Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Dòng sông đã cạn
 
Lên mạng ngày 18/3/2009

“Dòng Sông Đã Cạn”
 
          Ngoại trừ cái họ và tên theo đúng trên giấy tờ khai sanh để ghi danh đi học ở các trường, anh em tụi nó lại còn có những tên ‘tục’ riêng khác, được dùng cho người nhà, cũng như bà con láng giềng hàng xóm chung quanh gọi nữa.
*
    Đứa anh lớn dang một cánh tay ra trước mặt rồi chỉ vào màu da trên đó mà nói:
          “Hồi đó, lúc Má sanh tao ra, Bà Ngoại thấy da tao đen, cho nên mới đặt tên cho tao là Miên.”
          Nó đưa mắt nhìn lên màu da hơi đen do sạm nắng trên cánh tay của thằng Miên. Đứa anh kế, lúc nào cũng có tính khôi hài thì lại kể rằng:
          “Còn tên của tao là Trư, là bởi vì hồi đó tao mập và trắng như…Trư Bát Giới trong truyện Tề Thiên Đại Thánh vậy đó, biết chưa?”
          Màu da của thằng Trư có khác gì đâu so với Miên, mà thằng anh nầy của nó lại còn ốm nhom, ốm nhách nữa. Nó không tin tưởng cho lắm.
          “Như vậy… tên của em là Ngưu,” nó hỏi hai thằng anh, “có phải là Ngưu Ma Vương trong truyện đó hay không vậy?”
          Trư nhìn nó mà nhăn mặt trả lời:
          “Nhìn cái bản mặt của mầy chẳng có thấy ‘ngầu’ chút nào hết mà ở đó đòi làm Ngưu Ma Vương!”
          Miên thì lại nói:
          “Ngưu là chữ Nôm, có nghĩa là con trâu. Chắc hồi đó mầy bự và đen như con trâu, cho nên Ông Ngoại hay Bà Ngoại mới đặt tên cho mầy là Ngưu đó.”
          Nó vẫn không hài lòng với sự giải thích của Miên:
“Như vậy thì tại sao lại không gọi em là Sửu?”
          Miên nói tiếp:
          “Mầy đâu có phải tuổi con trâu đâu mà muốn kêu tên là Sửu!”
          “Nhưng mà em đâu có lớn con chút nào…” 
Nó vẫn chưa muốn bỏ cuộc thì Trư đã nhanh miệng nói vào:
          “Tao biết rồi nhưng mà tao quên chưa nói cho mầy nghe. Tại vì mầy không có được khôn, cho nên mới có tên gọi là Ngờ…ư…Ngư…u…Ngu’ đó, biết chưa!” 
Trư và Miên cùng cười to rồi chạy ra sân tìm thằng Lì, thằng Mãnh và đám bạn láng giềng của chúng để bắn đạn cu-li, để mặc cho nó đứng lại đó một mình mà chưng hửng nhìn theo. Thằng Ngưu biết tên của nó không có nghĩa như vậy; vì bởi Ba Má vẫn thường nói nó là thằng con trai thông minh trong nhà; còn ở trường thì thầy cô vẫn hay khen nó là một học trò giỏi trước mặt các bạn khác trong lớp. Thằng Ngưu cũng bắt chước đứa anh, đưa một cánh tay trần của mình ra mà nhìn thử; ừ hứ! màu da của nó cũng hơi đen. Thằng Ngưu mỉm cười đắc ý rồi chạy đi tìm thằng Chẩy ở căn nhà láng giềng phía sau.
*
Cho dầu có bị hai đứa anh trêu cười, chọc phá hay ăn hiếp đến như thế nào đi nữa, nó cũng vẫn phải phục đến sát đất tài nghệ của hai ông anh mình. Nó muốn hai ông anh dạy cho biết bơi để sau nầy được nhập vào bọn ra tắm sông cùng với đám con trai trong xóm.
*
 

