Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Bài không tên tháng Năm
 
Lên mạng ngày 18/5/2009

Bài Không Tên Tháng Năm
 
          Mặt trời đã lên cao nhưng lại không cho đủ ánh nắng vì mây mờ che khuất. Bờ biển nơi đây, bây giờ vẫn còn lạnh và thưa thớt bóng người. Đứng bên nầy bờ cát ẩm, yên lặng nhìn về phía chân trời xa xôi đã chìm hẳn trong màn sương, hắn trông thấy những con chim biển đang lượn cánh nơi một góc trời. Xoa đôi bàn tay lại với nhau để tìm chút hơi ấm, hắn cảm giác những ngón tay của mình đang chạm trên làn da của vết sẹo ngày nào…
 
          Chỉ cách hơn một tuần chưa trở lại, vậy mà bây giờ, nơi đây trông ra đã khác lạ hơn trước nhiều. Những căn phố cao, các tiệm buôn lớn chung quanh, cửa vẫn im lìm khép kín. Người mua kẻ bán bên ngoài, trên đường, vẫn xuất hiện cũng khá đông. Các loại sản phẩm, nhiều loại mặt hàng, những ngày trước đó đã được các con buôn mang ra bày bán ‘chạy’ trên khắp mặt lề đường, thì hôm nay không trông thấy nữa.
          Cũng như những khách bộ hành khác đang hiện diện trên con lộ vắng tiếng xe, họ lẳng lặng đưa mắt nhìn quanh quẩn, như để cố nhận ra dạng của một người quen thuộc nào đó. Nó cũng đang rảo bước đi tìm Lê Tùng, một người bạn học cùng lớp ngày trước.
          Giã từ mái trường trung học ngày nào, trọn ổ gần bốn mươi tên của lớp mười hai ngày đó, tụi nó đa số tập trung vào hai trường đại học duy nhất của thành phố cũ. Còn lại bọn chúng, le que chỉ vài đứa đếm được trên đầu ngón tay, thì lên trên thành phố lớn nầy để theo học tại các trường đại học quanh đây. Trưởng lớp Hữu Nghị đầu thú tại cao đẳng sư phạm NLS. Hoàng Tuấn nhập vào Minh Đức, còn Thanh Sơn ‘quy y’ Vạn Hạnh. Liêm Mập bước qua bức tường Khoa Học, Tài Râu ngồi dự thính nơi giảng đường trường Luật, Tùng Cận vào Phú Thọ, còn Lâm Vàng ngơ ngác lại lạc bước trong Cường Để.
          Tùng học ban hóa, còn nó thì cũng phải đến giảng đường trường Phú Thọ mỗi sáng để hoàn tất năm học đầu tiên với các môn khoa học cơ bản. Hai đứa chúng nó có cơ hội gặp mặt nhau nhiều hơn, so với những người bạn khác cũng đang sinh hoạt ở quanh đây. Gặp nhau cho dầu chỉ được đôi giây phút qua loa thăm hỏi, để rồi sau đó thì mỗi đứa cũng phải vội vã bước nhanh về thính đường riêng của mình; nhưng trong lòng nó, lúc đấy, cũng đã cảm thấy quí những phút giây đó thật nhiều.
Mỗi khi nhớ tới Tùng, nó thường hình dung đến một khuôn mặt luôn đăm chiêu, với đôi kiếng cận trên sóng mũi, và một điếu thuốc đang nhả khói trên môi. Những lúc trông thấy người bạn nầy với dáng gầy hơn xưa, mái tóc dài lãng mạn lại thêm nét xanh xao, thì nó cũng biết là mình đã ốm không kém gì, mà có thể còn đen đúa hơn trước nữa.
          Từ lúc phải xa gia đình, nó chợt nhận ra ở các bạn, và ngay cả chính bản thân của nó cũng đã thay đổi. Hình dạng, tóc tai, quần áo, dép giày không còn là vấn đề phải chú ý khi xuất hiện nơi công cộng như ngày trước. Ai cũng biết là phải cố gắng cho thật nhiều để vượt qua được năm học đầu tiên đầy khó khăn và thử thách nầy; và cũng để riêng cho nó, có thể, không trở thành một gánh nặng của gia đình nữa.
          Mỗi ngày nó như con ngựa hoang lang thang ngoài đường từ sáng cho đến tối. Bận rộn để lo từ nơi ăn đến chốn ở, (nó không xin được tạm trú vào cư xá sinh viên). Bận rộn với phương tiện di chuyển từ nơi trọ đến trường, từ Phú Thọ đến Cường Để bằng xe buýt, bằng xe lamb, hay lội bộ…để rồi những việc nầy cũng đã chiếm rất nhiều thời giờ có được trong một ngày của nó. Đêm về lại còn phải vùi đầu với sách đèn cho đến khuya. Nó không còn có được giây phút riêng nào để nhớ về gia đình và bạn bè cũ ngày trước nữa. Những người bạn mới trên thành phố phồn hoa nầy; nó trông thấy ai cũng có vẻ thông minh và lanh lợi hơn mình qua vóc dáng, cách xử sự và đường nét sinh hoạt, cho nên, dường như bọn họ hãy còn quá xa lạ với nó.
 
