Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Để nông dân bớt khổ
 
Lên mạng ngày 10/2/2009

Để nông dân bớt khổ
TS Nguyễn Văn Huỳnh (Đại học Cần Thơ)
 
Hội nghị sơ kết sản xuất lúa trong năm 2008 tại An Giang vào ngày 19-9-2008 cho thấy, mặc dù đang bị rầy nâu và bệnh Vàng Lùn hoành hành nhưng nhờ sự chỉ đạo chặt chẻ của ngành nông nghiệp nên vụ Hè Thu vừa qua rất trúng mùa và dự báo cho thấy 400.000 ha của vụ Thu Đông cũng đang phát triển tốt, sẽ thu hoạch vào cuối tháng 10. Kết quả là giá lúa hiện nay đang giảm xuống còn dưới 5.000 đồng /kg vì thương lái không mua kịp nên nông dân phải trữ lúa tạm bợ ở trong nhà trong lúc không có tiền để trả nợ vật tư. Mặc dù kế hoạch xuất khẩu từ nay đến cuối năm có triển vọng lên đến cả triệu tấn nhưng sẽ có nhiều khó khăn về giá cả do các nước khác cũng được trúng mùa và Thái Lan sắp vào mùa thu hoạch chính của họ trong các tháng cuối năm.
Hiện nay, giá gạo trên thị trường thế giới đã ổn định lại sau cuộc khủng hoảng đột xuất hồi đầu năm do giá dầu thô tăng cao đến gần USD 150/thùng làm cho nhiều nước công nghiệp đã có kế hoạch chuyển đổi mạnh sang trồng cây lương thực như bắp, khoai, lúa miến để sản xuất ethanol chạy máy xe. Với gạo có phẩm chất bình thường như nước ta đang sản xuất hiện nay thì dự đoán có thể giá cả sẽ khó lên cao hơn USD 600/tấn trong những năm sắp tới. Do đó, nếu nông dân của chúng ta không hạ được chi phí sản xuất và tăng phẩm chất gạo thì sẽ rất khó có lời trong thời gian sắp tới.
Để tìm giải pháp cho các vấn đề trên, trước tiên hãy nhìn vào hiện trạng sản xuất lúa hàng quá xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta sẽ thấy còn rất lạc hậu với nhiều điều bất cập:
- Nếu Thái Lan có sản lượng gạo xuất khẩu ổn định là nhờ có diện tích rộng nên chỉ trồng một vụ lúa mùa trong năm, vừa có gạo chất lượng cao lại ít tốn vật tư nông nghiệp, thì để có dư gạo xuất khẩu, nông dân ta phải canh tác 2-3 vụ lúa trong năm: vừa tốn nhiều xăng dầu để bơm nước, vừa vắt kiện độ phì nhiêu của đất, lại tạo điều kiện cho rầy nâu phát triển và lây lan từ vụ này sang vụ khác. Vừa sau khi thu hoạch xong vụ trước họ lại vội vả đốt rơm rạ, rồi bừa dập để sạ lại ngay vụ sau. Điều này đưa đến nạn ngộ độc chất hữu cơ làm cho mạ non phát triển kém, nên họ phải sạ dày rồi bón nhiều phân đạm vào đầu vụ để bù vào.
- Thêm nữa, vì đất đai manh mún nên đa số nông dân nghèo nàn, đưa đến lạc hậu, chỉ nghĩ đến cái ăn nên ít có cơ hội và điều kiện học hành, thường sản xuất theo thói quen mà ít chịu tiếp thu kỹ thuật mới do sợ bị rủi ro, và cũng không dám đầu tư. Nông dân thường phải mua chịu vật tư ở các cửa hàng quen để đến khi thu hoạch và bán lúa xong mới có tiền trả nợ (cũng giống như làn sóng nuôi cá tra hiện nay). Trong phiếu ghi nợ của họ tại các cửa hàng thường chỉ ghi đơn giản là phân bón, thuốc sâu chớ không ghi rõ là thuốc gì, nên đối với thuốc trừ sâu họ chỉ biết đem phun chớ không cần biết hiệu quả ra sao. Do đó, việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu cứ ngày một gia tăng do độ phì nhiêu của đất đai ngày một giảm mà sâu rầy thì ngày một nhiều.
