Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Tâm sự thưở học trò
 

Lên mạng ngày 9/9/2008

TÂM SỰ THUỞ HỌC TRÒ
 
Nguyễn Hồng Đơn
 
   Kỷ niệm thuở học trò lúc nào cũng đẹp, tất cả nằm trong quá khứ còn lắng đọng trong ký ức giờ đây qua hồi ký, tôi cùng các thầy các bạn ôn lại những thời êm đềm dưới mái trường Nông Lâm Súc thân yêu.
   Năm 1970, xong lớp đệ tứ, lớp 9, trường trung học Phan Thanh Giản, tôi xin gia đình đi học nghề để có một nghề cho tương lai. Thi vào trường nào đây? Chọn ngành gì? Ba người bạn học cùng lớp với tôi nộp hồ sơ thi vào trường Nông Lâm Súc ngành Canh Nông, tôi còn lưỡng lự chọn ngành nào đây? Lúc này ý nghĩ của tôi thật đơn giản và ngây ngô quá.
   -Chọn ngành Canh Nông ư! Nghề làm ruộng là nghề của nhà nông bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì tôi không kham nổi.
   -Chọn ngành mục súc thì lại không được rồi vì sợ chích trâu bị trâu chém; chích bò bị bò đá; thiến heo thì sợ heo chết; còn ra đồng chăn vịt sợ nước ăn chân thì ôi thôi lại càng không được.
 -Trường có tuyển sinh ngành mới là ngành Công Thôn, Công Thôn là ngành gì? Chả có một khái niệm nào cả, ngành mới thấy ưng ý tôi nhắm mắt đưa chân nạp đơn ứng thí vì “không thành công thì cũng thành nhân”.
     Kết quả kỳ thi tuyển, ba người bạn và tôi có tên trong danh sách trúng tuyển. Tâm trạng tôi vui mừng thì có nhưng lo thì cứ lại lo vì không biết sẽ học những gì đây? Khổ cực không? Cần đòi hỏi phải khéo tay khéo chân? Khả năng có đáp ứng được? Vì trường học nghề mà tôi chưa có năng khiếu gì cả, chỉ có đi học và đá banh mà thôi. Sau này mới hiểu rỏ được mục tiêu đào tạo của ngành công thôn khi tôi đã trải qua 3 năm trung học Nông Lâm Súc cùng với những năm cao đẳng sư phạm chuyên ngành đồng thời nó đã gắn bó sự nghiệp cuộc đời tôi đến bây giờ.
   Ba năm cơm cha áo mẹ cắp sách đến trường Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ cú sóc đầu tiên là ngày khai giảng; ngồi trên xe đò từ nhà đến trường một anh bạn học lớp trung học đồng cở ngồi ở hàng ghế phía sau gọi giậc ngược hỏi tôi: “Ê! Bộ chú mầy học ở trường Nông Lâm Trâu Bò hả?” Chưa kịp trả lời và thấy tôi đang mặc chiếc áo sơ mi màu “nâu” mới toanh liền tán thêm một câu nửa: “Chú mầy tu ở chùa nào? Nói đi để tụi tao đến đốt chùa!!” Lòng tôi giận lắm, tự ái lên đến óc o, nếu là các bạn có lẻ chử “nhịn” không còn nữa, riêng tôi thì tôi tự nhủ lòng: “một câu cự bằng chín câu nhịn”, tôi mỉm cười vì nghĩ rằng Nông là làm ruộng, canh tác hoa màu; Súc là chăn nuôi gia cầm có gà, vịt, trâu, bò… thì đúng rồi, còn màu “nâu” thì các bạn học ở trường trung học chỉ nghĩ là màu áo của người xuất gia đi tìm Như Lai Phật Tổ để hướng dẫn đến cảnh  Bồng Lai, có ai hiểu ý nghĩa của màu “nâu” thì như thế nào? Mặc kệ, ai nói sao thì nói, cuộc tranh đua tạo lập công danh sự nghiệp hãy lấy cái móc thời gian là đây, tương lai các bạn học trung học và nông lâm súc sẽ ra sao? Hãy đợi đấy?! Lời thách thức trong lòng tôi…
