Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Lục tỉnh qua ca dao_4
 
Lên mạng ngày 9/6/2009

THĂM LỤC TỈNH QUA CA DAO
Phần 4: Vĩnh Long - Trà Vinh


Cô gái bán bưởi trên sông Vĩnh Long
 
Sau khi nghe hai chuyện tình đầy bi thương trên bước đường viếng thăm Đồng Tháp vừa qua, lòng chàng nặng trĩu nỗi u buồn. Lênh đênh trên con thuyền nguợc dòng nước Tiền Giang, chàng bổng chợt nhớ đến con “thuyền Bát Nhã” đưa con người ra khỏi bến mê.
Cậy anh chuốt một cây sào,
Chống thuyền Bát Nhã qua ao Long Hồ
 
Nhưng chàng còn quá nặng tình trần thế. Chàng đang giang hồ đến xứ Long Hồ để xem phong cảnh và con người chứ chưa phải lúc tìm đường thoát tục. Long Hồ phát xuất từ tiếng “Longhor” của người Miên, vì ngày xưa, đây là đất thuộc xứ Tầm Đôn (nay là trung tâm thị xã Vĩnh Long) và Xuy Lạp của Cao Miên. “Long Hồ Dinh” được thành lập năm 1732, dưới thời chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Trú, gồm Vĩnh Long, Bến Tre và một phần Cần thơ ngày nay. Long Hồ vốn là vùng đất cố cựu của Vĩnh Long, nổi danh “địa linh nhân kiệt”. Biết bao nhân tài được sinh ra hay lập nghiệp ở đây: Phan Thanh Giản (1796- 1867, sanh tại Bảo Thạnh, Ba Tri, trước thuộc Long Hồ, nay thuôc Bến Tre), Phan Tôn, Phan Liêm (con của Phan Thanh Giản), Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898, sinh tại ấp Cái Mơn, Chợ Lách - nay thuộc Bến Tre), Bùi Hửu Nghĩa (1807-1872, sinh tại Long Tuyền, nay thuộc Cần Thơ).
Long Hồ là xứ địa linh
Đất sinh nhân kiệt, người sinh anh hùng
 
Vĩnh Long có cặp rồng vàng
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Công (hay Luân) Thần (tức Phan Thanh Giản)
 
Ông Phan Thanh Giản là người đậu tiến sỉ đầu tiên ở Nam Kỳ, vào lúc tuổi 30. Trong 41 năm làm việc (từ 1826 đến 1867), ông từng giữ các chức vụ quan trọng như thượng thư Bộ Lễ, Bộ Hình, Bộ Hộ, làm Hiệp biện Đại học sĩ, làm quan trải qua 3 đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông là người tính cương trực, khẳng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm, được nhiều người kính phục. Ông cũng từng được cử đi sứ Trung Quốc, Pháp, và nhiều nước khác... Khi sang Pháp thương nghị, ông tận mắt chứng kiến sự hùng mạnh của người Tây, ông đã viết bài Tự Thán, cũng như Nguyễn Trường Tộ, ông đề nghị đất nước phải canh tân, nhưng từ quan tới vua, không ai nghe lời ông, còn cho rằng đi xa về nhà nói khoác.
Từ ngày đi sứ tới Tây kinh,
Thấy việc Âu châu phải giật mình.
Kêu gọi đồng bang mau kịp bước,
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin…
 

Thành Long Hồ
 
Ngày 20 đến 24 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, rồi An Giang và Hà Tiên. Trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi, để tránh đổ máu vô ích, ông đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Sau khi thành mất ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867, hưởng thọ 72 tuổi. Vì để mất 3 tỉnh Miền Tây, vua Tự Đức lên án trảm giam hậu và đục tên ông ra khỏi bia đá Tiến sỉ. Phải 19 năm sau, vua Đồng Khánh mới khai phục nguyên hàm Hiệp tá đại học sĩ và cho khắc lại tên ông ở bia Tiến sĩ. Nhưng cho tới ngày nay, một số trường vốn từng mang tên ông vẫn chưa được phục hồi tên củ. Ngậm ngùi trước bậc kỳ tài gặp nhiều oan trái, chàng đến viếng mộ ông và kính cẩn nghiêng mình:
 

 

 Mộ Phan Thanh Giản
 
Bây giờ thì ghe chàng đến Trà Ôn, nơi đây có đền thờ một người Miên có nhiều công trạng với chúa Nguyễn Ánh:
Lịch thay cuộc địa Trà Ôn
Miếu ông Điều bát lưu tồn đến nay

Đất Giồng Thanh Bạch xưa kia
(Xã Thiện Mỹ, Trà Ôn)
Có đền ông lớn với bia lưu truyền.
 
