Lên mạng ngày 16/6/2009
Núi Thất Sơn
THĂM LỤC TỈNH QUA CA DAO
Phần 5: An Giang - Châu Đôc - Hà Tiên - Rạch Giá
Từ Trà Ôn ghe chàng ngược dòng sông Hậu qua vùng Cần Thơ và trực chỉ Long Xuyên, Châu Đốc. Chàng dự trù trên chuyến về mới ghé Cần Thơ.
Cần Thơ và Long xuyên nổi tiếng về trai thanh gái lịch:
Trai Nhân Ái gái Long Xuyên (Nhân ái thuộc Cần Thơ)
Cũng như vùng Đồng Tháp, Long Xuyên Châu Đốc có đủ các thức ăn độc đáo của Miền Tây.
Rau đắng nấu với cá trê
Ai đến lục tỉnh thì mê không về.
Ngoài ra còn nổi tiếng về mắm cá lóc.
Mắm Châu Đốc
Dốc Nam Vang
và nhiều đặc sản khác:
Bánh Tráng Mỹ Lồng
Bánh phồng Châu Đốc
Nhà thơ Tản Đà, vốn sành điệu rượu và thức ăn ngon của ba miền Bắc Trung Nam, khi đến Long Xuyên Châu Đốc trong thập niên 1930s đã thốt:
Hà tươi cửa biển Tu Ran, (Tourane tức Đà Nẳng)
Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà.
(Thơ Tản Đà)
Trong suốt cuộc hành trình vừa qua, chàng chỉ thấy những cánh đồng bao la, cò bay thẳng cánh, xanh mướt một màu, thấp thoáng những mái nhà ẩn sau những hàng cây cao vút. Nhưng khi qua khỏi Long Xuyên, trên cánh đồng lúa xanh bao la tận chân trời là ngọn Thất Sơn sừng sửng ngạo nghể trong mây mờ:
Thất Sơn ai đắp mà cao
Sông Tiền, sông Hậu ai đào mà sâu
Năm non ở tại núi Đà (tức Đà Nẳng)
Bảy núi Châu Đốc gọi là Thất Sơn
Hồi niên thiếu, chàng đã từng nghe nhiều câu chuyện huyền bí của Thất Sơn, nơi có nhiều Ông Đạo tu hành:
Anh đi lên Bảy Núi,
Anh chạy thẳng núi Tà Lơn,
Căn nợ keo sơn, thấu đến ông Trời
Ngó lên trời thấy trời cao,
Ngó xuống đất thấy đất thấp,
Anh đến tam cấp
Lập Cửu Trùng Đài
Thời hư trời khiến; anh lập hoài cũng phải nên.
So với miền Trung và miền Bắc, Thất Sơn không cao lắm, nhưng cũng đủ cao và đầy hiểm nguy cho người dân vùng đồng bằng:
Thương em Bảy núi cũng trèo
Ghét em núi Két vượt đèo cũng không (Núi Két thuộc Thất Sơn)
Ghe chàng đến vùng Chợ Mới, tức cù lao Ông Chưởng, nơi Ông Lễ Thành Hầu Nguyễn Hửu Cảnh có xây đồn Cây Sao. Sau khi chinh phạt Cao Miên về lại Cù Lao này (năm 1700) ông bắt đầu nhuốm bệnh và mất khi thuyền ông đến Rạch Gầm (Mỹ Tho). Vì vậy, nơi đây có đền thờ ông. Tại cù lao Ông Chưỡng có Rạch Ông Chưởng, người Miên gọi “Péam prêk chaufay”,nối Sông Tiền với sông Hậu, là nơi rất trù phú.
Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm.
