Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Một giấc chiêm bao
 
Lên mạng ngày 11/8/2009

Một Giấc Chiêm Bao ?
 
Trong khoảng hai tháng nay sau khi tôi vô tình tìm ra trang NLS Cần Thơ Website, tôi bắt đầu suy nghĩ  về ngôi trường cũ này. Sau khi tôi đọc bài viết “Ngôi Nhà Ma” do TS Trần Đăng Hồng viết và bài thông báo về sự ra đi của GS Trần Duy Nhiên, tôi quyết định là tôi nên viết bài này để chia sẻ với các bạn NLS CT của tôi. 
 
Đã hơn 35 năm rồi kể từ khi tôi cắp sách đến trường NLS CT, tôi cứ tưởng là mọi việc ở ngôi trường đó đả trôi vào quên lãng. Nếu có còn thì cũng chỉ là môt thoáng mây mờ trong ký ức của tôi mà thôi. Tôi đả lầm.  Những kỷ niệm ngày xưa của những năm 71-73 lúc tôi học lớp 10 và lớp 11 MS-1 đã sống lại một cách mãnh liệt trong trí nhớ của tôi, nhất là khi tôi thấy bức hình căn nhà đầu tiên nơi TS Hồng đã ở khi mới đến trường đăng trong bài “Ngôi Nhà Ma”. Tại sao căn nhà đó lại làm tôi phải suy nghĩ? Vì chính tôi cũng đã ở căn nhà đó trong 2 năm học tại NLS CT. Khi ấy,  ngôi nhà có lạch nước ở bên hông và có cây xoài lớn đằng sau nhà (theo đúng như lời tả của TS Hồng) được ngăn ra làm 2 gian. Một bên GS Nhiên và gia đình trú ngụ, và bên kia do GS Nguyễn Văn Chút (phụ tá Giám Học) và tôi tá túc (GS Chút là anh rể của tôi).  Căn nhà đó có ma, nhưng đây không phải là vấn đề tôi muốn viết. Vấn đề mà tôi muốn chú trọng là sự quen biết với gia đình anh Nhiên. Tôi còn nhớ là anh Nhiên rất giỏi Toán, thích phim kiếm hiệp, thích cà phê và mê thuốc lá, hay kể chuyện tiếu lâm, và rất thích chơi cờ Tướng (có khi cuối tuần thức cả đêm chơi cờ). Chị Nhiên thì nấu ăn rất khéo và rất thích nấu ăn. Hai vợ chồng có một cháu bé trai 2 tuổi rất là dễ thương. Hai năm ở đó và ngày nào tôi cũng gặp anh chị và cháu bé. Khi anh Nhiên sắp lên làm Giám Học thay cho GS Nguyễn Văn Thanh, thì tôi chuyển trường về NLS Bình Dương năm 1973 cho gần gia đình ở Sài Gòn. Từ đó tôi mất liên lạc với gia đình anh chị Nhiên và các bạn học ở Cần Thơ. Giòng đời vẫn tiếp tục trôi, và tôi hoàn tất bậc trung học tại trường NLS Bình Dương. Sau đó tôi tiếp tục học lên về chuyên khoa Ngư Nghiệp. Hai năm sau ngày rời Cần Thơ, vào một ngày buồn cuối tháng Tư năm 1975, trong lúc Sài Gòn đang hấp hối trong những giây phút sau cùng với ánh lửa cháy sáng rực môt góc trời, tôi đi theo nhóm người di tản và sau cùng định cư tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
 
Những ngày đầu tiên trên mảnh đất mới đầy hứa hẹn này cũng có khá nhiều khó khăn vì ngôn ngữ bất đồng và tài chánh eo hẹp. Sau 4 năm làm bất cứ việc gì để nuôi thân, tôi may mắn có được cơ hội trở về đai học. Trong 18 năm kế tiếp (1979-1997), tôi miệt mài kinh sử từ đại học này qua đai học khác. Lúc nào cũng bận rộn vì thi cử, vì những bài toán khó, vì những bài bình luận nghiên cứu tỉ mỉ, vì luận án, vì thực tập ở nhà thương, … và trong giai đoạn này, cũng như đa số sinh viên khác, tôi vẫn làm những việc lặt vặt như chấm bài, dậy học, gác phòng thi, … để kiếm tiền sinh sống. Có lúc phải nghỉ học hẳn một thời gian ngắn để đi làm kiếm tiền.  Vì cuộc sống quá bận rộn và chật vật, những kỷ niệm ngày xưa ở NLS CT đã gần như lu mờ trong trí nhớ. 
 