   Vào lớp học buổi đầu tiên hầu như có cùng một tâm trạng với cặp mắt nhìn nhau ngần ngại, bở ngở và xa lạ, vì các bạn từ các tỉnh khác đến, thỉnh thoảng hỏi thăm nhau để làm quen trong giờ giải lao, có bạn thì sôi nổi, có bạn thì trầm lặng, đặc biệt trong lớp có 5 cô gái cũng trúng tuyển vào ban Công Thôn. Qua thời khóa biểu ngoài những môn căn bản: văn, toán, lý, hóa, vạn vật,sinh ngữ… còn có các môn của ngành Nông Lâm Súc: nông học, thổ nhưỡng, lâm học, súc học…đó là các môn phụ, còn môn chính của môn Công
Thôn là khái quát về cơ khí và xây dựng như Động Cơ Xăng, Động Cơ Diesel, bê tông, sắt thép, gổ…A! a! hóa ra ngũ long công chúa nhà mình đã đi vào lộn chuồng rồi nhưng cũng rất kiên trì cam tâm gòng mình đi hết quảng đường 3 năm Nông Lâm Súc; khá khen lắm! và rồi các bạn trong lớp từ từ hòa đồng với nhau trong một tinh thần “tình như thủ túc”.
 Ngoài các giờ học ở lớp còn có môn thực hành nông trại, môn này nhộn nhịp lắm. Bài thực hành đầu tiên của nhóm tôi là thực tập đo đạt bằng trắc giác kế. Sau khi nghe thầy Tăng Hùng Kiệt hướng dẫn xong, mỗi bạn vẽ lại máy trắc địa này. Có lẽ tôi đứng hơi xa không nghe rõ tiếng nói của Thầy nên khi chú thích vào hình vẽ chữ bù lon điều chỉnh để “di chuyển” độ cao thấp mà tôi nghe và ghi là “duy chuyển”, nói chung từ kỹ thuật lúc nầy tôi chưa am hiểu lắm, nên được tặng cho hai trứng ngõng to bằng cặp mắt kính đen của thầy Kiệt, thầy Tăng Hùng Kiệt thường mang kính đen. Đau khổ thay lổi này tại ai? Có lẽ tại tôi đứng ở xa không nghe rõ tiếng nói đồng thời cộng thêm vào đó là vành môi dọn dọn có duyên khi nói chuyện của Thầy nên chữ “di” ghi thành chữ “duy”, thật là oan mạng cho tôi!.
   Còn nhóm thực tập đo đạt do thầy Nguyễn Văn Bé hướng dẫn còn độc đáo hơn nữa: Bạn Tô Quân Bảo dựng đứng cây mia, Robert Lích thì điều chỉnh ống kính và ngắm vào nhưng hướng ống kính nầy đã lạc hướng rồi, chàng ta ngắm lên tầng lầu 1 của văn phòng trường một cách tích cực. Thầy Bé nhìn thấy lạ tiến đến gần và vổ tay vào vai chàng ta, Robert Lích thốt lên một cách thản nhiên: “đừng mầy! đừng mầy! để tao xem”. Thầy Bé vổ vai Lích lần nữa, Lích hơi cáo nhưng vẫn say mê quan sát qua ống kính và cứ thốt lên: “đừng mà! Để tao xem một chút!!” Lần nầy thầy Nguyễn Văn Bé nắm tai, túm cổ lôi anh ta ra khỏi ống kính, bây giờ Robert Lích nhà ta hồn mới nhập lại xác, cất giọng run run “Em xin lỗi Thầy!” rồi bỏ đi một mạch không dám nhìn quay lại. Hơi thắc mắc Thầy Bé nhìn qua ống kính máy trắc giác kế, hướng của Robert Lích ngắm trên lầu 1 là khuôn mặt người con gái đang học bài, Em gái của Thầy Hoàng, mới vỡ lẽ ra Robert Lích chăm chú nhìn một cách say sưa, không mai của Lích nhà ta, còn Tô Quân Bảo thì tựa lưng vào tường như ngủ gật.
