Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Tản mạn chuyến thăm Tân Châu
 
Lên mạng ngày 9/8/2009

TẢN MẠN VỀ CHUYẾN THĂM TÂN CHÂU
Trần Đăng Hồng
 
Để hoàn tất hai chương cuối (chương 5 và 6) của bài viết “Thử tìm giải pháp thủy lợi cho đồng bằng Cửu Long”, tôi quyết định phải về Việt Nam, phải đi quan sát tại chỗ vùng lụt lội Châu Đốc và Đồng Tháp Mười. Mặc dầu tài liệu để viết tạm thời đầy đủ, nhưng những tranh cải giữa 2 phe “chống” và “ủng hộ” chương trình trị thủy hiện nay khá nhiều, tôi cần phải có ý kiến của riêng tôi. Vì vậy, tôi phải đi tới tận chổ để quan sát thực tiển, đồng thời tìm hiểu ý kiến của nông dân tại chỗ, là những người thừa hưởng trực tiếp cái thành công hay phải gánh chịu sự thất bại của chương trình hiện hửu.
            May mắn cho tôi, nhờ 5 năm dạy học ở Trường Nông Lâm Súc Cần Thơ và 5 năm ở Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ, tôi đã có một số khá lớn cựu học viên (cấp kiểm sự) và sinh viên tốt nghiệp (cấp kỹ sư), đang giữ (hay vừa về hưu) những chức vụ then chốt nông nghiệp ở địa phương. Nhiều anh đã hứa sẽ tận tình giúp tôi tìm hiểu thực trạng ở địa phương.
            Theo đúng như chương trình hoạch định giữa chúng tôi, để có nhiều thì giờ thăm viếng, chúng tôi khởi hành đi Tân Châu sau khi ngơi nghĩ ở Sài Gòn một ngày để điều chỉnh lại thân thể với giờ giấc và khí hậu Việt Nam. Sau chuyến Tân Châu, chúng tôi cũng sẽ đi thăm vùng Long An tới Mộc Hóa.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi lấy xe đò Thiên Thiên Hương đi Tân Châu. Chúng tôi rất thích thú quan sát dọc đường, từ phong cảnh, cây cối, đầm lầy, nhà cửa dân chúng, các chợ ven đường, các kinh rạch, v.v. trong suốt cuộc hành trình dài hơn 5 tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng tôi phải ghi vào sổ tay những gì quan sát, hay chụp vài tấm ảnh từ trên xe.
Phải nói rằng đường xá ở những nơi chúng tôi đi qua rất xấu – nếu so với tiêu chuẩn đường sá ở nơi khác của Việt Nam. Đường về Miền Tây quá chật hẹp so với lưu lượng xe hơi, xe gắn máy đông đảo và với lối lái vô kỹ luật. Chẳng hạn trên quốc lộ 1A (quốc lộ 4 trước kia) từ Sài Gòn về Miền Tây, phải mất 1 giờ đồng hồ mà chỉ đi được 30 km kể từ Bến Xe Miền Tây. Hai năm trước con đường này khá tốt, nhưng nay đều xuống cấp trầm trọng, mặt đường đầy “ổ gà” và “vũng voi nằm” ngập nước mưa. Xe chạy lắc lư, tránh vũng nước này, gặp vũng nước khác, xe xe chen lấn nhau, bóp còi inh ỏi, dành nhau từng đoạn đường tốt. Một Miền Tây trù phú, dân cư đông đúc tới 16 triệu dân, có nền kinh tế cao nhất đất nước, là nơi xuất cảng gạo thứ nhì thế giới, là trung tâm của trồng nuôi thủy sản cá tôm, mà con đường lưu thông huyết mạch lại nhỏ, xuống cấp và quá tải ! Trong các lần du lịch ở Miền Bắc mấy năm trước đây, tôi thấy các xa lộ ở đây rất tốt, rất tiêu chuẩn, xe chạy êm, nhưng trên đường lại vắng te, lâu lâu mới thấy một ít xe hơi hay xe hàng.
Tệ hại hơn, quốc lộ 30 từ Ngả Ba An Hửu (Cái Bè) trên quốc lộ 1A, xuyên qua Đồng Tháp đến thành phố Cao Lãnh, sau đó đi qua các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự, và Tân Hồng, càng đi xa, đường càng xấu, ngoại trừ khi vào thành phố Cao Lảnh.
Phải công nhận rằng Cao Lảnh có nhiều đường xá rộng, đẹp, nhà cửa dân chúng rất khang trang, còn các cơ sở thuộc chính quyền thì thật đồ sộ và nguy nga, khác hẳn với cảnh nhà lá, nhà tôn hay nhà ngói lụp xụp nghèo nàn trước khi đến và sau khi đi xa thành phố này vài cây số. Đây là cảnh chung của Miền Tây (hay Việt Nam), từ các thành phố Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, v.v. trên những đoạn đường chúng tôi đi qua, thành phố nào cũng phát triển xinh đẹp với nhịp độ nhanh chóng, nhà cửa khang trang (nhưng xây cất tùm lum) chứng tỏ có sự giàu sang phồn thịnh ở các thành phố, nhưng khi ra khỏi thành phố vài cây số thì cảnh nghèo nàn in rỏ trên vùng thôn quê.
 