            Thời đó thành phố chưa có đủ khả năng cung cấp nước máy đến tận nhà dân. Ngoại trừ những gia đình giàu có thì thuê những người đi gánh nước mướn từ những vòi nước công cộng ở một vài ngã tư mang đến cho họ để đổi được tiền, còn lại đa số những gia đình khác đều phải tự đi gánh, hoặc khiên nước sông đem về nhà, chứa trong những cái lu, cái khạp da bò rồi lóng phèn mà dùng. Đàn bà, con gái xử dụng nước ở trong nhà để làm vấn đề vệ sinh mỗi ngày, đám đàn ông và tụi con trai thì thường ra sông tắm rửa vào mỗi buổi chiều rất đông và vui lắm.
          Đi tắm sông thì cũng rất đơn giản, chỉ cần một cái khăn tắm mỏng bọc lại trong đó một bộ đồ để thay, nhưng đôi khi thì cũng không cần thiết; một cục xà bông được dùng để gội đầu hay kỳ cọ cho thân thể. Những người đàn ông thì thường đứng ngay trên bờ mà thay quần đổi áo, chớ còn đám trẻ như anh em tụi nó thì cứ để cho cái quần vải mỏng ướt mẩm bám chặt vào mông, vào đùi mà chạy về.
          Gọi là sông cho dầu nó chẳng có rộng lớn là bao. Đứng ở bên nầy người ta có thể kêu to, hay gọi lớn tiếng cho người bên kia bờ nghe và hiểu được. Con sông lúc nào cũng có nước tuôn vào hay thoát ra với những dòng chảy không ngưng. Một cây cầu đúc bằng bê tông cốt sắt được bắt ngang qua hai bên của bờ để nối lại con đường liên tỉnh trước khi vào thành phố. Cây cầu đủ cao và lòng sông đủ sâu cho ghe xuồng có thể qua lại, rồi tấp vào hai bên bờ mà mở ra hai bửa chợ mỗi ngày. Đôi khi cũng có những chiếc ghe bầu to lớn hơn chở thóc, chở lúa, chở cát hay gạch đến để giao cho những căn tiệm buôn ở gần đó.
          Những lúc đi tắm sông, thằng Ngưu thường được hai đứa anh dắt đi theo. Nó sẽ được dịp hụp lặn trong nước vài cái thật nhanh cho ướt quần, ướt tóc; sau đó thì chà xà bông lên đầu, kỳ cọ chung quanh thân thể cho sạch. Nó sẽ được hụp lặn thêm vài lần nữa trước khi bị hai thằng anh đuổi lên bờ, thay đồ rồi đứng ở đó chờ. Thằng Ngưu đứng ở đó, nhìn đám đàn anh đang vui đùa trong lòng của dòng sông mà thèm nhỏ dãi.
          Nước đã dâng lên khá cao trong lòng thì dòng trôi cũng sẽ bắt đầu chảy chậm lại. Đây chính là lúc đám con trai trang lứa với Miên và Trư sẽ trèo lén lên thành cầu đúc mà làm những trò xiếc. Có đứa leo lên điểm cao nhất rồi nhảy đùng xuống cho nước sông bắn ra tung tóe chung quanh; có thằng thì nhào lộn vài vòng trước khi rơi xuống; có tên phải vội vả trồi lên mặt nước ngay, để tìm lại cái quần xà lỏn dây thun vừa tuột ra khỏi thân mình sau cái nhảy chúi đầu ban nãy. Cả đám, sau đó, lên lại bờ rồi quay trở lại cây cầu đúc để có những màn biểu diễn khác. Ông Sinh, người cảnh sát canh gác ở phía bên đầu cầu gần với chợ, cũng thường xuyên thổi tu hít để đuổi vì không muốn tụi nó làm những trò chơi nguy hiểm; nhưng riết rồi thì ông cũng chỉ thổi cho có lệ mà thôi, vì bởi trong nhóm xiếc ấy, đôi khi cũng có thằng Hiệp, đứa con trai lớn của ông trong đó nữa.
          Những trò chơi khác cũng hào hứng không kém. Tụi nó sẽ đua nhau từ bên nầy lặn một hơi qua bên kia bờ, nhưng phải dưới lòng của một chiếc ghe lớn đang nổ máy di chuyển trên mặt nước. Hoặc chúng nó sẽ tranh với nhau xem ai có thể bơi ngược lại với dòng nước đang trôi để có được một khoảng cách dài hơn, hay được một thời gian lâu nhất.
*
          Thằng Chẩy, con của chú thím Bảy ở căn nhà phía sau, thì cũng cùng trang lứa với nó. Chú Bảy là quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ở miền Trung đi vào miền Tây, cưới thím Bảy, là người miền Nam rồi sanh ra nó là đứa con trai đầu lòng. Không biết sao mà chú Bảy lại đặt tên cho nó là như vậy. (Chẩy theo tiếng Hoa, có nghĩa là con trai theo tiếng Việt.)
