Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Người mang tim heo
 
Lên mạng ngày 20/6/2009

NGƯỜI MANG TIM HEO
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
 

Từ hồi nào tới giờ thịt Heo là thực phẩm đã nuôi sống rất nhiều người. Ngoại trừ các dân tộc theo đạo Hồi giáo và đạo Do Thái giáo đều không ăn thịt Heo, còn lại đại đa số nhân loại đều xem thịt Heo là nguồn thực phẩm rất quý báu, bổ dưỡng và dễ tìm.
Bên cạnh những lợi ích về mặt dinh dưỡng vừa kể, ngày nay khoa học cũng vừa cho chúng ta biết là Heo còn có thể giúp con người chữa trị được một số bệnh tật, cải thiện và duy trì sức khỏe nữa.
 Thật vậy, một số bộ phận của Heo có thể được sử dụng để thay thế những bộ phận hư hỏng của chúng ta. Đó là phương pháp ghép dị chủng, tức là dùng bộ phận của một chủng loại này để ghép vào một chủng loại khác.
 
Tại sao phải cần đến phương pháp ghép dị chủng? (Xénogreffe, Xenotransplantation)

Tình trạng khan hiếm bộ phận là nguyên nhân chánh!

Tại Canada, năm 1999, có 3544 người chuẩn bị ghép đã ghi tên trong danh sách chờ đợi, nhưng cuối cùng chỉ có 1667 người may mắn nhận được bộ phận ghép thích nghi mà thôi. Đa số là ghép một quả thận (61%), ghép gan (23%), tim (10%), 2 lá phổi (3%), tụy tạng (1%), và ghép tim lẫn phổi ít hơn 1%.


Có thể nói là trên 30% bệnh nhân có tên trong danh sách chờ đợi đã chết trước khi người ta có thể tìm được một bộ phận ghép cho họ. Nguyên nhân chánh của vấn đề thiếu bộ phận là do tâm lý quần chúng còn e ngại, có lẽ do ảnh hưởng tôn giáo và tín ngưỡng, nên ít có ai chịu ký giấy hiến dâng bộ phận của mình sau khi qua đời.

Trên thế giới, trong số một triệu người thì chỉ có 14 người đồng ý hiến bộ phận ở Canada, 23 người ở Hoa Kỳ, và 17 người ở Pháp. Nhu cầu về bộ phận ghép đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Để giải quyết cơn khủng hoảng này, các giới khoa học bèn nghĩ ra sáng kiến sử dụng các bộ phận của thú vật …

Tại sao phải chọn con Heo?
 
Đầu tiên người ta có ý định dùng loài khỉ Chimpanzé và Babouin vì chúng thuộc nhóm primate như loài người, vả lại chúng cũng có rất nhiều điểm tương đồng với chúng ta về phương diện di truyền.

Nhưng trở ngại cũng quá nhiều vì số lượng khỉ rất hạn chế, tăng trưởng chậm trong điều kiện bị giam hãm, và phải cần từ 7-10 năm để có những bộ phận gần bằng kích thước với các bộ phận tương ứng ở Người…
Khỉ xuất phát từ rừng rậm Phi Châu nên có thể chứa đựng vô số mầm bệnh mà chúng ta không thể nào biết và chẩn đoán hết được. Virus bệnh AIDS, bệnh Sốt xuất huyết Ebola, và các loại virus gây cancer như cancer máu (Leukemia), và bệnh cancer hạch bạch huyết (Lymphoma) là một vài thí dụ mà chúng ta biết được…
 Ngoài ra cũng còn có một khó khăn khác, đó là áp lực chống đối của các nhóm bảo vệ môi sinh và bảo vệ thú vật hiếm quý. Họ không muốn thấy các loài khỉ bị ngược đãi và bị diệt chủng… Bởi những lý do vừa kể, nên người ta đã xoay qua chọn con Heo.
 
