Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Ngành học Công Thôn
 
Lên mạng ngày 20/1/2009

VÀI NÉT VỀ NGÀNH HỌC CÔNG THÔN
TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC NLS CẦN THƠ
Thầy Nguyễn Văn Bé

1/-Tổng quát về ngành học tại trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ:
    Trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ, tiền thân là Trường Canh Nông Thực Hành Cần Thơ do Bộ Canh Nông quản lý, khi chuyển thành Trường Trung Học Nông Lâm Súc thì do Nha Học Vụ Nông Lâm Súc thuộc bộ giáo dục quản lý.
    Trường Canh Nông Thực Hành, mang tiếng là cần thơ, nhưng thực sự là trường phụ trách đào tạo cho cả khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Khi mới chuyển đổi từ Trường Canh Nông Thực Hành, Trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ vẫn còn mang trọng trách đó. Mãi đến năm 1969, thì khu vực ĐBSCL mới có thêm hai Trường Nông Lâm Súc nữa mở ra tại Long Xuyên và Sóc Trăng.      
   Trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ là Trường có chương trình đào tạo tương đối đầy đủ các cấp lớp theo hệ thống trường trung học Nông Lâm Súc lúc bấy giờ:
   - Khối đệ nhất cấp: Trường tuyển học sinh phổ thông học xong lớp đệ lục (lớp 7) vào học lớp đệ ngũ (lớp ; sau khi xong lớp đệ tứ (lớp 9), học viên phải thi lấy bằng Trung Học Nông Lâm Súc, (Người học NLS gọi là học viên, không gọi là học sinh).
   Chương trình của 2 năm học này bao gồm các môn học phổ thông (như toán, lý, hóa, văn, sử, địa, vạn vật, ngoại ngữ…) song song với các môn học chuyên ngành như Canh nông, Thủy lâm, Mục súc, Công thôn, Sinh hoạt gia đình (nữ công gia chánh);
   Học viên học tổng quát hết ngành Nông Lâm Súc, có chú trọng nhiều về phần canh nông, nhưng chưa phân ban chuyên môn như ở khối nhị cấp.
   Các môn học chuyên nghiệp gồm có một số giờ lý thuyết và một số giờ thực hành của môn học đó; Ngoài ra mỗi tuần học viên phải học 6 giờ (2 buổi) môn Nông trại, cũng gồm có phần lý thuyết và thực hành, nhưng phần thực hành được chú trọng nhiều hơn, chủ yếu là rèn luyện kỷ năng cho học viên.
   Sau khi có bằng trung học NLS, học viên có thể ghi danh vào học lớp đệ tam các ban Canh nông, Mục Súc hay Công thôn; hoặc học tiếp lớp
Huấn sự nông chính, thời gian học là một năm (đủ 12 tháng). Tốt nghiệp
nhận bằng Huấn sự, sau đó có thể xin làm việc cho Nhà nước ở các Ty
Canh nông hay Ty Mục súc hoặc tham gia sản xuất ở các Trại chăn nuôi gia súc gia cầm, các trung tâm ươm giống hay các Nông trại của tư nhân.
   - Khối đệ nhị cấp: tức từ lớp đệ tam, đệ nhị, đệ nhất. Ở cấp lớp đệ tam,
ngoài các học viên đã tốt nghiệp Trung học NLS lên, Nhà trường còn tuyển thêm học sinh phổ thông bên ngoài đã có bằng Trung học từ khắp nơi ; Tại trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ có ba ban chuyên môn là Canh nông, Mục súc và Công thôn.
