Lên mạng ngày 8/6/2009
VIẾT CHO ĐỜI THÊM VUI
GS Nguyễn Thượng Chánh, Bs Thú y
Tôi không biết cái gì thôi thúc tôi viết báo. Phải chăng đây là một cái...nghiệp trong cuộc đời?
Tôi muốn viết để chia sẻ những hiểu biết khiêm tốn của mình về khoa học, về cuộc sống, v.v… với bà con cô bác khắp mọi nơi nói chung, và tại Canada nói riêng.
Nói rõ là tôi không phải là một nhà văn hay một nhà báo gì cả. Tôi chỉ là một người biết cầm viết mà thôi. Tôi là một nhà viết. Tôi viết chùa, viết để tự mình trau dồi thêm kiến thức, để tự học hỏi, để giải khuây, để cho vui, để khỏi nghĩ quẩn, để bắt trí não làm việc (đề phòng bị bệnh Alzeihmer), để thoát ly, và cũng để giảm bớt stress trong cuộc sống, v.v...
Thế cho nên, tôi viết cho người đọc nhưng thật ra là tôi cũng đồng thời viết cho chính tôi, cho cuộc sống của mình có được thêm phần ý nghĩa hơn.
Tôi rất vui sướng vì ít nhứt mình cũng làm được một cái gì mình thích, và đồng thời có thể chia sẻ một ít hiểu biết với người khác...
Năm 2000 đánh dấu móc ngoặc tôi cầm viết. Anh VBT, lúc đó là đại diện Thời Báo tại Montréal có nhã ý mời tôi viết bài cho Thời Báo. Tôi đón nhận đề nghị nầy với một tâm trạng nửa mừng nửa lo. Mừng vì tôi có thể thực hiện hoài bảo của mình, lo vì không biết mình có làm được không?
Tôi chưa từng viết báo bao giờ vì tôi ý thức rằng vốn liếng Việt ngữ của tôi rất giới hạn, chữ nghĩa còn rất lạng quạng lắm. Chánh tả, hỏi ngã tôi còn mù tịch như đi lạc vào rừng U Minh vậy.
Thú thật tôi không có cái may mắn học được tiếng mẹ đẽ một ngày nào cả.Vốn liếng của tôi nhờ vào hồi nhỏ mình ham đọc báo, đọc những tin tầm sàm. Tôi cố gắng mò mẫm đánh vần từng chữ một để đọc các mục xe cán chó và từ Saigon đến lục tỉnh trong các báo như Thần Chung, Tiếng Dội, Tiếng Chuông, Sài Gòn mới, Trắng Đen, Chính Luận...Sau đó, khi bước vào tuổi thanh niên mơ mộng thì tìm đọc tiểu thuyết như Văn Bình Z 28, Bách Si Ma, nhưng đặc biệt nhất là tiểu thuyết lãn mạng của nhómTự Lực Văn Đoàn, và mục gỡ rối tơ lòng của bà Tùng Long trong tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn.
Cái gì trong đời cũng phải có nhân duyên hết. Thôi thì cứ thử làm gan viết đại một lần xem ra sao.
Lúc đầu tính viết chơi, nhưng sau thành viết thiệt. Hết bài nầy nối tiếp bài khác đều được Thời Báo Canada phổ biến đều đặn đến bạn đọc.
Tính đến nay tôi đã viết được hơn 200 bài.
Các bài viết của tôi thường được đăng tải trên các báo như tờ Thời Báo Canada, tờ Sóng Thần ở Virginia, Nhật báo Việt Báo Westminster, Cali Today và Việt Nam Nhật Báo ở San José cùng một một số tập san tại hải ngoại.
Cũng như báo viết, các trang website giadinhnongnghiep.net, Trung Học Nông Lâm Súc Cần Thơ, khoahoc.net, yduocngaynay.com, vietbao.com, Calitoday.com, Vietnamdaily.com, vantuyen.net, Take2Tango...đều có post bài của tôi một cách thường xuyên.
Ngoài ra một số websites khác tại hải ngoại lẫn bên nhà cũng đôi khi mượn đỡ và đã trích đăng lại những bài viết của tôi.
