Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Thanh minh trong tiết ..
 
Lên mạng ngày 7/4/2009

THANH MINH TRONG TIẾT THÁNG BA
 
Năm nay Thanh minh ngày chánh là mùng 10/03 lại trùng vào thứ Bảy, ngày nghỉ giỗ tổ Hùng Vương, các ngỏ đường vào Sài Gòn kẹt cứng xe..
   Chúng tôi khởi hành đúng 7h sáng, tính ra là sớm so với mọi năm. Vậy mà phải mất gần 1 tiếng đồng hồ mới vượt qua được Bình Chánh.
   Đường QL4 sau nhiều lần mở rộng vẫn chật cứng xe. Xe gắn máy là nỗi ám ảnh của các xe lớn và ngược lại ( rõ khổ ). Sau 2h cầm hơi bằng nước lọc, chúng tôi tới điểm dừng chân quen thuộc lâu đời “ Ngả ba Trung Lương” và xơi nhanh 1 tô hủ tíu Mỹ Tho, trạm dừng chân của công ty du lịch Tiền Giang nằm ở vị trí thật đắc địa nhưng ẩm thực kiểu quốc doanh chán phèo, không còn chút đặc trưng nỗi tiếng của 1 thời vang bóng ( hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Nam Vang ).
   Chục bánh lá dừa phòng hờ, tôi tiếp tục về Trà vinh bằng đường đi mới : Cầu Rạch Miểu- Phà Hàm Luông- Phà Cổ Chiên… Lần đầu đi qua thị trấn Mõ Cày, một địa danh khá nỗi tiếng của nội tướng bác học Petrus Ký. Phà Cổ chiên vắng xe hơi, nhưng xe gắn máy thì tấp nập với mũ bảo hiểm và khẩu trang đủ màu sắc. Không còn hàng rong ơi ới, thấy thiêu thiếu một chút gì xa xưa, có lẻ tiếng vọng cổ buồn của người hát xin ngày trước giờ đã tắt hẳn trong cái ồn ả hối hả ngày nay…
 Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu… những địa danh đặc trưng của cộng đồng cộng sinh Hoa-Khơmer, con sáo trên lưng trâu, ( sáo thong thả giúp trâu, bằng cách xơi mồi là những con đĩa no máu trên lưng trâu… ).
 Bún nước lèo Trà Vinh cũng khác mọi nơi vì cái chân chất với chỉ nước lèo và bún, có thể thêm ít thịt heo quay theo thị hiếu, không tép, không cá, và nêm với muối ớt…Theo chiều dài đất nước, bún nước lèo biến tướng mổi nơi mổi khác !
 
Những ngôi mộ “vành ky”, một mô hình của phong thuỷ, tả phù hữu bậc, thanh long bạch hổ, là dấu ấn người Hoa rõ nét…Người càng giàu thì vành ky càng lớn, tốn đất càng nhiều…
 Tôi rời Trà Cú về Cần Thơ bằng tỉnh lộ qua Tiểu Cần, Cầu Kè, dọc bờ sông Hậu, đến Trà Ôn, qua phà tới Bình Minh ( Cái Vồn ) . Những địa danh Trà & Cái gợi nhớ nhiều điều…
 Tới phà Cần Thơ lúc 17h chiều, mừng quá , không kẹt phà, anh soát vé nói với tôi “ Giờ đở nhiều rồi, khuya tới giờ kẹt cứng…”
   Không còn những thúng bắp, ấu…nóng hổi ngày nào, quán cơm chay trước phà , tiếng vọng cổ với nhịp song lang cũng không còn….chỉ còn tiếng mời mua vé số …!!!
   Chúng tôi nói đùa “Đây là chuyến đi toàn BÚN “, sau khi dằn bụng bằng 1 tô bún nem nướng Thanh Vân ở Cần Thơ, quán rất lâu đời, phong cách khẩu vị vẫn ngon như xưa, rất đông khách…
                      
                        Đường về quê dịu vợi
                        Kẻo kẹt bụi tre già
                        Làn khói bếp vấn vương
                        Tiếng chổi quơ xào xạt
                        Gà gọi bầy tao tác
                         
