Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Rừn và tài nguyên động thực vật
 

 

Rừng và tài nguyên động thực vật tại Khánh Hoà và Việt Nam
Trần Đăng Hồng 
Việt Nam được cơ quan UNEP (United Nations Environment Programme) đánh giá phong phú về tài nguyên động vật và thực vật. Việt Nam có khoảng 12 ngàn loài cây thượng đẳng (cây có mạch), 800 loài rêu, 600 loài nấm, 276 loài động vật có vú, 900 loài chim, 180 loài bò sát, 82 loài động vật lưởng thể (amphibians) và 5,500 loại côn trùng. Trong vùng nước ngọt có 1,402 loài tảo, 544 loài cá trong số này có khoảng 35 loài bản địa, 782 loài động vật không xương sống, trong số này có 52 loài tôm cua sống ở nước ngọt. Ngoài biển khơi có 2,038 loài cá biển, 225 loài tôm biển, 50 loài rắn biển, 4 loại rùa biển, 16 loài thú sống trong biển, 298 loài san hô, và 662 loài rong biển.
Cả thế giới có khoảng 10 ngàn loài chim, riêng VN có khoảng 900 loài chim, trong số đó khoảng 100 loài chim bản địa, được UNEP đánh giá phong phú vào hạng thứ 10 trên thế giới. Ba vùng chim bản địa (endemic bird area) ở VN là: vùng Trường Sơn thấp (gồm vùng đồng bằng đến núi cao giữa 2 vỉ độ 16 (Quảng Trị) và 21° (Nghệ An); vùng Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Sông Bé đến Lâm Đồng); và cao nguyên Nam Trường Sơn (từ Lâm đồng tới Kontum). Ngoài ra, có khoảng 100 loài chim di trú đến tạm cư hàng năm ở các sân chim được thấy nhiều ở vùng Đồng Tháp, khu tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên và U Minh ở đồng bằng Cửu Long. Chẳng hạn, hàng năm có khoảng 200 con hạc (sarus cranes) di trú ở vườn chim Tam Nông Đồng Tháp, và khoảng 800 hạc ở vườn chim Hà Tiên. Chim Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Chỉ trong một tháng quan sát tại các rừng VN năm 2003, một du khách đã tường trình thấy 295 loài chim đẹp, chưa kể 65 loài chim đẹp khác thấy bán ở chợ chim. Các nhà chim học cũng vừa khám phá và đặt tên thêm 10 loài chim mới chỉ thấy có ở VN như Garrulax ngoclinhensisActinodura sodangorum v.v. Trong tổng số mấy trăm loài chim được UNEP đặt biện pháp bảo vệ trên khắp thế giới thì Viêt Nam có 103 loài chim này.
VN cũng rất phong phú về động vật lớn. Chẳng hạn, trong vùng bán đảo từ Đông Dương đến Mả Lai có 21 loài linh truởng (primates, người và khỉ) thì VN có tới 15 loài. Ngoài một số thú rừng ai ai cũng biết như cọp, beo, voi, nai, khỉ, có một số loài thú lớn ít ai biết tới. Chẳng hạn, VN có 2 loại tê giác (rhinoceros): tê-giác-một-sừng (Dicerorhinus sumatrensis) và tê-giác-hai-sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) sống trong những thung lủng ẩm ướt và thấp ở cao nguyên miền Trung mà tổng số hiện không còn quá 10 con. Ngày xưa trong thời Bắc thuộc các thái thú Tàu bắt dân ta lên núi tìm ngà voi, sừng tê, trầm hương, xuống biển mò ngọc trai, v.v. thì đủ biết các sản phẩm này quí giá chừng nào. Mới đây (1992-1997), sáu loài thú lần đầu tiên được phát hiện ở VN là sao-la (Pseudoryx nghetinhensis, sao-la có dạng vừa bò vừa nai), mang-Truờng-Sơn (Muntiacus truongsonensis), mang-lớn (Megamuntiacus vuquangensis), mang-Pù-Hoạt (Muntiacus puhoatensis), bò-sừng-xoắn (Pseudonovibos spiralis) và cầy-Tây-Nguyên (Viverra taynguyenensis). Ngoài ra, VN còn có 3 loài khỉ và 4 loài vượn đẹp hiếm thấy, như khỉ-chân-đen Pigathrix nemaeus nigripes và vượn-má-vàng Hylobates gabriellae của vùng Trường Sơn lân cận Khánh Hoà. 