Trên đường đi Đồng Tháp
 
Khi ra khỏi thị xả Cao Lảnh, dọc đường có vài xí nghiệp công ty biến chế thủy sản. Được biết cá tra là ngành nuôi chánh và là nguồn xuất khẩu quan trọng của vùng này. Dọc đường, chen giữa những khu nhà nghèo nàn là một vài ngôi biệt thự sang trọng, kín cổng cao tường. Nhà hai hay ba tầng cao đẹp, trên sân thượng có một thiết kế nhỏ, giống như một chòi canh hay một am thờ - thú thật tôi không biết đó là cái gì và mục đích làm gì. Về mặt thẩm mỷ kiến trúc, tôi thấy nó “như làm sao ấy”, làm hư vẽ đẹp của ngôi nhà, của các tầng dưới. Có lẻ bởi vì tôi chưa hề thấy một lối kiến trúc lạ như vậy, không có vẽ Ấn Độ, cũng không Trung Đông, hay Âu Châu, Úc Châu gì cả. Lối kiến trúc này tôi chỉ thấy ở Miền Bắc, nhất vùng ngoại ô Hà Nội. Không biết ở Trung quốc có lối kiến trúc như vậy không.
Càng đi xa, đường càng xấu và phong cảnh nhà quê hiện rõ sự nghèo nàn. Những mái nhà lụp xụp ven đường hay thấp thoáng sau dảy cây xanh trong cánh đồng thấp lè tè. Đây là vùng ngập lụt nhất của Việt Nam, lụt liên tục trong ba bốn tháng. Con đường cũng là con đê chặn lụt. Nhà vì vậy xây dọc đường để tránh lụt. Xa bên trong là loại nhà sàn xây trên cột tràm hay xi măng, cao hơn mặt đất một hay hai ba mét, để khỏi ngập lụt. Lối nhà này đã được mô tả từ thời vùng này còn thuộc vương quốc Phù Nam cách đây hơn 1500 năm.
Cánh đồng rộng bao la bát ngát, ruộng lúa xanh bạt ngàn, đang vào thời kỳ trổ đòng của vụ lúa hè thu. Thỉnh thoảng, khoảng mươi cây số, cánh đồng bị cắt bởi những con kinh đào thẳng tắp, hai bên bờ đê cao có nhà cửa. Vì vừa vào đầu tháng bảy, chỉ mới có vài trận mưa lớn đầu mùa, nước trong kinh còn thấp, chưa có dấu hiệu của lũ lụt. Nhìn qua màu sắc xanh tươi và đồng nhất của cánh đồng lúa, tôi đoán biết là nông dân có kỹ thuật canh tác lúa cao, và bảo đảm là sẽ trúng mùa. Ngoài lúa, nông dân còn trồng bắp, mía hay rau cải trên các líp đất, xen kẻ giữa các rãnh mương đào thẳng tấp, trông rất đẹp mắt. Người ngồi bên cạnh chúng tôi cho biết, thấy có vẽ trúng mùa như vậy, nhưng lợi tức không bao nhiêu vì giá nông sản bị cầm giá khi bán
Trái ngược với cảnh vật bên Đồng Tháp ở tả ngạn sông Tiền, phía hửu ngạn thuộc tỉnh An Giang dân cư đông đúc và có vẽ trù phú hơn. Tuy nhiên con đường dọc theo sông Tiền chạy đến Tân Châu cũng rất xấu. Hai bên nhà cửa san sát.
Cuối cùng, chúng tôi đến được bến xe Tân Châu. Ở đây đã có hai anh NLS Cần Thơ đón chúng tôi. Thật là mừng rở, chúng tôi gặp lại nhau sau hơn 40 năm. Ngày nào còn vẽ mặt thư sinh của tuổi học trò, giờ này học trò đã trên dưới 60, tóc đã bạc, nét phong trần của cuộc đời hằn in đậm trên đôi mặt thân thương.
Chúng tôi gặp nhau trong mừng rở. Về khách sạn tắm rửa chưa xong thì các anh đã rủ nhau đến gặp chúng tôi tại phòng. Thế là các bạn dùng máy diện thoại di động gọi thông báo bạn bè cựu học viên NLS gần xa. Một cuộc hội ngộ bất ngờ và thật sự hạnh phúc giữa chúng tôi và một số cựu học sinh NLS Cần Thơ cùng gia đình.
Những ngày kế tiếp, các anh đã tổ chức đưa chúng tôi đi thăm viếng những kinh đào, những đê chống lủ, đê bao đồng, cống xã lũ, các điểm dân cư tránh lũ, v.v. đúng theo điều mong muốn của tôi. Có buổi trưa, ngồi nghĩ trong nhà mát của đội kinh tế cửa khẩu bên bờ sông Tiền mà cách đó khoảng 100 mét là biên giới với Cao Miên. Chúng tôi có dịp hỏi chuyện với người địa phương. Có lúc, chúng tôi dừng chân giải lao ở vùng Núi Nổi, giữa cánh đồng lúa bao la bao quanh với đê bao khá rộng lớn. Tôi chụp gần 500 hình ảnh để ghi lại những tài liệu để viết, những kỹ niệm đáng nhớ cùng với các anh chị. Rồi tối nào cũng có họp mặt hoặc ở nhà các anh hoặc ở nhà hàng. Thật vui vẻ và hạnh phúc

