Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Nông nghiệp chính xác - 1
 
Lên mạng ngày 10/5/2009

Thế Kỷ 21: Nền Nông Nghiệp Chính Xác
 
Bài 1: Tại Các Nước Phát Triển
 
Trần văn Đạt, Ph. D.
 
 
Trong thời đại tin học và công nghệ sinh học, các kỹ thuật và áp dụng khoa học trong công nghiệp hóa nền nông nghiệp tạo ra nhiều cơ hội mới cho thay đổi và cải cách ngành sản xuất nông sản thế giới trong những thập niên tới, nếu được tận dụng khai thác. Nhờ đó, nền nông nghiệp có thể tiến đến mức độ chính xác hơn, bền vững hơn và có hiệu năng kinh tế cao hơn, đặc biệt giúp tăng gia năng suất, lợi nhuận nông dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các kỹ thuật tân tiến được áp dụng khác biệt nhau tại các nước phát triển và nước đang phát triển, do trình độ kiến thức và khả năng tài chánh của người sản xuất không đồng đều.
Từ thập niên 1990s, kỹ thuật nông nghiệp chính xác bùng phát mạnh mẽ ở các nước tiến bộ song song với đà phát triển công nghệ tin học. Sự tiến bộ của ngành cơ giới và bành trướng nhanh chóng của ngành tin học đã mở đường cho sự phát triển, thay đổi sâu sắc bộ mặt của nhiều lãnh vực trên thế giới, gồm cả nền nông nghiệp. Các phương tiện thông tin hiện đại đã được các nước tiên tiến sử dụng triệt để trong quản lý sản xuất vụ mùa và hướng dẫn lấy quyết định quản lý trong các vấn đề liên hệ đến nông nghiệp. Khuynh hướng đó phản ánh quan niệm nông nghiệp chính xác vi tính, một nền nông nghiệp mới của thế kỷ 21. Với ưu thế về tiến bộ cơ giới hóa trong hơn thế kỷ qua, các nước công nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp chính xác - dù mức độ chính xác chưa hoàn hảo - trong nhiều thập niên qua cho đến khi kỷ nguyên tin học xuất hiện. Trong khi đó, các nước đang phát triển chưa quan tâm nhiều lắm đến nền nông nghiệp chính xác ở cấp bực quốc gia, vì họ thiếu chính sách, khả năng tài chánh, tầm nhìn xa, nên còn đang làm việc với lề lối sản xuất bộc phát từ nông dân, thiếu hướng dẫn khoa học và công nghệ hiện đại.
 
Hiện nay, các nước tiến bộ đang đối diện với các khó khăn kinh tế thế giới, chủ yếu giá nông sản liên tiếp sút giảm nhiều năm, trong khi giá thành sản xuất lại gia tăng. Ngoài ra, từ lâu nền nông nghiệp của các nước này đã hưởng thụ chính sách bao cấp vĩ đại của nhà nước, từ khâu sản xuất đến xuất khẩu để tiếp tục sinh hoạt và tồn tại. Nay dưới sức ép của thời đại toàn cầu hóa, mức cạnh tranh thị trường quốc tế trở nên mãnh liệt, cộng thêm các áp lực do chánh sách cắt giảm tài trợ nông nghiệp đang tiến hành. Trong khuynh hướng đó, họ phải tìm lối thoát cho nền nông nghiệp của mình; mà nông nghiệp chính xác là một giải pháp thỏa đáng để vừa cải tiến hiệu năng sản xuất vừa giảm thiểu ảnh hưởng môi trường. Nhiều dự án và chương trình nông-nghiệp-chính-xác đã xuất hiện từ thập niên 1990s ở các trường Đai Học, cơ quan nghiên cứu của các nước Âu Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Brazil, Argentina, Nhựt Bổn... Ngay cả cơ quan NASA của nước Mỹ cũng tham gia vào lãnh vực này; điều đó nói lên tầm quan trọng của nền nông nghiệp chính xác trong tương lai.
 