    Thực hành nông trại do Thầy Huỳnh Thông Minh hướng dẫn thì không biết dùng danh từ nào để diễn đạt nữa: gò nguội kim loại; một thanh sắt bảng gò nguội thành chữ J đúng theo qui cách kỷ thuật, một tuần lễ trôi qua, đến thời điểm nộp “gia bảo” bạn Trọng cùng một nhóm nhìn sản phẩm của tôi ngạc nhiên hỏi: Bạn gò chữ gì vậy? Tôi trả lời không biết chử gì nữa! Chữ J không ra chử J, chử L không ra chử L mà giống như lưỡi câu bị quát và còn sần sùi nữa. Khi thầy Minh kiểm tra vật “gia bảo” của bạn Trọng và Sơn thì rất đúng qui cách, Thầy bảo hai anh đưa bàn tay trái ra xem và khẳng định J của Trọng qua lò rèn, J của Sơn cắt bằng gió đá phải không? Như vậy không phải là lò nguội kim loại rồi. Còn tôi thì tôi xin thưa với thầy rằng: Gò hết nổi rồi vì bàn tay trái của tôi bị phòng lên đầy mọng nước, một móng tay thì bầm tím, còn các bạn khác thì cũng “same same” như tôi. Thầy với trò cười xòa và chữ J được gom lại cho vào nhà kho để làm vật “di sản” của trường. Một tuần lễ sau bàn tay trái của tôi vẫn còn mọng nước, ăn cơm chỉ dùng muỗng, dùng thìa. Thầy Huỳnh Thông Minh ơi là thầy Huỳnh Thông Minh! Tuy vậy tôi không nản chí,“vạn sự khởi đầu nan” chưa thấy thua,
đi học nghề mà !
    Đến phần thực hành xây dựng; một phần trụ của cổng trường bị đổ vì chiếc rờ mọt của chú Bảy Ngựa tông vào; Tôi, Quách Gú và Phan Anh Tuấn xây dựng lại, gạch và hồ đã chuẩn bị xong, Tuấn chuyền viên gạch cuối cùng, tôi đã xây xong, bàn giao lại cho Quách  Gú tô. Sau 3 giờ của một buổi chiều oi bức, trụ của cổng trường đã hoàn thành nhưng nhìn kỹ thì phình bụng ở giữa, ẹo ở phần lưng, còn lớp hồ Quách Gú tô thì giống như những cơn sóng đại dương – Thực tập mà! Đâu phải chuyên nghiệp – vậy mà cổng trường vẫn ung dung tồn tại hơn năm năm mới phá bỏ vì nới rộng lộ giới liên tĩnh.
   Đến phần thực hành tân trang làm mới là cạo lớp sơn cũ xe của Thầy Năng đồng thời cũng là Thầy Năng phụ trách nhóm. Đã ba ngày cả nhóm cùng nhau cạo lớp sơn cũ. Thao tác cạo thì mỏi tay. Lớp sơn cũ bay phủ cả đầu, cổ, quần áo; Phan Anh Tuấn cảm thấy cao hứng liền ngâm “Nông Lâm Súc ba hôm cạo sắt.” Tôi chêm vào “Cạo sắt ba hôm sắt vẫn còn.” Liền theo sau có một câu thơ nữa “Cạo mòn hết sắt còn gì xe tui!” Đó là câu thơ của Thầy Năng đứng ở phía sau lưng tôi và Tuấn. Tuấn nhà mình quay lưng lại mặt ửng đỏ và rồi thầy trò cùng vui cười thoải mái. Buổi thực hành nông trại nầy cũng là buổi cuối cùng của việc cạo nước sơn cũ nhưng thảm hại cho chiếc xe của Thầy Năng lúc nầy với những vết sơn đã cạo loang lở giống như màu da con bò sữa!