Rồi ghe chàng đến Vàm Nao. Vàm là do chữ “Pãm” của Miên, chỉ chổ sông con chảy vào sông cái. Tiếng “Vàm Nao” cũng phát xuất từ tiếng Miên “pãm pênk Nàv”. Sông Vàm Nao chuyển nước sông Tiền vào sông Hậu nên dòng sông chảy xiết, rất hiểm nguy cho tàu bè. Sử sách viết sông Vàm Nao là “Hồi Oa” (nước chảy xoáy tròn) vì dòng sông chảy xiết có nhiều nước xoáy. Trong sách “Nam kỳ phong tục diễn ca”, ông Nguyễn Liêng Phong có bài thơ về Vàm Nao:
Vàm Nao chữ đặt Hồi Oa
Chỗ nhằm mũi nước chảy qua quanh dòng
Sông Sau sông Trước hai dòng
Phân ra hai ngả ngoài trong vận đào
Các ngả gần chảy nhập vào
Tạc kêu là xứ Vàm Nao rõ ràng
(Thơ – Nguyễn Liêng Phong)
Ngày xưa, đó là đưòng mòn do voi đi mà thành một lạch nước nhỏ, nối sông Tiền và sông Hậu, về sau nước chảy xiết, đất lở mà lớn dần, ngày nay rộng tới 700 m. Vào thời Thoại Ngọc Hầu đào kinh Vĩnh Tế, sông Vàm Nao còn nhỏ, hai bên bờ tre mọc giáp tàng. Vì việc đào kinh quá cực khổ, nên một số dân chạy bộ trốn, khi đến Vàm Nao thì leo lên ngọn tre đánh đu chụp ngọn tre bên kia sông. Không ai dám lội qua sông vì nước chảy xiết, có nhiều xoáy nước, đồng thời nhiều cá sấu.
Thuyền xuôi Châu Đốc, thả xuống Vàm Nao,
Thẳng tới Ba Sao, coi chừng con nước đẩy.
Dòng sông Vàm Nao là một nguồn tình cảm của dân miền Lục Tỉnh:
Ngó lên Châu Đốc,
Thấy gốc bần trôi.
Ngó xuống Vàm Nao,
Thấy sóng bủa lao xao.
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em có thương lại, chút nào hay không?
Ngó lên Châu Ðốc Vàm Nao
Thấy buồm anh (em) chạy như dao cắt lòng
Vàm Nao, Giao Lửa các cồn,
Tục dân cư xử lưu tồn cổ phong.
Bắp non mà nướng cửa lò,
Đố ai ve được con đò Vàm Nao.
Tôi với anh đi giữa dòng kênh Cái Hố,
Lấy miểng vùa tát cạn bến Vàm Nao.
Ở trên Châu Đốc, ngó xuống Vàm Nao
Thấy con cá đao nó nhảy nhào vô lưới,
Anh ngồi chắc lưỡi,
Không biết chừng nào mới cưới đặng em.
Rồi ghe chàng đến Châu Đốc:
Chàng đi Châu Đốc, Nam Vang,
Nỗi sầu em chịu, đa mang một mình.
Anh đi Châu Đốc Nam Vang,
Viết thơ nhắn lại em khoan lấy chồng.
Đậu phọng béo đậu nành cũng béo
Bước lên xe kéo miệng réo xe hơi
Đường đi Châu Đốc xa vời
Gửi thư thì khó, gửi lời thì không.
Châu Đốc, nơi địa đầu biên giới ở mặt Tây Nam, có sông Tiền sông Hậu làm phương tiện giao thông tới Cao Miên và Lào, trên sông rộng mênh mông, lại lắm cồn, người Pháp có đặt đèn hiệu trên cột cao, tương tự như hải đăng trên biển cả để hướng dẫn ghe tàu:
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Đất nào dốc cho bằng đất Nam Vang?
Một tiếng anh than,
Hai hàng lụy nhỏ,
Có cha mẹ già biết bỏ cho ai?
hay:
Có chút mẹ già, biết bỏ ai nuôi ?
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Dốc nào cao bằng dốc Nam Vang
Đói no em chịu cùng chàng
Xuống sông ra biển lên ngàn cũng theo.
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Xứ nào dốc bằng xứ Nam Vang
Một tiếng anh than ba bốn đôi vàng em không tiếc
Anh lấy đặng em rồi anh trốn biệt lánh thân
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Dốc nào cao bằng dốc Cần Thơ
Anh thương em lững đững lờ đờ
Giả như Tôn Các mà chờ Bạch Viên.
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Nổi một trận giông lạc vợ mất chồng
Đêm nằm nghĩ lại phật phồng lá gan.