Về phương diện cơ thể học và sinh lý học, Heo có cũng nhiều ưu điểm. Heo là loài ăn tạp (omnivore) như Người, kích thước các bộ phận cũng không khác biệt mấy với các bộ phận của người. Heo rất mắn đẻ, cứ 6 tháng là có một lứa 12 con. Nuôi dễ và mau lớn. Sau 5 tháng là đạt trọng lượng 100 kg thật dễ dàng… Mỗi ngày trên thế giới có hằng triệu con Heo bị thọc huyết hạ thịt mà có nghe phe nhóm nào nhỏ một giọt lệ xót thương đâu?

 
Heo, tương lai của nhân loại?

Theo đà phát triển của cuộc cách mạng sinh học, Heo sẽ trở thành con vật lý tưởng để giúp chúng ta sống khỏe và sống lâu hơn.

Công ty khảo cứu PPL Therapeutics (Scotland), nổi tiếng trong những năm trước đây trong việc làm nhân bản vô tính (cloning) để tạo ra con cừu Dolly, thì vừa rồi họ cũng đã thành công qua phương pháp cloning để tạo ra 5 chú Heo con.Rất có thể là trong một tương lai không xa, PPL Therapeutics sẽ trở thành một phòng thí nghiệm vĩ đại chuyên sản xuất các bộ phận rời, tức là các phần của Heo để dùng trong việc ghép trị bệnh cho Người. Đây chỉ là dự đoán mà thôi. Tất cả còn trong vòng nghiên cứu thí nghiệm trên loài khỉ. Có lẽ phải trên 10 hay 20 năm nữa khoa học mới có thể áp dụng phương pháp ghép dị chủng ở Người.

Kỹ thuật ghép bộ phận đồng chủng (allograft), có nghĩa là lấy một bộ phận của người nầy đem ghép cho người khác, đã được thực hiện từ 40 năm nay rồi. Ngày nay, kỹ thuật này đã đạt kết quả rất khả quan, và đã giúp cho rất nhiều bệnh nhân phục hồi lại sức khỏe và sống thêm một hai chục năm rất dễ dàng.
 Lúc trước, valve tim heo thu lượm tại lò sát sinh được sử dụng để chế lại thành bộ phận ghép cho người, Đây là những mô chết, nên chúng phải kinh qua nhiều quy trình ngâm, rửa trong nhiều loại hóa chất trước khi được sử dụng an toàn.
 
Ngày nay, valve tim heo đã lần lần được thay thế bằng valve tim bò và valve nhân tạo để ghép cho người.
Tuyến tụy tạng heo được các công ty dược phẩm thu lượm để sản xuất chất insuline dùng trị bệnh tiểu đường.
 Da heo có thể được điều chế thành những chất liệu dùng để chữa các ca phỏng nặng.
Ruột heo cũng là một phế liệu rất hữu dụng, từ đó người ta trích lấy chất kháng đông heparine. Chất nầy được sử dụng để ngăn ngừa hiện tượng nghẽn mạch máu trong các trường hợp giải phẫu tim mạch.

Trở ngại chánh yếu: hiện tượng loại bỏ ngoại vật (organ reject)

Theo nguyên tắc miễn dịch học, một khi cơ thể tiếp nhận một ngoại vật (phải là mô sống), kháng thể (antibody) chống ngoại vật nói trên lập tức được tiết ra để tiêu diệt và loại bỏ nó. Ngoại vật được gọi là chất sinh kháng (antigen). Phản ứng loại bỏ chỉ xảy ra được nếu có sự hỗ trợ của một chất gọi là Complément do cơ thể sản xuất. Phản ứng càng rõ rệt và mạnh mẽ nếu ngoại vật thuộc một chủng loại khác với chủng loại tiếp nhận

Chất sinh kháng + Kháng thể + Complément ---> Phản ứng loại bỏ cực cấp tính.