Trong số 12 ngàn loài cây thượng đẳng của VN có khoảng 50% là loài cây bản địa, vì vậy VN được UNEP xếp hạng thứ 16 về phong phú tài nguyên thảo mộc. Chẳng hạn, Canada có diện tích gấp nước ta tới 30 lần nhưng chỉ có khoảng 3,3 ngàn loài. Thái Lan có diện tích 1,6 lần lớn hơn VN nhưng cũng chỉ có khoảng 12 ngàn loài.   Nước phong phú nhất là Brazil với 56 ngàn loài thực vật nhưng có diện tích lớn gấp 26 lần VN. So về đa dạng thực vật, thì rừng của VN và Đông Nam Á thuộc loại phong phú nhất, khoảng 160 loài thực vật/ha trong khi rừng Amazon chỉ có 90 loài/ha, còn rừng vùng ôn đới chỉ khoảng 10 loài/ha. Trong số 12 ngàn loài thực vật thượng đẳng của VN có khoảng 40 loài được trồng làm cây lương thực, hơn 1500 loại làm rau và cho trái ăn được, hơn 100 loài cho gổ quí, khoảng 3200 loài làm thuốc, và khoảng 2000 loài hoa lan. Thảo mộc tới bây giờ vẫn được xem là nguồn cung cấp dược liệu quí giá vì khoa học hiện đại vẫn chưa tổng hợp nhân tạo được một số dược liệu. Ngoài ra, các giống hoang dại còn là nguồn cung cấp gene quý giá, đặc biệt nguồn gene chi phối các đặc tính thích ứng phong thổ địa phương (như khô hạn, đất phèn, đất nhiểm mặn, v.v.) và kháng sâu bệnh, để xử dụng trong công tác lai tạo giống mới, nhất là với kỷ thuật chuyển gene mới bắt đầu thực hiện có hiệu quả. VN cần phải bảo tồn các giống hoang dại này cho thế hệ tương lai xử dụng. 
Phần đông người Việt chúng ta chỉ nghĩ rằng xứ ta nằm trong vùng nhiệt đới nên chỉ có cây trồng và thực vật vùng nhiệt đới. Sự thật, chúng ta có những thảo mộc thích ứng của vùng bán sa mạc (như vùng từ Cà Ná đến Vỉnh Hảo) cho tới loài thích ứng vùng bán ôn đới hay ôn đới trên những vùng cao của Hoàng Liên Sơn, Langbiang, và ngay tai Khánh Hoà trên đỉnh Hòn Bà. Vào thời trung học, khi học văn chương Pháp chúng ta thường thắc mắc về cây platane (ngô-đồng), cây chêne (oak, sồi), hay khi học cổ văn chúng ta cũng thấy có cây ngô-đồng, cây phong “ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cọng tri thu” (thấy lá ngô-đồng rơi, ai cũng biết mùa thu đã đến), hay “Người lên ngựa kẻ chia bào, rừng phong thu đã nhuộm màu quan san” (Kim Vân Kiều, Nguyễn Du). Đó là những loài cây của xứ lạnh như Pháp hay Tàu. Cây phong (maple, Acer spp.) là cây biểu hiệu của Canada (lá phong trên quốc kỳ). Không ai ngờ rằng những loài cây xứ lạnh này cũng có ở VN. Chẳng hạn, VN có 17 loài phong Acer bản địa mọc tự nhiên ở Hoàng Liên Sơn, trên núi cao vùng Kontum, Ban Mê Thuột, Bạch Mả, đỉnh Langbian, và đỉnh Vọng Phu. VN không có cây ngô-đồng (Platanus occidentalis), nhưng có loài tương cận Platanus kerri đại thụ ở rừng từ Hà Tỉnh đến biên giới Lạng Sơn. Không cần phải đến Âu Châu hay Bắc Mỹ mới thấy cây horse chestnut (Aeculus hippocastanum), trong rừng vùng Thanh Hoá, Cao Lạng cũng đầy rẩy Assam horse chestnut (Aeculus assamica). Chúng ta cũng có 3 loài Carya (tương ứng với pecan nut, hickory của Mỷ) bản địa của vùng Lai châu, Sơn La, Thanh Hoá; một loài Fagus (beech, sồi-cánh), một loài Castanea (dẻ) bản địa Sapa; 52 loài Castanopsis (dẻ) bản địa, và 112 loài Lithocarpus (dẻ) bản địa. VN cũng có 48 loài Quercus (oak, chêne, cây sồi) bản địa trên vùng núi cao. Trong nhóm Đào tiên (Prunus) của vùng ôn đới, VN có 13 loài bản địa như P. cochinchinensis, P. filopilosa, P. cerasoides (cherry rừng), riêng rừng Khánh Hoà có P. arborea (Vàng nương cho gổ quí).