          Những tháng cuối của năm học đầu tiên đã đến với nhiều biến động. Mỗi ngày của tháng tư, nó cũng phải vội vã lội đến trường. Bước vào giảng đường, nhưng chỉ để nghe người ta báo cáo với nhau tình hình chiến sự đang diễn tiến từng ngày, từng giờ, khiến lòng của nó cũng phải bàng hoàng theo. Nó nghe nói, đã có người trong lớp bỏ học quày trở về với gia đình. (Thật sự thì Hoàng Tuấn cũng đã về nhà, và Thiên Tài thì vẫn chưa trở lại thành phố).
          Ngày đó đã đến, thì tháng năm cũng đánh dấu thời điểm nó bị cắt đứt liên lạc với gia đình nơi quê nhà. Người ta phát sóng trên đài truyền thanh và truyền hình kêu gọi bọn chúng nó đến trình diện. Buổi sáng hôm ấy, Tùng và nó cùng lội đến sân trường với một số sinh viên khác. Nhìn thấy những khuôn mặt xa lạ với nhiều nét ngây thơ trên sân cỏ, nhưng lại không tìm ra những bóng dáng quen thuộc ngày nào, chúng nó cũng đã lặng lẽ ra về. Biết rõ hoàn cảnh sinh hoạt, Tùng rũ nó cùng đi bán sách để kiếm sống.
          Quãng đường Trần Hưng Đạo nầy rất rộng và dài lắm. Những tòa lầu cao hai bên đường, vốn là những tiệm buôn sang trọng ngày trước. Tuy bây giờ không mở cửa để buôn với bán, nhưng nó cũng đã cho được những bóng mát trên lề vào mỗi sáng trước khi mặt trời lên cao. Những con buôn với túi vải trên vai chứa nhiều sản phẩm trong đó. Họ xuất hiện từ trong các ngõ hẻm lân cận và đang tập trung ra mặt đường. Họ trải mảnh vải trên lề. Họ bày những món hàng ra cho khách đến xem. Những hộp thuốc Tây, những lọ nước hoa mà ngày nào nó đã từng trông thấy các cô bán hàng nâng niu, đặt để trên những ngăn tủ kính pha-lê một cách cẩn trọng, bây giờ thì chúng lại nằm ngổn ngang, lăn lóc trên mặt đường. Những sản phẩm gia dụng thường dùng khác cũng cùng chung một số phận. Chúng đang được các con buôn đem ra rao bán sạch, trước khi chủ nhân có cơ hội trở thành những người vô sản như những ai kia.
          Tùng trải mảnh vải với số sách đã được tóm gọn trong đó ra trên một phần lề đường, cách cái hẻm ban nãy không xa. Nó phụ tay với Tùng ngày hôm nay để học nghề. Mang từng cuốn bày ra trên đấy. Tất cả những sách nầy cũng sẽ được bán tháo, bán chạy trong ngày hôm nay với bất cứ một giá phải chăng nào cho vừa lòng cả chủ lẫn khách. Ngày hôm sau thì chính vai nó đã vác lên, và chính tay nó đã mang ra những quyển sách nầy để bày bán trên lề đường như Tùng ngày hôm trước. Nó thoáng đọc nhanh những cái tựa in trên bìa. Những tập truyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với các tác giả Khái Hưng và Nhất Linh trông rất quen thuộc. Nó nhớ đã đến tiệm cho mướn sách gần nhà để mướn về đọc trước đây. Những quyển sách nầy, nó cũng đã từng ước mơ sẽ có ngày được làm chủ nhân của chúng, nay lại đang nằm trong tay nó với những trang bìa in màu còn mới mẻ. Rồi những cuốn tiểu thuyết khác còn thơm mùi mực, cũng được nó đưa mắt chiếu cố đến. Những tác phẩm vĩ đại như quyển“Cuốn Theo Chiều Gió”, “Doctor Zhivago” nó từng mơ ước có ngày sẽ được đọc, thế mà bây giờ thì chúng đang im lìm nằm phơi nơi đây chờ khách.
          Dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào, những con buôn quanh đây vẫn vui đùa với nhau khi vắng khách. Họ nói rằng những chiếc xe tải, những chiếc xe máy, kể cả xe thồ đã bị chuyển ra ngoài đấy để đi lao động, cho nên đường phố nơi nầy bây giờ mới được vắng tiếng xe. Còn lại những sản phẩm và tác phẩm ‘văn hóa đồi trụy’ đang được bày nơi đây, sớm muộn gì cũng sẽ bị cải tạo, cho nên họ phải giải quyết trước như thế nầy.Nó không sợ trở thành chủ nhân của những quyển sách nầy. Nhưng thật với hoàn cảnh bây giờ, nó chỉ mong sao cho bửa ăn trưa hôm nay sẽ có được một dĩa cơm trắng, với hai miếng đậu hủ kho hiện lên trên ấy; hoặc nếu có tệ hơn thì cũng được một ổ bánh mì không thịt, với ly trà nóng ấm bụng như đêm trước đây.
          Những con buôn bên cạnh chợt náo loạn lên. Họ khòm người xuống vội vã gom lại những món hàng đang bày bán. Họ quảy túi vải lên vai rồi chạy nhanh vào các ngõ hẻm, sau khi không tiếc lời cảnh cáo để lại cho nó:
          “Nè. Dọn cho nhanh rồi chạy đi! Tụi nó lại đếnhốt nữa rồi đó!”
          Nó hốt hoảng không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng cũng nghe theo lời người ta mà gom vội vàng những cuốn sách vào trong, rồi quảy lên vai. Dọc theo đường, những con buôn khác cũng đang tán loạn tan hàng như một đàn ong vỡ tổ trước đôi mắt nhìn ngơ ngác của khách. Nó không biết phải chạy đâu. Đi theo đám đông ban nãy đã vào trong con hẻm nầy ư? Nhưng mà họ đã biến nơi đâu mất cả rồi? Nó hoảng hốt ẩn dưới mái hiên của một căn nhà gần đấy. Người chủ nhà đi ra hỏi:
          “Làm cái gì mà đứng ở đây? Đi chỗ khác dùm.”
          Nhưng có lẽ đã quá quen thuộc rồi, cho nên cũng chẳng cần chờ câu trả lời của nó, bà đã ra tay khép chặt hai cánh cửa. Lúc nầy trong lòng nó đang nổi lên cơn loạn xạ vì không biết phải làm gì. Nếu họ xông vào đây, ngay bây giờ, thì sẽ bắt được nó tại trận với đầy đủ tang chứng trong cái bọc vải trắng thô sơ nầy. Giây phút hồi hộp gần như ngạt thở đã trôi qua. Mặt trận ngoài kia cũng đã yên lặng trở lại. Người ta lại bắt đầu đi ra tham quan chiến trường ban nãy. Nó gặp Tùng cũng đang rảo mắt đi tìm.
          “Có sao không?”, Tùng hỏi.
          “Không sao. Chuyện gì vậy?”
          “Báo động hụt! Thấy bóng họ trong bộ đồ đó đi đến, đám con buôn dưới kia tưởng sẽ bị hốt lần nữa, cho nên tháo chạy cả bọn.”
          “Thiệt là kinh khủng quá! Tim tao từ nãy đến giờ hãy còn đang đập nghe thình thịch nè.”
          “Lần đầu tiên thì đứa nào cũng vậy. Thêm vài lần nữa thì nó sẽ chai ra thành đá cho mầy coi.” Tùng an ủi nó.
          “Nhưng mà…tao sợ thiệt! Chắc…không dám đi bán thứ nầy nữa đâu. Đêm qua, gia đình chủ nhà của hai đứa nhỏ tao dạy kèm có gợi ý; sẽ cho tao mang đồ phụ tùng xe đạp ra bán ở chợ chắc cũng dễ kiếm ăn hơn.”
          “Ừ! Như vậy cũng được.”
          Tùng gật đầu thông cảm với nó. Hai đứa không còn dịp gặp lại nhau từ ngày hôm ấy.
 