Trường hợp ở Heo, sinh kháng chịu trách nhiệm tạo ra phản ứng là chất Galactosyl (Gal-alpha-1-3-Gal) nằm trong lớp tế bào endothélium, tức là tế bào lát phía bên trong của thành mạch máu Heo.
 
 
 
Một giải pháp: Heo được thay đổi gène (transgenic)

Các nhà khoa học đang đặt trọng tâm nghiên cứu vào hai mục tiêu chánh: đó là việc tạo ra những Heo thay thế vào đó bằng một gene lấy từ Người. Mục đích là để cho hệ miễn dịch của bệnh nhân bị xí gạt là đã nhận được một bộ phận của phe ta, tức là của Người nên sẽ làm nhẹ đi phản ứng loại bỏ. Một khi dòng Heo không Galactosyl được tạo ra rồi thì việc làm thêm copies bằng phương pháp nhân bản vô tính (cloning) để có thêm số Heo cần thiết sẽ là vấn đề không mấy khó khăn cho lắm!

Có nguy hiểm cho chúng ta hay không?

Điều mà mọi người e ngại nhất là một số bệnh của thú vật có thể vượt hàng rào chủng loại (specie barrier) để truyền lây sang cho Người. Khoa học gọi những bệnh này là zoonosis.
 
Còn nhớ vào năm 1918, dịch cúm Tây Ban Nha (Spanish Flu) đã giết hại hơn 20 triệu người trên khắp thế giới. Virus của bệnh dịch nầy có nguồn gốc từ bệnh cúm ở Heo và do virus H1N1 gây ra.
Năm 1998, virus Nipah xuất phát từ loài Heo đã làm trên 100 người thiệt mạng tại Malaysia.Từ năm 2004 đến 2009, dịch cúm gà H5N1 cũng đã giết hại trên 150 người ở Á châu và Ai Cập. Trong vụ này, người ta rất lo sợ virus cúm gà sẽ lây nhiễm cho Heo để từ đó sẽ truyền lây cho người, gây nên dịch cúm toàn cầu (pandemy), nhưng cũng may cho nhân loại nguy cơ này xém xảy ra trong tháng 4 năm 2009 vừa qua với cúm Heo H1N1.

Mấy năm gần đây, bệnh AIDS, bệnh Bò điên, và bệnh SARS đã làm cộng đồng nhân loại rất lo sợ. Tất cả những bệnh vừa kể đều có nguồn gốc từ thú vật.

Ngày nay với kỹ thuật khoa học hiện đại, người ta có thể dễ dàng tạo ra những loại Heo hoàn toàn không có mang vi trùng, ký sinh trùng hoặc một loại nấm nào cả.Đây là kỹ thuật chăn nuôi vô nhiễm, và các Heo này là Heo SPF (specific pathogen free). Heo SPF chỉ được dùng để thí nghiệm mà thôi. Nhưng có một trở ngại là kỹ thuật SPF không thể kiểm soát nổi sự nhiễm các loại virus.
 Đáng ngại nhất là loại Retrovirus vì chúng có thời gian ủ bệnh (incubation period) rất lâu dài, và sống rất dai trong cơ cấu di truyền (genome) DNA của tế bào Heo. Porcine endogenous retrovirus (PERs) là một thí dụ điển hình. Rất có thể một lúc nào đó PERs sẽ vượt hàng rào chủng loại để gây bệnh cho Người. Virus của các bệnh ác ôn như AIDS, Leukemia và Lymphoma đều thuộc nhóm retrovirus.
Còn biết bao câu hỏi nữa mà các nhà bác học chưa có thể trả lời hết được!
 