            Thảo mộc bản địa ở VN tập trung ở 4 trung tâm quan trọng là Hoàng Liên Sơn, rừng ẩm vùng Ba Vì, núi Ngọc Lỉnh, và cao nguyên Langbian (Lâm viên). 
            Hoàng Liên Sơn với đỉnh Fansipan cao 3143 m, Tả Yang Phình cao 3096m, Pu Song Sung cao 2985m, có khí hậu ôn đới, đôi khi có tuyết trên đỉnh vào mùa đông, nên thực vật rất đa dạng, từ thực vật nhiệt đới ở chân núi, bán nhiệt đới ở lưng chừng núi, bán ôn đới và ôn đới (như đinh tùng Cephalotaxus hainanensis, thanh tùng Taxus wallichiana) khi càng lên gần đỉnh. Có khoảng 2000 loài thực vật, mà 25% là loài bản địa, về đông vật có 68 loài có vú, 61 loài bò sát, 553 loài côn trùng và 347 loài chim.  Cũng ở đây, một giống nấm thời cổ còn tồn tại, nặng tới 5.5 kg. Sở dỉ đựợc mang tên Hoàng Liên Sơn vì núi này có mọc đầy dẩy một dược thảo quí, cỏ hoàng liên (Coptis teeta Wall.) chứa aconitin, japaconitin dùng chửa trị đẹn, kiết và bệnh gan. 
            Vùng từ Hoà Bình đến tây Nghệ An, xưa kia là rừng núi trùng điệp, có núi Ba Vì (hay Tản Viên, chuyện sơn tinh thủy tinh) với đỉnh Ngọc Tản cao 1281 m, nay chỉ còn lại rừng nguyên thuỷ Cúc Phương (22 ngàn ha) với cây già hàng ngàn tuổi. Khoảng 1700 loài thực vật, 44 loài động vật có vú, 114 loài chim, 15 loài bò sát và 9 loài lưởng thể được tìm thấy ở vùng Ba Vì. Rừng Cúc Phương có 1980 loài cây có mạch, trong đó có 3 loài cây bản địa quan trọng là Pistachia cucphuongensis, Melastoma trungiiHeritiera cucphuongensis. Trong số 88 loài có vú thì loài khỉ bản địa Semnopithecus francoisi delacouri và mèo rừng Hemigalus owstoni là những loài thú coi như gần tuyệt chủng trên thế giới nhưng còn thấy ít con ở Cúc Phương. Ngoài ra còn có một loài cá bông lau (cat fish, Parasilurus cucphuongensi) bản địa chỉ sống ở suối trong hang động.
Riêng vùng rừng núi Ngọc Lỉnh (đỉnh cao 2598 m, mưa 4000 mm/năm) ở cao nguyên Kontum, với diện tích khoảng 50 km vuông, đã được các chuyên viên Hoa Kỳ (American Museum of Natural History và Missouri Botanical Garden) và VN khảo sát khá qui mô mới đây. Bản tường trình cho biết có 878 loài cây, 52 động vật có vú, 190 loài chim, 41 loài bò sát, 23 loài lưởng thể và 236 loài bướm. Hai loài mang mới (Muntiacus truongsonensis Megamuntiacus vuquangensis) và hai loài chim mới (Garrulax ngoclinhensisActinodura sodangorum) vừa đươc khám phá ở đây. Cọp, beo, gấu đen và gấu Mả lai cũng còn thấy ở đây. Núi Ngọc Lỉnh đặc biệt có một loài Sâm nam (gingseng, Panax vietnamensis) (có phẩm chất y như Sâm Cao Ly Panax pseudogingseng), với 8 loài cây bản địa quí hiếm như thông Đà Lạt (Pinus dalatensis), quế gù hương (Cinnamomum balansae), mây poilane (Calamus poilanei), v.v.
