Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Tục lệ cử tên
 
Lên mạng ngày 5/5/2009

TỤC LỆ CỬ TÊN
 
Nhân đọc bài “Lo bò trắng răng” (Thông CT 71-74) và bài thơ “Cò bay thẳng kiếng” (Trần Văn Diên) tôi chợt nhớ đến tục lệ “cử tên” hay “kiêng húy” của người Việt ngày xưa. Người Việt cho là “phạm húy” nếu viết hay nói tên vua, tên các đại thần được dân kính trọng, hay tên ông bà tổ tiên của mình. Ngày xưa đi thi, dầu bài có hay cách mấy mà phạm húy tên vua đều bị đánh rớt. Dưới thời Tự Đức, ngoài việc bị rớt, thí sinh bị phạt 100 trượng cho mỗi chữ phạm húy, ai đã đổ Cử Nhân, Tú Tài rồi thì lấy bằng cấp lại. Trong văn tự mà phạm húy tác giả có thể bị ở tù, hay mất chức. Cao Bá Quát khi làm chủ khảo kỳ thi hương ở kinh đô Huế muốn cứu thí sinh giỏi nhưng phạm húy bèn sửa chửa một vài chử của bài thi. Việc sửa chửa bại lộ, ông bị cất chức. Thi sỉ Trần Tế Xương cũng chua chát với tục lệ này đã than rằng:
Rõ thực nôm hay mà chữ dốt,
Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui.
(Thi Hỏng, Trần Tế Xương)
Tục lệ cử tên của người Việt là do ảnh hưởng của Tàu. Từ thời nhà Chu (mà người Miền Nam đọc trại thành Châu – nhà Châu hay Đông Châu Liệt Quốc - vì cử tên chúa Nguyễn Phúc Chu) cách đây 2700 - 3000 năm, các vua Tàu ra lệnh dân chúng không được viết hay nói đụng đến tên vua.
Tại Việt Nam, kiêng húy trở thành luật lệ, khắt khe nhất vào đầu nhà Trần để phục vụ mục tiêu chính trị. Sau khi cướp ngôi nhà Lý, để dân chúng quên hẳn triều đại nhà Lý, Trần Cảnh ra lệnh là từ nay dân chúng mang họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn, với lý do tổ tiên nhà Trần có người tên Lý (không biết có thật hay không). Ngoài việc bắt đổi họ Lý, nhà Trần còn bắt dân không được nói đến tên các vua nhà Lý, như Uẩn (Lý Công Uẩn). Những người Việt mang họ Lý hiện nay có nguồn gốc Trung Hoa di dân đến sau này. Ngoài ra, trong đời nhà Trần, dân chúng phải cử tên vua, anh em vua, tên cha mẹ bên vợ, tên vợ, v.v.
Kể từ đó, mỗi triều đại đều có một danh sách tên húy để dân phải tránh. Ở triều Lê, phải kiêng tới bảy loại tên người: ông nội, bà nội, cha, mẹ, bản thân, vợ cũ và anh cả của vua. Các vua Lê đời sau đặt thêm một lệ nữa là kiêng cả tên giả của vua. Nguyên do là khi trình báo giao thiệp với “thiên triều” Trung quốc, các vua Lê phải để tên, vì vậy vua để tên giả. Chẳng hạn, vua Lê Thái Tông bắt dân kiêng tên thật của ông là Long, lại kiêng cả tên giả là Lân, Vua Lê Nhân Tông tên thật là Cơ và tên giả là Tuấn, v.v.
Trong thời nhà Mạc, không những chỉ cử tên Dung (Mạc Đăng Dung) mà còn bắt đổi tên các địa danh có mang chử Dung. Như huyện “Phù Dung” được đổi thành “Phù Hoa” trong thời nhà Mạc, nhưng đến đời Gia Long, đổi thành “Phù Cừ” vì con dâu vua Gia Long tên Hồ Thị Hoa. Cũng vì vậy, chợ Đông Hoa của Huế ngày xưa đổi thành “Đông Ba”, tỉnh Thanh Hoa đổi thành Thanh Hóa, Cầu Hoa thành Cầu Bông (Sài Gòn), Hoa Kỳ có một thời được gọi là Huê Kỳ.