1.   Khái niệm và ưu điểm của Nông Nghiệp Chính Xác (NNCX)
Canh tác chính xác là một hệ thống quản lý căn cứ trên công nghệ tin học tiến bộ để giúp nông dân nhận diện, phân tích và quản lý các biến đổi, dị biệt của đất đai và thời gian trong đồng ruộng; trong khi họ không quên vấn đề lợi tức, bền vững nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Trọng điểm của nông nghiệp chính xác là giúp nông dân áp dụng kỹ thuật thích ứng cho canh tác trên từng miếng đất nhỏ trong cánh đồng rộng lớn. Đó là quản lý từng địa điểm cá biệt. Phương pháp quản lý này không phải là một kỹ thuật riêng rẽ, nhưng là kỹ thuật tổng hợp cho phép (i) thu thập thông tin từng địa điểm và đúng lúc (ii) phân tích, giải đáp các thông tin này để hỗ trợ cho các quản lý điều hành, và (iii) thực hiện các biện pháp đáp ứng nhu cầu thời gian và địa điểm (trong Batte và Vanburen, 1999). Hội Nghị lần thứ hai về “Quản Lý Từng Địa Điểm Cá Biệt Cho Hệ Thống Nông Nghiệp” vào tháng 3-1994 ở Minneapolis, Minmosota, Mỹ Quốc, đã mô tả khái niệm về quản lý địa điểm cá biệt như sau:
 
            “Quản lý địa điểm cá biệt được xem như hệ thống quản lý nông nghiệp đang phát triển, nhằm cổ động các thực hành quản lý biến đổi trong ruộng theo tình trạng đất đai hay địa điểm. Trong khi kỹ thuật này còn tương đối mới, nhiều cụm danh từ đã được dùng để diễn tả khái niệm này: Canh tác theo đất; canh tác đất không phải ruộng; canh tác bằng chân; canh tác cảm ứng không gian; canh tác nhờ vi tính; canh tác theo máy vi tính, canh tác theo vệ tinh; nông nghiệp bền vững kỹ thuật cấp cao; quản lý vụ từng địa điểm cá biệt; quản lý địa điểm cá biệt; và canh tác chính xác.” (National Research Council, 1997).
 
            Lời kết luận nêu trên diễn tả khái niệm về hệ thống NNCX có thể áp dụng cho cả nước đã tiến bộ và đang phát triển. Đối với các nước tiến bộ, NNCX được quan tâm đến như là một nhu cầu thiết yếu có thể giúp nông đân vượt qua các khó khăn kinh tế hiện thời, nhờ vào các ưu thế như sau:
(1) Cải thiện năng suất: Sử dụng các kỹ thuật hiện đại có khả năng chính xác cao từ khâu làm đất cho đến thu hoạch, biến chế và tồn trữ sẽ làm giảm thất thoát trước và sau giai đoạn thu hoạch. Nhờ đó, cây màu được trồng trong những điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng và sản xuất tối hảo.
 
(2) Cải tiến hiệu năng sản xuất: Các kỹ thuật nông nghiệp tiến bộ làm tăng hiệu năng của lao động, đất đai và tiết kiệm thời gian canh tác. Ở Mỹ chỉ cần 2 giờ để trồng 1 ha bắp hoặc lúa mì. Một nông dân Mỹ có thể nuôi 97 người Mỹ và 32 người ở nước khác (USDA, 2005).
 
(3) Cung cấp thông tin để lấy quyết định trong quản lý canh tác hữu hiệu hơn: Các dụng cụ, máy móc, thiết bị nông nghiệp giúp nông dân thu thập thông tin chính xác để lấy quyết định đúng cho các hoạt động như gieo hạt giống, áp dụng phân hóa học, thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ, bảo vệ mùa màng, tưới tiêu, và hậu thu hoạch.
 
(4) Làm giảm giá thành sản xuất và tăng lợi ích biên tế: Đây là yếu tố quan trọng nhứt để nông dân các nước tiến bộ hăng hái tham gia vào chương trình NNCX. Sự tăng gia năng suất và cải tiến hiệu năng sản xuất giúp cho nông dân thu hoạch thêm lợi tức biên tế; do đó tăng thêm sức cạnh tranh thị trường. Nhờ quản lý từng địa điểm cá biệt, sử dụng các chất hóa học nông nghiệp được giảm thiểu. Khai thác các kỹ thuật NNCX sẽ làm tăng vốn đầu tư, nhưng có thể thỏa mãn được đòi hỏi kinh tế, đặc biệt trong điều kiện khai thác như sau (Swinton and Lowenberg-DeBoer, 1998):
(i) Khai thác ở các nông trại lớn, giá thành có thể chia đều cho nhiều hecta;
(ii) Hoa màu có giá trị cao (rau hoa, khoai tây và hạt giống) so với màu thông dụng (bắp, lúa mì và đậu nành);
(iii) Hệ thống quản lý thâm canh có kế hoạch tốt và có sẵn hệ thống kiểm soát và theo dõi tại chỗ.