Một món hàng béo bở

Người ta nghĩ rằng chỉ riêng Hoa kỳ và Canada cũng phải có khoảng 82 000 người cần được ghép một bộ phận nào đó. Trong vài năm nữa, thương vụ của kỹ nghệ ghép bộ phận sẽ có thể đạt đến số 10 tỉ US dollars. Lợi nhuận quá cao sẽ thúc đẩy nhiều phe nhóm nhảy ra kiếm ăn.Xin kể ra đây một số tên tuổi của kỹ nghệ ghép hiện nay đang tranh đua trên thế giới: PPL Therapeutics (Scotland), Bio Transplant (USA), Infligen (USA), Xenogen (USA), TGN (Quebec) vv….Về mặt thị trường chứng khoán, đây có thể là một hướng cần được quan tâm để mua cổ phiếu...
 
Tốn bao nhiêu tiền?

Chưa ai có thể biết được chi phí của việc ghép dị chủng là bao nhiêu. Người ta ước đoán là một bộ phận của Heo như thận chẳng hạn bán ra tệ lắm cũng phải trên 10 000$ US một quả, đó là chưa kể tiền giải phẫu, tiền thuốc uống suốt đời để giữ cho bộ phận ghép không bị loại ra ngoài, cũng như để giúp nó hoạt động một cách hữu hiệu.

 Hiện nay, tại Canada chi phí ghép một quả thận là 20 000$ Can., cộng thêm 6 000$ tiền thuốc / năm…
Ghép tim tốn lối 80 000$ Can.


Phương pháp ghép dị chủng có thể giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi, đồng thời làm giảm bớt tiền thuốc lúc nằm chờ ở nhà.Ghép một quả thận tốn ít tiền hơn là phí tổn lọc thận (renal dialysis), lọc 3 lần / tuần trong 5 năm.
 
Ràng buộc về mặt pháp lý

Hiệu quả và hậu quả của việc ghép dị chủng còn rất mập mờ. Chưa có ai nắm vững tình hình hết. Bệnh gì có thể truyền lây cho nhân loại sau đó? Bởi vậy, sau khi được ghép bộ phận Heo, bệnh nhân sẽ bị quản lý chặt chẽ vì lợi ích công cộng. Họ phải ký giấy cam kết chịu giới hạn một số quyền như, không được đi ra khỏi xứ, không được hiến máu, nhà chức trách y tế có quền theo dõi bệnh nhân suốt đời, có bồ bịch, ngủ với ai phải mang áo mưa và phải kê khai rõ rệt (hơi kẹt đa!), nếu có chết bất tử thì xác sẽ được bác sĩ mổ khám tử (autopsy) để xét nghiệm. Thấy thì gắt như vậy, chớ không biết trong thực tế có mấy ai thật tình khai báo hết như vậy không?
Còn một vấn đề khác cũng khá phức tạp là liệu cơ quan nào, giới chức nào có thẩm quyền và dám chịu trách nhiệm ấn định mức độ hiểm nguy cho cộng đồng nhân loại nếu chẳng may có biến cố hoặc một dịch bệnh nào đó xuất phát theo sau việc ghép bộ phận Heo.
 
Khó khăn về mặt đạo đức và tôn giáo

Cũng như vấn đề phá thai, thay đổi gene (GMO), gây cấy tế bào gốc ở phôi thai (stem cell culture), làm nhân bản vô tính cloning, kỹ thuật ghép dị chủng cũng phải đương đầu với áp lực chống đối mãnh liệt của các tôn giáo, của các phe nhóm và của khối Hồi giáo không ăn thịt Heo. Họ diện dẫn đủ mọi lý lẽ, như nào là con người sao lại có quyền thay Thượng Đế làm thay đổi trật tự vũ trụ, nào là con Người là vật thượng đẳng còn Heo là vật hạ đẳng và cuối cùng là sự lo sợ rất hữu lý của nhiều người về mối nguy cơ một số mầm bệnh ở Heo có thể vượt hàng rào chủng loại để gây ra những bệnh dịch ở người!

Chuyện bên lề.