Tốc độ tôi viết bài cũng như tốc độ lúc tôi chạy jogging, nghĩa là viết chậm nhưng viết đều đặn. Tuy đã sáng tác được cũng khá nhiều rồi, nhưng tôi vẫn chưa mấy hài lòng với chính tôi.
Tôi còn cần phải học hỏi thêm nhiều hơn nữa ở các bậc đàn anh để viết khá hơn nữa, viết đúng hơn nữa để khỏi phụ lòng mong đợi của quý bạn đọc.
Tôi hoan hỉ đón nhận với một tấm lòng rộng mở lời khen tặng, cũng như những lời chỉ trích và phê bình có tính xây dựng từ độc giả, và từ bạn bè khắp bốn phương.
Viết một đề tài về khoa học để quảng bá thông tin đến đại chúng rất khó chớ không đơn giản chút nào hết. Tôi phải tốn rất nhiều thời giờ để sưu tra tài liệu, phải viết sao cho dễ hiểu bằng cách tránh tối đa những khía cạnh quá chuyên môn, quá kỹ thuật technicité chỉ làm cho bài viết trở nên khó hiểu, quá khô khan nhàm chán mà không có mấy người muốn đọc.
Tôi phải phối kiểm đi phối kiểm lại các số liệu cũng như các sự kiện đang viết, tuy vậy đôi lúc vì vô tình, sơ ý tôi cũng vẫn bị tổ trác, bị hố như thường!
Đối với tôi, sử dụng đúng danh từ khoa học là một trở ngại chính yếu, bởi lý do nầy mà tôi thường chêm thêm tiếng Anh hoặc tiếng Pháp cho rõ nghĩa và cho chắc ăn hơn.
Canada là quốc gia duy nhất sử dụng hai thứ sinh ngữ chánh thức, vừa tiếng Anh và vừa tiếng Pháp, cho nên tôi quen xài lẫn lộn cả hai thứ tiếng.
Rồi còn phải để ý đến chữ mình đang viết coi nó có politically correct không , có đụng chạm ai không vì mình là người Việt tị nạn...
Tôi quan niệm viết có sách mách có chứng, nên tôi thường kèm theo các link quan trọng để bạn nào thích tìm hiểu thì có thể tham khảo thêm.
Tôi nghĩ sao thì tôi viết vậy, không cần màu mè giả tạo. Tôi viết như tôi đang nói chuyện thẳng với các bạn vậy. Tôi cố ý sử dụng những chữ thật bình dân, dí dỏm, tếu, và thường là những từ hoặc cụm từ rặt chảy miền Nam. Tôi thích sự chân thật.Tôi rất tự hào mình là dân Cần Thơ Cái Răng Cái Khế cây xanh trái ngọt.
Tại Việt Nam, ngày xưa tôi tốt nghiệp Kỹ sư Súc Khoa, khóa V (63-67) trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn. Ra trường tôi về làm Giảng Nghiệm Viên tại phân khoa Nông Nghiệp từ ngày thành lập Viện Đại Học Cần Thơ vào năm 1967. Năm 1970 tôi đi học về thú y tại Đại Học Chulalongkorn Bangkok, Thái Lan. Tốt nghiệp DVM năm 1973, tôi trở về lại Đại Học Cầnthơ trong những thời điểm vô cùng khó khăn của đất nước.
Khi đổi đời, cũng như hằng triệu đồng bào miền Nam phải nổi trôi theo vận nước.
Tôi và gia đình đã quyết định nhập vào làn sóng người tìm đường vượt biên tìm tự do.
Phải sau nhiều năm truân chuyên bầm dập, tán gia bại sản, cuối cùng nhờ ơn Trời Phật phù hộ, tôi cùng gia đình mới thoát được đến miền đất hứa, Canada xứ lạnh tình nồng vào năm 1980.
Bằng DVM mà Quốc Vương Thái Lan trao cho tôi năm 1973 tại Đại Học Chulalongkorn, Bangkok không được Canada nhìn nhận. Tôi bắt buộc phải đi học lại 4 năm. Phải chịu vậy thôi.
