có thấy nó nói gì với ai về việc bỏ qua lớp đệ nhị để thi nhảy lên tú tài 1 đâu”. Ôi! có tiếng trống nổ to lên trong lòng, tôi nhẩy cẫng lên vì niềm vui sướng không gì tả nổi…. Khi nỗi vui mừng tạm lắng xuống, ba tôi bỗng khẽ nói “phải tìm thấy tên con trên giấy báo trúng tuyển của trường mới chắc chắn”. Vậy là tôi được đi cùng ba, lần đầu tiên háo hức lên đô thị Sài gòn - Hòn ngọc Viễn Đông - xem kết quả thi. Không thể tin vào mắt mình nữa khi ba đưa tôi đến trước bảng thông báo kết quả thi của trường - chỉ là tấm bảng trống. Có ai đó đã xé hay lấy bảng thông báo hết sức quan trọng của tôi đi rồi chăng?. Dù rất tin lời thầy Hy báo, nhưng sự thật trước mắt làm đất dưới chân tôi như sụp đổ.Tôi buồn và thất vọng vô cùng. Ba tôi càng buồn hơn, người lẳng lặng kéo tôi ra về. Lòng tôi tan nát, trĩu nặng. Chẳng lẽ thầy Hy đã nhầm lẫn ai đó – không phải là tôi !?.
Nào tôi có ngờ hết được sự chu đáo, tận tụy đến cùng của thầy Hy! Một ngày, mọi người trong nhà tôi gần như đã đinh ninh rằng sự nhầm lẫn là bình thường, ai cũng có thể phạm phải và lại xúm vô khuyên tôi hãy kiên nhẫn học lại, thì thầy Hy xuất hiện, trên tay cầm bảng photocoppy thông báo kết quả thi trao cho ba má tôi. Thì ra, sau khi đưa tin đậu tú tài 1 đến tôi nhưng không có giấy báo kết quả, thầy như đọc được sự hoài nghi trong mắt ba má tôi nên đã âm thầm trở lên Sài gòn, đến tận trường mượn, photo và đem tận nhà cho tôi. Ôi! Công ơn thầy em biết lấy gì đền đáp, em xin khắc ghi mãi mãi trong lòng.
Lại tràn đầy niềm vui, tôi như thấy rất rõ nụ cười rạng rỡ, mãn nguyện của thầy Kim, thầy Dương hiện ra trước mắt.“Thầy ơi, em đã giữ trọn lời hứa với thầy!”.
Đậu Tú tài 1 vào lớp đệ nhứt, các bạn trang lứa cùng học trước đây đang học lớp dưới – đệ nhị – không còn nhiều dịp chơi chung cùng tôi nữa, còn chúng bạn đang học cùng lớp thì bỉu môi “đồ con nít”, tôi cô đơn quá. Cứ mỗi lần nghe thế, tôi chỉ biết bậm môi và thề rằng “không đứng hạng nhất lớp cũng phải trong top 3”. Học hai buổi cật lực trên giảng đường, tôi như uống từng lời thầy giảng, trưa nào cũng tranh thủ mình ên chui vào đám bắp - nơi được thầy Kiệt giao đất để thực hành nông trại - vừa gặm bánh mì tạm bữa trưa vừa nghiền nhuyễn lại bài vừa học, thuộc nằm lòng, ghi chú những chỗ lơ mơ để gặp dịp sẽ “tham nhũng”thầy đến khi nào thật hiểu bài mới thôi. Cứ thế, cứ thế tiếp diễn triền miên nên không thể tránh khỏi bị lộ việc “học lén” ấy, tôi bị lớp phát hiện quả tang và đặt ngay cho biệt danh “người Việt gốc bắp” từ đó….
 
Saukhi đậu Tú Tài II NLS, tôi quyết định thi vào Đại học Sư phạm thuộc Viện Đại Học Cần thơ, ra dạy học ở Kế sách, Sóc trăng. Tôi toàn tâm, toàn ý đem kiến thức học được truyền lại cho các em thế hệ sau. Tôi không quên truyền tiếp ngọn lửa nhiệt huyết, tận tụy – tấm gương mà thầy cô đã dầy công rèn dạy làm người cho lớp “áo nâu”chúng tôi những ngày trên ghế nhà trường Nông Lâm Súc Cần thơ thân yêu ấy – cho thế hệ kế thừa của Tổ quốc Việt nam hôm nay và mai sau./.
 
 
  Số người đọc 415491 visitors (1074729 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free