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng,
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.
Đèn nào cao bằng đèn Sở Thượng,
Nhân nghĩa nào trượng bằng nhân nghĩa phu thê?
Dầu anh có lạc Sở qua Tề,
Năm ba bữa anh cũng trở về thăm em.
Châu Đốc, Tân Châu là xứ của sông rạch mênh mông, nên người dân ở đây tình cảm bao la, tha thiết
Sông Cái Vừng khúc quanh khúc quẹo
Bãi Bà Lẹo nước chảy vòng cung
Anh thương em tha thiết vô cùng
Ước gì ta được sống chung một nhà
Nhìn lên voi Cỏ Bác
Ngó xuống vịnh Trà Đư
Xa nhau đã mấy năm dư
Bao giờ mới được nói cười bên nhau
Chàng đi viếng Tri Tôn, người Miên gọi là Xà Tón, và Nhà Bàn thuộc vùng Thất Sơn
Tri Tôn Châu Đốc rất gần
Thương anh em nhớ, em lần xuống thăm.
Đường Nhà Bàn nó trơn như mỡ,
Đường ngoài chợ lạnh tợ thâm sương.
Giăng tay se sợi chỉ hường,
Kết duyên chồng vợ kiếm đường ra vô.
Hang Tra là xứ quê mùa,
Đi thăm cháu ngoại cho vừa Cà na.
Đến Châu Đốc thì phải đến Tân Châu, nơi nổi tiếng về nuôi tầm, ươm tơ, dệt lụa. Lụa Tân Châu nổi tiếng với lảnh Mỹ A:
Có ai thích đến xứ thơ
Ghé qua xứ lụa bên bờ Tiền Giang.
Dòng sông thẳng tắp hàng ngàn,
Tàu ghe xuôi nước đò sang bên này.
Bên nàng mặc lãnh Mỹ A
Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần.
Từ ngàn xưa, cảnh chàng ngồi đọc sách bên cạnh nàng quay tơ là hình ảnh đẹp, hạnh phúc và đầm ấm của gia đình
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ
Quay tơ phải giữ mối tơ
Dẫu năm bảy mối cũng chờ mối anh...
Là xứ tơ tầm dệt lụa, gái Tân Châu rất đảm đang, khéo léo và chung tình. Bằng mọi giá để cưới được cô gái Tân Châu:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu
Anh thương em chẳng ngại sang giàu
Mứt hồng đôi lượng, trà Tàu đôi cân.
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu
Anh thương em chẳng ngại sang giàu
Thương vì cái nết trước sau chung tình.
Tuy nhiên cũng có nhiều bà mẹ chồng xứ lạ không biết giá trị của gái Tân Châu, đã đối xử tệ bạc với nàng dâu. Cô dâu nhẹ nhàng nhắc nhở bà mẹ chồng:
Con mèo trèo lên cây táo
Mẹ chồng nương náu, chưởi mắng nàng dâu
Bà ơi không sợ bà đâu
Bà đừng chửi mắng mà mang tiếng đời
Bà cưới tôi có rượu có trầu
Có đưa có rước, nàng dâu mới về
Tôi về bà nhún bà trề
Để con bà ở lại tôi về xứ tôi
Xứ tôi là xứ Tân Châu
Cũng có ngựa ô, ngựa bạch ngựa hồng của tôi.
Còn chàng trai Châu Đốc thì một lòng một dạ:
Chiều chiều bơi xuồng ra con sông Cái,
Thôi thôi tôi lấy cái lưỡi hái tôi tự ái cho rồi,
Sống làm chi mà biệt ly quân tử,
Thác xuống diêm đài cho trọn chữ hiếu trung
Cuối cùng, chàng lên núi Sam để viếng đền Bà Chúa Xứ và đền thờ Thoại Ngọc Hầu, nguời đã có công lao đào kinh Vĩnh Tế và kinh Thoại Hà, cùng việc mở mang Châu Đốc:
Nước kênh Vĩnh Tế lờ đờ,
Nhớ ông Bảo Hộ dựng cờ chiêu an
Tuy công lao như vậy, vì nghe lời xàm tấu vu oan, vua Minh Mạng giáng chức ông, tịch biên điền sản, lột ấn hàm con ông, làm con ông trốn đi biệt xứ không biết ở đâu, con cháu nào còn ở lại thì trở nên nghèo nàn, vì vậy ai ai cũng đau lòng:
Đi ngang qua cảnh núi Sam,
Thấy lăng ông lớn hai hàng lụy rơi.