Kể từ 1558, dân Việt từ sông Gianh trở vào nam thuộc chúa Nguyễn, Miền Bắc thuộc chúa Trịnh. Vì vậy, ở Miền Bắc vẫn còn họ Hoàng, nhưng ở Miền Nam họ Hoàng đổi thành họ Huỳnh vì cử tên chúa Nguyễn Hoàng. Cũng vậy, vì chúa Nguyễn Phúc Khoát có tên húy Vũ Vương, nên ai ở miền Nam mang họ Vũ đều đổi thành họ Võ, trong khi ở miền Bắc vẫn còn họ Vũ. Vua Gia Long căm thù Nguyễn Huệ (Tây Sơn), tên thật là Phúc, nên dân chúng phải nói trại là Phước, và chính họ Nguyễn-Phúc của nhà vua trước đây cũng đổi thành Nguyễn-Phước kể từ đó. Vì cử tên Ánh của vua Gia Long, dân đọc trại thành “Yếng”, như tờ báo của cơ quan Tin Lành cách đây trăm năm mang tên “Yếng Sáng” (tức Ánh Sáng). Vì vua Gia Long còn có tên Anh, nên dân miền nam nói “yên hùng” thay vì “anh hùng”. Vua Thiệu Trị tên thật là Nguyễn Phước Miên Tông, nên các nhà viết sử thời Nguyễn phải đổi tên các vua mang tên Tông của bao nhiêu triều đại trước như Lý, Lê, Trần (như Lý Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Trần Thánh Tông, v.v.) đều đổi thành Tôn. Sau này, khi nhà Nguyễn đã mất, vẫn còn nhiều sách chưa điều chỉnh lại tên vua. Chẳng hạn, tên đường Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành Sài Gòn phải mang tên Lê Thánh Tông (1460-1497) mới đúng sử sách. Ngay cả dòng họ bà con của vua là Tông-Thất cũng đổi thành Tôn-Thất.
Trong suốt dòng lịch sử, Việt nam có tổng cộng 40 lần ra lệnh “kiêng húy”, với tổng cộng khoảng 531 tên phải cử, đời nhà Nguyễn chiếm 22 lệnh. Riêng vua Tự Đức bắt dân kiêng 47 chữ tên.
Cử tên đã thành một thói quen trong dân chúng. Không những kiêng húy theo lệ của nhà vua, người dân còn cử tên tổ tiên của dòng họ mình, thành ra không biết bao nhiêu từ ngữ đã phải biến dạng tùy theo địa phương. Dân Miền Nam thờ đại thần Nguyễn Hửu Kính (hay Nguyễn Hửu Cảnh) nên dân chúng miền Nam đọc trại cửa “kính” thành cửa “kiếng” trong khi người Bắc vẫn “cửa kính”. Vì cử tên Hoàng Tử Cảnh và Nguyễn Hửu Cảnh, nên Đình “Tân Cảnh” (ở Sài Gòn) thành “Tân Kiểng”, hay “hoa cảnh” thành hoa kiểng, “lính cảnh” thành “lính kiểng”, “cá cảnh” thành “cá kiểng”, v.v.
Ngày nay không còn cử tên của các vị lảnh đạo quốc gia. Tuy nhiên, dân chúng vẫn còn kiêng một số từ ngử “nhạy cảm” để được yên thân. Chữ “yên” đọc trại từ chữ “an” cũng vì kiêng húy. Nhờ vậy, tiếng Việt càng phong phú thêm chăng?
 
Anh quốc, 5/2009
Nguyễn Thị Kim Thu

Trở lại Trang Bạn Viết

 
 
  Số người đọc 421207 visitors (1088491 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free