Mười năm sau khi rời khỏi đại học, vào mùa xuân năm 2007, tôi bay từ thành phố Seattle nơi tôi đang sinh sống qua thành phố Kansas City (khoảng 3100 cây số) để dự lễ tốt nghiệp của người bạn cũ. Trên đường về, tôi phải bay từ Kansas City tới thành phố Dallas (khoảng 730 cây số), và chuyển máy bay ở đó để về Seattle (bay thêm 2700 cây số nữa).   Trong khi chờ đợi máy bay cất cánh, tôi thấy một người đàn ông Á Châu có vẻ quen thuộc. Tôi tiến tới và hỏi bằng tiếng Anh
-   “Chào ông. Ông có phải là người Việt Nam không? ”.
-   “Phải”,
người đó trả lời cộc lốc và lạnh lẽo. Khi đó tôi bắt đầu nói bằng tiếng Việt
     -   “Xin lỗi, ông nhìn hơi quen quen “.
     -   “Cậu nhìn lầm người rồi. Tôi chỉ đến đây du lịch. Tôi không phải là người ở đây”
Nói xong, ông ta quay đi, như là ông ấy không muốn bị quấy rầy.  Lúc đó tôi có dịp nhìn kỹ khuôn mặt người đàn ông này, và tôi trở nên nhẫn nại. 
-    “Xin phép ông cho tôi hỏi một câu”
-    “Tôi đã nói là cậu nhìn lầm người rồi mà”, ông ấy cau có.
-    “Có phải ngày xưa ông ở Cần Thơ?”
-   “Đúng”, ông ta trả lời nhát gừng với khuôn mặt bực dọc.
-    “Có phải ông dạy Pháp văn”
-    “Phải”
-    “ở trường Nông Lâm Súc”,
        -    “Đúng, nhưng tại sao cậu biết”, ông ấy hỏi ngược lại với một giọng ngạc nhiên.
-     “Có phải vợ ông người Đà Lạt?
-   “Phải. Nhưng cậu là ai? Tại sao cậu lại biết vợ tôi ?” ông ta hỏi với một giọng nghi ngờ.
Nhưng tôi không trả lời câu hỏi của ông ta. Tôi tiếp tục,
-    “Có phải tên ông là Nhiên. Trần Duy Nhiên ?”
-    “Đúng. Tôi tên là Nhiên. Vậy cậu là ai ?”
Khi đó tôi buôc miệng,
-    “Anh Nhiên. Anh không nhận ra em sao?
Sau khi nhìn kỹ tôi, anh Nhiên trả lời,
-    “Thưa, tôi không biêt. Vậy cậu là ai ?”
-    “Anh thật không nhớ em? Em là Hùng, em anh Chút, ở kế bên nhà của anh ở dưới Cần Thơ đó.”
Phải nói thật là tôi hơi thất vọng. Bây giờ nghĩ lại thì tôi thấy anh Nhiên có lý do chính đáng. Ngày xưa, tôi chỉ có 47 kg, trong khi bây giờ 81 kg, và khuôn mặt cũng có nhiều đổi thay sau hơn 35 năm. Lúc đó, sau khi nghe tôi nói, anh Nhiên tỏ ra dè dặt, và anh nói một cách thật chậm rãi.
-          “Anh Chút là người Huế, … mà cậu là người Bắc, làm sao là anh em được ?”
-          “Anh nói đúng. Em là em vợ của anh Chút”
Nghe đến đây, anh Nhiên bắt tay tôi và xiết thật mạnh.
-          “Trời ơi, Hùng. Anh không bao giờ nghĩ là anh sẽ gặp lại em ở một phương trời xa lạ này. Anh Chút đâu? Má em lúc này ra sao? Em bây giờ làm gì? Vợ con gì chưa?  Em đang đi đâu vậy ?“ anh hỏi một cách dồn dập.
 
Sau đó tôi và anh Nhiên trò chuyện trong suốt 3 tiếng đồng hồ trên chuyến bay từ Dallas về Seattle. Em vợ anh và chồng cô ta ra đón anh tại phi trường quốc tế SeaTac (SeaTac International Airport) và đưa về nhà ở thành phố Olympia cách đó 130 cây số.  Bốn hôm sau tôi lái xe đi Olympia sau giờ làm việc để thăm anh. Chúng tôi ăn tối và nhắc lại bao nhiêu là chuyện ngày xưa ở Cần Thơ. Tôi rời Olympia lúc gần nửa đêm.
 
Bây giờ nhờ trang Web của NLS CT, tôi mới biết là anh Nhiên đã vĩnh viễn ra đi. Như vậy lần gặp gỡ đó là lần cuối cùng tôi gặp lại anh Nhiên. Cám ơn Thương Đế, cám ơn Trời Phật, cám ơn Chúa, đã cho con cơ hội đó, dù ngắn ngủi. Bây giò mỗi khi nghĩ đến buổi gặp gỡ định mạng kỳ lạ này, tôi vẫn xúc động, bồi hồi, và cứ có cảm giác như đó là một giấc chiêm bao.
 
Nguyễn Bá Hùng – August 7, 2009. Viết tại Seattle, Washington, USA.

Trở lại Trang Bài Viết
 
  Số người đọc 415486 visitors (1074575 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free