Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Hoài niệm
 
Lên mạng ngày 27/8/2009

Hoài Niệm



Hơn ba mươi năm anh em mới gặp lại nhau, một thời gian khá dài của một đời người, nhưng với tôi dường như mới ngày nào, kỷ niệm bổng vụt về tưởng chừng đã chìm vào quên lãng.

       Cần Thơ vẫn thế có khác chăng là phố xá đẹp hơn, các con đường thoáng rộng hơn, nhà cao tầng nhiều hơn mọc lên san sát, hàng phượng vẫn như xưa trải dài in đậm dấu chân của tuổi học trò, với con đương Hoa sứ đến mùa nở trắng xóa cả một cung đường tỏa hương dìu dịu mà em cùng tôi thường rong rủi ngang qua trên chiếc xe đạp củ mèm.

Còn gọi là Tây đô nơi có nhiều trường học nổi tiếng nhất trong khu vực, trường Trung học Phan Thanh Giản một ngôi trường lớn có rất lâu, rất danh giá, nam sinh học trường nầy rất tự hào, nơi đào tạo nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước, bên cạnh đó là trường nữ mang tên thi sĩ họ Đoàn có tiếng với đá đậu ngon tuyệt mà trong đời học sinh ở đây ít nhất một lần đã đến đó : Đá đậu Đoàn Thị Điểm, em và tôi thỉnh thoảng cũng ghé qua thưởng thức ly đá đậu ngọt ngào nầy. Ấn tượng nhất, nữ sinh trung học Bồ Đề với áo dài tím, đến giờ ra chơi tím cả sân trường, tím hơn cả Đồi Sim mà Hữu Loan làm nên bài thơ bất hủ “ Màu tím hoa sim” một trong những bài thơ tình trong chiến tranh hay nhất nước của thế kỷ hai mươi, làm xao động biết bao tuổi học trò mộng mơ yêu màu tím. Xuôi về hướng cực nam có Trinh Vương – tên trường trung học tư thục nhỏ của Công giáo nằm khiêm tốn cạnh nhà thờ, nơi em theo học . Ngày ấy tôi thường tà tà đạp xe đưa em một quảng đường đến trường, với chiếc nón rộng vành cùng áo dài xanh lơ nổi bật trên chiếc Mini trắng trông em mong manh như sợi tơ vắt ngang bầu trời xanh biếc, có lần em tiển tôi một đoạn ngang qua Ngôi Nhà Ma đến cầu Rạch Ngổng, một cây cầu sắt dài và hẹp bắt ngang qua con rạch, đến đầu cầu em vẩy tay tạm biệt, em tới trường, tôi đến lớp tiếp tục học hành.

Trường tôi một trường có kiến trúc hiện đại thời bấy giờ, nằm ngoại ô cạnh phi trường 31, diện tích khá rộng, ngoài khu văn phòng, dãy lớp học với một Đại Thính Đường nơi học tập, sinh hoạt, hội họp, trình diễn văn nghệ.. còn có trại thực hành, thực nghiệm cạnh vườn Thủy Lâm rất tỉnh lặng nơi lý tưởng ôn thi học bài, đến mùa xuân vườn trổ đầy hoa màu trắng tim tím giống như hoa Anh đào Nhật Bản, chúng tôi thường chặt cành nhánh mang về nhà trang hoàng cho những ngày Tết. Dọc lối đi trong khuôn viên trường, hàng Cườm Thảo Bông Vàng theo gió rơi đầy hoa vàng nhạt nhỏ li ti vương trên tóc, trên áo dài nâu, màu của đất của học trò nông lâm súc Cần Thơ.

Cuối tuần thường đưa em dạo chơi bến Ninh Kiều, một công viên hẹp chạy dài dọc theo bờ sông, hàng liễu rủ lơ thơ trước gió soi mình dưới bóng nước, xa xa dưới bến vài chiếc đò nhỏ đậu cạnh gốc bần chờ khách sang Xóm Chài, một làng chài nghèo yên bình nằm ven sông Hậu, trên ghế đá công viên tôi tách từng hạt đậu phộng luộc trao em, em cám ơn với ánh nhìn trìu mến.

Sông Hậu vắt ngang qua Cần Thơ mang phù sa bù đắp cho ruộng đồng phì nhiêu mầu mở, nơi hình thành nhiều cồn cát trù phú, vào hè năm 73-74 tôi và em cùng một số bạn bè qua Cồn Khương mò hến, em xách xô, tôi lặn hụp đến chiều mắt đỏ hoe, cố gắng lắm cũng được lưng chừng xô, em khen tôi mò hến hay quá chừng, mất cả buổi cũng được nủa xô nhỏ (mặt tôi lúc đó nổi cục to hơn hến).

Sau giải phóng một vài năm tôi ra trường và phân công về Minh Hải – Cà Mau làm việc. Cũng trong thời gian nầy em lập gia đình và về bên chồng sinh sống, tôi bặt tin em từ đó.

Gần đây thôi, nghe tin từ bạn bè cuộc sống của em không được như ý muốn, hạnh phúc gia đình đổ vở, tình trạng sống chung không thể kéo dài, em đã chia tay với chồng về sống nơi ngôi nhà củ, nơi mà em đã lớn lên và trưởng thành.

Trên chiếc Attila bóng loáng đưa em rong rủi trên những nơi mà ngày xưa mình đã đi qua, tìm lại dĩ vãng những ngày thơ ngây của tuổi học trò, với chuyện vui buồn hồn nhiên ngày ấy.

Thăm lại Cồn Khương nơi mà ngày xưa chúng mình mò hến, giờ thành Khu Du Lịch vui chơi, con đường đầy hoa sứ bây giờ được đặt tên Lý Tự Trọng thẳng tắp, hoa sứ vẫn thoang thoảng trong gió.

Cầu Rạch Ngổng vẫn còn đó nơi chia tay em tới lớp tôi đến trường, với hai câu thơ tôi không rõ tác giả nhưng rất lãng mạn về chiếc cầu nầy.

Học trò Mục Súc ngày xưa ấy

Qua cầu rạch Ngổng gió bay bay.

Bến Ninh Kiều một buổi tối trong quán cà phê sang trọng, một trà Lipton, một ly Rau má dừa sóng sánh màu ngọc thạch, tôi khuấy đều rồi nhẹ nhàng đẩy qua em, mĩm cười em nói – anh vẫn như hồi nào. Vẫn nụ cười đó, hàm răng trắng ngà, có điều khóe mắt mờ mờ dấu chân chim, tuổi chớm già đã đến. Ngoài kia các bạn trẻ từng đôi nhàn nhả tản bộ dọc bến sông, hàng liễu phất phơ trong gió, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Thôi Hiệu, một nhà thơ nổi tiếng đời Đường.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Người xưa của Thôi Hiệu đã biền biệt không biết nơi đâu, chỉ còn hoa Đào cười với gió đông, nhưng tôi thì không, trời bến Ninh Kiều vẫn lộng gió, cành liễu vẫn lơ thơ soi mình dưới bóng nước, người xưa của tôi không biền biệt đâu cả, mà ngồi cạnh tôi rất gần.. rất gần, có mất chăng là Thời Con Gái đã qua rất xa.. rất xa, một tiếc nuối quá lớn với tôi phải không em Nguyễn Thị KT ?.


Cà Mau, vào Thu 2009

Lê Thanh Quang

(Cựu học sinh Nông Lâm Súc Cần Thơ)


Trở lại Trang Bạn Viết
 
 
  Số người đọc 416468 visitors (1078274 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free