(5) Cung cấp hồ sơ chi tiết cho các hoạt động nông trại: Tất cả các hoạt động nông nghiệp chính xác đều sản xuất các thông tin, dữ kiện liên hệ được máy vi tính lưu trữ; nhờ đó nông dân có khả năng hiểu biết nhiều hơn về nông trại và hệ thống sản xuất của mình (Segarra, 2002).
 
(6) Giảm ô nhiễm môi trường: Nông nghiệp chính xác giúp cho sử dụng các chất hóa học nông nghiệp đúng lúc, đúng lượng; nên tránh được hiện tượng dư thừa các chất này trong nước, đất có thể làm ô nhiễm môi trường.
 
            Khuyết điểm lớn nhứt của NNCX là các thiết bị sử dụng còn quá đắt tiền, làm tăng giá thành sản xuất.
2.   Thực hiện NNCX tại các nước tiến bộ
Hiện nay, nông dân các nước tiến bộ có những nông trại với hàng trăm hoặc hàng ngàn ha ruộng đất và nhiều nông dân tại các nước đang phát triển cũng có hàng chục hoặc hàng trăm ha đất. Tại Mỹ, một nông trại trung bình có độ 200-300 ha và ở châu Âu, Úc độ 40-50 ha. Họ thường quản lý các ruộng đất này cùng một lề lối giống nhau trong quá trình canh tác. Các giống hoa màu, mật độ hạt giống, phân bón, thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ được áp dụng đồng đều cho cả nông trại, mặc dù tính chất đất đai, hiện diện cỏ dại, côn trùng rất khác nhau từ nơi này đến nơi khác trên diện tích rộng lớn. Lề lối quản lý này không thích hợp cho từng địa điểm, số lượng và thời gian theo nhu cầu riêng biệt của cây màu, có nghĩa là quản lý trồng trọt không được chính xác, còn phung phí vật tư và công sức. Do đó, đặc tính biến đổi môi trường là một trọng điểm ảnh hưởng đến năng suất tổng thể, nên cần đến quản lý các kỹ thuật thích ứng cho từng nơi trong các nông trại rộng lớn. 
 
            Gần đây, sự xuất hiện mau chóng của công nghệ thông tin đã hiến cho nông dân các dụng cụ và phương tiện rất hữu hiệu để nhận diện các tính chất biến đổi đất đai trong một nông trại và giúp họ phát huy lề lối quản lý nông trại tốt hơn cho đến từng địa điểm khác nhau.
 
2.1.   Quản lý hệ thống nông nghiệp chính xác
Phương pháp canh tác chính xác cung cấp cho nông dân các thông tin do các kỹ thuật tiên tiến để xác định tình trạng đất đai và sự phát triển của cây màu ở từng địa điểm. Nhờ vào các kỹ thuật canh tác chính xác và các thông tin của vệ tinh về tình trạng đất đai và phát triển thảo mộc, họ có thể điều chỉnh quản lý chính xác cho các yếu tố sản xuất như giống, phân, chất hóa học nông nghiệp và nước tưới tiêu để tăng năng suất và cải thiện hiệu năng. NNCX sử dụng những khám phá mới trong công nghệ thông tin và các công nghệ khác như máy vi tính, máy kiểm soát tự động, hệ thống định vị toàn cầu, hệ thống thông tin địa lý và dụng cụ cảm ứng (Richman et al., 1999). 
Ở Mỹ, kế hoạch quản lý của NNCX điển hình với các bước thực hành sau đây (NESPAL, 2005):
1)      Xác định những vùng được áp dụng cho canh tác chính xác;
2)      Thiết lập các mục tiêu về năng suất;
3)      Phân tích dinh dưỡng đất đai và khai triển các kết quả;
4)      Lấy quyết định về phương pháp và lề lối làm đất, dùng giống, áp dụng phân và những chất dinh dưỡng khác thích ứng cho mục tiêu năng suất đã đặt ra (INM) ;
5)      Thiết lập những bản đồ để khám phá quần thể của các dịch hại: côn trùng, bệnh và cỏ dại.
6)       Áp dụng phương pháp chữa trị khi vượt quá ngưỡng kinh tế (IPM) ;
7)      Áp dụng tưới tiêu chính xác;
8)      Theo dõi và lập bản đồ năng suất; và
9)      Đánh giá việc thực hiện hệ canh tác chính xác, rút ưu khuyết điểm để có biện pháp điều chỉnh, sửa đổi tốt hơn.
 
