Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Lời thì thầm của Hai Lúa
 
Lên mạng ngày 12/2/2009

LỜI THÌ THẦM CỦA HAI LÚA
 
   Ở cái tuổi ăn thì no nhưng không lo nghĩ đến, được chẳng mừng, mất chẳng buồn. Cuối tháng về gia đình được ba má phát lương rồi trở lại nhà trọ cắp sách ngày hai buổi đến trường chăm lo việc đèn sách. Thật là lứa tuổi vô tư mang nhiều hoài bão và tràn đầy hy vọng.
   Rời ghế nhà trường trong chất xám đã tích lũy được một mớ kiến thức của thầy cô truyền đạt cho. Khi bước chân vào đời với hành trang là hai bàn tay trắng, đối diện với thực tế, vật lộn với cuộc sống hằng ngày đầy cam go thử thách.
“Sinh thời củi quế gạo châu
Người khôn của khó kiếm đâu ra tiền”
   Thật vậy, giải bài toán kinh tế phải có điều kiện ắc có và đủ với nhiều ẩn số để giải quyết cho kế sinh nhai thì làm một nam nhi chi chí lẽ nào khoanh tay bó gối nhìn bức tranh mà thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã vẽ:
“Kìa nhà ai?
Bốn vách tường mo
Ba gian nhà cỏ
Đầu dàn mọt tạc cửa sau
Trước cửa nhện giăng màn gió …”
   Là tu mi nam tử đầu đội trời, chân đạp đất thì phải chấp nhận “lục cực lấy làm đầu”… phải bắt đầu từ con số không, bản thân phải tự phấn đấu để vượt qua cảnh nghèo khó trong cuộc đời, cho nên bằng mọi cách mình phải nghĩ ra thêm một nghề tay trái trong khả năng của mình.
   Ông bà ta nói: “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Nuôi cá thì không đủ khả năng, nuôi heo sợ heo bệnh tụ huyết trùng, mắc dịch, mắc toi thì đi đứt đồng vốn ít ỏi; nhớ lại ca dao truyền khẩu: “Nhất Sĩ nhì Nông hết gạo chạy rong, nhất Nông nhì Sĩ”.
   Không còn chọn lựa nào khác thì thôi đành làm Hai Lúa (làm ruộng) một nghề mà trước đây thời còn ngồi dưới mái trường Nông Lâm Súc đã được kinh qua, nay thì phải phát huy kinh nghiệm bản thân, đồng thời học hỏi kinh nghiệm thực tế của nhà nông xem như là một trường Nông Lâm Súc ngoài đời. Nhờ lấy bàn tay, sức lực và khối óc làm cứu cánh.
   Làm ruộng thì nhất nước nhì phân tam cần tứ giống, những yếu tố này mình đã thuộc nằm lòng. Bây giờ có ruộng đất, lúa giống sẵn sàng, công cụ lao động, phương tiện sản xuất đã có thì bắt đầu ngay.
   Mùa xuân là mùa cây cối đơm hoa kết quả xum xê. Nhìn những con chim én bay lượn báo hiệu mùa xuân sắp đến, gió đông bắc (gió bấc) thổi vài ngọn sau cùng, những cây lao, cây đế trổ cờ (trổ bông) báo hiệu mùa nước nổi sắp hết (nước rút).  Bắt đầu thời vụ vào lúc nầy, chắc chắn đạt năng xuất lúa cao, kết quả sẽ bội thu!!!
   Tranh thủ lúc nước ròng dọn cỏ, vệ sinh mặt ruộng đồng thời làm cỏ xung quanh bờ ruộng (bờ mẫu). Lần đầu tiên ra đồng thấy một anh nông dân làm ruộng kế bên dùng cây phảng và cây cù nèo để dọn cỏ, những cây cỏ bị đứt ngọt lịm sau mỗi nhát phảng. Chỉ trong phút chốc thì cỏ trên ruộng của anh ta đã được dọn xong.
   Hai Lúa đến mượn nông cụ này làm thử; nhát thứ nhất lưỡi phảng dính vào đất, nhát thứ hai lưỡi phảng bị tạt nước bay lên không; còn cây cù nèo thì hầu như không dùng đến vì không cây cỏ nào đứt cả. Ôi thôi! mau mau trả lại nông cụ cầm tay cho anh ta, mình chỉ dùng dao để triệt cỏ đảm bảo an toàn.
   Lúa ủ đã lên mọng tương đối 95% mang ra đồng để xạ. Tất cả những thửa ruộng xung quanh, nông dân chọn phương pháp xạ ngầm thì Hai Lúa này cũng phải làm theo vì: “nước ở trong bầu thì tròn, trong ống thì dài” không thể nào làm khác hơn được.
   Dùng xuồng để bơi đi xạ lúa ngầm; xạ xong giữ nước lại trong ruộng. Sau bảy ngày đêm thì tháo nước ra để chuẩn bị rải phân lần thứ nhất; nhưng khi tháo nước khỏi ruộng thì … Hỡi ơi! Lúa lên leo heo vài cây với sự hiện diện của đủ loại cá, ốc: cá sặc, cá rô, cá lóc, cá trê, cá lòng tong, cá chốt, cá bảy chầu, ốc bưu, ốc lác… có lẽ các loài thủy tộc của Thủy Tề Vương nhân cơ hội nước lớn theo kênh mương lên đồng ruộng làm Thủy Tặc ăn hết mầm non của lúa còn lại trơ trơ mặt đất đầy phù sa màu mỡ của Hai Lúa này?!!
   Đã “cái nghèo lại gặp cái eo”, thửa ruộng của mình đã dùng giống lúa Bảy Ba Hai đã đi chầu Long Vương hết cả rồi (xem như vụ lúa thu hoạch sớm). Thua keo này, Hai Lúa không chịu bó tay đâu, sẽ đi gầy keo khác với tâm niệm là làm sao để có chén cơm.
   Tình cờ gặp lại người bạn cũ gốc Nông Lâm Súc Cần Thơ, Hai Lúa vội vàng giải bày hết cớ sự, rồi người bạn này khuyên tôi rằng: “Anh còn lúa ví để ăn, anh cứ dùng lúa đó làm giống cho vụ kế tiếp, nhớ khi xạ ngầm xong canh cho nước vừa đủ, giữ đừng cho mực nước lên quá cao như lần rồi thì chắc như bắp anh sẽ thành công như ý nguyện!”.
   Tôi chợt nhớ số lúa đang ví trong bồ lúa để dành ăn ở sau hè nhà mình là giống lúa đã có từ lâu, cho năng suất rất cao đó chính là giống lúa Thần Nông Tám mà cách đây mấy chục năm do Thầy Trần Đăng Hồng nhân giống.
   Nghe xong mình vui mừng hớn hở thầm nghĩ: Đúng là… “Buồn ngủ gặp chiếu manh”, có quới nhân giúp ý! Hay lắm!, Hai Lúa này OK ngay.

Đọc tiếp phần 2

Ô Môn ngày 10/02/2009, 
Nguyễn Hồng Đơn 
doanh nghiệp cưa xẻ gỗ



Trở về Trang BẠN VIẾT
 
 
  Số người đọc 419687 visitors (1084882 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free