    Quê tôi, Thanh Minh cũng là dịp sum họp quan trọng như Tết Nguyên Đán . Ai không về được dịp Tết, thì Thanh Minh cũng cố về sum họp cúng kiến. Bánh hỏi thịt quay là món phổ biến quê tôi, dịp này các lò chạy hết công suất vẫn không đủ bán
 Dọc hai bên đường thật vui, người đi tấp nập, các mộ ( trên đất nhà ) ven đường phất phới giấy màu, thỉnh thoảng một mộ mới phủ toàn giấy trắng…
 Rất nhiều nhóm căng bạt ăn uống tại chổ sau khi cúng, như thể một buổi tiệc chung mời người quá cố, những nhóm đông chắc hẳn đó là phần mộ của ông bà, vì con cháu tề tựu đông vui. Sắc màu cũng nói lên nhiều ý nghĩa, dòng đời trôi, nước mắt chảy xuôi, hướng về cha ông cũng chỉ bùi ngùi, nước mắt phần lớn đã để dành chảy xuống.
   Sự thành tâm hồi hướng một phần cho thế hệ sau giữ lấy lề, một nghĩa cử cho nhẹ lòng người sống, tề tựu càng đông càng vui…                        
                      
                       …Cuộc đời một chữ đời thôi
                        Bể dâu muôn ngả- đơn côi- trùng phùng
 
   Tôi chợt nhìn sang phía bên kia ao hồ ( nợi an nghĩ của Ba tôi giờ người sống nhiều hơn người chết, họ cứ tranh thủ đào ao, đào vuông nuôi tôm cá ) hai vợ chồng và đứa con gái nhỏ chừng 10 tuổi, họ ăn mặc cũng lam lủ, đứa bé phụ cha chuyền những nắm đất sét khô đắp lên đỉnh ngôi mộ đất
      -     Ba ơi, sao phải đắp hoài vậy ba, con thấy mộ của Nội cao rồi mà !
      -        Thì như lợp thêm mái lá cho Nội vậy mà
 …. Nhìn lớp đất mới chen chúc với những giấy sắc màu, tôi lại liên tưởng đến một mũ len che mát, một vòng hoa tươi thắm
 
                          …Màu sơn mới, nắm đất tươi
                              Một chút điểm tô, níu giữ lòng người…
 
 Nắng tháng ba ở miền Nam gay gắt, cái nắng nóng giao mùa, oi ả báo hiệu những cơn mưa đầu mùa sắp đến. Người Hoa thích chọn số nên họ cúng ngày mùng 9 nhiều hơn mùng 10. Người Việt giờ cũng theo tục lệ này nhiều, ngay như quê Nội tôi, miệt An Giang, trước đây thường”dảy mả “ vào những ngày sau khi đưa ông Táo ( 23 tháng chạp). Nay làng xóm cũng cúng Thanh Minh, như vậy mổi năm sẽ có 2 lần các mộ phần đựơc chăm sóc.
 Ba tôi mất trước Má tôi đúng 30 năm, lúc tôi mới là 1 sinh viên ngơ ngác, Má tôi tần tảo nuôi con một thời gian dài, một thế hệ cháu được Bà chăm sóc…
 Những tháng ngày “tam thập nhi lập “, trong lao đao, cũng nhiều năm tôi không về quê được. Biết sao bây giờ, dòng đời vẫn vậy, có ai biết trước mình sẽ ở nguồn lạch nào, nhưng có lẻ trăm sông về biển là chân lý muôn đời
 
Tạm biệt Ba, tạm biệt Má, năm sau con cố quay về…Con chỉ có đúng 2 ngày để đi và về viếng mộ . Con chưa an nhàn, con còn long đong…!!! 
Con còn ...                                                   
 
                             Cho xin chút võng đong đưa
                             Cho xin chút gió ngọn dừa lung lay
                             Con mơ được tiếng mẹ rầy
                             Nghìn thu giọt lệ đong đầy trong tim
 
 
NTL      07/04/2009 

Trở lại Trang Bạn Viết
 
  Số người đọc 396289 visitors (1026468 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free