Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Tìm nhau
 
Lên mạng ngày 29/1/2009

TÌM NHAU
 
   “Tìm nhau muôn hoa nở, tìm nhau trong hơi gió… gặp nhau qua câu thơ cổ, gặp nhau trong vinh dự cuộc đời người ơi!… Tìm nhau khi thống khổ, tìm nhau tim nức nở, tìm nhau như thiếu phụ tìm…mộ…bia…”
   Nhớ lại bài hát “Tìm Nhau” từ đài phát thanh Sàigòn năm xưa, lúc ấy tôi còn nhỏ lắm, âm thanh nức nở của giọng hát hàng đầu thời ấy. Ba Má tôi có mua được cái radio “standard” để nghe cải lương, ít ai cho tôi nghe những chương trình khác vì sợ “hết pin” nhất là chị Ba của tôi, còn chị Hai thì lại khác “…thích thì cứ nghe…có hết pin thì tính sau…”, nhưng chị lại lý luận rằng những ai thích văn chương ca hát thì cuộc đời lại khổ cực, rồi chị vẫn bênh vực và thương em. Tôi còn nhớ rõ có lần chị cho tôi một đồng bạc cắc tôi vui mừng hớn hở, thấy tôi vui chị hài lòng và tươi cười. Tôi còn nhớ ngày cưới của chị, lúc lạy xuất giá chị tôi rơi lệ.
   Khi chiến tranh sôi động, hình ảnh những đàn anh trong xóm bị “bắt lính”, ít lâu sau “…trở về hòm gỗ cài hoa…” như trong bài hát “Kỷ Vật Cho Em” phổ nhạc từ bài thơ của thi sĩ Hà Huyền Chi, khi ấy tôi cứ ngỡ đấy là bút hiệu của một thi sĩ nữ.
   Thi sĩ này còn sáng tác 1 bài thơ được phổ nhạc rất tuyệt vời đó là bài Thuyền Viễn Xứ “…Mẹ già ngồi im bóng mái tuyết sương mong con bạc lòng! Chiều nay gửi tới quê xưa biết là bao thương nhớ cho vừa. Trời cao nhìn xa xuống đời, biết là bao sầu trên xứ người! Thuyền ơi viễn xứ xa xưa, thùy dương rũ bóng bên sông. Chiều nay trên bến muôn phương có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường.”
   Sau nầy tôi mới biết rõ thi sĩ Hà Huyền Chi là một người đàn ông “thầy giáo dạy toán”, thì ra tình cảm thiêng liêng người người biểu lộ thật tự nhiên, bao trùm cả nhân loại không cần lý giải.
   Lúc chiến tranh bắt đầu bùng nổ khi ấy tôi đang lớn lên trong căn nhà nền đất mái lợp lá dừa thuộc miền đồng bằng sông Cửu Long. Rồi sau chiến tranh, nhìn lại xóm quê tôi ở 2 bên bờ sông Rạch Cái Chanh (phân nhánh từ vàm sông Lai Vung, chia nguồn của con sông cái lớn Hậu Giang) thì hầu như nhà nào cũng có 1 hay 2 “nam nhi” phải tức tưởi ra đi ở tuổi đôi mươi vì tai nạn chiến tranh.
   Vào giửa năm 1970, tôi trúng tuyển vào lớp 10 Công Thôn trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ. Thì hai năm sau, vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, phân nửa bạn học nam trong lớp đành xếp bút nghiên, cũng “chiến tranh” mà ra.
   Đến cuối tháng 11 năm 2005, hành trình “tìm nhau” mới rõ ra là sau khi rời Thủ Đức, có 3 bạn trong lớp đã tức tưởi lìa xa, 1 bạn bởi tai nạn xe cộ, 1 bạn chìm tàu khi ra khơi, 1 bạn dùng thuốc sai do không hiểu rõ bệnh trạng nên đã ra đi. Có 1 bạn tự kết liểu đời mình bằng cách cắt đứt động mạch cổ tay khi tâm thần khủng hoảng, lúc ghi nhận tin này tôi rất buồn và tiếc nuối, đừng nên làm thế, tất cả sẽ về nơi ấy mà.
   Thời năm 1970-1973 chưa có điện thoại di động, máy vi tính và internet. Nhưng bây giờ nhờ phương tiện truyền thông hiện đại giúp việc “tìm nhau” thật dễ dàng, chúng tôi đã có được 3 lần họp mặt với Thầy Cô và Bạn cũ từ trường lớp năm xưa, lần đầu vui mừng chờ đợi trong hồi hợp, lần thứ 2 hân hoan thư thái và lần thứ 3 tưng bừng dồn dập như nước lớn tràn bờ sông Cần Thơ vậy!
   “Tìm Nhau” gợi nhớ nhau kỷ niệm “thuở học trò”, đâu ai thấy được thời gian đi mà nó không bao giờ trở lại.                 
 
Ngày 27/01/2009, 
Trần Văn Diên Công Thôn 70-73 NLS Cần Thơ

Trở về Trang BẠN VIẾT
 
  Số người đọc 415488 visitors (1074666 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free