Cao nguyên Langbian (Lâm Viên) với đỉnh cao 2153 m, có núi Bi Đúp (giữa Đà Lạt và Hòn Bà) cao 2286 m, và Đỉnh Gió Hú cao1621 m, rất phong phú về cây ôn đới, hoa lan và chim lạ.
Rừng núi Khánh Hoà, nằm ở sườn đông của Trường Sơn, giữa Ngọc Lỉnh và cao nguyên Lâm Viên, nên cũng rất phong phú giống cây bản địa. Khánh Hoà chia cách với Phú Yên bởi Hòn Vọng Phu, với Daklak bởi Núi Chu Yang Sinh, và với cao nguyên Langbian bởi Hòn Bà. 
Núi Chu Yang Sinh, cách tây bắc Nhatrang 80 km, cao 2442 m, với diện tích rừng khoảng 40 ngàn ha. Chu Yang Sinh có khoảng 876 loài cây, ở cao độ thấp (<800 m) tập trung với bằng lăng (Lagerstroemia sp.) và cây họ Dầu (như sao – Hopea odorata, dầu – Dipterocarpus alatusD. turbinata), và ở độ cao trên 1000m là thông (Pinus spp.), thông nang (Podocarpus imbricatus) và Pơ mu (Fokienia hodginsi) đều cho gổ quí. 203 loài chim và 16 loài đông vật có vú cũng tìm thấy ở vùng núi này. 
Hòn Vong Phu, cao 2051 m, cách Nhatrang khoảng 80 km, là ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hoà. Rừng Vọng phu, khoảng 9000 ha, rất phong phú thực vật và động vật, gồm 191 loài cây, 22 loài có vú gồm động vật quí và hiếm như khỉ mặt đỏ, gấu Tây Tạng, gấu Mả Lai, tê trút (pangolin, Manis javanicas), beo, sơn dương, và 55 loài chim với nhiều loài công.
Hòn Bà, ở tây nam Nha Trang 60 km, là nơi vào năm 1914 Bác sỉ Alexandre Yersin lập một phòng thí nghiệm sinh học, một trại khí tượng, và thí nghiêm trồng cây kí ninh (Cinchona josephiana, quinine trị sốt rét). Vì núi khá cao (1500 m) nên có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt, nhưng khác với khí hậu khô hạn của vùng đồng bằng chung quanh là Diên Khánh và Cam Lâm, mưa hầu như quanh năm ở Hòn Bà (252 ngày mưa/năm) nên thực vật núi rừng Hòn Bà rất đa dạng và phong phú, từ những loại thực vật nhiệt đới ở chân núi tới thực vật bán ôn đới trên độ cao.
Vì vậy, Khánh Hoà rất phong phú cây bản địa.  Chẳng hạn, VN có 20 loài Trà (Camellia) bản địa, thì riêng Khánh Hoà có 3 loài bản địa, Camellia krempfi Camellia fleuryi  của Hòn Bà và Camellia nematodea của rừng Ninh Hoà. Cũng vậy, trong số 72 loài Thị (Diospyros, mà hồng là D. kaki ) bản địa, thì Khánh Hoà có 13 loài, có loài mang tên địa phương như D. bangoiensis (thị Ba Ngòi), D. nhatrangensis (thị Nhatrang), và không ai mà không biết đủa mun, tượng gổ mun đặc sản của Ba Ngòi là lấy từ gổ của D. munD. lobata là loại cây bản địa của rừng Cam Lâm. VN có khoảng 2000 loài lan orchid (cả thế giới có khoảng 17,500 loài), trong số đó 795 loài đã được định danh, riêng Khánh Hoà có ít nhất là 59 loài, phần đông tập trung ở Hòn Bà, Hòn Vọng Phu, Hòn Hèo và các rừng phía