Thay thế bộ phận là chuyện sinh tử của người bệnh. Tìm được bộ phận thích nghi và đúng lúc không phải là chuyện dễ thực hiện đối với mọi người. Phải có thật nhiều may mắn, thật nhiều tiền, hoặc nhiều thế lực mới hy vọng có được bộ phận ghép một cách nhanh chóng.

Luật pháp các quốc gia trên thế giới đều nghiêm cấm việc trao đổi hoặc mua bán các bộ phận ghép. Nhưng luật là luật, thực tế ngoài xã hội đôi khi lại khác hẳn. Người đời thường nói có tiền mua tiên cũng được mà! Có người cần mua thì cũng có người cần bán bộ phận. Thị trường chợ đen bộ phận ghép đã có từ khuya…

Tin đồn rằng, mỗi năm có hằng trăm người Mỹ nhiều dollars đã đến các quốc gia đang phát triển vùng Á đông và Nam Mỹ để được ghép bộ phận một cách nhanh chóng khỏi phải mất công chờ đợi lâu lắc và rắc rối. Tiền trao, cháo múc. Đó là họ áp dụng nguyên tắc đầu tiên (tiền đâu) hay là nguyên tắc lấy của che thân?... chớ không lẽ nằm nhà đợi tới tết Congo mới hy vọng nhận được bộ phận ghép hay sao?

Các tổ chức buôn bộ phận thường đặt địa bàn hoạt động ở những nước nghèo khó, như Ấn độ và Nam Mỹ. Họ đi vào vùng quê, khuyến dụ những người nghèo khó cần tiền hãy bán bớt một quả thận đi. Thông thường thì người bán chỉ nhận được cao tay lắm là vài ba ngàn dollars mà thôi, trong khi người mua phải trả lối 10 000$ (Paris Match,12 Feb 2003).

Đôi khi còn tàn nhẫn hơn, họ bắt cóc du khách hoặc những ai đi lơn tơn tại nơi vắng vẻ, đem về mổ lấy bớt một quả thận sau đó khâu lại qua loa rồi vứt kẻ xấu số ra ngoài đường. Nạn nhân này cũng còn nhiều may mắn lắm đó, chớ nếu tham họ mổ lấy cả hai quả thận cùng một lúc thì chỉ có nước là thăng luôn!

Những năm trước đây tạp chí Canadian Medical Association Journal số 192 Nov, 2002 có đăng tin một bác sĩ gốc Ấn đã bị Hiệp Hội Y Sĩ Anh Quốc tước quyền hành nghề vì ông ta có dính dáng vào tổ chức mua bán bộ phận ghép. Thận được mua từ bên Ấn dộ và đem ghép cho bệnh nhân ở bên Anh quốc…
 Cũng có tin đồn rằng tại Trung Quốc, người ta thường lôi tù nhân hình sự (và cả tù chính trị Pháp Luân Công) ra…bụp một cái, sau đó mổ lấy bộ phận để bán theo yêu cầu cho khách hàng ngoại quốc. Đúng là tiện lợi mọi bề, vừa bớt kẻ chống đối, vừa trong sạch hóa xã hội lại và cũng vừa có một tí tiền còm để nhẩm xà chơi.Sau khi được ghép bộ phận, bệnh nhân may mắn này trở về quê hương của mình để được điều trị tiếp.
 
Kết luận

Ngày nay, thay tim đổi thận không còn phải là chuyện hoang đường giả tưởng nữa. Có thể trong tương lai năm ba chục năm nữa sẽ xuất hiện nhiều cửa hàng bán bộ phận rời để chúng ta mua về nhờ bác sĩ lấp ráp vào như ngày nay chúng ta đem xe đi sửa ở garage vậy.

Con người lúc đó có lẽ sẽ sống rất lâu hơn. Hư cái gì thì thay cái đó! Vấn đề khó khăn hiện tại thuộc về tâm lý và tư duy. Liệu người ta có dễ dàng chấp nhận mang trong người mình một quả tim heo hay không?