Năm 1985, tôi tốt nghiệp lại bác sĩ thú y DVM tại Université de Montréal và đầu quân vào làm việc kiếm cơm cho cơ quan Kiểm Tra Thực Phẩm Canadian Food Inspection Agency CFIA thuộc chánh phủ liên bang Canada.
Trong 23 năm ngụp lặn trong nghề đâm heo thuốc chó tại xứ người, tôi đã đặt chân vào hầu hết các nhà sát sanh tại khắp các tỉnh bang Quebec, New Brunswick và Nova Scotia của Canada. Làm việc ở ngay tuyến đầu của ngành thịt, hằng ngày và hằng đêm (nhà máy chạy cả hai ca) tôi phải chứng kiến biết bao nhiêu là cảnh máu đổ thịt rơi, cùng những âm thanh la rống ghê rợn hãi hùng của các sanh linh khốn khổ trước giờ bị hành quyết.
Thủ phạm thật sự của tội lỗi và độc ác trên cõi đời nầy vẫn là con người có tư duy và lý trí.
Tôi là nhân chứng của bao nhiêu sự đổi thay, thăng trầm, hỉ nộ ái ố trong kỹ nghệ thực phẩm nói chung và kỹ nghệ thịt nói riêng. Bởi lý do nầy, những đề tài tôi viết thường xoáy quanh những mối ưu tư của bà con mình trong vấn đề dinh dưỡng sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh thịt thà cá mắm rau cải, v.v…
Đó là chuyện cũ.
Nay tôi đã già rồi, một hai năm nữa thì mình sẽ nhập vào lớp thất thập cổ lai hy nên tôi quyết định gác kiếm từ quan, nghỉ hưu, giữ cháu phụ với vợ nhà, chờ cuối tháng lãnh tiền già tiền hưu uống cà phê cà pháo.
Rồi tối ngày, đi vô đi ra tà tà...chờ lệnh bà , cũng như chờ đến ngày hẹn để đi khám bác sĩ, đi thử máu hay biết chừng đâu, cũng có thể là chờ ngày mình phải vỉnh viễn Sayonara Good Bye trèo luôn lên bàn thờ.
Tôi cũng như mọi người, cũng sợ bệnh sợ chết như như ai vậy.
Có người nói chết thì sướng lắm, hết cò phiền muộn, hết còn đau khổ nữa. Tôi nghe thì cũng ham, nhưng cũng vẫn phân vân thắc mắc nên mình vẫn còn sợ chết.
Một số bạn bè đã lác đác bỏ đi rồi. Những người còn lại thì có người thì lo thiền, có người thì lo tu mà quên sống kiếp nầy. Tôi thì khác họ, tu chưa được.
Tôi biết rằng căn duyên của mình chưa tới. Biết sao bây giờ?
Mình vẫn còn mãi...ham viết ham vui trong cõi ta bà nầy.
Viết riết rồi cũng phải cạn đề tài thôi.
Thế nên đôi khi thỉnh thoảng tôi cũng phải đánh bạo đổi món đề cập đến tâm lý học, đến những vấn đề nhân sinh, chẳng hạn như chuyện đàn ông và đàn bà, chuyện tứ khoái ANDI, và chuyện canh ba gà gáy ó o, chuyện múa lân, chuyện gà mái đá gà cồ...
Đôi khi tôi bạo gan làm nhà tâm lý học, nhà cố vấn gia đình, dạy đời thiên hạ qua các bài: Hạnh phúc là cái chi chi, Có nên phán xét hay không? Đàn Ông & Đàn Bà, Từ Hỏa Tinh & Từ Kim Tinh, Giữ cháu một niềm vui của tuổi già vv...
Đôi lúc bí quá tôi phải liều mạng viết các mẩu chuyện thời sự, chuyện tào lao, tào tháo ba phải chẳng hạn như 1001 chuyện ăn, 1001 chuyện tò mò, 1001 Chuyện Dê, Ba điều bốn chuyện về thịt chó, Thịt Chuột lên hương, Cái tên cúng cơm, Ông Thầy, Mất điện, Chuyện lại đực lại cái...