          Bởi nhìn thấy tụi đàn anh lúc nào cũng vui nhộn khi đi tắm sông, cho nên thằng Chẩy cũng như nó đều muốn Miên hay Trư dạy cho mau biết bơi. Thằng Trư kêu tụi nó đi tìm con chuồn chuồn cho cắn vào rún trước rồi thì sẽ biết bơi ngay. Thằng Chẩy nghe lời làm theo thì bị sưng rún, phải thoa thuốc đỏ hết mấy ngày mới hết bị nhiễm trùng. Thằng Ngưu thấy vậy thì sợ quá không dám thử. Buổi chiều hôm đó hai tên học trò mình trần với cái quần xà lỏn trên người, lon ton chạy theo đám đàn anh hướng về bờ sông mà thụ huấn. Hai đứa cũng không quên đem theo cái phao nổi trong nước, đó là một cái ruột của bánh xe ô-tô với nhiều mảnh vá trên đó đã bơm hơi.
          Thằng Trư với bài vở lòng cho tụi nó là bịt kín mủi bằng hai ngón tay rồi chìm cái đầu vào trong nước. Trên cái cầu ván được đóng chắc vào những cái trụ gỗ hai bên chạy dài từ bờ dẫn xuống một nữa lòng sông, hai đứa đứng ở đó mà trồi lên hụp xuống.
          Bài học kế là tụi nó phải hít một hơi thật dài vào miệng, phùng má, nín thở, rồi lặn cả thân mình xuống; với bàn tay trợ sức ở bụng của thằng Trư giúp tụi nó có thể nổi trong nước một lát sau mới cho ngoi đầu lên để thở. Hai đứa nghe lời làm theo một cách nhanh nhẹn và dễ dàng.
          Thật ra, chẳng có ai biết học bơi như vậy là đúng phương pháp hay không, nhưng cứ mỗi lần phải chìm mình xuống thì lại thấy cái mông của hai thằng lúc nào cũng chổng lên gần như là cao hơn cái đầu, và sắp nổi qua mặt nước. Bây giờ thì Trư mới chịu cho thằng Chẩy chui vào giữa lòng cái phao ôm chặt lại rồi đưa nó ra ngoài xa lòng sông mà bơi vào. Hai chân của thằng Chẩy đạp lia lịa trong nước, còn cái mình của nó thì lăn qua, lắc lại trên phao như con thằn lằn đang chạy trên bờ tường, để cố bơi trở về hướng của cây cầu ván ban nãy.  
          Chỉ vài lần bơi ra lội vào như vậy, chẳng bao lâu thằng Chẩy đã có thể lõm bõm trong lòng nước cạn một mình mà không cần đến cái phao nữa. Thấy thằng Chẩy học bơi nhanh, thằng Ngưu nghĩ là cho chuồn chuồn cắn rún quả có hiệu nghiệm; nhưng mà đối với nó thì đã muộn vì sắp đến phiên nó với phao phải ra ngoài lòng sông nước chảy. Thằng Ngưu bấy giờ mới thấy lo lắng trong lòng không ít.
          Đi bơi đua với đám bạn từ ban nãy cho tới bây giờ mới chịu trở về, thằng Miên đến để thay thế cho thằng Trư mà tiếp nhận nó. Miên kêu thằng Ngưu cùng với nó leo lên một chiếc ghe bầu đã vắng chủ đang neo bến ở bên cạnh cây cầu ván. Đứng trước mủi ghe, Miên nói với thằng em:
          “Tao quăng cái phao nầy xuống nước, rồi sau đó mầy nhảy xuống mà ôm cai phao bơi vào cầu, biết chưa?”
          Nó đứng trên ghe với hai chân run rẩy nhưng cũng gật đầu. Thằng Miên ném cái phao xuống lòng sông đã đầy, cái phao theo dòng nước chảy chầm chậm trôi về và sắp qua khỏi vị trí rồi mà chân của nó vẫn không nhúc nhích được. Cái phao đã trôi qua mà vẫn chưa thấy thằng em mình nhảy ra, Miên bực mình phải nhào xuống bơi để mang cái phao trở lại. Leo lên ghe một lần nữa, thằng Miên lập lại lời:
          “Thằng Ngưu, tao kêu mầy nhảy xuống sao không chịu làm? Tao làm lại lần nữa như hồi nãy, lúc tao kêu nhảy, thì mầy phải làm liền, biết chưa?”