Từ trước tới giờ Heo đã bị con người miệt thị đủ điều: nào là ăn ở dơ bẩn như Heo, làm biếng như Heo, mập ú như Heo, ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn, hôi hám như Heo, dâm dật như Heo, nhà cửa sao mà bầy hầy như cái chuồng Heo.

Bên Việt Nam hiện nay có thêm nghề mới cũng có dính dáng hơi hám con Heo. Đó là nghề điếm đực để phục vụ mấy bà xồn xồn, có tuổi làm bà ngoại bà nội nhưng vẫn còn ham vui. Những người hành nghề lái máy bay bà già nầy được gọi là Nọc và được phân thứ hạng ra tùy theo cách phục vụ: De luxe, hạng sang gọi là Heo Độc, kế là Heo Bầy và bình dân nhất là Heo 4Đ (?). Tiền nào của nấy mà. Đúng là xả hội ngày nay nam nữ đều bình quyền cả. Tại sao các cụ yamaha 6 bó về VN giúp đỡ các cô chân dài thì được mà khi các bà mướn phi công trẻ thì lại bị chửi là thứ đồ nầy đồ nọ? Đời sao bất công quá.

 (Theo Tiểu Sỹ-Take2Tango) http://www.take2tango.com/?display=6933
 

Còn sau khi coi phim heo, con lợn lòng nổi dậy quá cỡ thợ mộc, dằn không nổi, thì mau mau phải đi tìm chỗ để làm chuyện con heo. Dân Canada ở xứ nầy chửi xỏ những người đàn ông nào xấu xa đê tiện là đồ cochon, và nếu bạ đâu ăn đó, ăn quên thôi quên nghỉ thì bị rủa là ăn như cochon… Còn đối với phụ nữ có tính nết hơi ngựa, quá dễ dãi với bọn đàn ông con trai thì bị các bà khác chửi là thứ đồ cochonne.

Trong dinh dưỡng, người ta gọi ăn những đồ cochonneries là mỗi khi dùng những thức ăn không bổ dưỡng và cũng không có ích lợi gì cho sức khoẻ chẳng hạn như những loại thức ăn tạp (junk food), chips, chocolat, kẹo, bánh ngọt ...Tháng 4, 2009 dịch cúm heo do virus H1N1 xuất phát từ Mexico đã làm cả thế giới phải điên đảo và e sợ con Heo. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã ban bố tình trạng đại dịch toàn cầu (pandemy) vào ngày 11/6/2009. Đã có 40.000 người chánh thức mắc bệnh và 167 người chết trên thế giới. Tuy làm rùm beng lên như vậy chớ thật sự ra nổ to nhưng hại ít.
http://www.take2tango.com/?display=6897

Đúng là số con Heo khó mà khá hơn được, toàn là những điều xấu xa không hà.
Nhưng kể từ hôm nay Heo sẽ chiếm một vị trí quan trọng hơn đối với con Người. Heo sẽ không còn được nhân loại xem thường nữa. Heo sẽ trở thành một phần của chúng ta, và là ân nhân của nhân loại. Chỉ cần nghĩ tới một ngày nào đó trong tương lai, biết chừng đâu trong chúng ta lại chẳng có người mang tim Heo trong mình. Heo cũng có khi được người mình quý trọng. Đó là trường hợp năm Hợi 2007 vừa qua không ít chị em cố sanh cho được con heo vàng (golden pig).

Nhưng xin bạn đừng áy náy lo sợ làm gì, vì mình vẫn là mình với những vui buồn thăng trầm trong cuộc sống, còn hơn ai đó mặc dù vẫn mang tim người và tự xưng mình là ông nầy bà nọ nhưng lòng dạ bên trong của họ lại còn nham hiểm thúi tha hơn cả Cochon ./.
 
Montreal, June 19, 2009

Trở lại Trang KH&NN

 
 
  Số người đọc 421085 visitors (1088296 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free