            Những hoạt động bất hợp lý trên vẫn đang tiếp tục xảy ra tràn lan trong khi có nhiều mô hình sản xuất lúa tiên tiến đã được thử nghiệm và nhân rộng một cách hiệu quả trong các năm gần đây. Thí dụ như chương trình “Ba giảm - Ba tăng” với khuyến cáo nên giảm lượng giống sạ, giảm bón phân đạm và giảm thuốc trừ sâu; mô hình áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM) ở cấp cộng đồng cho thấy nếu gieo sạ đồng loạt để “né rầy” hiệu quả thì có thể không cần phải dùng thuốc trừ sâu mà vẫn trúng mùa. Một số điển hình tập thể, trang trại hay nông dân tiên tiến đã áp dụng vào sản xuất và đạt lợi nhuận cao, như HTX sản xuất giống lúa Mỹ Thành với 100 ha ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), trang trại 70 ha lúa của anh Sáu Đức ở huyên Tri Tôn (An Giang)... Tuy nhiên, việc phổ biến các mô hình và nhân rộng các điển hình này còn rất chậm nên chỉ có tính cách lẻ tẻ và rời rạc do thiếu sự quan tâm tích cực của cơ quan chuyên ngành và nông dân. Các đề tài nghiên cứu khoa học nông nghiệp cũng đã được thực hiện rất nhiều và tốn kém, và nhiều đề tài có kết quả rất tốt và thiết yếu cho sản xuất, nhưng sau khi báo cáo nghiệm thu xong thì thường không mấy ai quan tâm để áp dụng vào sản xuất, nhất là các đề tài nhằm cho lợi ích chung của tập thể và cộng đồng.
            Để cải thiện tình trạng sản xuất nói trên, có một số việc cần được cân nhắc và làm ngay như sau:
1. Nên củng cố cơ cấu hai vụ lúa ăn chắc trong một năm là Hè Thu và Đông Xuân, với việc sử dụng giống lúa cao sản có chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến theo nguyên tắc “Ba giảm-Ba tăng” và biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM) để tránh tình trạng rầy nâu truyền bệnh đang lây lan như hiện nay. Nếu không có lúa vụ ba (Thu Đông) thì đất sẽ được nghỉ để phục hồi độ phì nhiêu, hay nuôi thuỷ sản, và không còn cầu nối để sâu bệnh lây lan, nên tránh được tình trạng nông dân phải dùng nhiều phân đạm và thuốc hoá học như hiện nay.
2. Vai trò của công tác khuyến nông và chuyển giao KHKT cần phải được cải tiến để hỗ trợ công tác quy hoạch và chỉ đạo nói trên được triển khai một cách hiệu quả. Với cách tổ chức như hiện nay thì số cán bộ khuyến nông còn quá ít, lại bị phân tán manh mún theo kiểu mạnh ai nấy lo, như ngành bảo vệ thực vật có cán bộ IPM riêng, trồng trọt, thú y, thuỷ sản cũng có cán bộ riêng. Tại sao không liên kết chung lại để đào tạo một cán bộ về khuyến nông và chuyển giao tiến bộ KHKT có đủ khả năng làm hết các chức năng nói trên cho một địa bàn, để vừa được thêm người mà lương bổng cũng đủ sống cho họ có thể làm tốt công tác? Trong khi các công ty nông hoá được quảng cáo rầm rộ thì đài phát thanh và truyền hình có rất ít chương trình khuyến nông đủ chất lượng, đều đặn và dài hạn, có chăng thì cũng nhờ sự tài trợ của các công ty nông hoá. Tài liệu khuyến nông cũng tương tự, hiếm và nghèo nàn về mẫu mã nên nông dân thích đọc của quảng cáo hơn. Tôi thấy cách tổ chức khuyến nông của Thái Lan có nhiều ưu điểm: cán bộ khuyến nông chỉ đóng vai trò hỗ trợ nên không cần có nhiều, còn nông dân tự tổ chức thành nhóm để tự học lẫn nhau qua sự gợi ý và theo dõi của cán bộ khuyến nông. Không có các khoá tập huấn chung để “nghe qua rồi quên” mà nông dân tự học thực tiển bằng cách tổ chức các buổi toạ đàm luân phiên nhau ngay trên ruộng vườn của mình.