Ông ngồi vì nước vì đời,
Hy sinh tài sản không rời nước non.
Từ giả Châu Đốc, chàng đi Hà Tiên theo kinh Vĩnh Tế.
Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên,
Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu.
Mang Khảm là đất Hà Tiên ngày xưa. Người Hoa gọi vùng Mang Khảm là “Phương Thành”, do biến âm từ “Phnom Tà Pang” của người Miên gọi vùng này. Riêng người Việt thì gọi “Hà Tiên”, do nói trại từ tiếng Miên “Tà Ten”, nghĩa là sông Ten, tức sông Giang Thành phát xuất từ Cao Miên chảy vào vũng Đông Hồ của Hà Tiên. Để thi vị hóa thị trấn nên thơ này, người Việt còn cho rằng ngày xưa tiên nữ thường xuống tắm ở sông Giang Thành nên đặt thành Hà Tiên.
Rồng chầu biển Bắc, phụng múa Hà Tiên
Anh thương sao mà gặp mặt thương liền
Tỷ như Lữ Bố, Điêu Thuyền thuở xưa.
Do việc chạy trốn nhà Thanh, thương gia Mạc Cửu (1655-1735) cùng hơn 300 tùy tùng gốc Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu đến tị nạn ở vùng đất này, vốn thuộc lảnh thổ Cao Miên, và biến thành thị trấn Hà Tiên phồn thịnh.
Thằng Hóa Quảng về Quảng Hóa
Bạn hiền ta ở lại Hà Tiên
Làm sao rõ đặng căn nguyên
Dầu sông dầu biển đi liền tới nơi
Dưới thời Mạc Cửu, Hà Tiên mang tên Căn Khẩu, và vùng Hà Tiên là Căn Khẩu Quốc. Sau khi đuổi quân Xiêm, chúa Nguyễn đổi thành Hà Tiên Trấn. Mạc Thiên Tứ cai trị trấn Hà Tiên rất thịnh vượng, mở văn đàn làm thơ, phổ nhạc, vịnh phú, lập Chiêu Anh Các để chiêu nạp nhân tài. Hà Tiên có nhiều phong cảnh đẹp, Mạc Thiên Tích mô tả 10 cảnh đẹp của Hà Tiên qua bài thơ:
Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình
Non non nước nước gẫm nên xinh.
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.
Tiêu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi
Châu Nham, Kim Dữ cá chim quanh.
Bình San, Thạch Động là rường cột
Sừng sững muôn năm cũng để dành.
(Thơ Mạc Thiên Tích)
Hà tiên là xứ nuôi đồi mồi, nên sản xuất hàng thủ công từ đồi mồi. Núi Tô Châu, sông Giang Thành và Đông hồ được dân gian ca tụng:
Chiều trông về núi Tô Châu
Thấy em gánh nước trên đầu giắt trâm.
Trâm đồi mồi tóc em em giắt
Mắt anh nhìn thương thiệt là thương.
Dãi dầu một nắng hai sương
Tóc em vẫn mượt mùi hương vẫn còn.
Tóc quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi quăn vẫn còn quăn.
Gió đẩy gió đưa cho vừa lòng bạn
Con sông Giang Thành chỗ cạn chỗ sâu.
Thăm em anh phải bắc cầu
Lội sông sợ ướt cái đầu hết duyên.
Ngoài đặc sản đồi mồi và cá của vùng biển, Hà Tiên còn có nhiều nông sản của vùng đất phèn như thơm khóm, hay vùng đất cao của núi rừng như mít, như khoai.
