Lên mạng ngày 9/6/2009
BÓNG HẠNH PHÚC
Nguyễn Thượng Chánh
Phàm ở đời có ai mà lại không thích được sung sướng, thích được hạnh phúc đâu...
Hạnh phúc là cứu cánh của cuộc đời. Ai cũng cố mưu cầu được hạnh phúc trong cuộc sống, nhưng ít có người dám nói chắc rằng mình đã đạt được hạnh phúc trọn vẹn!.
Hạnh phúc có phải là một tập hợp của những niềm vui nho nhỏ hằng ngày hay là một trạng thái tinh thần vĩnh cửu?
Tiền tài, danh vọng, quyền thế, vợ đẹp, con ngoan và sức khỏe đều là những yếu tố cần thiết nhưng chưa phải là điều kiện ắt có và đầy đủ để tạo được hạnh phúc theo đúng nghĩa của nó.
Một loại hạnh phúc khác, đó là hạnh phúc tinh thần hay còn có thể gọi là hạnh phúc hướng thượng. Đó là một tâm trạng tự mãn có được khi mình làm một việc tốt, đúng theo lương tâm và lý trí của mình. Mình giúp ích được người khác trong một tinh thần bất vụ lợi mà không màng đến việc được người ta nhớ hoặc trả ơn.
Vậy có khi nào bạn tự hỏi mình thật sự có hạnh phúc hay chưa?
HẠNH PHÚC LÀ CÁI CHI CHI?
Rất khó định nghĩa được hạnh phúc là gì. Tùy theo mỗi tôn giáo, mỗi quan điểm triết học, mỗi nghệ sĩ, thi sĩ, nhà xã hội học, nhà tâm lý học và cũng tùy thuộc vào sự suy nghĩ của mỗi cá nhân mà hạnh phúc được định nghĩa và diễn giải theo những cách khác nhau.
Định nghĩa hạnh phúc có thể rất thay đổi, nhưng hạnh phúc thật sự là...bất biến.
Theo định nghĩa của tự điển Petit Robert, hạnh phúc là một trạng thái của ý thức hoàn toàn sung mãn (un état de conscience pleinement satisfaite).
THỎA MÃN MỌI NHU CẦU
Đây là một điều kiện để đi đến hạnh phúc. Dù ở bất cứ thời đại nào, dù ở bất kỳ văn hóa nào, một vài yếu tố cho thấy nó đã đóng một vai trò chủ yếu trong việc đưa con người đến bến bờ hạnh phúc.
Đó là sự sung mãn của các nhu cầu căn bản về vật chất, về tinh thần... nghĩa là trạng thái đã đạt được những khát vọng mà mình hằng mong đợi trong đời.
NHỮNG THÁI ĐỘ CẦN NÊN CÓ
1) Sẵn sàng chấp nhận những đổi thay
Các sự thay đổi trong cuộc sống cần được xem là những cơ hội để mình tự thăng tiến chớ không nên xem như là những trở ngại cho hạnh phúc. Các đổi thay có thể là trong học vấn, việc làm, tình yêu, v.v...
2) Biết thụ hưởng giây phút hiện tại
Những người hạnh phúc là những người sống trong giây phút hiện tại. Họ chẳng màng bận tâm lo nghĩ đến quá khứ hay tương lai. “Que sera, sera”!
Dù vậy thái độ nầy không phải là trở ngại trong việc hoạch định những dự án cho tương lai.
Thí dụ một sinh viên để hết tâm trí hoàn tất học vấn mà chẳng cần phải lúc nào cũng phải bận tâm lo nghĩ đến kết quả của cuộc thi cuối năm.
3) Tự mình tìm hiểu mình một cách cặn kẽ
Những người hạnh phúc là những người rất ý thức đến những ưu điểm và những nhược điểm của chính mình. Nói một cách khác là họ biết rõ sức mạnh và sự yếu kém của chính họ.
4) Bắt tay vào việc
Phải mạnh dạn bắt tay vào việc, may ra chúng ta mới có điều kiện để được phúc.
Các nhà tâm lý học cho biết là thường trong nhóm người thành công, người ta đồng thời cũng gặp một tỷ lệ thất bại cao nhất.
Phải bắt tay vào bột.
Phải hành động để chúng ta mới thấu hiểu rõ môi trường mà chúng ta đang sống.
Thí dụ một sinh viên sau khi nghiền ngẫm coi mình muốn học ngành nào thì hãy mạnh dạn ghi danh vào một chương trình mà mình ưa thích nhất mặc dù mình có thể sai lầm trong việc chọn lựa.
5) Dám từ bỏ
Những người hạnh phúc là những người biết buông thả trước những tình huống họ không thể kiểm soát được hoặc không thể tiên đoán được. Họ phải biết buông xả, không cố chấp nhưng họ vẫn tiếp tục tin tưởng vào cuộc đời.
KẾT LUẬN
Hạnh phúc là một một trạng thái chủ quan của ý thức sung mãn.
Đối diện cùng một nghịch cảnh như nhau, có người thì lo sợ và cảm thấy khổ sở, nhưng ngược lại cũng có người thì nhìn sự kiện đó một cách dửng dưng bình thản với một tâm thanh tịnh.
Có ai dám nói là mình được hoàn toàn hạnh phúc không?
Phải chăng hạnh phúc chỉ là một cái bóng hay một cứu cánh để chúng ta cố vương tới?
Một tôn giáo lớn thường khuyên chúng sinh chớ nên tìm hạnh phúc ở bên ngoài vì chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới được đâu bởi lý do lòng ham muốn của con người là vô giới hạn.
Muốn có hạnh phúc thật sự phải cố gắng dẹp bớt ái dục và nhìn vào bên trong chúng ta.
Hạnh phúc bắt đầu bằng sự cải hóa chính bản thân của mình.