           Nó cũng gật đầu đồng ý. Cái phao được ném xuống và đang trôi về hướng của nó; nhưng mà cả thân mình của thằng Ngưu bây giờ thì lại cứ run lên cầm cập mãi không ngừng. Cái phao lại sắp trôi qua khỏi vị trí của nó đứng nữa rồi. Sau tiếng hô “nhảy! nhảy xuống!” thì đột nhiên thằng Miên dùng tay xô vào lưng em nó một cái. Thằng Ngưu giật mình rơi xuống nước nhưng lại chụp hụt cái phao; sợ quá, nó luýnh quýnh quơ lia quơ lịa đôi tay trong nước để cố chụp lại được cái phao, sau khi cũng đã uống được vài hớp nước sông vào trong bụng. Đôi chân của thằng Ngưu đá lung tung làm văng nước tung tóe ở phía sau, nhưng cuối cùng thì nó với cái phao cũng về tới được cây cầu ván đúng hẹn.
Buổi chiều hôm đó, trên con sông với dòng nước đã bắt đầu chảy ngược về nguồn nầy, có hai thằng ‘chó con’ đều rất vui trong lòng vì đã biết bơi.
*
          Chương trình viện trợ của chính phủ Hoa Kỳ giúp cho thành phố được hoàn thành hệ thống cung cấp nước máy đến tận nhà. Ba của nó, cũng như đa số gia đình khác đều tham gia vào để đóng tiền dùng nước mỗi tháng. Trong nhà có nước xử dụng, cho nên tụi nó không còn lý do để ra ngoài tắm sông vào những buổi chiều nước đã dâng cao nữa. Ba nó nói, và chính anh em tụi nó cũng thấy, bấy giờ dòng sông đã bị ô nhiễm quá nhiều rồi.
          Di dân khắp nơi từ những vùng đồng quê hẻo lánh đã đổ dồn về thành phố để tránh bom đạn. Người ta tự chiếm đóng dọc theo hai bên bờ của sông mà xây cửa, cất nhà. Họ đổ rác xuống sông từ sáng đến tối, họ làm vệ sinh thứ thiệt ngay tại nhà, tại chỗ mỗi ngày, mỗi đêm. Sông thì thật sự không có mảnh bom vỏ đạn, nhưng lại đầy những mảnh chai, miểng chén và rác rến ở trong lòng.
          Dòng sông mà ngày nào thằng Ngưu đi tắm với nước trong trông thấy cá nay thì không còn nữa. Thằng Trư đã có lần hù nó phải coi chừng những con cá đó sẽ cắn mất đi ‘cái’ của nó. Lúc đấy thì nó sợ thiệt, cho nên lúc nào đi tắm sông thì nó cũng phải mặc quần vào người cả; nhưng rồi trong lòng sông với nước trong, nó có cảm giác là những con cá chỉ nhẹ nhàng rỉa vào chân của nó mà thôi. Nước sông ngày đó nay đã đổi màu, rác rưới bây giờ cũng đã cản ngăn những chiếc ghe, những con thuyền qua lại để mở chợ. Chợ thì vẫn còn đông đúc ở bên trên, nhưng dưới lòng sông thì lại cạn dần, và dòng nước chảy ra vào chỉ còn thoi thóp thở.
          Chiến tranh ngày mỗi lan rộng ra trên mọi miền đất nước. Miên, Trư, Lì, Mãnh đều phải từ giã gia đình ra đi làm nghĩa vụ. Cuộc chiến càng thảm khốc hơn thì tới phiên Chẩy cũng phải gia nhập vào quân đội sau khi thi rớt tú tài, Ngưu vẫn còn trong xóm củ. Chiến cuộc chấm dứt Miên, Trư, Lì và Chẩy từ những mặt trận khác nhau trở về với gia đình. Không ai biết số phận của Mãnh ‘nhí’ ra sao, và thằng Ngưu thì vẫn còn tồn tại.
          Ngay giữa lòng của dòng sông đang hấp hối, bây giờ nó lại phải tiếp nhận thêm một số di dân mới từ một phương trời xa xôi, và xa lạ tràn về. Thằng Ngưu biết là dòng sông kỷ niệm của nó đã thật sự từ giã cõi đời từ những ngày hôm ấy.
*
          Dân tứ xứ từ khắp nơi đến thì không ai biết tên tục của nó là gì, nhưng chính nó bấy giờ mới hiểu được ý nghĩa tên mình đã thật sự đúng như lời chế diễu trước kia của một đứa anh.
          Những tháng ngày đi lao động, rồi học tập để cải tạo tư tưởng như những người khác chung quanh, thằng Ngưu chẳng nhận ra được một kiến thức nào mới mẻ để có thể cải thiện trong đầu; cho nên tìm hoài và nhìn mãi cũng không thấy được con đường nào để đi. Không thể trở thành một gánh nặng khác cho gia đình nữa, một ngày nọ, thằng Ngưu đã thật sự bỏ nhà ra đi biệt tích.
*
           “Tại vì mầy không có được khôn, cho nên…”  Thằng Ngưu chẳng có thông minh chút nào. Nó ra đi mà còn ôm lại vào lòng một dòng sông đã cạn.

 
 
California 2009

T.L.

Trở về trang BẠN VIẾT

 
 
  Số người đọc 416467 visitors (1078218 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free