Đưa anh ra tới bờ hồ (Đông Hồ)
Em mua trái mít, em vồ trái thơm
Anh về nuôi cá thờn bơn
Trồng khoai, trồng sắn, thay cơm có ngày
Là vùng địa đầu của đất nước, thường bị Xiêm La và Cao Miên quấy phá:
Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh
Bậu lỡ thời như cánh chim bay
Cánh chim bay người ta còn chuộng
Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
. . .
Bậu lỡ thời như lưới giăng ngang
Lưới giăng ngang người ta còn cuốn
Bậu lỡ thời ai muốn bạn đâu.
Ngày xưa, Hà Tiên là lị sở của Hà Tiên Trấn, gồm Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau dưới thời chúa Nguyễn, nên rất phồn thịnh. Về sau, mất dần vị trí hành chánh, Hà Tiên trở thành tỉnh, rồi nay thành quận/huyện. Công việc làm ăn trở nên khó khăn, nên dân chúng phải đi nơi khác sinh sống.
Hòn phu tử Hà Tiên
Ở Hà Tiên mần ăn không khá
Anh về Rạch Giá anh bán cá mòi
Thương nhau không được ngỏ lời
Nước trôi thăm thẳm biết đời nào nên.
Tháng hai tháng ba anh đi chở cá
Không khá anh qua Rạch Giá chở khoai lang
Tìm người bạn ngọc thở than đôi lời
Biết làm sao lên đặng ông trời
Hỏi thăm duyên nợ đổi dời về đâu?
Ai về Tân Phước Rạch Già
Gởi con cá lóc hái cà nấu canh
Ghe chàng xuôi theo kinh Hà Tiên - Rạch Giá. Ngày xưa, Rạch Giá rất hoang vu, toàn rừng ngập mặn, nhiều nhất là cây Giá (Excoecaria agallocha L.) mọc dọc mé sông ven biển. Rạch Giá dưới thời Mạc Cửu mang tên “Linh Quỳnh”.
Anh đi Rạch Giá qua truông
Gió rung ngọn sậy ngồi buồn nhớ em
U Minh Rạch Giá Thị Quá Sơn Trường
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua
Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu
Quản chi nắng sớm mưa chiều
Lên doi xuống vịnh cũng chèo thăm em
Nhưng bây giờ thì Rạch Giá trở nên thị tứ
Chợ Sài Gòn cẩn đá
Chợ Rạch Giá cẩn xi mon
Giã em ở lại vuông tròn
Anh về xứ sở không còn vô ra
Từ Rạch Giá, chàng dong thuyền qua biển đến đảo Phú Quốc, cặp bến Dương Đông. Dương Đông rất trù phú, nổi tiếng về mắm và hải sản. Phú quốc cũng có đồi sim hoa tím. Nhà thơ Kiên Giang, gốc người Rạch Giá, từng thưởng thức trái sim ở Phú Quốc, cảm hứng làm nên hai câu thơ *, nay trở thành ca dao:
Ðói lòng ăn nửa trái sim*
Uống lưng bát nước đi tìm người thương*
Người thương, ơi hỡi, người thương,
Đi đâu mà để buồng hương lạnh lùng.
Khách giang hồ đến đây nhìn phong cảnh mà chạnh lòng, nhất là những chàng si tình:
Dương Ðông gió lạnh không tình sưởi
Rượu đã say mèm vẫn nhớ thương
Ðèn cầu tàu ngọn lu ngọn tỏ
Anh trông không rõ, anh ngỡ đèn màu
Rút gươm đâm họng máu trào
Ðể em ở lại, em kiếm thằng nào hơn anh
Bởi vì cha mẹ không ai muốn gả con cho người nơi hải đảo:
Cha mẹ đòi ăn cá thu
Gả con xuống biển mù mù tăm tăm.
Chàng từ giả Phú Quốc, trở lại Rạch Giá, rồi xuôi ghe theo kinh Xà No về miệt Cần Thơ.
Tàu số 1 chạy lên Vàm Tấn*
Tàu số 2 chạy xuống Cần Thơ
Tuổi ba mươi em cũng ở vậy mà chờ
Lỡ duyên chịu lỡ, cũng chờ cho được anh
*là nơi sông Đại Ngải Sóc Trăng chảy ra sông Hậu.
Anh Quốc, 6/2009
Đọc tiếp Phần 6: Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau