Lên mạng ngày 24/5/2009
THĂM LỤC TỈNH QUA CA DAO
Phần 2: Bến Tre
Trên đường trở lại Mỹ Tho, dọc bờ sông im lìm, nhìn hàng dừa uốn mình vươn ra dòng nước, chàng chợt nhớ Bến Tre:
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông mía trắng nhớ quê Mỏ Cày
Lòng chàng đau thắt, nhớ lại một mối tình mà chàng đã từng thề thốt:
Nước sông Cửu Long sóng dồn cuồn cuộn
Cửa Hàm Luông mây cuốn cánh buồm trôi
Bậu với qua hai mặt một lời
Trên có trời, dưới có đất
Ngãi trăm năm vương vất sợi tơ mành
Tử sanh, sanh tử chung tình
Dẫu ai ngăn đón, tôi với mình cứ thương
Chừng nào cho vạc xa cồn,
Cù lao xa biển anh mới đành xa em
Chừng nào cầu đá rã tan
Sông Hàm Luông lấp cạn mới quên lời thề
Nhưng vì đi làm ăn buôn bán ngược xuôi, chàng chưa về lại Bên Tre, chàng bị người yêu trách móc:
Đồng Bến Tre nhiều bưng, nhiều lác
Đường về Ba Vát nặng trĩu sầu riêng
Anh ra đi đã bốn năm liền
Sao không trở lại kết bạn hiền với em
Và ngay cả thư từ cũng không có:
Ghe lên ghe xuống dầm dề
Sao anh không gởi thơ về thăm em?
Từ giả đất Định Tường, chàng quyết định vượt sông để qua thăm Bến Tre. Ngày nay có Cầu Rạch Miểu mới xây xong (2008), nối Tiền Giang với Bến Tre. Ngày xưa chỉ với ghe thuyền mới đến được Bến Tre, vì đó là 3 cù lao lớn, Cù lao Bảo, Cù Lao Minh và Cù Lao An Hóa của sông Tiền.
Ai từng sang Bảo, về Minh
Ghé qua Bình Khánh em xin đãi chè
Quê em hai dải cù lao
Có dừa ăn trái, có cau ăn trầu
Quê anh có cửa biển sâu
Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm
Trên bước giang hồ, khi nghe đến hai chữ cù lao Bến Tre, chàng bỗng sực chợt nhớ cha mẹ già:
Bến Tre hai chữ cù lao,
Chữ nào tình mẹ, chữ nào nghĩa cha
.
Bến Tre 1950
Có người cho rằng tên Bến Tre xuất phát từ chữ Srock Tréy của người Miên. “Tréy” có nghĩa là cá (tréy tuksat = cá nước ngọt hay cá sông, và tréy sramot = cá biển). Có lẻ trên sông rạch có nhiều bến chợ cá, người Việt biến Sóc Tréy thành Bến Tréy rồi Bến Tre cho thuận miệng. Cũng có người cho là ngày xưa nơi này có nhiều bến bán tre, vì nơi đây là giồng cát duyên hải cao có tre mọc như rừng, vì vậy mới có câu ca dao “Chẻ tre bện sáo cho dày, ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau”. Cũng vì nguyên do đó, Bến Tre có một thời mang tên thơ mộng Trúc Giang (Sông tre). Còn tại sao cũng ở Bến Tre có huyện mang tên chất phát Mỏ Cày? Thật ra là “Mỏm Cày”, nơi giáp 3 ngã sông rạch (sông Thom, rạch Cầu Ông Bồng, và rạch Mỏ Cày) tạo nên một doi đất hình mỏm (lưởi) cày, lâu ngày nói trại là Mỏ Cày.
Bến Tre là thành phố nằm trên đất giồng cát duyên hải cổ, không bị ngập lụt, nên đường thành phố:
Sông Bến Tre nhiều hang cá ngát
Đường kho bạc lắm cát dễ đi
Và xóm làng tiêu biểu với cây da, cây thị, cây dừa của miền Nam:
Đầu làng có một cây da
Cuối làng cây thị ngã ba cây dừa
Dù anh đi sớm về trưa
Xin anh nghỉ bóng cây dừa nhà em
Chợ Bến Tre ngày xưa (1961) và ngày nay (chụp ảnh ở cùng một địa điểm)
Thật vậy, Bến Tre là xứ của dừa, của cây trái, có nhiều sông rạch nên mát mẻ quanh năm:
Hò ơi ! Bến Tre dừa xanh bát ngát,
Đường đi Ba Vát gió mát tận xương
Em về Chợ Giữa, Giồng Trôm,
Đừng quên Chợ Lách, Cái Mơn đợi chờ
Bến Tre nước ngọt lắm dừa,
Ruộng vườn mầu mỡ, biển thừa cá tôm.
Hòa Quý với tổng Hòa Thinh
Dừa khô thổ sản nổi danh Nam Kỳ.
Là vùng cù lao ven biển, chằn chịt sông rạch nên có rất nhiều cầu:
Cầu nào cao bằng cầu Cái Cối (Cầu Cái Cối bắc ngang sông xã Thạnh Mỹ An).
Gái nào giỏi bằng gái Bến Tre
hay:
Cầu nào cao bằng cầu Cái Cối
Gái nào giỏi bằng gái Giồng Trôm…
Dòng sông Tiền uốn khúc quanh co, mang nhiều phù sa màu mở:
Sông Ba Lai bên bồi, bên hẳm
Đất Ba Lai đỏ thẫm phù sa
Ra đến biển các cửa sông là rừng ngập mặn với cây mắm, cây bần, giúp bồi tụ phù sa và là nơi tôm cá sinh sống:
Mắm, bần ven đất phù sa
Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá tôm
Sinh thái rừng ngập mặn Bến Tre cũng được mô tả:
Mắm trước, đước sau, tràm theo sát
Sau hàng dừa nước, mái nhà ai.
Vì vậy, Bến Tre rất phong phú và đa dạng tài nguyên từ ruộng lúa, mía, thuốc lá, dừa, trái cây đủ loại, thủy sản nước ngọt, hải sản và muối:
Bến Tre nước ngọt lắm dừa
Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm
Bến Tre giàu mía Mỏ Cày
Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn
Bình Đại biển cá, sông tôm
Ba Tri ruộng muối, Giồng Trôm lúa vàng.
Xẻo Sâu cau tốt ai bì
Lúa vàng Thạnh Phú, khoai mì Thạnh Phong
Xoài chua, cam ngọt Ba Lai,
Bắp thì Chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hòa,
Quýt đường, vú sữa, ngổn ngang,
Dừa xanh Số Sãi, tơ vàng Ba Tri
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn,
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày
Mắm bày ven bãi Giồng Khoai,
Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá tôm.
Bánh giá chợ Giồng (Giồng Trôm)
Mắm còng Phú Thạnh
Muối khô ở Gảnh mặn nồng
Giồng Trôm, Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng.
Bến Tre biển cá sông tôm,
Ba Tri muối mặn, Giồng Trôm lúa vàng
Bến Tre biển rộng sông dài
Ao trong nuôi cá, bãi ngoài thả nghêu
Tôm càng xanh nước quơ râu
Rừng vàng biển bạc còn đâu phải tìm.
Ba phen quạ nói với diều,
Ngã ba Bến Rớ có nhiều cá tôm.
Ngoài ra, Mỏ Cày còn nỗi tiếng về kẹo:
Kẹo Mỏ Cày năm đồng một ký,
Đường Giồng Trôm một ký năm đồng.
Em đi buôn mong kiếm tấm chồng,
Để đêm năm canh, con gà gáy sáng,
Chốn cô phòng đỡ lẻ loi.
Kẹo Mỏ Cày vừa thanh, vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo, vừa ngoan...
Bến Tre dừa ngọt sông dài
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan
Anh đây muốn hỏi thiệt nàng
Là trai Thạnh Phú cưới nàng được chăng?
Còn bánh tráng, bánh phồng thì phải đến chợ Mỹ Lồng:
Bánh tráng Mỹ Lồng bánh phồng Sơn Đốc
Măng cụt Hàm Luông
Vỏ ngoài nâu trong trắng như bông gòn
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo
Em tráng bánh tráng, anh quết bánh phồng,
Cảm thông đôi má ửng hồng.