2.2.   Dụng cụ và thiết bị cho NNCX
Hiện nay, nông dân có thể quản lý canh tác với các kỹ thuật hiện đại để tăng thêm năng suất và hiệu năng của vụ mùa. Để thực hiện các bước canh tác chính xác nêu trên, nông dân phải dùng các máy móc, dụng cụ và thiết bị đã được vi tính hóa, cài đặt với các bộ phận thông tin phần mềm, với sự giúp đỡ của các hệ vệ tinh để hướng dẫn làm việc ngoài đồng. Một cách tổng quan, NNCX thực hiện các hoạt động canh tác theo biến đổi tính chất đất đai và hoa màu qua sự phối hợp chủ yếu của 5 hệ thống hướng dẫn kỹ thuật quan trọng: (i) Hệ thống định vị toàn cầu, (ii) Công nghệ viễn thám, (iii) Hệ thống thông tin địa lý, (iv) Công nghệ biến đổi mức độ và (v) bản đồ theo dõi năng suất.
●   Hệ định vị toàn cầu GPS (Global positioning system) là một hệ vệ tinh của quân đội Mỹ, nhưng nay được dùng trong các kỹ nghệ dân sự, ngay cả ngành nông nghiệp. GPS là một hệ thống hoa tiêu hướng dẫn nhờ vào mạng lưới vệ tinh để giúp nông dân ghi nhận thông tin về vị trí nơi đang hoạt động (vĩ tuyến, kinh tuyến và cao độ), với mức độ chính xác chỉ vài phân (Lang, 1992). Hệ thống này cho phép họ định vị trí tính chất của đất đai, màu, sự xuất hiện sâu bệnh, cỏ dại, những vũng nước ngập… Hệ thống gồm có hệ điều khiển tự động và bộ phận chỉ dẫn bằng ánh sáng hoặc tiếng nói (DGPS ), nhận thông tin từ vệ tinh qua ăng-ten (Hình 1). Các nước Âu Mỹ đang dùng hệ GPS để hướng dẫn tài xế lái xe tìm địa chỉ trong thành phố, qua hệ thống vệ tinh (xe auto gắn bộ phận navigator hay hoa tiêu). Hệ thống GPS giúp nông dân điều khiển máy kéo và các thiết bị làm việc trong nông trại chính xác, như gieo hạt theo hàng, áp dụng phân, phun các chất hóa học nông nghiệp trong từng mảnh ruộng nhỏ. GPS hướng dẫn họ qua vệ tinh để thực hiện các hoạt động thật chính xác sau đây (Perry, 2005):
 
(i) Hướng dẫn máy móc làm việc hàng trăm thước, với mức độ chính xác chỉ vài phân
(ii) Không bỏ quên các hàng (rows) hoặc chồng lên nhau;
(iii) Đếm số hàng trong khi hoạt động;
(iv) Giữ dụng cụ và các thiết bị làm việc giống như nhau từ năm này qua năm khác;
(v) Làm việc trong đêm hoặc đầy bụi mà vẫn chính xác;
(vi) Không bị ảnh hưởng của sức gió;
(vii) Có thể gắn thêm các bộ phận ghi nhớ thông tin trong khi làm việc để sau này làm bản đồ.


●   Công nghệ viễn thám RS (Remote sensing): Kỹ thuật này dùng các bộ phận dễ cảm ứng do điện trường, dẫn điện, quang điện, siêu âm... với bất cứ vật gì, gồm cả đất, ẩm độ đất, thảo mộc, nhiệt độ, hơi nước, chất khí... Trong nhiều năm qua, các thông tin của công nghệ cảm ứng đã được dùng đến để phân biệt các loại màu và xác định các dịch hại xảy ra trong những cánh đồng rộng lớn. Hiện nay, kỹ thuật viễn thám đã được áp dụng để khám phá các sâu bệnh, hạn hán, chất hữu cơ trong đất, chất đạm trong cây... Các dụng cụ cảm ứng đã được chế tạo cho các sử dụng chính sau đây (Barnes et al. 1996):