   Sau khi học xong lớp đệ nhị học viên phải thi lấy bằng tú tài phần thứ nhất của chuyên ngành mình đang học (Tú Tài I Canh nông, Tú Tài I Mục súc, …); Có Tú Tài I mới được học lớp đệ nhất, cuối năm học lớp đệ nhất phải thi lấy bằng Tú Tài phần II.
    Về sau này, các khối lớp không còn gọi theo từ Hán việt, mà sử dụng bằng tiếng nôm, như lớp 8, lớp 9…; không còn thi bằng trung học và cũng không còn mở các lớp Huấn sự, khối đệ nhị cấp chỉ còn thi bằng Tú Tài vào cuối năm học lớp 12.
    Chương trình học 3 năm của khối đệ nhị cấp cũng song song phần học phổ thông, giống như chương trình của trường trung học đệ nhị cấp, và phần học chuyên ngành Nông Lâm Súc, và bắt đầu từ tổng quát tiến dần đến chuyên sâu.
    Các môn học chuyên ngành NLS cũng gồm có phần lý thuyết và phần thực hành của môn học đó. Song song với môn học Nông trại thì gồm có lý thuyết của thực hành. Phần thực hành ở bộ môn Nông trại, học viên phải đi sâu vào chuyên ngành của mình, chủ yếu là rèn luyện kỷ năng, tay nghề để trở thành người Nông dân thực sự trên đồng ruộng nông thôn.
   Sau khi có bằng Tú Tài II, học viên có thể Thi vào Trường Cao đẳng Nông nghiệp Cần Thơ (thuộc một khoa của Viện đại học Cần Thơ); Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp Sài Gòn: Trường Cao đẳng sư phạm kỹ thuật Nông nghiệp; hay các lớp Kiểm sự chuyên ngành Kiểm sự mục súc, Kiểm sự cây ăn trái, Kiểm sự túc mể, Kiểm sự nông cơ, Kiểm sự thủy nông, hoặc bất cứ khoa nào ở những trường đại học khác.
2/-Vài nét cơ bản về ngành Công Thôn:   
   Công Thôn là một ngành học thuộc lãnh vực phục vụ cho nông nghiệp nông thôn, là hai từ viết tắt của cụm từ CÔNG TÁC NÔNG THÔN (The rural word);
   Ngành học Công thôn được mở ra lần đầu tiên (lớp đệ tam) tại trường trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ vào từ năm 1965, liên tiếp được 4 khóa đến năm 1968; và bị gián đoạn ở năm 1969; cho đến năm 1970 mới tiếp tục mở trở lại và chấm dứt ngành học này vào cuối năm 1975; Sau này, khoảng năm 1982, ngành Công Thôn được mở lại ở bậc đại học tại Trung tâm đại học tại chức Cần Thơ nhưng lại đào tạo theo từng ngành
một.
   Trong hai giai đoạn đào tạo nêu trên, ngành Công thôn cũng như các ngành Canh nông, Mục súc,… là một ngành chuyên nghiệp được học song song với các môn học phổ thông ở trung học đệ nhị cấp, tức là từ các cấp lớp đệ tam, đệ nhị và đệ nhất. Về chuyên ngành, mỗi tuần có 9 tiết học lý thuyết + thực hành, và 6 tiết học môn Nông trại. Còn các môn học phổ thông thì được rút ngắn, ngành Công thôn học theo chương trình của ban toán, lý, (Lúc đó gọi là ban B, nay là khối A), 
    Khái quát về chương trình của ngành học chuyên môn Công thôn:
- Năm lớp đệ tam: học tổng quát các chuyên ngành Canh nông, Mục
súc và Công thôn về lý thuyết cũng như thực hành và môn học Nông trại,
- Năm lớp đệ nhị: Các chuyên ngành phụ như Canh nông, Mục súc,
chỉ học những phần liên quan để củng cố chuyên ngành chính là Công thôn.
- Năm lớp đệ nhất: Chỉ học thuần các môn chuyên ngành Công thôn; 
    Chương trình đào chuyên ngành công thôn thuộc ba lãnh vực chính là:
