Lên mạng ngày 9/1/2009
NHỮNG CÁI GẠCH NỐI
Nguyễn Hồng Đơn
Bắt đầu từ đâu đây khi tôi và Chị cả ba cái tri: tri nhân, tri diện, tri tâm đều là một con số không. Xem qua trang web Trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ, tôi suy nghĩ, nghiền ngẫm bài viết của Thầy, của Chị, bây giờ xin cho tôi được nhập cuộc vào bài viết một phần “ký ức tuổi học trò”.
Thầy Trần Đăng Hồng là bậc tiền bối đối với tôi rồi, còn Chị cho tôi gọi hai tiếng Chị Thu, đó là lời chân thành của tôi.
Tôi, Nguyễn Hồng Đơn, là học viên Trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ lớp Công Thôn 1970-1973. Là sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm Nông Lâm Súc khóa 8 ngành Công Thôn 1973-1976. Cũng là khóa cuối cùng khi Nha Học Vụ Nông Lâm Súc Sàigòn bị giải thể. Tốt nghiệp xong, tôi trở thành nhà giáo của Trường Công Nhân Cơ Khí Nông Nghiệp Biên Hòa (trường dạy máy cày, máy ủi). Theo tôi biết Chị và tôi có cùng một nơi xuất thân trên con đường tạo lập công danh sự nghiệp ở tuổi thuở học trò, có điều Chị ở thế hệ đàn chị, tôi ở thế hệ đàn em, học cùng thầy Phạm Huy Hoành, Thầy Đặng Quang Điện v.v. ở Nha Học Vụ Nông Lâm Súc Sàigòn.
Kỷ niệm làm luận án tốt nghiệp trồng lúa Thần Nông 8 cũng có một ký ức khó quên của tôi trong kỷ niệm của Chị.
Ngày ấy đã lâu lắm rồi, bốn mươi năm trước tôi là học sinh đệ lục của Trường Trung Học Phan Thanh Giản(1968) trọ nhà người quen ở Khu Văn Hóa để đi học. Một buổi sáng tôi ngạc nhiên nhìn thấy hai cô gái lái chiếc xe máy cày trên đường Tự Đức (bây giờ là Lý Tử Trọng) hướng về khu văn hóa. Con trâu sắt lăn bánh trên đường phố mà tài xế lại là nữ, không biết chuyện gì đây hay là có một sự đổi đời?. Thấy sao khiếp đảm qúa, tôi vội nhanh chân bước vào vĩa hè cho chắc ăn. Tuổi niên thiếu, ngoài việc cắp sách đến trường tôi còn ham thích môn đá banh. Cũng vào buổi chiều ngày ấy, nuốt vội vài miếng cơm, xong mang trái banh ra sân thì… trời ơi! Sân đá banh của tôi!!! mặt sân đã bị cày xới tung lên hết rồi; tôi ôm trái banh mà lòng buồn hiu, các bạn cùng tham gia đá banh thì đi đâu hết, chỉ thấy có một người hơi đứng tuổi đang ở đó với vẻ mặt đắc chí, có lẽ là chủ đất? (sau nầy tôi mới nhớ lại có lẽ là Thầy Lê Quang Hồng đi tham quan hai cô gái cày đất?). Lòng tôi nghi nghi chẳng lẽ chiếc máy cày mà buổi sáng tôi thấy đã vào đây làm nên chuyện nầy?
Thời gian đi vào quên lãng, rồi 40 năm sau, ngày hôm nay trên trang web Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ và diện kiến với Chị Hồng em của Chị trong buổi họp mặt cựu giáo sư và học viên Nông Lâm Súc Cần Thơ ngày 01 tháng 01 năm 2009 vừa qua, thì tôi mới biết chính xác thủ phạm ngày xưa là hai Chị Em nhà “Bà” đã cày nát mặt sân đá banh năm xưa của tuội tuôi.