Tiền quân Thống chế Điều bát tên thật là Thạch Duồng, gốc Miên, người quê làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, Càng Long, Trà Vinh. Do có công với triều Nguyễn nên ông được ban quốc tính - họ Nguyễn, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tồn. Ông được nhân dân Trà Ôn tôn kính như một bậc tiền hiền có công khai hoang mở cõi vùng đất này.
 
Không xa đây lắm là cù lao An Bình và Bình Lương, vốn là hai thắng cảnh của xứ Long Hồ, với vườn cây thơm ngọt, đậm đà tình quê:
 

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
 
An Bình đất mẹ cù lao,
Thơm hương hoa bưởi, ngọt ngào nhãn long.
Khách về nhớ mãi trong lòng,
Cù lao nho nhỏ bên dòng Tiền Giang
 
Bình Lương gió lộng về chiều,
Bến đò Tân Tạo có nhiều khách sang.
Đò dọc rồi lại đò ngang,
Đò qua chợ Vĩnh, đò sang An Bình
 
Bình Lương là chốn náo nương,
An Bình là chỗ tình thương đậm đà
 
Vĩnh Long có nhiều phong cảnh đẹp, trai thanh gái lịch, đất đai ruộng vườn phong phú, sông rạch lại lắm cá tôm:
Vĩnh Long cảnh lịch, người xinh
Ruộng vườn tươi tốt, dân tình hiền lương.
 
Vĩnh Long giàu bưởi Bình Minh
Cam quít Tam Bình, đồng lúa Vũng Liêm
 
Bà Phong, Bà Phận, Ông Cớ, Ông Nam
Dưới sông cá bạc, tôm vàng
Ruộng đồng lúa trúng, nhiều bạn hàng tới lui.
 
Rạch Cái Cam, vườn cam sai quả
Rạch Cái Cá, cá lội thành đàn
Lòng tôi tha thiết yêu nàng
Như vườn cam ngọt, như đàn cá bơi.
 
Chàng từ giả Vĩnh Long, ghe chàng theo dòng sông Măng Thít xuôi về miệt Trà Vinh. 
Sông Mang Thít có dòng nước xoáy
Rạch Bà Soi nước chảy vòng cung
Người đi mang nỗi nhớ nhung
Sông này vẫn giữ thủy chung với người.
 
Trà Vinh tiếng Miên là “Preastrapeang” có nghĩa là “Hồ thánh”, phải chăng ám chỉ “Ao Bà Om” ? Ao Bà Om rộng tới 15 ha, nằm trên giồng đất cao, người Miên đào ao này từ thời xa xưa để giữ nước ngọt cho nguyên vùng. Theo Phật Giáo tiểu thừa, các sư sải Miên là người lảnh đạo tinh thần của Sóc (Srok - thôn làng). Vì vậy việc quản lý hồ nước đều do nhà chùa đảm trách, nên bên cạnh hồ đều có chùa. Đó là Chùa Âng bên cạnh, một thắng cảnh của Trà Vinh.
 

 

 Ao Bà Om
 
Biển Ba-Động nước xanh cát trắng,
Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây,
Xin mời du khách về đây,
Xem qua thì biết chốn nầy thần tiên.
 
