Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Kỹ niệm NLS
 
Lên mạng ngày 9/9/2008


NHỮNG KỸ NIỆM Ở TRƯỜNG THNLS CẦN THƠ

Trần Đăng Hồng
 
Tôi đang công tác được một tháng trong Đoàn Chí Nguyện Nông Nghiệp tại Nha Trang do lớp chúng tôi sáng lập sau khi vừa tốt nghiệp kỹ sư, nhờ sự bảo trợ tài chính của Bộ Thanh Niên mà Giáo sư Võ Long Triều của lớp chúng tôi đang làm bộ trưởng, thì tôi nhận được sự vụ lệnh đi dạy ở Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ
            Đó là đầu năm học 1964 –1965, Trường Cần Thơ lần đầu tiên mở các lớp đệ nhị cấp với Đệ Tam Canh Nông, Mục Súc và Công Thôn. Trước đó, trường chỉ có lớp Đệ Ngủ, Đệ Tứ và lớp chuyên môn Huấn Sự. Hiệu trưởng lúc bấy giờ là Ông Trần Hiệp Nam (thay Cụ Cựu Hiệu Trưởng Phan Lương Báu về hưu), Giám Canh Lê Quan Hồng, Giám học Nguyễn Tấn Phúc. Ngoài số giáo sư mời dạy từ trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm, giáo sư cơ hửu của trường vỏn vẹn chỉ có Cô Trần Cao Huân (Canh Nông), Lê Hiền Lương (Mục súc), Nguyễn Văn Thước (Văn, Sử), Ngô Lộc và Huỳnh Văn Phiếm (thực hành nông trại) phụ trách ở các lớp đệ nhất cấp, và tôi là giáo sư cơ hửu đầu tiên và duy nhất phụ trách phần Canh Nông ở đệ nhị cấp. Phần Mục Súc do ông Trần Hiệp Nam và Công Thôn do ông Lê Quan Hồng đảm nhiệm.
            Bởi vì là giáo sư chuyên môn độc nhất ở đệ nhị cấp, nên nhà trường giao tôi giảng dạy Nông Học, Vạn Vật, Khí tuợng cho các lớp đệ tam đầu tiên mới khai giảng. Ngoài ra, tôi cũng là giáo sư chánh của các lớp Huấn Sự Nông Chính, và Kiểm sự Túc Mể (Lúa gạo) được mở lần đầu tiên ở Việt Nam tại Cần Thơ. Và như vậy, cứ mỗi năm trôi qua, lớp đê tam lên đệ nhị, rồi đệ nhất, tôi cũng lên lớp dạy theo với các lớp này. Nhờ vậy, tôi quen mặt và nhớ tên hầu hết các học sinh của tôi qua 3 năm dạy liên tục ở trung học đệ nhị cấp. Đặc biệt có vài anh chị trong số các học sinh này được tôi dạy 7 năm liên tục, gồm 3 năm đệ nhị cấp ở NLS Cần Thơ, và 4 năm ở Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ, như các anh chị Phạm Văn Sem (Phó Hiệu Trưởng NLS Cân Thơ), Phạm Ngọc Liểu (Phó VT Viện Cây Ăn Quả Long Định), Nguyễn Thị Thanh Tuyền (Tiến sỉ, giáo sư Đại Học S. Carolina, Hoa Kỳ), Pham Hồng Cúc (Tiến sỉ, Công Ty Hạt Giống), Hà Thế Tạo (Úc), Quách Như Quan (Úc), Trần Thu Thạnh (Úc), v.v.
            Phải nói rằng các anh chị học NLS Cân Thơ là những học sinh rất xuất sắc. Chẳng hạn, có những học sinh ưu tú NLS đạt những học bổng du học mà tiêu chuẩn tuyển chọn rất khó [như chị Liểu Minh Phương du học Hoa Kỳ được tuyển chọn ở cuối năm đệ tam CN (1964-65)], hay có một số thi nhảy lấy Tú Tài Phổ Thông với hạng cao, hay sau khi rời NLS Cân Thơ có nhiều anh chị thi đậu và học xuất sắc ở các Đại Học Khoa Học, Sư Phạm, Luật, Quốc Gia Hành chánh, Y Khoa, Dược khoa, Nha khoa, v.v. Sau này, có một số, khi ra nước ngoài, học lại để đổ đạt thành Bác Sỉ (như Nguyễn Thanh Lương, Trần Văn Diên, v.v.), hay tiến sỉ dạy Đại Học. Cũng như có nhiều anh chị thành công trong doanh nghiệp và các ngành nghề khác. Trong dịp về thăm trường củ năm 2007, tôi có dịp gặp lại một số anh chị cựu học sinh, và tôi được biết rằng đa số anh chị rất thành đạt trong công danh và sự nghiệp ở trong nước.