Nó dừng lại trước đầu ngõ của một cái hẻm quen thuộc. Đúng là chỗ Tùng đã bày sách nơi đây để bán. Nó nhìn quanh quẩn nhưng chẳng thấy tâm dạng của người bạn học cũ. Một thanh niên trạc tuổi với nó tiến gần đến hỏi:
          “Anh đang đi tìm mua thứ gì vậy? Tôi có thể giúp cho anh được đó.”
          Nó đưa mắt nhìn người khách lạ, nhưng không tỏ vẻ ngạc nhiên cho lắm. Nó hỏi người ấy:
          “Tôi muốn tìm người bán sách ở đây. Anh biết người đó có còn bán hay không?”
          “Cái anh mang cặp kiếng cận đó à! Hình như mấy ngày nay tôi cũng không thấy anh ta nữa.”
          Nó lặng người đứng yên. (Mong sao cho thằng Tùng vẫn còn bình an ở một nơi nào đó.) Hôm nay, nó định đi tìm thằng bạn nầy để kể chuyện bán hàng xe đạp của mình. Nó muốn nói với Tùng là những người trong bộ đồ ấy cũng đã xuất hiện đầy ở chợ Thiếc, nơi nó đang hành nghề tiểu thương bán dạo. Nhưng mà những con buôn như nó ở đấy thì không ai phải sợ bị hốt đột ngột cả. Bọn họ đến đó thì cũng đi tìm mua những mặt hàng khan hiếm và quí giá nầy mang về ngoài đấy. Tiếc quá, hôm nay không gặp bạn. Nó chợt thắc mắc trong lòng, bèn hỏi người bán hàng trẻ tuổi ban nãy:
          “Anh hỏi tôi muốn mua gì? Nhưng sao chẳng thấy hàng anh ở đâu thì làm sao biết để mua?”
          “Bịhốt hoài cho nên phải thay đổi cách làm ăn. Cứ mỗi lần phải chạy bỏ đồ lại để cứu mạng như trước đây thì làm sao còn vốn nữa. Bây giờ ai cần mua thứ gì, cứ nói tên ra, chịu giá xong, thì mới mang hàng ra sau. Anh có cần thứ gì không? Chẳng hạn như thuốc nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy…thứ thuốc nào tôi cũng có hết. Từ sáng đến giờ tôi chưa bán được một món nào, nếu anh cần thì xin giúp dùm.”
          Một niềm cảm thông chợt dâng lên trong lòng. Tuy rằng chưa có ý định phải mua để giúp cho anh ta thứ gì, nhưng chợt nhớ đến vết thương đang băng bó sơ sài trên tay, nó hỏi:
          “Anh có thuốc khử trùng ngoài da không?”
          “Thuốc tím, thuốc đỏ đó bây giờ hiếm lắm anh ơi! Dân thành phố của mình tự dưng bị ghẻ hoành hành, cho nên bà con cũng đi tìm mua thuốc để trị. Bây giờ anh muốn mua thuốc đó thì chắc không còn hi vọng đâu.”
          “Không phải ghẻ. Vết cắt nầy trên tay của tôi sợ bị nhiễm trùng.”
          “Anh đừng lo. Mấy bửa trước tôi cũng đã bị đứt tay giống như anh, nhưng mà tôi có mua được thuốc đỏ để thoa đâu. Tôi cũng xài đại thuốc sát trùng ‘Teng-tua-dốt*’ thì cũng hết thôi. Anh coi, cái thẹo trên tay của tôi vẫn còn đây nè”. (* Tincture of Iodine)
          Nhìn vết sẹo trên tay của anh ta cũng không đến nổi tệ cho lắm, nó hỏi:
          “Anh nói đúng chứ? Như vậy thì anh bán cho tôi thuốc đó vậy.”
          “Được! Thứ nầy thì giá hơi đắc chút đỉnh nhưng tốt lắm. Anh đứng ở đây chờ một chút, Tôi chạy đi lấy thuốc về cho anh ngay.”
          Nó gật đầu đồng ý, tức thì người lái buôn đã nhanh nhẹn biến mất vào trong ngõ hẻm phía sau. Bên ngoài, mặt trời đã lên cao và đang chiếu xuống những tia nắng oi bức. Những căn tiệm lớn vẫn im lìm kín cửa. Khách bộ hành còn xuất hiện ngoài đường, quanh đây, vẫn lặng lẽ trên những bước đi chậm rãi như để sống cho trọn một ngày sắp hết. Tháo manh vải nhỏ băng trên tay, nhìn vào vết thương do sự bất cẫn của hai ngày trước, bây giờ thì đã sưng đỏ lên. Nó hình dung ra một vết sẹo hiện lên trên đấy.
 
Viết tại Cali, tháng 5- 2009
 
 
  Số người đọc 421271 visitors (1088572 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free