Chuyện xưa kể rằng, mỗi khi nam và nữ trong làng muốn cưới nhau, không bên nào dám ngỏ lời trước, vì sợ chịu phí tổn hôn nhân rất lớn. Nên nhân chuyện đào ao lấy nước, dân làng cho hai bên nam nữ thi đua, mỗi bên đào một hồ, bên nào thua phải chịu tốn kém cho việc cưới xin. Người lãnh đạo phái nữ là Bà Om liền nghĩ ra một kế. Khi trời vừa sập tối, bà cho bày tiệc thết đãi các ông và cho các thiếu nử đứng ra múa hát. Vì quá chén và bên người đẹp, ỷ lại vào sức của mình, nên các ông lơ là nhiệm vụ. Tới nửa đêm, Bà Om treo ngọn đèn lên cành cây làm họ lầm tưởng là sao Mai mọc, xách đồ nghề về. Các bà ở lại cắm cúi đào và chiến thắng. Địa danh ao Bà Om được lưu truyền từ đó. Người “Yuôn” (người Miên gọi người Việt là yuôn) gọi là “Ao Bà Om” hay “Ao Vuông”, nhưng người Miên gọi là Sra Cu (Hồ đôi), bởi vì có 2 ao, một lớn một nhỏ, do 2 phái đào.
Khi nghe xong huyền thoại này, chàng bật cười một mình: Người Miên xưa đã biết tổ chức “tiệc ôm”, “ca ôm”, và như vậy phải là ao “Bà Ôm” mới đúng.
Y phục của cả hai phái nam và nử Miên là chiếc xà-rông (sarong) quấn từ ngực trở xuống. Riêng các thiếu nữ thì xa-rông có hoa văn, màu mè, rất đẹp. Chuyện bên lề lịch sử kể rằng sứ Trung Hoa đến viếng nước Phù Nam vào thế kỹ thứ 4. Nước Phù Nam bấy giờ gồm đất từ Phú Yên cho tới Lục Tỉnh, Campuchia, Lào và Thái Lan bây giờ. Nước Phù Nam rất giàu có, đâu đâu cũng có đền đài tráng lệ, nhà cửa dân chúng đẹp đẻ. Duy có một điều ông chê là còn man di, vì người Phù Nam không mặc áo quần, chỉ ít vải quấn phần dưới. Ông nói điều này cho vua Phù Nam biết. Vì vậy, nhà vua ra lệnh cho tất cả mọi người Phù Nam phải lấy vải bao khắp thân thể từ trên xuống dưới. Chính nhờ vậy chiếc xà-rông xinh đẹp, khêu gợi, và hấp dẩn hiện diện ở khắp vùng Đông Nam Á, vốn là lảnh thổ của Phù Nam.
Trong bộ y phục Xà-rông rạng rở màu sắc, các cô gái Miên, nhất là các cô Miên lai, đẹp và khiêu gợi vô cùng, nên lắm chàng trai “Yuôn” đã phải:
Nước chảy Láng Linh, chảy ra Vàm Cú
Thấy dáng em chèo, cặp vú muốn hun
 
hay:
Nước chảy sông xa, chảy qua Trà Cú
Thấy dáng em chèo, cặp vú muốn hun
 
Cô gái Miên thì tính thật thà:
Hai tay em cắm xuống bùn
Mình mẩy lấm hết, chớ anh hun chỗ nào?
 
Còn chàng trai “Yuôn” thì láu lỉnh:
Cầu trời đổ trận mưa rào
Bùn sình trôi hết, chỗ nào anh cũng hun!
 
Nói thì nói vậy, chứ cô gái Miên rất đứng đắn và chung tình:
Cá Trà Vinh xanh kỳ đỏ dạ
Gái xứ nầy không lang chạ đâu anh…

Trà Vinh là xứ thịnh vượng vì có ruộng tốt dưới đồng sâu, có vườn xanh trên đất giồng cao, có biển, có sông, có nhiều tôm cá, mà dân tình lại đôn hậu, đoàn kết với nhau:
Trà Vinh là xứ ruộng, giồng,
Rừng xanh, biển rộng, nhiều sông, lắm vườn
Con người hiền hậu dễ thương
Xa quê lập hội đồng hương kết tình.
 
Đây là vùng đất Miên, và người Miên chiếm tới 29% dân số, nên các địa danh vẫn giữ tên Miên:
Trà vinh, Trà cú, Trà kha
Trà cuôn, Trà tro, Mặc dồn
Chầm ca, Chăng mật, Tầm rôn
Sâm bua, Sóc thác, Ô đùng, Tầm Phương
Ô trao, Ô chít, Quí nong
Ô răng, Ô chát, Cà tum, Lò ngò
Chong văn, Chong bát, Chong so
Phiêu, Trà kháo, Bắc-sa-ma, Nô rè
Bà dam, Trà tót, Tha la
Dàm ray, Cà tóc, Kỳ la, Thị ròn
Thăm đua, Ba tục, Cà hom
La bang, Ba sát, Xà dần, Sóc Len
Hàm giang, Ba cụm, Nô men
Người đi bỏ lại mình “ên” em chờ
 