            Những kỹ niệm sâu sắc nhất đối với tôi là trong thời gian 3 năm dạy học ở Nông Lâm Súc Cần Thơ với công tác Đoàn Chí nguyện Nông Lâm Súc. Vì chương trình chí nguyện Nông Nghiệp ở Nha Trang của lớp chúng tôi rất thành công, nên khi vừa về Cần Thơ tôi được Nha Học Vụ giao phụ trách thành lập Đoàn Chí Nguyên Nông Lâm Súc tại trường Nông Lâm Súc Cần Thơ, một số bạn học lớp tôi phụ trách ở Trường Bảo Lộc và Trường Cao Đẳng Nông Nghiệp Sài Gòn, Nhờ tài chánh yểm trợ dồi dào của Đoàn Chí Nguyện Quốc Tế của Hoa Kỳ (IVS, International Voluntary Service) thông qua Nha Học Vụ, công tác hoạt động chí nguyện ở Cần Thơ rất thành công. IVS Hoa Kỳ gởi anh Jerry Kliever về NLS Cần Thơ để phụ giúp chúng tôi, cũng vừa dạy Anh Văn. Anh Nguyễn Văn Thước phụ trách về sinh hoạt cộng đồng (ca hát, cắm trại, lửa trại, báo chí), anh Lê Hiền Lương phụ trách về Chăn nuôi thú y, anh Lê Quan Hồng phụ trách về tài chánh và ngư nghiệp, còn tôi phụ trách tổng quát và chuyên môn canh nông. Jerry Kliever phụ trách tìm nguồn tài chánh và vật dụng từ các cơ quan viện trợ Hoa Kỳ - USAID (như Xi măng, tôn lợp nhà để làm chuồng trại, xây đường ở các hẻm). Hàng trăm học sinh NLS gia nhập để hoạt động cuối tuần (Thứ Bảy và Chủ Nhật), tổ chức thành từng toán từ 3-5 học sinh, có một toán trưởng chịu trách nhiệm. Tất cả các toán dưới quyền điều động của Đoàn và các Thầy. Mỗi toán hoạt động tại một khu vực do toán chọn và được các Thầy đồng ý, phần đông là giúp nông dân ở Cồn Khương, Cồn Sơn, Bình Lạc, Đầu Sấu, Bình Minh, v.v., nghĩa là chung quanh nhà truờng trong vòng 10 cây số. Ty Nông Nghiệp, Ty Thú Y và Trung Tâm Bảo Vệ Mùa Màng yểm trợ Đoàn Chí Nguyện hết mình bằng cách cung cấp hạt giống mới, bình xịt, phân bón, thuốc sát trùng, thuốc chủng ngừa bệnh gia súc, và thuốc trị bệnh gia súc thông thường v.v. Cuối tuần, hàng trăm học sinh tung đến các địa điểm để làm thí điểm nông nghiệp với các giống mới, phân bón, bảo vệ mùa màng khi có sâu xuất hiện, chỉ dẩn vệ sinh chuồng trại, chủng thuốc ngừa bệnh và trị bệnh gia súc, nuôi cá trong ao, v.v. Vì vậy, tôi rất bận rộn suốt tuần, trong tuần thì lo dạy học, ngày cuối tuần thì hoạt động công tác với các em học sinh. Thỉnh thoảng, anh Nguyễn Văn Thước tổ chức lửa trại trong trường, cắm trại ở Bình Lạc, Đầu Sấu, v.v. Ngoai ra, Đoàn còn có tờ báo “Vươn Lên” phát hành định kỳ, in roneo với nội dung khá phong phú do một số anh chị học sinh đảm nhiệm.
            Hè 1966, hoạt động cao điểm, chúng tôi tổ chức hoạt động không những ở Cần Thơ mà còn ở nhiều tỉnh khác, như An Giang, Châu Đốc, Kiến Phong, Sóc Trăng là nơi quê quán của một số học sinh.
Nhờ qua công tác này, một số học sinh nghèo có thêm tiền túi để tiêu xài và ăn học, không phung phí thời giờ dư thừa lêu bêu ngoài đường phố, mà tạo thêm ý chí yêu nghề, yêu đồng ruộng, yêu quê hương, vừa trao dồi thực tiển ngành chuyên môn, vừa truyền bá kỹ thuật mới học ở trường cho vùng thôn dả. Cũng nhờ qua chương trình chí nguyện này mà bao kỹ niệm đẹp còn lưu niệm mải trong lòng mỗi học sinh, mỗi thầy giáo. Sau hơn 40 năm, mỗi khi găp lại nhau, thầy trò đều nhắc lại những kỹ niệm vui đẹp này.
Tuy tôi rời trường năm 1968 để phục vụ ở Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ, tôi cũng còn về dạy vài môn ở THNLS Cân Thơ cho đến năm 1970. Tôi rời Việt Nam năm 1974. Cho tới bây giờ những kỹ niệm về trường NLS Cần Thơ vẫn còn lưu mải, in sâu đậm trong lòng tôi. Có những giấc chiêm bao tôi thấy lại cảnh đứng trên bục gổ để giảng bài, thấy hình ảnh một số em hoc sinh thân thương, mà hơn 40 năm tôi chưa hề gặp lại, hay biết tin tức. Thỉnh thoảng nghe tin một vài em đã vĩnh viễn ra đi.
Những ngày vui đẹp xa xưa đâu còn tìm lại được, nay chỉ còn vương vấn nặng trỉu những kỹ niệm của ngày nào.
 
Reading (Anh Quốc), 4/9/2008

Bài này viết cho Đặc San "Trường củ Tình xưa" của Lớp Công Thôn 1970-1973.

Trở về trang BẠN VIẾT
 
 
  Số người đọc 421183 visitors (1088463 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free