   Ngoài ra còn có các nhóm thực hành của Thầy Lộc: Cuốc nền nhà lên, dầm đá xuống, trám lại xi măng, hoặc có nhóm đi vét mương, đặt ống cống, xây đập, hay cả lớp tập trung vào xưởng học qua học cụ sống về chi tiết máy, nào là piston động cơ xăng, piston động cơ diesel lớn nhỏ đủ loại, hệ thống đánh lửa delco, manhêtô, bugie dài ngắn, đủ cở…
   Vào lớp giờ học những môn căn bản cũng như chuyên ngành bạn nào cũng chăm ngoan cả, có môn học cũng vui vui như khí tượng học về chuyện… gió, mưa do thầy Lê Quang Hồng phụ trách; nhưng khổ nổi có môn học chưa được hợp lý như môn sức bền vật liệu mà thầy Phan Kỳ Lân giảng dạy vì chương trình toán chưa học đến toán giải tích nên đành phải chấp nhận những thông số kỹ thuật về lực xoắn, lực uốn cong của sắt thép, gổ, bê tông…
   Và đặc biệt là thi đệ nhị lục cá nguyệt lớp 11 năm 1972 môn văn: Phân tích bài thơ Ngậm Ngùi của Tác Giả Huy Cận. Cả lớp biết gì mà phân tích vì không có trong chương trình học,không biết tiểu sử tác giả, thời điểm của bài thơ thì làm sao đây?
   Hết giờ nộp bài thi, ra cổng trường tôi hỏi bạn Kiêm Liên và được trả lời: “Ngậm bút thì hết Ngậm Ngùi Không làm được gì?” Quay sang hỏi bạn Quách Gú: “Tác giả Ngậm Ngùi thì mình ngậm bút, không làm gì được!, thế là hết ý!” Ngày đó cũng là Cô Giai Xuân gác thi ở lớp Công Thôn. Không biết Cô nghĩ gì, nhưng khi chấm bài thi của lớp có lẽ Cô phải nhức đầu, choáng váng, nghĩ xã hơi nhiều lần mới xong vì mỗi bạn có mỗi kiểu “tư duy”- Tuy nhiên kết quả bất ngờ không bạn nào bị loại cả… là mộng bình thường…
     Đến giờ thi môn toán đệ nhứt lục cá nguyệt, đề ra thi, thí sinh lớp 12 ban Công Thôn tưởng chừng đi trên chín từng mây. Tréo cẳng ngỏng rồi Thầy Trương Thuận ơi ! Thầy dạy hình học giải tích ra thi lại là đại số có biết tích phân là gì? Sf(x)dx? Hay thế nào là một hàm số đơn điệu khi x…+(vô cực), x khác zero, thời gian làm bài rộng thênh thang. Ngồi viết lại đề thi, làm vài câu toán học a*.b* = b*.a* gì đó để khỏi bị điểm loại. 
   Trong lớp giờ học cũng như giờ giải lao bạn bè cũng vui nhộn, cũng quậy phá ở đây theo kiểu có văn hóa, có văn minh nên không bạn nào phải phiền hà, thậm chí còn cáp đôi thầy giáo qua phấn viết vào nón của thầy (KL+T) khiến ông thầy âm thầm từ giả lớp (vì thầy dạy môn hóa học không bạn nào hiểu và theo kịp) nên được cả lớp “tẩy chay ông thầy” Tinh thần đoàn kết của các bạn trong lớp cũng rất cao, giúp đở nhau tận tình thậm chí kể cả “kèm” bạn yếu khi làm bài kiểm hoặc thi đệ nhứt và đệ nhị lục cá nguyệt.