tây trên Trường Sơn. Ba trong số 29 loài bứa (Garcinia, mà măng cụt là G. mangostana) là bản địa của Khánh Hoà. Dọc theo bờ bể và các hải đảo Khánh Hoà là đầy dẩy nhản rừng hoang dại (Dimocarpus longan), và núi rừng Khánh Hoà là cái nôi của 2 loài Cam quít bản địa (Citrus annamensisC. macroptera var. annamensis) trong số 6 loài Citrus bản địa trong tổng số 24 loài hiện diện ở VN. Huyền thoại “vườn quít tiên trồng” của dân vùng Diên Khánh có lẻ bắt nguồn từ sự phong phú cam quít hoang dại ở vùng núi Hòn Dử trong dảy Trường Sơn. Trên các núi cao của Khánh Hoà có Thiên tuế lược (Cycas pectinata Griff.) (làm cây cảnh), cây Pê mu (Fokienia hodginsii) (cho gổ quí làm mỷ nghệ, đóng hòm), Thông nang (Podocarpus imbricatus) (gổ quí), Thanh Tùng (Taxus baccata) (gổ, vỏ chứa chất taxol dùng làm thuốc trị ung thư vú, phổi), và người dân Nha Trang vốn tự hào về xứ “trầm hương”, đã đi vào huyền thoại Tháp Bà, đó là cây trầm hương (Aquilaria crassna), loài cây bản địa của Khánh Hoà, mà trầm Ninh Hoà nổi tiếng là tốt nhất, nên được gọi là “Kỳ Nam”, tốt hơn trầm hương xứ Quảng (Aquilaria bailloniiA. banaensae) bản địa của núi rừng từ Quảng Trị đến Quảng Ngải. Khánh Hoà cũng là quê hương của mít (Artocarpus). Trong số 15 loài mít hiện diện ở VN, thì 3 loài du nhập (nguồn gốc Ấn Độ, Mã Lai, Indonesia), còn 12 loài kia là bản địa, trong số này có 3 loài là bản địa của rừng Khánh Hoà (Artocarpus rigida subsp. asperulusA. melinoxyla, và A. nitida). Phần đông con dân Khánh Hoà nghĩ rằng vùng Khánh Hoà nóng bỏng nên chỉ có cây vùng nhiệt đới. Sự thật, Khánh Hoà chúng ta còn có những loại cây của vùng bán ôn đới mọc tự nhiên (không phải do trồng) trên các núi cao của vùng Hòn Hèo, Hòn Bà, Vọng Phu, Chu Yang Sinh, v.v. Chẳng hạn, trong số 52 loài Castanopsis (dẻ) bản địa của VN, có 11 loài bản địa của Khánh Hoà, trong số đó có vài loài mang tên địa phương như Castanopsis nhatrangensis (dẻ Nha Trang), C. ninhhoaensis (dẻ Ninh Hoà); trong số 112 loài Lithocarpus (dẻ) bản địa có 16 loài bản địa của Khánh Hoà, một số mang tên địa phương như L. nhatrangensis (dẻ Nha Trang), L. coinhensis (dẻ núi Cổ Inh), L. honbaensis (dẻ núi Hòn Bà), L. songkoensis (dẻ Sông Cô), hay kỷ niệm tên một bác học của Nha Trang như L. yersinii (dẻ Yersin Hòn Bà). Trong số 48 loài Quercus (cây sồi) bản địa trên vùng núi cao ở VN thì có 6 loài bản địa Khành Hoà (Quercus arbutifolia ở Hòn Hèo, Q. helferiana, Q. lanata, Q. leucotrichophora, Q. poilaneiQ. rupestris). Cũng không ai ngờ rằng Khánh Hoà chúng ta còn có cây phong: Acer flabellatum (phong-lá-quạt), và A. laevigatum (phong lán) trên Hòn Vọng Phu vốn là những cây của vùng bán ôn đới.
