Lên mạng ngày 14/1/2009
ÔNG LÁI ĐÒ
Tôi không biết tên thật của ông là gì, chỉ biết mọi người gọi “Ông Hai Móm”. Lúc nhỏ, hồi còn đi học, tôi thường đi đò của ông. Dạo ấy ông khoảng 50 tuổi, nhưng ông có vẽ già hơn tuổi rất nhiều, tóc bạc lâm râm, rụng còn lưa thưa như đầu chim già đẩy, da sạm nắng, nhăn nheo, miệng móm vì mấy răng cửa đều rụng. Những điều này chứng tỏ cuộc đời ông rất cực nhọc, kham khổ và thiếu dinh dưởng.
Ở miền nam, chiếc đò là chiếc ghe dài có hai tay chèo. Ở gần mủi có chổ rộng lát ván bằng phẳng để khách dễ dàng bước lên ghe. Cuối ghe cũng lát gổ bằng phẳng, có dựng hai cột chèo, để người đứng chèo được vửng, có chỗ tựa để đưa hết sức mình vào hai mái chèo cho ghe lướt nhanh, mới có thể đưa ghe đi nổi khi chèo ngược dòng nước chảy siết. Ở khoảng giữa hai đầu sập của lái và mủi, khoảng 2/3 chiều dài của ghe, là khoảng để khách ngồi. Khách ngồi trên hai hàng ghế cốc hai bên, khoảng giữa là nơi để hàng hóa. Mỗi ghe chở khoảng 8-10 người nếu không có hàng hóa. Có đò lớn hơn có thể chở tới 12 người.
Ông Hai Móm không biết chữ, nhưng ham giao tế rộng rải với khách, nhất là giới trẻ có ăn học. Ông thường hỏi chuyện địa lý, sử ký, thời sự. Hàng ngày ông quá quen thuộc những chuyện nói tầm phào giữa các bà đi chợ lắm chuyện. Nhờ vậy, chuyện lớn nhỏ gì xảy ra ở địa phương hay nơi xa ông đều rành. Ông là đài radio của mọi loại tin tức. Nhờ ăn nói có duyên, biết thêm bớt cho câu chuyện hấp dẩn, ai ai cũng thích trò chuyện với ông cho đở buồn trên chuyến đò lẻ loi trên dòng sông hiu quạnh, mông mênh. Thỉnh thoảng ông ngâm thơ Lục Vân Tiên, hay vài câu trong truyện Kiều ông nhớ lỏm bỏm học lóm từ mấy ông bà già ngâm nga ở những căn nhà sàn dọc sông vào những đêm trăng thanh gió mát. Có lúc ông cất giọng hò đối đáp mà ông nhớ được từ những cặp nam nử hò gieo tình ven bờ sông.
Có lần tôi tò mò hỏi về cuộc sống của ông. Ông cho biết ông được sinh ra trên một chiếc ghe – một nhà nổi. Cha mẹ ông nghèo lắm, không có một mảnh đất để làm nhà. Họ sống trên một chiếc ghe có vòm cong bằng nan tre lợp lá làm mái, bên trong là một khoang lót ván trải một manh chiếu để ngủ. Bao nhiêu của cải, thức ăn, hàng hóa, v.v. đều chứa trong khoang này. Ở đầu khoang phía trước là một bếp “cà ràng” để nấu ăn, một lu chứa nước múc từ sông được lóng cặn dùng để uống và nấu ăn. Tắm rửa, giặt giũ, công tác vệ sinh đều từ dòng sông. Ở mủi ghe có vài ba nồi đất bể chứa đất trồng ít cọng hành, rau húng. Bên vách của hong ghe là một tấm ván nho nhỏ làm bàn thờ, có lọ cắm nhang bằng đất nung và một ngọn đèn dầu hột vịt. Cuộc sống gia đình cha mẹ ông lưu động trên chiếc ghe bồng bềnh theo các dòng sông, hay kinh rạch để kiếm kế sinh nhai. Khi vào mùa gặt họ chèo đến vùng kinh có ruộng đồng, neo ghe ở đó một thời gian để gặt thuê, làm mướn. Có lúc, họ mua cá tôm, trái cây, rau cải từ nhà vườn rồi chở đến chợ nổi, hay rao bán rong dọc bờ sông rạch. Họ không có một nghề gì có lợi tức ổn định, nên thiếu thốn quanh năm.