-          Cảm ứng các đặc tính của đất: kiến trúc, cấu trúc và tính chất vật lý; chất sét, ẩm độ đất, các chất dinh dưỡng trong đất.
-          Cảm ứng màu: quần thể thảo mộc, thiếu nước và tình trạng dinh dưỡng của cây.
-          Theo dõi năng suất: Năng suất màu, ẩm độ của vụ.
-          Hệ thống biến đổi mức độ: Theo dõi di chuyển của phân hóa học, khám phá cỏ dại.
           ●   Hệ thông tin địa lý GIS (Geographic information system): GIS đã bắt đầu từ 1960 khi người ta khám phá những bản đồ có thể chứa trong máy vi tính, cho phép sửa đổi lại trong tương lai, nếu cần. Hệ thống này gồm một dụng cụ vi tính dùng để làm bản đồ và phân tích sự việc đang có hoặc biến cố xảy ra trên địa cầu. GIS có khả năng liên kết thông tin ở một nơi khác để suy diễn về sự liên hệ với nơi này. 
 
Bản đồ GIS của máy vi tính khác với bản đồ thông thường, vì một GIS có thể chứa nhiều tầng thông tin khác nhau; thí dụ, thông tin về đất đai của một nơi, vũ lượng, hoa màu, năng suất, dịch hại... GIS có thể chuyển đổi các thông tin bằng số (digital) chưa thành bản đồ thành hình thức có thể nhận ra và sử dụng. Chẳng hạn, những hình ảnh vệ tinh bằng số có thể được phân tích để làm ra một bản đồ thông tin bằng số về sử dụng đất đai, vật phủ trên mặt đất. Căn bản, GIS được sử dụng như máy vi tính làm bản đồ, nhưng vai trò thực sự là nơi chứa tất cả các thông tin, dữ kiện đồng áng và dùng các phương pháp thống kê và không gian để phân tích các đặctính và địa lý. Kết quả của sự phân tích này được dùng để suy diễn ra các thông tin khác hoặc xếp loại các thông tin này (ESRI, 2002). GIS có thể cung cấp các thông tin về trắc đồ nông trại, các loại đất đai, hệ dẫn thoát thủy trên mặt đất và trong đất, thử nghiệm đất đai, các số lượng chất nông hóa và năng suất. Khi các thông tin này được thu thập sẽ được phân tích để tìm hiểu sự liên hệ giữa các thành phần khác nhau có thể làm ảnh hưởng đến vụ mùa ở một địa điểm (Trimble, 2005).
 
Hệ GIS gồm có: (i) phần cứng dùng để phục vụ cho các hoạt động GIS, từ thu thập tin liệu cho đến phân tích; (ii) phần mềm rất cần thiết để sáng tạo, biên soạn và phân tích các tin liệu không gian và tính chất; và (iii) các tin liệu địa dư là cốt lõi của GIS.
 
●   Công nghệ biến đổi mức độ VRT (Variable rate technologies): VRT là công nghệ điều khiển quá trình hoạt động ngoài đồng áng có tính tự động. Hệ thống tự thiết lập phân phối trong gieo sạ hạt giống, phân hóa học và thuốc sát trùng tùy theo mức độ biến đổi của đất đai, hoa màu trong thời gian nào đó. Hệ này gồm có một bộ máy với các hệ cho phép vận dụng các mức độ mong muốn tại một thời điểm, có nghĩa là một vị trí đặc biệt (Batte and VanBurrn, 1999 và NESPAL, 2005). Có lẽ thiết bị VRT được sử dụng rộng rãi nhứt trong nông nghiệp chính xác hiện nay (National Research Council, 1997).
 
●   Máy theo dõi năng suất để lập bản đồ: Thường các máy gặt-đập combine được gắn thêm thiết bị ghi nhận số lượng hạt màu thu hoạch ở bộ phận chuyển hạt. Khi được gắn thêm máy thu nhận GPS, máy theo dõi năng suất cung cấp các dữ kiện cần thiết để lập một bản đồ năng suất giúp nông dân quản lý tốt hơn các nhập lượng trợ nông sau này, như phân hóa học, vôi, hạt giống, thuốc diệt trùng, diệt cỏ và thủy lợi (Davis and Casady, 2005).
 
