Lên mạng ngày 23/2/2009
NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM VÀ TAM TÒNG
Việt Nam là một trong những nước nhỏ nằm ở phía nam Trung Quốc, ngoài raViệt Nam đã từng bị Trung Quốc đô hộ hàng ngàn năm, do đó văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng rất sâu đậm nền văn hóa của Trung Quốc, nhất là học thuyết về Khổng Giáo. Đạo Khổng là nền tảng của văn hóa Trung Quốc, nó đã cung cấp những chuẩn mực cơ bản, làm nền tảng xây dựng nên thể chế của người Hoa từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Trong những quy định buộc mọi người phải tuân theo, chúng ta không lạ gì về việc áp đặt những cổ tục lên phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn trước đây. Phụ nữ Việt Nam phải chịu 3 sự phục tùng, còn được gọi là “Tam tòng”. Tam tòng có nghĩa là “Tại gia tòng phụ”, con gái phải nghe lời cha; “Xuất giá tòng phu”: phụ nữ có chồng phải nghe lời chồng; “Phu tử tòng tử”: chồng chết phải nghe lời con trai trưởng.
Ngày trước, việc gả chồng cho con đều do người cha quyết định, ông ta có một uy quyền tối thượng trong gia đình. Trước năm 1950, hầu hết phụ nữ Việt Nam đều không quan tâm mấy về học vấn và những ước muốn riêng tư của mình. Họ phải ở nhà để giúp mẹ lo công việc nội trợ và nghe lời dạy bảo của cha. Trong thời gian đó, họ được dạy về cách để chăm sóc gia đình. Nấu nướng và thêu thùa được xem là những yêu cầu cơ bản trước khi lấy chồng. Thêm vào đó người con gái phải học 4 đức tính cần thiết: “Công, dung, ngôn, hạnh” có nghĩa là học những kỹ năng của đôi tay, học trang điểm để có bề ngoài dễ coi, học lời ăn tiếng nói, và sau cùng là phải có đức hạnh tốt. Các bậc cha mẹ luôn luôn mong muốn các cô gái phải là những cô dâu hiền, các cậu con trai phải là những chàng rể quý để được hảnh diện. Việt Nam có câu: “Cha mẹ đặt đâu con ngôi đó,” điều này có nghĩa là, bất cứ người nào do cha mẹ chọn, con gái của họ cũng phải chấp nhận. Tuy nói là cha mẹ, thực chất chỉ có người cha là có quyền định đoạt hôn nhân của con gái. Con gái không có quyền có ý kiến hay bày tỏ nguyện vọng của mình; họ chỉ biết nghe và vâng lời.
Điển hình như trường hợp bà chị của tôi. Ngay từ lúc lọt lòng, chị ấy đã được đính hôn cùng với một cậu con trai, con của một người bạn của cha tôi, cũng vừa mới sinh. Họ hứa hẹn, khi hai đứa lớn lên hai bên sẽ làm sui vớí nhau. Lời hứa này được giữ nguyên trong hai mươi năm. Chị tôi và ông anh rể đã có một cuộc sống thật là hạnh phúc, họ có với nhau đến những mười đứa con. Một trường hợp khác, đó là đám cưới của bà cô tôi cũng được hứa hôn tương tự, nhưng kết cục lại bi thảm. Sau ngày cưới cô phải về sống chung với gia đình nhà chồng, ở đó cô không hợp với bất kỳ người nào. Thêm vào đó, bổn phận làm dâu vô cùng khắc nghiệt, cuối cùng cô không thể chịu đựng nổi. Sau khi rời khỏi chồng hai lần, cuối cùng cô tôi phải vể sống với cha mẹ đẻ, mặc cho sự phản đối của mọi người. Mặc dầu cuộc sống hôn nhân không có hạnh phúc, nhưng theo tôi, cô đã có một quyết định đúng, bà ta chọn cuộc sống độc thân cho quãng đời còn lại của mình. Như đã đề cập phần đầu, “Tại gia tòng phụ” tuy có đã tạo cho người phụ nữ Việt Nam những điểm tích cực, nhưng nó cũng o ép người phụ nữ Việt Nam không ít.
Sau giai đoạn dạy dỗ bị được chuẩn bị một cách chu đáo trong gia đình, các cô gái trở nên hoàn hảo và sẵn sàng cho việc “xe tơ kết tóc.” Đó là thời điểm các cô bước qua một cột mốc quan trọng trong cuộc đời mình, bắt đầu từ đây cô sẽ không còn tự do như trước. Cô ta sẽ bị lệ thuộc vào chồng, con và gia đình riêng của mình. Trong suốt cuộc sống hôn nhân, ưu thế luôn luôn thuộc về người chồng. Người vợ phải làm đủ mọi cách để làm chồng vừa lòng và phải tuyệt đối phục tòng ông ta. Một câu châm ngôn có nói, “chồng chúa vợ tôi,” điều này nói lên rằng sống trong gia đình, chồng là vua, trong khi vợ phải làm lụng vất vả như những kẻ ăn người ở. Mỗi khi chồng đi làm về, người vợ phải chuẩn bị cho chồng một mâm cơm riêng, dĩ nhiên các món ăn phải ngon hơn nhưng thứ của vợ con.