Ngày Chị rời trường Nông Lâm Súc Cần Thơ năm 1968, thì hai năm sau đến lượt tôi bước chân vào học ngành Công Thôn. Sau này cũng với môn thực hành nông trại và nhất là việc cày bừa là chuyên ngành giảng dạy của tôi thì nổi ấm ức ngày xưa hôm nay đã được hóa giải trong lòng tôi.
Có một điều là ngày ấy hai Chị Em nhà “Bà” cũng gan dạ thật, với loại máy cày trước đây thường là không có cơ cấu trợ lực lái, chỉ có cơ học mà thôi nên mỗi khi quanh cua xoay tay lái rất nặng, mỗi khi bánh xe trước rơi xuống ổ gà, ổ voi, thì tác động vào vô-lăng tay lái một lực rất mạnh (vặt mạnh), Chị không bị trật khủy tay, trật khớp xương bả vai là một điều hay lắm, rồi đồng thời là loại xe không có bộ giảm xóc (nhíp xe) mà chỉ đàn hồi qua lớp bánh xe, thì quá trình di chuyển từ trường đến nơi cày đất Chị và Chị Hồng không bị rơi xuống mặt đường cũng là một điều may mắn lắm đó. Vì cần muốn đạt mục đích mà những việc mình không hề biết mà vẫn làm, suy nghĩ lại mặc dù Thầy Lê Quang Hồng đã có ý can ngăn mà Chị vẫn… liều mạng phải không?
Cũng những con trâu sắt, thời học trò, ngày mà khóa 8 chúng tôi đi thực tập ở Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc; một kỷ niệm mà tôi khó quên, hậu quả là Thầy tôi gánh.
Hôm ấy, lần đầu tiên tôi lên xe tập lái máy cày, Thầy Phan Thanh Kiếm ngồi trên thành xe hướng dẫn. Tôi với chân ướt chân ráo có biết gì; cho động cơ nổ, vào số và chân nới lỏng bàn đạp ly kết, nhưng tôi không xác định được khoảng cách tự do của bàn đạp ly kết, nhả quá nhanh, chiếc máy cày nhấc đầu lên, hai bánh trước rời khỏi mặt đất, giống như hai chú dế đá nhau hay đúng hơn là lái xe theo kiểu “cao bồi”. Hai tiếng kêu to “trời ơi” bàn tay phải của Thầy Kiếm đập vào thành xe (trong quá trình giữ lại nếu không sẽ rơi xuống đất), một ngón tay sưng phù lên. Đây là một kỷ niệm khó quên của Thầy, của tôi mà đến hai năm sau gặp lại nhau ở Nha Học Vụ Nông Lâm Súc Sàigòn, thầy không bao giờ quên tên của tôi.
Cũng với động tác này, có một sự việc tôi lấy làm đau lòng: một học sinh của tôi vừa tốt nghiệp, công tác ở nông trường Miền Tây, lần nầy thì xe lật úp ngược trở lại, bốn bánh đều hướng thiên, người thì bị kẹt trong xe, đành phải sinh nghề…?!
Gặp lại Thầy Nguyễn Văn Bé, Thầy Võ Huấn Luyện có nhắc đến Chị (ngày kết quả Chị đã đậu vào khóa sư phạm ở Nha Học Vụ Nông Lâm Súc Sàigòn, vì quá vui mừng khi trúng tuyển mà quên việc xe cộ đang di chuyển trên đường Mạc Đỉnh Chi Sàigòn, nhờ Thầy Bé và Thầy Luyện hét lên…).
Tất cả đã trở thành kỷ niệm, mà kỷ niệm nào cũng đẹp cả. Với những cái gạch nối để nối dài đến bên kia bờ đại dương cũng xẻ chia những kỷ niệm của thuở học trò. Cùng cảm thông, thông cảm những khi chị “home sick”, một tâm trạng mà tôi cũng đã trải qua bao năm sống xa nhà nơi xứ lạ quê người.
Ô Môn ngày 08-01-2009,
Nguyễn Hồng Đơn
100/2 Khu Vực 13, Phường Châu V Liêm, Quận Ô Môn, TP Cần Thơ, 07103-862-412
Trở về Trang BẠN VIẾT