Tóm lại, NNCX hay còn gọi là canh tác địa điểm cá biệt có thể được thực hiện ở các nước tiến bộ là do sử dụng công nghệ GPS để định vị trí trong thửa ruộng nhỏ, máy vi tính sẽ tổng hợp các thông tin từ bản đồ GIS và từ máy thu nhận GPS để cuối cùng gởi đến máy điều khiển VRT thực hiện các hoạt động canh tác theo các biến đổi ở từng nơi và theo thời gian. Các kỹ thuật nói trên chỉ có các nước tiến bộ dùng đến vì quá đắt, còn nông dân các nước chậm tiến không có khả năng để mua sắm. Ngoài ra, các hệ thống trên thường được áp dụng tiện lợi và hữu hiệu tại các nông trại lớn được thấy ở Âu Mỹ.
 
Các nước công nghệ đã cơ giới hóa và vi tính hóa các hoạt động trồng trọt từ khâu làm đất đến thu hoạch, biến chế và tồn trữ để đạt được năng suất và hiệu quả cao; nên họ đang khai thác các kỹ thuật chính xác cấp cao. Mỗi hoạt động canh tác được máy móc và thiết bị hướng dẫn để làm việc tốt, nhanh và chính xác; nên có thể loại bỏ các nhầm lẫn thường gặp của con người. Công nghệ NNCX hiện đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Nông dân, đặc biệt các nông trại lớn đang chuyển mình từ nền nông nghiệp cơ giới hóa truyền thống qua nền nông nghiệp cấp cao hơn, sử dụng các dụng cụ hiện đại như GPS, GIS, VRT và máy theo dõi năng suất. Tuy nhiên, sự phổ biến rộng rãi các công nghệ tiến bộ này còn gặp giới hạn do (i) vấn đề thu thập, phân tích và áp dụng các dữ kiện và thông tin còn rất tốn kém và nhiều thời gian (Akridge and Whipker, 2001 in Ancev et al., 2004), (ii) lợi ích trước mắt không rõ rệt và còn bất định cho đầu tư lâu dài, (iii) mặc dù giá cả của các công nghệ nông nghiệp chính xác gần đây sút giảm, nhưng vẫn còn cao đối với các nông trại nhỏ (Ancev et al., 2004). 
Nhiều loại công nghệ còn tương đối mới đối với người sản xuất. Nhiều nông dân bắt đầu dấn thân vào NNCX bằng sử dụng máy theo dõi năng suất để có thể thiết lập các bản đồ cải tiến năng suất cho các mùa tiếp theo. Tại Mỹ, máy theo dõi năng suất được bán tăng từ 70 lên 300% mỗi năm trong thời gian 1993-98 (Swinton and Lowenber-DeBoer, 1998). Hiện nay, NNCX đang chú ý đến kỹ thuật biến đổi mức độ trong áp dụng phân hóa học N,P,K, gieo hạt giống và tưới nước. Dù thế, lợi tức kinh tế vẫn còn đặt thành vấn đề, trong khi giá của các công nghệ còn cao và kiến thức sử dụng của nông dân chưa đầy đủ. Cho nên, cần phát triển những chương trình (phần mềm) để phân tích, sử dụng thông tin thu thập cho hỗ trợ quyết định, cũng như tạo ra những mô hình tiên đoán vụ mùa để dễ dàng áp dụng NNCX. Hiện nay, những nông trại lớn có thể thu được lợi tức từ NNCX, nhưng các nông trại nhỏ còn gặp nhiều khó khăn kinh tế.
 
3.   KẾT LUẬN
Nông nghiệp chính xác đã bắt đầu bùng phát vào cuối thế kỷ 20, chủ yếu ở các nước tiến bộ, nên vẫn còn tương đối mới trong đầu thế kỷ 21; nhờ vào tiến bộ vượt bực của kỹ nghệ cơ giới và tin học hiện đại. Các nước này đã áp dụng triệt để các tiến bộ của công nghệ tin học trong khai thác nông nghiệp để có hiệu quả cao. Hệ thống nông nghiệp chính xác ở Âu, Mỹ, Úc... có thể phối hợp và ứng dụng các công nghệ cấp cao, chủ yếu hệ GPS, GIS, RS, VRT và máy theo dõi năng suất. Những công nghệ này được kết hợp với nhau tùy theo nhu cầu để cung cấp một số tin liệu cần thiết hướng dẫn quản lý các hoạt động canh tác chính xác qua các phần mềm vi tính hoặc vệ tinh. Tất cả các thông tin thu thập đều được vi tính hóa và dễ dàng sử dụng. Dù lợi tức kinh tế của nông nghiệp chính xác, nhứt là ở các nông trại nhỏ còn thấp, hiệu năng và ưu thế môi trường của hệ thống này được nhiều nông dân và giới hòa bình xanh tán dương. Hiện nay, khâu thu thập và quản lý dữ liệu, thông tin, và tay nghề của người sản xuất cần được cải tiến nhiều hơn nữa để góp phần làm giảm bớt giá thành sản xuất.Ngoài ra, cần phát triển thêm các hệ thống hỗ trợ quyết định để giúp nông dân có quyết định đúng trong nền nông nghiệp chính xác.

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
  1. Ancev, T., Whelen, B. and MacBratney, A. 2004. On the economics of precision agriculture: technical, information and environmental aspects. Paper presented at the 2004 Annual Meeting of the Australian Agricultural and Resource Economics Society.
  2. Babcock, Bruce, A. and Pautsch, G.R. 1998. Moving from uniform to variable fertilizer rates on Iowa Corn: Effects on rate and returns. Journal of Agricultural and Resource Economics, Vol. 23(2):385-400.
  3. Barnes et al. 1996. Remote sensing and precision agriculture. Paper presented at the 3rd International Conference on Prevision Agricutlure, 23-26 June 1996 in Minneapolis, MN, USA.
  4. Batte, M.T. and VanBuren, F.N. 1999. Precision farming-Factor influencing productivity. Paper presented at the Northern Ohio Crops Day meeting, Wood County, Ohio, 21 January 1999.
  5. Buick, R.D. 1997. Precision agriculture: an integration of information technology with farming. Proc. 50th New Zealand Plant Production Conference in 1997: 176.184.
  6. Davis, G., Massey, R. and Massey, R. 2005. Precision Agriculture: An introduction. University of Missouri-Extension
(www.muextension.missouri.edu/explore/envqual/wq0450.htm).
  1. ESRI. 2002. Geography matters. ESRI, White Paper, September 2002, New York.
  2. Lang, L. 1992. GPS+GIS+Remote sensing: An Overview. Earth Observation Mag., April: 23-26.
  3. National Research Council. (1997). Precision agriculture in the 21st century: Geospatial and information technologies in crop management. Washington: National Academy Press, pp 149.
  4. NESPAL. 2005. Benefits of precision agriculture (slides),
(www.nespal.cpes.peachnet.edu/PrecAg/).
  1. Oriade, Caleb, A., King, R.P., Forcella, F., and Jeffreu, G. 1996. A bioeconomic analysis of site-specific management for weed control. Review of Agricultural Economics, 18:523-535.
  2. Perry, C. 2005. GPS Guidance - Going Beyond the Hype!. Precision AG Team (slides), University of Georgia, Precision AG Team Guidance files (www.nespal.cpes.peachnet.edu/PrecAg/GPS).
  3. Rickman, D., Luvall, J.C., Shaw, J., Mask, P., Kissel, D. and Sullivan, D. 1999. Precision agriculture: Changing the face of farming. Geotimes Feature Article (www.ghcc.msfc.nasa.gove/precisionag/).
  4. Segarra, E. 2002. Precision agriculture initiative for Texas high plains. Annual Comprehensive Report. Texas A&M University Research and Extension Center, Lubbock, Texas.
  5. Trimble. 2005. Precision agriculture (www.trimble.com).
  6. Sonka, S.T., Bauer, M.E. and Cherry, E.J. 1997. Precision agriculture in the 21st century: Geospatial and information technologies in crop management. National Academies Press (pp 168 ). Executive Summary
(www.stills.nap.edu/catalog/5491.html).
  1. Swinton, S.M. and Lowenberg-DeBoer, J. 1998. Profitability of site-specific farming. Site-Specific Management Guidelines, SSMG-3, published by the Potash & Phosphate Institute.
  2. USDA. 2005. A history of American agriculture 1776-1990. Farm machinery and technology (www.usda.org).

Đọc tiếp  phần 2

 
 
  Số người đọc 423628 visitors (1094860 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free