Mục đích là giúp quý bạn tìm được giây phút thoải mái đọc chơi cho vui, sau biết thêm được thêm đôi điều hữu ích cho cuộc sống cũng tốt.
Nói rõ là cốt lõi của các bài tôi viết thường được rút ra từ các tạp chí chuyên môn, và tôi chỉ thêm mắm thêm muối bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm mà thôi.
Một cách nhìn khác là, cũng có thể xem như tôi đọc báo dùm cho các bạn vậy!
Thí dụ như, đây là những thông tin mới nhất lấy từ những nguồn đáng tin cậy, hoặc đó là những nghiên cứu lấy từ những tạp chí khảo cứu khoa học có uy tín quốc tế của các đại học Âu Mỹ, v.v.
Tôi cố tránh né đề cập đến các đề tài còn đang được tranh cãi (controverse), chưa rõ ràng, quá tế nhị, quá nóng bỏng hoặc có tính cách quá giựt gân (sensationnelle).
Tôi cũng né luôn những vấn đề có thể gây sự chia rẽ, nghi kỵ, tạo sự ngộ nhận, hoặc làm cho độc giả nuôi dưỡng một hy vọng hão huyền nào đó.
Tôi lờ đi những vấn đề mê tín dị đoan thiếu căn bản khoa học. Khoa học, đặc biệt là khoa sinh vật học và y học, là những môn học không chính xác. Chúng biến đổi không ngừng theo thời gian và theo đà những khám phá mới.
Bởi lý do nầy, thỉnh thoảng tôi phải điều chỉnh lại, update lại những bài cũ tôi đã viết từ nhiều năm trước để cho chính xác, cho phù hợp với thời gian tính hơn.
Là người vừa cầm viết và cầm chuột, không gì sung sướng hơn và hạnh phúc hơn khi thấy bài vở của mình được chiếu cố đến, có người đọc, dù khen, dù chê, hay dù bị “sửa lưng” cũng đều tốt hết. Cái quan trọng là có người để ý đến bài của mình viết là vui rồi. Trăm người trăm ý mà. Tôi quan niệm rằng ai cũng có thể là thầy mình hết.
Thật ra, kết quả mà tôi có được như ngày hôm nay không phải là công sức của riêng tôi.
Đó cũng nhờ vào sự đóng góp ý kiến và sự hỗ trợ vô cùng quý báu của rất nhiều người.
Từ bè bạn khắp nơi đã cố vấn, từ các thầy cũ tại Đại học Montreal, từ các đồng nghiệp trong Cơ Quan Kiểm Tra Thực Phẩm Canada đã góp ý và cung cấp tài liệu.
Nhờ sự ân cần nhẫn nại của thầy cò và cô cò trong các ban biên tập đã bỏ công sửa các lỗi chính tả cũng như các webmaster đã khó nhọc layout, trình bày, và post các bài viết một cách quá ư là chuyên nghiệp, cho nên chúng ta mới thường xuyên có được những trang web vô cùng đẹp mắt.
Và tôi cũng không bao giờ quên được một người mà ngày đêm cực khổ sát cánh bên tôi để ủng hộ tôi, khích lệ tinh thần tôi, tiếp sức tôi, cộng tác với tôi, và đôi lúc rất nhẫn nại chịu khó thức khuya dậy sớm, tần mần tẩn mẩn làm finition đến thiếu điều muốn lòi con mắt luôn,đề o bế lại kỹ thuật cho bài viết được đẹp mắt và thêm phần trang nhã hơn, người đó chính là má xấp nhỏ của tôi, Dược Sĩ Nguyễn ngọc Lan.
Tôi cũng không quên ơn hai đứa con tôi đã kiên nhẫn, chịu khó hướng dẫn, và chỉ bảo tôi từng ly từng bước để ông già tía quá chậm chạp của chúng để làm quen với cái computer và Internet, một kỹ thuật còn quá mới mẻ và xa lạ mà mình mù tịt và rất sợ...
Tôi xin ghi nhận và thành thật cảm ơn tất cả.
Xin cám ơn CANADA, cám ơn hai chữ TỰ DO, cám ơn CUỘC ĐỜI
Montreal , June 8, 2009