Ông Hai Móm, từ ngày được sinh ra rồi lớn lên, theo cha mẹ sống bồng bềnh theo con nước lớn hay ròng, như đám lục bình trôi nổi trên sông rạch. Ông thèm thuồng được sống trên bờ có đất, có cây trái, có bè bạn đến trường học. Nhưng cha mẹ ông quá nghèo, ước mơ đó chỉ là viễn vông. Đến khi cha mẹ ông qua đời, ông muốn thoát ly ra khỏi cảnh sống lưu động lênh đênh trên sông nước. Ông chèo ghe đi khắp nơi, ra sức làm mướn, rồi dành dụm được một số tiền. Ông bán chiếc ghe gia tài của cha mẹ, cùng với số tiền dành dụm được, ông mua một mảnh đất nhỏ chưa tới 20 mét vuông, sát bên vàm một bờ sông. Ông cất một chòi lá, một nửa trên đất liền, một nửa lấn ra mặt sông với một sàn cây tạp sơ sài. Ông sống độc thân. Tuy nhiên, ông lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc, vì dầu sao ông cũng có được một căn nhà trên đất là điều làm ông mản nguyện rồi. Ông đi làm thuê cho hàng xóm, vác lúa ở các nhà máy xay, hay bất cứ việc gì người ta cần mướn từ sức lao động của ông. Nhưng lúc nào lòng ông cũng tưởng nhớ đến dòng sông mà cả một thời niên thiếu ông đã từng trải. Ông đã quen nghe tiếng bìm bịp kêu báo nước lớn để chèo thuyền theo con nước. Chỉ cần nhìn lá lục bình lớn nhỏ, hay trái mù u trôi trên sông ông cũng biết mùa nào sắp đến. Khi rổi rảnh ông lặng nhìn dòng sông lặng lờ chảy với đám lục bình bồng bềnh theo sóng nước để nhớ thời niên thiếu. Đêm đêm, những đốm lửa bếp trên ghe thấp thoáng ngoài dòng sông mênh mông kêu gọi hối thúc ông trở về với dòng nước. Dòng sông là cả cuộc đời của ông.
Nổi nhớ nhung với lối sống trên sông đã thắng, ông quyết định sắm một chiếc ghe làm nghề đưa đò. Bây giờ, ông thật sự hạnh phúc, ngày chèo đò trên sông, tối về ngủ trong căn chòi trên đất liền, hàng ngày được giao tiếp với vô số người đủ mọi lứa tuổi và nghề nghiệp của khách đi đò. Ông hầu như quen biết với mọi người. Ông là người tốt bụng, thường giúp đở mọi người trong việc khuân vát, lặc vặt, mà không nề hà hay tính thêm tiền đò. Có đêm đang ngon giấc thì có người kêu gọi đò qua sông vì việc khẩn cấp, ông vui vẻ thức giấc chèo ghe đưa sang sông. Ai ai cũng thương mến ông, tin cậy ở ông. Vào dịp gần Tết, hay đám giổ, tôi thường đi chợ mua rất nhiều hàng, từ than củi, gạo, mắm, bánh trái, rau thịt, v.v. và nhờ ông giúp. Ông lẻo đẻo theo tôi, mang hết hàng xuống ghe. Tôi giao tất cả cho ông chở về tận nhà giao cho Má tôi, còn tôi tiếp tục rong chơi.
