Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Xin đừng lấy đồng lúa...
 
Lên mạng ngày 21/1/2009

Xin đừng lấy đồng lúa làm sân golf
TS Nguyễn Văn Huỳnh (Đại học Cần Thơ)
 
Cám ơn báo Tuổi Trẻ ngày 07-5-2008 đã trích đăng bức ảnh thật ấn tượng về tình hình sân golf đang lấn dần đất trồng lúa ở Indonesia, vì đó đang là nổi đau của chúng tôi cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Indonesia là đất nước có diện tích rất rộng và đất lúa của họ thường là dất đồi núi nên rất khó thâm canh tăng vụ, chứ ở đồng bằng của chúng tôi thì đúng là “bờ xôi ruộng mật” nên nông dân có thể trồng liên tiếp 2-3 vụ mỗi năm và sản lượng lúa có thể lên đến trên 10 tấn/ha, nhờ đó mà cả nước mới bảo đảm an toàn lương thực và xuất khẩu với số lượng lớn. Vì vậy ĐBSCL chẳng những là vựa lúa của cả nước mà còn là vốn quý cho an toàn lương thực của cả khu vực.  
 
Dẩu biết rằng công nghiệp hoá là xu thế tất yếu để đất nước phát triển nền kinh tế đang còn nặng về nông nghiệp, nhưng tiến trình phải theo sự quy hoạch tổng thể cho toàn vùng. Vậy mà gần đây đã tự phát nổi lên phong trào quy hoạch khu công nghiệp, chẳng những ở cấp tỉnh mà ngay cả huyện nào cũng làm, do đua đòi thành tích cá nhân cộng với sự dốt nát và vô trách nhiệm nên đã băm nát ruộng vườn một cách vô tội vạ. Và bây giờ lại đến lượt quy hoạch sân golf, nghe mà giật mình!.
 
Thiển nghĩ đất đồi núi hay ven biển ở các tỉnh miền Trung mới phù hợp cho việc mở sân golf, cũng như hầu hết các khu nghỉ dưỡng cao cấp đang tập trung ở đó. Phương tiện giao thông ngày một phát triển nên người chơi golf sẽ có đủ khả năng để đến đó vào dịp nghỉ cuối tuần. Hơn nữa việc điều hành một sân golf không phải là đơn giản và có lợi ở vùng đất dễ ngâp nước vào mùa mưa như ĐBSCL, chưa kể đến những tác hại về mặt sinh thái như thổ nhưỡng, nông nghiệp và đời sống của người dân ở trong vùng. Chúng ta đã thấy nét ngộ ngĩnh và độc đáo của những cô gái phục vụ sân golf đội nón lá ở Việt Nam, nhưng có lẽ sẽ đau lòng lắm khi thấy những thôn nữ ở đây phải bỏ nghề nông để đội nón lá đi phục vụ người chơi golf!
 
Nhân sự kiện này, nhà nước và bộ Nông nghiệp & PTNT cần có một quy hoạch và kế hoạch cụ thể về phát triển nông nghiệp song song với công nghiệp hoá cho ĐBSCL trong tương lai: đất nào cần phải giữ lại cho sản xuất nông nghiệp (đặc biệt là cho sản xuất lúa), chính sách về hạn điền, loại cây con kèm theo kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến và hiệu quả kinh tế mà người nông dân phải theo để bảo đảm sẽ đạt được lợi tức phù hợp so với các ngành công nghệ và dịch vụ khác. Nông nghiệp có thể sẽ không còn đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế nhưng là căn bản để đảm bảo an toàn lương thực và sự bền vững của môi trường cho đời sống con người, làm hài hoà bớt những xáo trộn do sự phát triển của công nghiệp gây ra. Thật thấm thía khi tôi đưa hai đồng nghiệp người Nhật đi đánh giá sự phục hồi của cây dừa do kết quả thả ong ký sinh trị bọ cánh cứng ăn lá ở Sóc Trăng vừa qua: khi ra đến bờ sông thì hai anh như bị dính chân khi thấy những rặng dừa nước vi vu theo gió chạy dài bên kia sông có thấp thoáng những mái nhà và chiếc xuồng câu nhỏ giữa dòng. Tôi nói “Ở đất nước các anh chắc không còn nhiều những cảnh này, nhưng bù lại thì người Nhật được hưởng đời sống rất cao do phát triển công nghiệp, rất đáng để chúng tôi noi theo?”. Các anh mai mĩa trả lời: “Đúng là không còn những cảnh này và tôi không biết sao họ (chính phủ Nhật) không chú ý đến khi phát triển công nghiệp, chớ còn đời sống ở Nhật bây giờ thì khũng khiếp lắm: lớp trẻ không muốn lập gia đình và nạn tự tử là cao nhất thế giới do đời sống bị bế tắt!”  
 
Mong rằng lãnh đạo ở tỉnh của quê tôi (Tiền Giang) và của vùng đất Hậu Giang gần kề (mà chúng tôi thường đến đó để làm thí nghiệm về phòng trừ rầy nâu cho lúa và áp dụng IPM cho sản xuất rau an toàn) hãy nghĩ lại!.
                                                           

(Báo Tuổi Trẻ ngày 11.5.2008)

Trở lại Trang Bài Viết

 
 
  Số người đọc 419529 visitors (1084662 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free