Hẹn em chợ Mỹ Lồng ăn cháo về đêm.
Còn muốn ăn bánh giá thì phải đến chợ Giồng Trôm:
Từ khi em gái lấy chồng,
Anh ăn bánh giá chợ Giồng với ai?
Đất Bến Tre nổi tiếng với Cụ Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu) (1822-1888), Sương Nguyệt Ánh (1864-1921) của vùng đất Ba Tri, và anh hùng chống Pháp lảnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (1822-1888) của Giồng Trôm. Nói đến Ba Tri, không ai không biết thành ngữ “Ông Già Ba Tri”, vốn ca ngợi tinh thần cương trực, tôn trọng sự thật, dám đấu tranh cho lẽ phải. Ông tên Thái Hữu Kiểm hay Cả Kiểm, sống vào đầu thời Minh Mạng. Ông nổi tiếng với chuyện cùng hai ông già khác, đi bộ hơn hai ngàn cây số đi và về, từ Ba Tri đến Huế để nộp đơn “khiếu kiện” lên vua Minh Mạng, đòi lại công bằng cho người dân ở Ba Tri vốn bị cường hào và quan lại địa phương cấu kết. Ông thắng kiện, dành quyền lợi lại cho dân Ba Tri.
Đất Bến Tre nổi tiếng với gái đẹp làm lòng chàng xao xuyến:
Con gái Bến Tre tóc mây da trắng,
Mắt nhung đen má phấn môi son,
Dáng đi yểu điệu ru hồn,
Em đi khuất dạng mà anh còn trồng cây si
Bến Tre gái đẹp thật thà,
Nói năng nhỏ nhẹ mặn mà có duyên.
Trai nào gan cho bằng trai Cao lãnh
Gái nào bảnh cho bằng gái Bến Tre
Giồng Trôm có gái nhu mì
Qua thương nhớ Bậu, sá gì đường xa
Bến Tre gái đẹp thật thà,
Nói năng nhỏ nhẹ mặn mà có duyên.
Bến Tre trai lịch, gái thanh
Nói năng duyên dáng, ai nhìn cũng ưa
Gái Bến Tre vừa đẹp vừa đảm đang:
Sông Cửa Đại hai chiều nước chảy,
Gái Bình Đại chẳng ngại gian nan
Quý thay những tấm lòng vàng
Làm ăn chất phác, đảm đang mọi điều.
Ai về Chợ Giữa, Xóm Dưa,
Ruộng nương giúp mẹ, nắng mưa chẳng màng.
Ai về Thạnh Phú, Tân Hương ,
Để mong để nhớ, để thương trong lòng.
Trai thiếu gái thừa cũng là vấn đề của Bến Tre:
Bến Tre nhiều gái chưa chồng,
Không tin xuống chợ Mỹ Lồng mà coi.
Và chàng đã tán tỉnh nàng với hứa hẹn:
Chợ Ba Tri thiếu chi cá biển
Anh thương nàng anh nguyện về đây!
Cây trên rừng hoá kiểng
Cá dưới biển hoá long
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong
Anh đi lục tỉnh giáp vòng
Ðến đây trời khiến đem lòng thương em
Con cá lòng tong ăn móng,
Con cá bóng cát ăn rong
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng
Về đây Cầu Móng đem lòng thương em
Trước lời đường mật của chàng, nàng không nhẹ dạ và đề cao cảnh giác:
Sông Bến Tre có nhiều hang cá ngác
Đường lên Ba Vát gió mát tận xương
Anh có thương em thì nối sợi chỉ hường
Chớ bán rao cho lắm, hãy chừa đường . . .em đi.
Một thuyền một lái chẳng xong
Một chĩnh hai gáo còn nong tay vào
Em xót thương anh phất ngọn cờ đào
Còn thò tay bẻ mận em dạ nào dám ưng
Trước thái độ khôn ngoan, đứng đắng của nàng, chàng kính trọng nàng. Phải có thời gian cho nàng tìm hiểu. Chàng từ giả Bến Tre, ghe chàng ngược dòng sông Tiền, hướng về miền Đồng Tháp.
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười
Anh quốc, 5/2009
Nguyễn Thị Kim Thu