Vốn biết chị em tôi đều học giỏi, ông hay hỏi han đủ thứ khi tôi đi đò của ông. Có một lần ông hỏi tôi: “Thu à, theo phương Tây người ta có tin là có âm phủ không, có linh hồn, họ có theo đạo Phật như mình không?”. Rồi ông kể cho tôi nghe chuyện “Thằng chổng” ở Cái Răng. “Thằng chổng” là danh từ chung nói về người chết đuối sau vài ba ngày thì xác sình nổi chổng người lên. Ông kể là khoảng 1950, có một thằng chổng tấp vào bờ kế Lò Tương ở gần chợ Cái Răng. Tuy nước chảy khi lớn hay ròng mà thằng chổng vẫn nằm yên ở bến ấy, vì xác mắc vào một gốc cây. Không ai dám đụng tới. Vào một buổi chiều mưa lắc rắc, mây xám xịt giăng cả dòng sông, có một chiếc ghe tam bản chèo đến bến đò Cái Răng. Một người đàn ông chèo ghe, một người đàn ông khác ngồi thẩn thờ. Môt thiếu phụ ôm một lư hương cấm nhang. Trên ghe có một mâm giấy tiền vàng mả và một ngọn đèn hột vịt cháy leo lét. Người đàn bà bơ phờ, hốc hác, hỏi mọi người ở bến đò Cái Răng có ai thấy “thằng chổng” nào ở gần đây không. Ông Hai Móm tình nguyện hướng dẩn đến nơi thằng chổng. Nhìn thấy bộ quần áo, người phụ nử nhận ngay là chồng mình, bà khóc than và bất tỉnh. Hai người đàn ông trên ghe kể rằng nhà họ ở cách xa đây 4-5 cây số. Chồng bà thiếu phụ này mất tích trên sông cách đây mấy ngày, cả xóm đi tìm chỉ thấy chiếc ghe lật úp. Mọi người lặn hụp cả khúc sông trong mấy ngày mà vẫn không tìm được xác. Đêm qua, người vợ nằm mộng thấy chồng về báo là muốn tìm được xác thì phải đến bến đò Cái Răng hỏi thăm. Đúng y như lời báo mộng. Ông cũng còn kể cho tôi biết nhiều chuyện báo mộng tương tự như vậy xảy ra trên dòng sông này.
Có một lần, tôi kể cho ông nghe một chuyện ở phương Tây, vì ông rất thích nghe chuyện ở xứ khác. Tôi kể chuyện Đại đế Alexandre của nước Nga là người có quyền uy nhất nước. Thế mà khi ông gần chết, ông trối lại yêu cầu nhà quàng mở hai lổ tròn bên hong quan tài vừa đủ lọt hai bàn tay ông ra ngoài. Ông muốn thế gian hiểu rằng dầu được giàu sang, quyền uy, thế lực như ông, nhưng khi chết rồi cũng chỉ còn hai bàn tay trắng, một bài học cho thế nhân. Ông Hai Móm cười, ông nói rằng khi ông chết chỉ cần chở quan tài ông trên chiếc đò của ông và xuôi hai mái chèo là cũng đủ ý nghĩa rồi. Ông cười thỏa thích như vừa tìm ra một chân lý.
Thời gian lặng lẻ trôi, qua bao mùa bông ô môi nở rụng theo dòng nuớc bềnh bồng trôi trước chòi nhà ông. Ông già hẳn đi, thể xác gầy mòn, không còn đủ sức để chèo chống con đò. Ông cho Chị Sáu mướn con đò. Chiều chiều ông lết ra nhà sàn, yếu ớt vẩy tay với khách đi đò qua nhà ông, với nụ cười héo hắt.
Rồi một ngày nọ, khách đi đò thấy vắng bóng ông. Chị Sáu đưa đò, người thừa kế ông trên bến đò này, khám phá rằng ông đã vĩnh viễn ra đi, trong căn chòi hiu quạnh. Tin đó truyền nhanh đến cả vùng Cái Răng. Mọi người hùn tiền mua cho ông một quan tài.
Vào một buổi sáng tinh sương, khi lớp mù sương trắng đục còn bao phủ cả dòng sông Cái Răng, có một đoàn ghe theo dòng nước chảy hướng về vùng Ba Láng. Chiếc ghe dẩn đầu là ghe của Chị Sáu Đưa Đò, giòng chiếc ghe nhỏ phía sau có đặt quan tài với hai mái chèo để xuôi theo dòng nước. Tiếp theo là một đoàn ghe của một số người từng thương mến Ông. Mọi người trên bờ đưa tiển Ông, đứng ở hai đầu cầu bắt qua sông, kính cẩn nhìn đoàn ghe chậm rải chèo dưới cầu, với bao bùi ngùi xúc động.
Dòng sông vẫn êm đềm chảy mang theo những đám lục bình nhấp nhô, lớp mù sương còn bao phủ dòng sông như một giải khăn tang dành cho Ông.
Anh quốc, tháng 1/2009
Nguyễn Thị Kim Thu