    - Nông cơ: tức là cơ khí phục vụ cho nông nghiệp nông thôn,
    - Thủy nông: là thủy lợi phục vụ cho nông nghiệp nông thôn,
    - Và kiến trúc nông thôn: tức là học về qui hoạch và xây dựng nông trại, như xây dựng nhà ở nông thôn, chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, xây dựng cầu cống, đường xá nông thôn,… mặc dù có ba lãnh vực chánh như thế, nhưng tất cả nội dung chương trình đều là phục vụ cho nông thôn, nên các môn học chuyên ngành đều hòa quyện, hổ trợ cho nhau để làm sao đào tạo được một con người có thể thực hiện đựợc các công việc của nông thôn một cách tốt nhất.
*Về mặt lý thuyết có thể kể một số môn học chuyên ngành tiêu biểu
như sau:
 - Kỹ nghệ họa (vẽ kỹ thuật): Vẽ kỹ thuật cơ bản, vẽ hình học, vẽ kiến trúc, mặt bằng, phối cảnh, v.v… của nhà ở, nông xưởng, cầu, đường, đập, cống,…yêu cầu cơ bản là học viên phải đọc và hiểu được bản vẽ kỹ thuật thi công, để có thể triễn khai thi công xây dựng các công trình trong nông trại nông thôn.
   - Trắc đạt: Trong nông trại, người học viên còn phải biết khảo sát hiện trạng, qui hoạch cải tạo nông trại khi cần thiết; Biết xử dụng các loại máy trắc đạt như máy ngắm thủy bình; máy kinh vĩ, để đo vẽ lên bản đồ theo tỉ lệ; máy đo diện tích trên bản đồ; để đo lưu vực của một đoạn sông, đoạn suối trên bản đồ, kết hợp với lượng nước mưa hàng năm để có thể tính được lưu lượng dòng nước mà xác định khẩu độ của cầu, cống, … cao trình nhà ở, văn phòng, nông xưởng, chuồng trại, cầu, đường, để nhằm hạn chế hậu quả xấu do lũ lụt gây ra.
 - Sức chịu đựng vật liệu (nay gọi là sức bền vật liệu) : Tìm hiểu và tính khả năng chịu đựng được của một kết cấu công trình hay bộ phận công trình,nhất là loại bê tông cốt thép thường hay loại bê tông tiền áp (nay gọi là bê tông dự ứng lực), xử dụng trong xây dựng nhà ở, nông xưởng, chuồng trại chăn nuôi, hay cầu, cống, đường xá,…
   - Bê tông: Cấu tạo và sức chịu đựng hữu ích của bê tông thường như bê tông gạch vụn, bê tông đá dăm, bê tông cốt thép, bê tông tiền áp… hiểu và bố trí được sắt thép cho bộ phận bê tông trong xây dựng các hạng mục công trình ở nông trại.
 - Nhiệt cơ: Đại cương về nhiệt động học, cấu tạo và vận hành động cơ điện; động cơ xăng 2 thì, động cơ xăng 4 thì; động cơ Diesel, cấu tạo máy kéo,…
 - Nông cơ: Môn học tiếp theo của động nhiệt cơ, tìm hiểu cấu tạo và xử dụng đúng mức các loại máy nông nghiệp trong các khâu từ làm đất như máy cày, máy xới, máy bừa, máy trang bằng mặt ruộng… khâu gieo trồng như máy gieo hạt, máy gieo mạ, máy xạ lúa, máy cấy lúa, máy cấy mạ, … khâu chăm sóc bón phân như máy bơm nước, thiết bị tưới nước, máy phát cỏ, bón phân, máy phun thuốc, cho đến khâu thu hoạch như máy gặt lúa, máy đập lúa (còn gọi là máy suốt lúa), máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch củ quả… khâu tồn trữ thì có máy sấy lúa, sấy hạt,… khâu chế biến như máy xay lúa, xát gạo, máy rửa củ quả, máy thái củ quả, máy thái rau cỏ, máy trộn thức ăn chăn nuôi, máy vắt sữa gia súc, máy ấp trứng gia cầm, dây chuyền vận chuyển thức ăn trong trại chăn nuôi.             