     Nhưng lần này thì không biết dùng ngôn từ nào nữa?! Bàn tay đánh nhịp của Võ Thành Sang đong đưa từ từ thong thả-gần như xụi lơ- giống như Bà La Sát phất quạt Ba Tiêu vào mùa đông! Cả lớp đồng ca theo nhịp điệu của Thành Sang giống như tụng kinh hay nói đúng hơn là ca như kéo đàn cò. Từ Hải thì kéo lá cờ lên hết nổi vì cờ đã đến đỉnh cột mà bài ca chưa được 1/3, một sự hợp tác không hẹn trước sao mà ăn rơ quá. Bài ca vừa dứt thì một giọng từ lầu I của văn phòng vang xuống của thầy Hiệu Trưởng Đổ Bỉnh Xén:“Lớp Công Thôn qùi gối xuống 15 phút”, Từ Hải mặt như khỉ ăn ớt thốt lên: “Kỳ quá Thầy!” “Các anh chị lớp Công Thôn khoanh tay qùi gối xuống”, lời Hiệu Trưởng lần thứ 2.
   Qùi gối xuống thì cả lớp cùng qùi, những con trai ở lớp đàn em khi vào trường đi nhanh ngang qua không dám nhìn lại vì sợ biết mặt thì bị “úm ba la” còn các cô gái đi ngang qua thì cười khúc khích. Lúc nầy nhìn qua khuôn mặt từng bạn giống như khoai lang mắc nước, không biết tâm trạng ra sao? Có lẽ cười không ra cười khóc không ra khóc. Trải qua 10 phút lớp trưởng Từ Hải có lẻ không còn qùi nổi vội đứng lên: “Lớp mình đã qùi gối xong rồi bây giờ mình vào lớp học không sao đâu”. Đứng lên thì hai ống quần đều ướt cả bởi những giọt sương đọng trên cỏ; các tà áo dài của Ngũ Long Công Chúa lúc này màu nâu và nước bây giờ thực sự màu nâu “màu nâu của đất mẹ Việt Nam”.
 Cô Giai Xuân phải mất hết 10 phút mới giảng dạy quay mặt lên bảng nhưng đôi má của Cô vẫn còn ửng hồng, có lẽ Cô Giai Xuân cũng không nhịn cười được khi trông thấy cả lớp cùng nhau thương “màu đất” ở sân cột cờ. Các bạn mới ngày nào khi lần đầu bước chân vào trường gặp hàng rào cũng muốn nghiêng mình chào, bước vào sân thấy cây cao thì đầu cũng muốn gật, rồi qua ba năm học, lớp Công Thôn chúng ta dường như điếc không sợ súng, dám chọc giận đến thầy giám hiệu. Thật là một kiểu đoàn kết hết chổ nói.
      Ông bà ta ngày xưa có câu nói: “Nhất qủi, nhì ma, thứ ba học trò” nhưng con qủi, con ma đâu chẳng thấy mà chỉ thấy học trò quậy phá quá chừng. Phía sau trường có dãy nhà học sinh thuê ở trọ có biệt danh là “Sóc Lương”. Những mảnh đất của các lớp Canh Nông, Mục Súc thực hành nông trại cũng là những nơi học sinh ở trong “Sóc” ra thực tập đúng nghĩa của từ “Lương”. Những sản phẩm ở trong Sóc tiêu thụ thường là những bắp cải, củ khoai sau khi đã được thầy cô hướng dẫn thực hành nông trại chấm điểm xong mà chủ nhân chưa kịp thu hoạch, hoặc những chú gà sau khi đem mổ xẻ giám định “y khoa”, kiểm tra “dịch tể” xong được chuyển đến “Sóc Lương” thì sẵn sàng đón nhận.