3. Nếu liên kết được nông dân lại với nhau trong sản xuất thì mới có cơ hội để nâng cao dân trí nhằm có khả năng tiếp thu kỹ thuật mới cho nông dân nghèo. Kết quả của bảy mô hình “Nông dân tham gia phòng trừ rầy nâu ở cấp cộng đồng” do Cục Bảo Vệ Thực Vật (Bộ Nông Nghiệp) thực hiện với sự hỗ trợ của chuyên viên FAO ở bảy tỉnh trọng điểm lúa của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong vụ Hè Thu 2007 cho thấy có nhiều nông dân chưa bao giờ tin rằng “không cần phải dùng thuốc trừ sâu mà lúa vẫn không bị rầy nâu tấn công và rất trúng mùa nếu họ cùng làm việc, học hỏi lẩn nhau để ra quyết định chung mà nhiều khi thấy nó rất trái với kinh nghiệm của riêng mình”. Có lẽ hệ thống đài truyền hình của ta về số lượng thuộc hàng đầu thế giới với tỉnh nào cũng có một đài, nhưng các chương trình giáo dục kiến thức căn bản cho trên 70% dân số là nông dân nghèo ở nông thôn hiện nay còn quá ít, nhưng tôi tin rằng họ có thể và sẽ làm tốt được nếu tổ chức lại cho hiệu quả hơn.
4.    Một cơ hội để phát động phong trào nông dân liên kết để cơ giới hoá nông cụ là việc chỉ đạo gieo sạ lúa đồng loạt trên diện rộng để “né rầy” hiện nay đã đưa đến một tình thế là khi lúa chín đồng loạt thì không có đủ công gặt. Kết quả là nông dân bắt đầu mua máy thu hoạch lúa. Hiện nay số máy gặt đập liên hợp kiểu gia đình đã lên đến hàng trăm chiếc cho mỗi huyện hay tỉnh có thâm canh lúa mà hầu hết là máy ngoại nhập từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan. Chưa có cơ sở nào trong nước có khả năng sản xuất được là một sự lạc hậu rất đáng tiếc. Cũng có nhiều mẫu máy được thử nghiệm tốt nhưng nông dân chưa thích, có thể vì chưa đạt chuẩn hay vì đầu óc sính hàng ngoại của dân ta còn nhiều. Ở đây cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng để có thể đột phá hiện trạng này.   
            5. Sáng kiến liên kết “Bốn nhà” đã được khởi động mà trong đó điều mong mỏi nhất hiện nay là giữa nhà nông và nhà kinh doanh nông sản. Hiệp hội sản xuất cá tra đã khai thông bế tắc bằng chỉ thị sản xuất theo đơn đặt hàng của cơ sở chế biến và xuất khẩu, nghề mía đường cũng đang rụt rịt như vậy, còn nghề sản xuất lúa gạo có làm nổi không khi mà đa số nông dân không biết chữ, ruộng thì chỉ có một vài công, còn các cơ sở thu mua cũng chưa tạo dựng được thương hiệu nên chỉ mua đứt bán đoạn mà thôi. Hy vọng chương trình “Tam nông” đang được Bộ Nông Nghiệp & PTNT xây dựng rất kỹ sẽ khai thông được bế tắc này.
 
Thời báo Kinh tế Sài Gòn (23.10.2008)

Trở về Trang Khoa Học & Nông Nghiệp
 
 
 
  Số người đọc 421250 visitors (1088549 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free