Như vậy, rừng là nơi cây cối, muôn thú, chim chóc, v.v. sinh tồn và phát triển. Rừng là tài nguyên của đất nước – tiền rừng bạc bể- .Không còn rừng tất nhiên mọi thứ đều không còn, và đất nước sẽ điêu tàn “Au plus profond des bois, la patrie a son coeur, un peuple sans forêt est un peuple qui meurt” (thơ André Theuriet) “Hồn Tổ Quốc ngự giữa rừng sâu thẩm, Rừng điêu tàn là Tổ Quốc suy vong” (Bùi Bá dịch). Một câu hỏi được đặt ra là hiện tại VN còn bao nhiêu rừng. Theo chính phủ VN công bố thì hiện còn khoảng 10 triệu ha rừng. Theo thống kê từ thời Pháp thuộc, năm 1943 VN có khoảng 20 triệu ha rừng (bao phủ khoảng 60% diện tích đất của VN). Theo Koninck (2002) (http://web.idrc.ca/en/ev-9318-201-1-DO_TOPIC.html), vào cuối thập niên 1960, VN còn 18,1 triệu ha rừng (bao phủ 55% diện tích đất VN), nhưng đến cuối thập niên 1980 thì chỉ còn 5,7 triệu ha rừng (bao phủ 17% diện tích đất VN). Một tường trình khác là hiện nay VN chỉ còn 3,5 triệu ha rừng (11% diện tích đất) (Koninck, 2002), trong số đó chỉ còn khoảng 2 triệu rừng nguyên sinh. Cũng theo thống kê của chính phủ VN, thì múc độ phá rừng hàng năm là 100 ngàn ha, và mức độ trồng lại rừng là 100 ngàn đến 160 ngàn ha/năm. Tuy nhiên, theo UNDP báo cáo cho biết là mức độ phá rừng hàng năm ở VN là từ 200 ngàn đến 250 ngàn ha, và với mức độ phá rừng này thì VN sẽ không còn bao nhiêu rừng nữa vào năm 2020. Ở Đồng bằng Cửu Long, 23% diện tích bao phủ năm 1943 là rừng, nhưng năm 1993 chỉ còn 5%. Rừng tràm (Melaleuca) ở đồng bằng Cửu Long hiện nay chỉ còn 121,000 ha, và trung bình 5000 ha bị huỷ diệt/năm. Riêng tại Cà Mau, hơn 60,000 ha rừng đước (mangrove) bị phá huỷ trong khoảng 1983-1992 để nuôi tôm. Tháng Giêng năm 2001, chương trình 5 năm phát triển nuôi tôm của chính phủ dự trù gia tăng diện tích hồ nuôi tôm từ 226,000 ha lên 330,000 ha, như vậy có nghĩa là thêm 100,000 ha rừng ngập mặn sẽ bị tiêu huỷ trước năm 2006.
Trên nhật báo San Jose Mercury News ngày 30/10/1998, phóng viên Andrew Lâm, sau khi về thăm quê hương VN, đã kể lại việc Tướng Võ Nguyên Giáp trả lời câu hỏi của một phóng viên ngoại quốc là VN còn có thể làm một cuộc kháng chiến du kích khác như đã chiến thắng Pháp và Mỹ hay không. Tướng Giáp trả lời "No, I'm afraid that would be quite impossible". Người phóng viên hỏi lại "Why not?". Tướng Giáp trả lời: "We used to hide in the forests when we fought those wars but now there's no forest left."
Thật vậy, trong 60 năm kể từ 1945, chiến tranh, nhất là trong thời gian 1960-1975, đã tàn phá khoảng 2.5 triêu ha rừng do bom đạt và thuốc khai quang, nhưng sau chiến tranh, ngay trong thời bình, lại hơn 10 triệu ha rừng huỷ hoai bởi chính con người Việt Nam. Và tương lai tài nguyên động thực vật VN, cũng là di sản của thế giới, tuỳ thuộc vào việc bảo tồn thiên nhiên của VN.
Động vật và thực vật VN có nhiều nguy cơ tuyệt chủng. Sách Đỏ VN năm 1996 liệt kê hơn 300 loài động vât và 350 loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Theo tài liệu WCMC (World Conservation Monitoring Centre) năm 1998, 519 loài cây, và 230 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở VN. Mới đây, năm 2003, Hiệp Hội Bảo Tồn Toàn Cầu (World Conservation Union) lập danh sách 284 loài cây và động vật trên bờ tuyệt chủng ở VN gồm 34 loài chim (14% tổng số loài chim của VN) trong số này có 4 loài đang nguy ngập là 2 loài hạc (Pseudibis davisoni và Thaumatibis gigantea) và 2 loài kên kên (Gyps bengalensisGyps tenuirostris), 45 loài động vật có vú (20% tổng số loài), trong số này có 5 loài khỉ (Trachypithecus delacouri; T. poliocephalus; T. francoisi; Pygathrix nemaeus cinerea; và Rhinopithecus avunculus) trong số 25 loài khỉ trên thế giới đang trên đà tuyệt chủng. Thêm vào đó, 27 loài bò sát bản địa mà đa số là loài rùa có nguy cơ tuyệt chủng. Vào thập niên 1960, rừng VN có đủ muôn loài thú như cọp, beo, gấu, voi, tê giác, bò rừng, trâu rừng, v.v. Năm 1980 ước tính còn khoảng 1500 đến 2000 voi sống trong rừng cao nguyên, nhưng vào năm 2000 chỉ còn từ 85 đến 114 con. Nay còn khoảng chừng 150 cọp. Trâu rừng và Kouprey (Bos sauveli) coi như biến mất, nai sika biến mất trong rừng chỉ còn một số dưới dạng thú nuôi. Chồn Cynogale bennetti, trâu rừng Bubalus bubalis, vượn-tay-trắng Hylobates lar và heo rừng Tapia indicus trở nên hiếm thấy, tê giác Dicerorhyncus sumatrensis coi như không còn thấy nữa, còn tê giác Rhinoceros sondaicus hiện chỉ còn không tới 10 con, và heo rừng (warty pig) (Sus bucculentus) coi như đã tuyệt chủng ở VN, nhưng mới đây tìm thấy lại ở Lào.