Đôi khi ông ta không thích những món ăn do vợ làm, người vợ phải làm lại món khác. Những ông chồng Việt Nam thường có đầu óc phong kiến, họ cho rằng người đàn ông luôn có quyền cao nhất trong gia đình. Vai trò trụ cột của người chồng trong gia đình không ai có thể phản bác được. Người chồng luôn đóng vai trò chủ chốt và là nguồn thu nhập chính của gia đình, vì vậy khi đi làm về ông ta không muốn làm thêm bất cứ một việc nào khác. Thế là các bà vợ phải gánh vác mọi thứ trong nhà. Vừa là vợ, vừa là người nội trợ, vừa là con dâu.
Nhiều khi vì công việc ngập đầu người vợ không còn thì giờ để về thăm bố mẹ đẻ. Có lần dì tôi đến báo cho mẹ tôi biết là bà ngoại bị đau nặng, và khuyên mẹ tôi nên sắp xếp để về thăm ngoại. Mẹ tôi hứa sẽ thu xếp công việc về ngay. Nhưng oái ăm thay, khi công việc sắp xếp xong, mẹ tôi về thăm ngoại thì bà ta đã hôn mê, không thể mở mắt để nói lời trăn trối sau cùng.
Ngoài những công việc cực nhọc trong nhà, người vợ còn phải cay đắng chấp nhận khi chồng đòi cưới thêm vợ bé. Một bài thơ nổi tiếng của một nhà thơ xưa miêu tả tình cảnh của người vợ trong tình cảnh này như sau:
Chồng tôi nổi giận; tôi cố gắng dằn lòng,
Đôi môi cố tạo nụ cười, tôi hỏi ông ta lý do vì sao
Hãy nói đi nào, đừng giận dỗi chi nữa
Có phải ông đòi vợ bé, tôi sẽ cưới cho ông ngay.
Nhiều khi vì hạnh phúc gia đình và vì mấy đứa con, bà vợ đành phải chấp nhận cho chồng cưới thêm vợ bé. Thật ra, trước mặt mọi người, bà ta đã che giấu nổi đau buồn và sự ghen tương của mình trong tận đáy lòng. Thật là không công bằng chút nào với cái cảnh chồng chúa vợ tôi này. Sau đó họ phải phát huy sức mạnh của mình để khắc phục mọi lo lắng, buồn phiền và những trở ngại để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Cuối cùng, trong bất kỳ một đám cưới nào, một câu nói quan trọng mọi người phải nhớ để chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ là “ Trăm năm hạnh phúc” tuy cuộc sống không bao giờ êm ái và bằng phẳng như trong giấc mơ. Trong cuộc sống hôn nhân, nếu chẳng may người chồng chết trước, người vợ phải nghe theo và “vâng lời” đứa con trai lớn. Ngay sau khi chôn cất chồng xong, bà ta phải thay thế vai trò của người chồng và gánh vác mọi trách nhiệm trong gia đình. Thêm vào đó, bà ta phải “nghe theo” ý kiến của con cái trong tất cả mọi vấn đề, kể cả việc tái giá của mình.
Tôi có một người hàng xóm, chồng bà ta trước khi chết có lời trăn trối, mong sao cho bà nuôi dạy các con nên người. Hàng ngày bà phải gởi con bên ngoại để đi làm. Ngày lại ngày, bà ta phải làm việc cực nhọc hơn để đủ tiền cho chúng vào trung học rồi lên đại học. Trong thời gian này có một ông hàng xóm vợ chết muốn cưới bà ta. Lúc đầu bà ta nghĩ rằng với sự giúp đỡ của người chồng mới, có lẽ mình sẽ có điều kiện để nuôi dạy con cái hơn. Tuy nhiên khi bà ta nhớ tới cái “tòng” thứ ba, bà ta đành từ chối lời cầu hôn và sau đó bà phải vào chùa để xin được giúp đỡ. Rất may các vị sư và bổn đạo đã giúp đỡ bà ta hoàn thành “sứ mệnh” của mình bằng cách trao bà một phần thưởng là người góa phụ thành đạt địa phương. Nhưng dù sao, người vợ cũng phải chung thủy với chồng. Điều này có nghĩa là bà ta phải ở vậy cho đến cuối đời. “Phu tử tòng tử” quả là một việc khó khăn đối với phụ nữ, nhất là những phụ nữ trẻ. Vì tình yêu thiêng liêng đối với các con, đôi khi bà ta phải hy sinh những đòi hỏi riêng tư và đôi khi cả hạnh phúc của bản thân mình. Do vậy có rất nhiều bà mẹ Việt Nam đã thành công trong việc nuôi dạy con cái nên người.
Tóm lại, cổ tục “tam tòng” của Việt Nam đã tạo nên cá tánh của người phụ nữ Việt Nam. Nó giúp cho họ trong việc làm chị, làm vợ, làm mẹ, và sau cùng là làm bà trong suốt cuộc đời họ. Những luật lệ khắc nghiệt này đã đổ trút lên đầu họ gánh nặng của trách nhiệm và thử thách, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Dầu vậy, họ vẫn chấp nhận tự nguyện là thành viên mới trong một gia đình xa lạ và tự nguyện phục tòng tất cả những điều luật của Khổng giáo vẫn thường thấy trong xã hội Việt Nam. Họ cố gắng để đạt những tiêu chuẩn đặt ra trong mọi tình huống. Dù cho hoàn cảnh có khó khăn cách nào đi nữa, họ vẫn cố gắng giữ mình “quý như vàng.” Một bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, ca ngợi bổn phận của người phụ nữ Việt Nam như sau:
Thân em vừa trắng, lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
ThinhNghia
Trở về trang BẠN VIẾT