Và tên Miên của các địa danh thường được dùng làm câu đố:
Ðất nào bằng đất Trà vinh
Cửu long hai nhánh ôm tình quê hương !
Ðố ai cắt nghĩa : Trà cuôn,
Trà kha, Trà cú, Trà rom....là gì ?
Ô Ðùng, Ô Chác, Ô Tre
Ô Răng, Ô lắc, Ô Rè....ở đâu ?
Giồng Chanh, Giồng Lớn, Giồng Cau
Giồng Trôm, Giồng Lức,...giồng nào không... mô ?
Cồn Cu, Cồn Trứng, Cồn Ngao,
Cồn Ông, Cồn Lợi cồn.....nào vọp to ?
Long Toàn, Long Hữu, Long Hòa
Long Bình, Long Thới, .... phải là rậm..." long" ?
Cầu nào chẳng bắt qua sông
Cầu Quan ? Cầu Cống ? Cầu Ngang ? Cầu Kè ??
Ðố ai quên được tình quê
Ðố ai viễn xứ không về Trà vinh?!


Lại một lần nữa chàng cười nghiêng ngã với những câu đố nhiều thâm ý.
Đến Trà Vinh mà không thưởng thức các đặc sản của người Miên là một thiếu sót lớn. Ngoài “mắm bò hóc”, người Miên gọi “prohok”, mà chàng sẽ thưởng thức khi đến Sóc Trăng, một thổ sản của người Miên ở đây mà chàng ưa thích là “Cốm dẹp” làm từ hạt lúa nếp khi còn sửa.
            Ngoài ra, đến Vĩnh Long Trà Vinh mà không thưởng thức món “cá cháy” thì coi như chưa biết gì:
Trà Ôn cá cháy lạ kỳ
Nấu rim kho mặn, món gì cũng ngon!
 
Cá cháy ở Trà Ôn là một món cá đặc sản quý và hiếm của vùng sông Hậu. Trên sông Hậu, từ Cầu Kè (thuộc Trà Vinh) lên đến xã Tích Thiện (Trà Ôn) là vùng gặp nhau giữa nước ngọt và nước lợ. Hàng năm, khoảng từ trước tết đến sau tết một tháng, nhiều nhất là các buổi sáng sớm có mù sương mờ mịt, cá cháy xuất hiện nhiều trên cả một khoảng sông dài.
Những ngày vui ở Trà Vinh cũng chóng trôi qua. Chàng từ giả Trà Vinh, ngược dòng sông Hậu. Khi đến Vũng Liêm, chàng sực nhớ là chưa đến viếng thăm quê của Thoại Ngọc Hầu:
Ai về thăm lại Trà Ôn
Tháng giêng mùng bốn giỗ ông Ngọc Hầu 
 
Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) người gốc Quãng Nam, vào nam lập nghiệp tại Cù Lao Dài thuộc Vũng Liêm (trước thuộc tỉnh Vĩnh Bình, nay thuộc Vĩnh Long). Ông và phu nhân có công lớn khai phá vùng Châu Đốc, đào kinh Thoại Hà, Vĩnh Tế, lập 5 làng ở Châu đốc. Dầu có công lao như vậy, và mặc dầu đã chết rồi, vua Minh Mạng vì nghe lời vu cáo, đã giáng chức ông, con trai ông bị lột ấn hàm, điền sản bị tịch thu, và con cháu mấy đời sau cam phận sống cảnh dân dã nghèo nàn. Phải 90 năm sau, dưới đời vua Khải Định, nổi oan của ông mới được giải. Nhưng than ôi, con cháu ông đã lưu lạc bốn phương trời! Phải chăng người dân dả Miền Lục Tỉnh đã mượn hoàn cảnh của ông Móm để ngậm ngùi tưởng nhớ Ông và thương xót cho con cháu Ông.
Ruộng cò bay dặm dò truông cóc
Cháu con ông Móm lăn lóc cơ hàn
Ai xuôi khiến cảnh bẽ bàng
Mồ ông còn đó họ hàng chẳng thăm.
 
Vì vậy, chàng quyết định đi thẳng đến An Giang, Châu Đốc để chiêm ngưởng những công trình khai phá ngày xưa của Ông.

Mời thưởng thức ca vũ nhạc: Hương tình Trà Vinh - Ca sĩ: Hương Thủy
 
Anh quốc, 6/2009
Nguyễn Thị Kim-Thu
 
Đọc tiếp Phần 5: An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá
 
 
  Số người đọc 415488 visitors (1074617 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free