Các giống cây tường trình đã bị tuyệt chủng ở VN cũng đều là giống bản địa của Khánh Hoà, đó là hoa-lan-vệ-hài (Paphiopedilum delanatii) của rừng Truờng Sơn thuộc Khánh Hoà và cây Chai-lá-phăng (Shorea falcata) (cho gổ quí thuộc họ cây Dầu Dipterocarpaceae) của rừng còi Cam Ranh.
Tại VN, 6 loài cây đang trên bờ tuyệt chủng là Thiên Tuế Cycas micholitzii (Cao nguyên Trung Việt), Kiền Kiền Hopea hainanensis (Nghệ Tỉnh), Xoài núi Mangifera (Quảng Nam tới Phan Rang), Sâm nam Panax vietnamensis (Gia Lai Kongtum), Thông Đà Lạt Pinus dalatensis (Đà Lạt, Ngọc Lỉnh) và Thông lá giẹp Pinus Krempfii (Đà Lạt, Hòn Vọng Phu). Ngoài ra, UNEP còn liệt kê thêm 24 loài cây có nguy cơ tuyệt chủng, và 299 loài cây trở nên hiếm thấy.
Có người sẽ hỏi là chính phủ VN có biện pháp bảo vệ rừng và tài nguyên không. Kể từ 1958 tới nay, chính phủ VN có tới 60 văn bản pháp luật có liên quan tới vấn đề bảo vệ rừng, trồng lại rừng, bảo tồn đa dạng sinh học qua việc ấn định các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, v.v. Nhưng trên thực tế, rừng, tài nguyên và đa dạng sinh học vẫn tiếp tục xuống cấp, bởi vì không ai tuân thủ hay muốn thi hành pháp luật đúng đắn. Đọc báo chí trong nước vẫn thấy tường trình lâm tặc gia tăng đốn phá ngay trong các khu lâm viên, rừng cấm. Các đoàn di dân vẫn tiếp tục đốn rừng lập đồn điền ở cao nguyên. Báo chí vài ba năm trở lại đây còn tường trình cảnh dân chúng miền Trung vào tận rừng sâu của Trường Sơn để bứng các đại thụ (hàng trăm tuổi) để cung cấp cây “đại cảnh” cho vô số các đại gia – giai cấp tư bản mới trưởng giả học làm sang - ở Hà Nôi và Sài Gòn. Mốt chơi cây “tiểu cảnh” (bonsai) đã trở thành nếp sống cổ lổ sỉ, lạc hậu chỉ dành cho giới nghèo hèn, nếp sống thời thượng của giai cấp đại gia là phải biết thi đua chơi cây “đại cảnh” ở sân vườn biệt thự, giá vài mươi triệu đồng một cây, nên rừng núi Trường Sơn, vốn đã kiệt quệ, nay càng thêm điêu tàn.
Năm 2002, trong một chuyến công tác về VN, tôi cùng một số cán bộ chuyên viên trong nước đến một vùng rừng núi khỉ ho cò gáy. Trong một buổi ăn trong một một quán thịt rừng ở quận lị đầy khách sang trọng đến từ tỉnh lị, thấy có một loại thịt hơi khác lạ, tôi hỏi là thịt gì vậy. Một chuyên viên trả lời đó là thịt con tê trút (pangolin). Tôi sửng sốt “nhưng đây là loài thú hiếm ghi trong Sách Đỏ cần phải bảo vệ mà sao chúng ta lại ăn nó”. Anh chuyên viên trả lời tôi một cách tỉnh bơ “Thầy cứ ăn đi, mai mốt nó tuyệt chủng thì đâu còn dịp để thưởng thức”. 
 
Viết tại Reading, ngày April fool (01/April/2005).

Trở lại Trang KHNN
 
 
  Số người đọc 420996 visitors (1088171 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free