 
 
Trên Kinh Xáng (Tân Châu) và Sông Vàm Cỏ (Mộc Hóa)
 
Cuộc vui nào cũng chấm dứt, cuộc hội ngộ nào cũng kết thúc bằng sự chia tay. Trong buổi tiệc chia tay, có mặt đông đủ nhất, gồm các anh và gia đình tại Tân Châu hay vùng lân cận. Thật là vui, nhưng cũng rất cảm động, nhất là vào giờ chót, trước lúc chia tay. Các anh B và S hát tặng chúng tôi những bài hát tình cảm chứa chan. Riêng cháu Yến Ngọc hát một bản nhạc làm riêng tôi se thắt trái tim, và làm Kim Thu rơi lệ. Trong thâm tâm, ai cũng nghĩ rằng đây là lần gặp mặt cuối cùng giữa chúng tôi và các bạn, nhưng không ai dám nói lên điều đó. Ai cũng cố hy vọng sẽ có ngày gặp lại.

 

Buổi tiệc chia tay
 
Sau 4 tuần lể ở Việt Nam, ngoài Tân Châu, chúng tôi còn đi thăm Đà Nẳng, Hội An, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, đi dọc theo quốc lộ 1A và Trường Sơn công nghiệp, rồi Nha Trang, Bình Dương và Mộc Hóa, nhưng cuộc viếng thăm Tân Châu đã để trong lòng chúng tôi nhiều kỹ niệm thân thương và hửu ích nhất.
Chúng tôi thành thật cám ơn các anh chị ở Tân Châu và gia đình đã cho chúng tôi một thời gian rất hạnh phúc, và đã giúp tôi biết thêm nhiều vấn đề nông nghiệp ở địa phương.
 
Anh quốc, tháng 8/2009.
Trần Đăng Hồng

Trở lại Trang Bạn Viết
 
  Số người đọc 396278 visitors (1026423 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free