  Đôi khi thức khuya học bài thi, túng mồi thì đột xuất mang chài ra ao cá Bác Giáp, giám thị trường, chờ máy bay cất cánh thì hành động vì tiếng ồn của động cơ máy bay làm ác đi tiếng chài xuống ao, làm sao Bác Giáp hay biết được. Tuy vậy có lần Bác Giáp tâm sự: Kinh nghiệm của học sinh ở Sóc Lương làm sao qua được kinh nghiệm trường đời của Bác, nhất cử nhất động đều biết cả, nhưng Bác cảm thông “cảnh đời” của học sinh xa nhà ở trọ để học thì nhầm nhò gì mấy con cá lẻ tẻ “lội lên bờ”.
   Đối diện cổng trường, Sóc Lương cũng có hai chi nhánh là của lớp Công Thôn. Chi nhánh 1 do Thái Thị Khiêm kim luôn thành viên cùng với Kiêm Liên, chị Thu Vân (lớp đàn chị canh nông)… sản phẩm tiêu thụ là mì ăn liền không cần qua sơ chế hay tinh chế gì cả. Thị Khiêm chọn phương án, lên kế hoạch hành động. Buổi trưa đi viếng ao cá, quan sát chùm mận gần đó, đêm xuống ra tay thực hiện trong trời tối đen như mực, chân bước sợ trượt ngã xuống ao làm mồi cho cá đồng thời sợ gia chủ phát hiện vì vậy phải ra tay nhanh gọn nên các qủa mận non già đều “tụm” ráo, vị mận ngọt chua gì cũng vui vẻ sẻ chia.
     Chi nhánh 2 do tôi làm giám đốc, Diên làm phó, Hưng Trương làm kế hoạch cùng với Anh Tuấn, Khai Thông và Quang Trần (canh nông) là những thành viên. Hưng bảo cây mít trước sân nhà trọ mình có trái mít chín, tối hãy ra tay. Tôi trèo lên mang trái mít xuống bàn giao cho Hưng đem đặt vào rương của Thông. Trưa đi học về xẻ mít chia đều cùng nhau thưởng thức. Thông về sau cùng ăn cơm xong có mít tráng miệng còn gì bằng. Sau giờ nghỉ trưa, tất cả các bạn chuẩn bị vào trường của buổi học chiều. Thông nhà ta mở rương ra lấy quần áo để thay thì…ôi chao ơi! Áo quần đầy mủ mít! Mít thì cho vào bụng rồi còn mủ tính sao đây?! Thôi hãy tính sau ! Gần trể giờ học rồi.
   Có lần tôi nhìn bạn Diên đang rửa cà mên mà cái lưng thì thẳng đứng, hóa ra Diên đang chăm chú vào buồng dừa cạnh đó. Diên vào báo cho tôi buồng thứ nhất có trái dừa vừa ăn, tôi bảo hảy để đấy. Tối đến tôi ra cây dừa chọn một trái nhưng quên hỏi lại Diên buồng dừa thứ nhất từ dưới lên hay từ trên xuống, nếu cứ loay hoay thì sợ bị gia chủ phát hiện nên bợ ngay một trái đem vào nhà... “…nước dừa mát rượi thơm tho, mùi dừa dịu ngọt kẻ cho người mời…” 
    Tưởng chừng mọi việc đã xong, nào ngờ… nửa đêm bụng tôi đau… chốc chốc tôi nghe tiếng chân bịt bịt. “Diên đó hả? làm gì vậy?” Diên bảo: “Đau bụng…”. Chất béo bao tử không tiêu hóa nổi, cả hai cùng thức đến sáng, con mắt chởm lơ, vào lớp học thỉnh thoảng lại gật đầu!
    Và cũng từ đó chúng tôi không còn tái diễn nữa vì đã gần hết 3 năm học, thời điểm bắt đầu chia tay để rồi mỗi bạn chọn cho mình một hướng đi lập nghiệp.
 
Viết xong ngày 19-03-2008

Trở về trang BẠN VIẾT
 
  Số người đọc 415490 visitors (1074693 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free