 -Thủy nông: Ý nghĩa và mục đích của các phương pháp tưới ngập, tưới tràn, tưới ngấm, tưới phun. Lượng mưa ảnh hưởng đến nông trại, cách tính lưu vực, lưu lượng của sông, suối, phương pháp dẫn và thoát nước trong nông trại…
 -Môn cầu: các loại cầu gỗ như cầu bằng tre, cầu gỗ tròn, cầu bằng thép kết hợp gỗ xẽ, cầu thép tiền chế, cầu bê tông cốt thép thường, cầu bê tông tiền áp,…
 - Cống: Các loại cống đặt ngang đường như cống gỗ, cống thép tiền chế, cống bê tông cốt thép. Các thiết bị đóng mở miệng cống…
 - Đường xá nông thôn: đường đất, đường đất nung, đường rải đá, đường tưới nhựa, đường bê tông cốt thép, đường bê tông nhựa,…   
 *Về bộ môn nông trại:
 - Phần lý thuyết, học viên phải biết cách ghi chép sổ nông trại, lập dự án sản xuất các sản phẩm phục vụ cho sản xuất lương thực, hoa màu phụ, hay công việc chăn nuôi gia súc gia cầm… Công tác quản lý nông xưởng và nông trại,…
 - Phần thực hành, rèn luyện cho học viên có kỷ năng thực hiện các công việc hổ trợ phục vụ cho nông nghiệp: Ngoài khả năng phục cụ các thiết bị máy móc, học viên còn phải biết chăm sóc, bảo dưỡng máy móc theo định kỳ, sửa chữa nhỏ, và khắc phục những hỏng hốc thông thường,…
- Học viên phải Thiết kế và thi công được các mạng lưới điện, hay hệ thống cấp và thoát nước sinh hoạt, trong văn phòng, nhà ở, nông xưởng và cả nông trại.
- Trong nông xưởng, người học viên Công thôn còn phải xử dụng thành thạo các loại dụng cụ, thiết bị, máy móc của xưỡng: xử dụng các dụng cụ cầm tay như kìm, búa, cờ-lê, mỏ lếch, giũa, bào đụt,… Biết hàn điện, hàn gió đá, khoan, cắt, mài kim loại, hay xử dụng các loại máy của ngành mộc như: các loại cưa, máy bào bàn, máy bào cầm tay, máy khoan gỗ,…
   Tóm lại chương trình đào tạo của ngành học Công thôn nói riêng hay ngành Nông Lâm Súc nói chung, chủ yếu là muốn cho học viên phải nói được cho mọi người nghe và làm được cho mọi người thấy, phần chuyên môn mà mình đã học; Tuy nhiên qua thực tế vừa học tập và sau đó là người hướng dẫn Học viên. Tôi thấy đa phần học viên kể cả Tôi, chỉ lãnh hội được một phần của chương trình đào tạo. Nguyên nhân là một phần do tình hình lúc đó, việc học tập có lúc không ổn định, phần khác cũng phải thừa nhận chương trình đào tạo quá tham vọng, ngần ấy năm học mà bao hàm nhiều lãnh vực chuyên môn phức tạp quá nặng nề… nên khó mà hiểu hết để tiếp thu trọn vẹn; Nhưng cũng không thể phủ nhận, đa số các anh chị đã từng là học viên Công thôn, đã ứng dụng được những lãnh vực đã học mà thành đạt, có sự nghiệp vững chắc, làm rạng rỡ ngành học Công Thôn của chúng ta.
  
Thầy Nguyễn Văn Bé, Ô Môn ngày 31-08-2008
(Công thôn khóa 2 giai đoạn I năm 1966)  
 
Trường Cũ Tình Xưa trang 13-15,126,148

Trở về Trang BẠN VIẾT
 
 
  Số người đọc 421188 visitors (1088470 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free