Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Tôi vẫn theo nghề cơ khí
 
Lên mạng ngày 15/10/2008

TÔI VẪN THEO NGHỀ CƠ KHÍ
 
   Chiều thứ bảy, người phụ hồ cuối cùng đã đẩy chiếc xe rùa chở vật liệu xây dựng vào kho… những chiếc xe ủi, xe đào, xe lu… đang xếp hàng vào bải đổ, riêng tôi vẫn tần ngần ngồi lại công trình nôn nao cảm xúc về cái thời đi học của mình bắt đầu từ trường Nông Lâm Súc Cần Thơ.
   Hồi ấy với cá tình có phần hơi ngang tàng của mình khi biết được trường Nông Lâm Súc có ngành công thôn, mình đã chọn và được trúng tuyển vào lớp 10 ban công thôn cùng với những người bạn từ khắp các tĩnh đồng bằng sông Cửu Long hội tụ về, cái lớp thời đó được xem là đại diện tiên phong cho nền cơ giới hóa nông nghiệp nước nhà. “Chí làm trai nam bắc Đông Tây, Cho phỉ sức vẩy vùng trong bốn bể”. Rồi khi lên Đại Học mình cũng chọn tiếp ngành nông cơ, cái hoài bảo được làm chuyên viên cơ khí nông nghiệp dần dần thành hiện thực, tuổi mộng mơ học trò là thế nhưng ngày chuẩn bị tốt nghiệp là ngày miền Nam giải phóng.
   Với bao nhiêu suy nghĩ khi những dự tính cho tương lai bất ngờ đảo lộn, mình sẽ phải làm gì khi lúc đó giá trị con người được tính bằng sức lao động và lý lịch, buồn chán mất định hướng… Rồi chợt nghĩ lại mình như thế này còn bạn bè mình thì sao? Những người cùng học chung với mình, phải dang dở học hành đã nhập ngũ khi chưa tốt nghiệp trung học, sau khi học tập cải tạo rồi họ sẽ ra sao. Còn nhớ ngày xưa lớp chia tay 26 người ở tiễn 26 người đi có bạn nào đó đã nói câu: “Có tan hàng cũng cố gắng”, câu đó hầu hết các bạn rất tâm đắc.
   Khúc quanh lịch sử nhưng sống thì cũng phải tiến bước, sự hụt hẫng đó dần cũng phải nhường lại cho sự nhiệt tình của tuổi trẻ khi mình quyết định tham gia công tác xã hội, xây dựng nông thôn mới và như định mệnh buộc rằng mình trở lại ngành cơ khí.
   Đi khai hoang xây dựng nông trường bằng cơ giới là niềm háo hức của mình lúc đó. Với những lần vác súng đi săn, trong lúc ủi cây gom bắt thú rừng, rồi đủ loại mồi nhậu từ thiên nhiên hoang dã… Và cũng nhờ đó mình biết cách đi xuyên rừng, học được nhiều điều về rừng. Sự nhiệt tình và xốc vác với tuổi trẻ của mình rồi cũng được cơ quan cử làm quản lý cả đội máy kéo trên 30 chiếc sản xuất từ Liên Xô. Công tác trên 10 năm ở trường đào tạo công nhân kỷ thuật đã trang bị cho mình những kiến thức về kỷ thuật cùng sự quản lý con người. Quyết định ra làm kinh tế tư nhân là việc làm táo bạo của mình thời đó, phải bắt đầu từ đâu khi mình không có vốn trong tay. Sự tận tình của bạn bè và người thân cũng chỉ giúp mình mua được 1 cái xe ủi cũ của Liên Xô sản xuất và mình lại phải bắt đầu 1 công việc mới, một cuộc sống mới. Tiền làm ra thì có nhưng vào thời điểm đó mọi giá trị vất chất đều phải qui ra vàng thì cái vòng lẩn quẩn cơm áo gạo tiền ai đó cũng khó thoát khỏi ra được chứ nói chi đến chuyện làm giàu.
   Với cung cách làm ăn trung thực của mình được nhiều người biết đến, quan hệ bạn bè xã hội cũng được nâng lên dần , mình cũng sở hửu được đội máy ủi 5 đến 7 chiếc. Đất nước mở cửa cho nước ngoài đầu tư cũng là lúc ngành san lấp thịnh hành, mình trang bị thêm đủ loại thiết bị từ ủi, cuốc, bang, lu, ben… để đáp ứng nhu cầu của công việc. Rồi tình hình san lấp lại phát sinh ra hướng mới đó là cát bơm thay cho cần cạp, xe ben. Nhận thấy san lấp bằng cát thuận tiện giá hạ và hợp với nguồn cát, vừa vận dụng kiến thức của mình, vừa hướng dẫn anh em lắp đặt bơm rồi lại phải cải tiến nhiều lần từ nguồn bơm, cánh quạt… làm sao để giảm hao mòn các chi tiết… lại là cả một quá trình phải tính toán.
   Trong kỷ thuật san lấp bằng cát bơm, để đỡ công ủi tạo mặt bằng đạt độ chặt theo yêu cầu kỷ thuật, một lần nữa mình phải suy nghĩ hướng dẫn công nhân dùng kỷ thuật bơm khỏa mặt bằng không cần phải xử dụng máy ủi cho giá thành san lấp được tính cạnh tranh mà cho tới nay không phải đội thi công nào cũng làm được.
   Giờ đây với tổ máy bơm cát và đội xe cơ giới từ san lấp đến làm đường đã đứng vào hàng đội mạnh trong nghề nhưng điều đó cũng không quan trọng bằng uy tín làm việc với các đối tác và tình cảm chân tình trong lòng bạn bè. Lại thêm một mùa trung thu đến, vầng trăng tròn cũng giống như ước vọng và niềm tự hào được theo và làm cái nghề mà mình mơ ước. Dù rằng cuộc sống gia đình và việc làm của công ty đã được ổn định nhưng vẫn còn đó những trăn trở về ân nghĩa bạn bè, tình cảm anh em đã giúp sức cho cuộc sống của mình được như hôm nay. Thành thật tri ân!!!
 
Mùa thu Sài Gòn ngày 06-10-2008
Huỳnh Ngọc Thu,   
 
Trích từ Đặc San “Trường Cũ Tình Xưa” trang 127

Trở về Trang BẠN VIẾT
 
 
 
  Số người đọc 416470 visitors (1078344 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free