Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Sử dụng nước ngầm tại Cần Thơ
 
Lên mạng ngày 7/6/2009

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG SỬ DỤNG NƯỚC NGẦM TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Thạc Sĩ Kỷ Quang Vinh & Lương Hồng Tân & Thomas Nuber
 
   Nước ngầm hay nước dưới đất là nguồn tài nguyên cần được quản lý tốt trong khai thác, sử dụng nếu không sẽ bị cạn kiệt và ô nhiễm, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống - nhất là sức khỏe con người.
   Nước ngầm tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau (sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp…). Thành phố Cần Thơ nằm trên bờ Nam sông Hậu, thuộc khi vực trung tâm ĐBSCL, cách TP. Hồ Chí Minh 180km về phía Tây-Nam. TP. Cần Thơ có tổng diện tích 1.401km2. Dân số tăng nhanh, năm 2000 có 1,08 triệu người đến năm 2005 là 1,14 triệu người. Mật độ dân số cao năm 2005: 813người/ km2 (thấp nhất là huyện Vĩnh Thạnh 400người/km2 và cao nhất là huyện Ninh Kiều 7.500người/km2).
   Do dân số tăng, chất lượng nước bị suy giảm theo thời gian vì ô nhiễm. Các chỉ số như DO 3-5mg/l do tiêu chuẩn cho phép là 6mmg/l; COD 8-25mg/l là 10mg/l; NH3 0,1-0,7mg/l là 0,05mg/l; total Coliform 50.000 – 150.000 MPN/100ml so với 5.000 MPN /100ml. Đó là những lý do chính làm cho nước ngầm được sử dụng ngày càng nhiều tại TP. Cần Thơ.
   Hiện nay, TP. Cần Thơ có 32.000 giếng khoan cở nhỏ của hộ gia đình với công suất khoảng 5m3/ngày, hơn 300 giếng cở trung bình công suất khoảng 500m3/ngày cho trạm cấp nước nhỏ và 20 giếng qui mô lớn công suất trên 100m3/ngày để cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp.
   Trong tương lai, trung tâm cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn cảu Cần Thơ đang có kế hoạch xây dựng hơn 150 trạm xử lý nước ngầm đến năm 2010 nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước cho khu vực nông thôn của Cần Thơ.
   Thời gian qua, có nhiều người sử dụng nước ngầm cho cuộc sống, nhưng do điều kiện địa chất của địa phương (thí dụ: lớp sét bao phủ có bề dày lớn khoảng 60m…) làm cho lưu lượng nước ngầm được bổ sung rất ít không đủ bù vào nhu cầu sử dụng nói trên.
   Do đó, điều tra nghiên cứu tập trung động thái nước ngầm tại TP. Cần Thơ để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến mực nước ngầm cần được quan tâm thực hiện. Mục tiêu nghiên cứu nhằm có bức tranh tổng quan về ảnh hưởng của việc gia tăng khai thác nước dưới đất tới mực nước ngầm và xác định ảnh hưởng của sông Hậu tới động thái của nước ngầm. Những dữ liệu có sẳn của Sở Tài Nguyên – Môi Trường Cần Thơ cũng như những số liệu do chúng tôi đo được bằng máy đo kỹ thuật số tại một số giếng quan trắc sẽ được dung để đánh giá.
   - Tại điểm quan trắc QT08, các giếng a,b,c được nghiên cứu liên tục 7 ngày từ 16/03/2006 đến 23/03/2006.
   - Tại các giếng quan trắc QT16b, QT08b, BS04b và QT09b nghiên cứu lien tục 14 ngày từ 13/03/2006 đến 06/04/2006.
   Qua việc đánh giá số liệu đo mực nước ngầm trong 5 năm gần đây kết hợp với việc so sánh các số liệu đo đạc như thế trong thời gian nghiên cứu cho thấy những dấu hiệu đặc trưng của việc lạm thác nguồn nước ngầm được phát hiện. Sử dụng máy đo kỹ thuật số với tầng suất ghi nhận chiều cao mực nước cách nhau 10 phút, có thể cho thấy mực nước của tầng Pleistocene thì ảnh hưởng nhiều bởi chế độ thủy triều sông Hậu. 

Hình 1 a và b Ảnh hưởng của thủy triều tới mực nước ngầm
   Theo biểu đồ trên, tại điểm QT08 cách sông Hậu khoảng 1km, mực nước của tầng Holocene giếng QT08c hầu như không bị ảnh hưởng thủy triều. Tầng Pleitocene thượng, giếng QT08b và hạ giếng Qt08c bị ảnh hưởng mạnh bởi thủy triều sông Hậu.
 

 

   Theo biểu đồ trên:
   - Các giếng QT16b và BS08b do cách sông Hậu dưới 1km thì bị ảnh hưởng rõ nét bởi thủy triều sông Hậu.
   - Các giếng QT09b và BS04b do cách xa sông Hậu trên 3km nên ảnh hưởng thủy triều sông Hậu lên mực nước ngầm là không lớn.




   Tại hình 3, chúng ta dễ dàng thấy sai số của việc đo mực nước ngầm theo cách làm hiện thời (lúc 9 giờ sáng của ngày đo), vì mức nước ngầm ở tầng Pleistocene bị ảnh hưởng lên xuống theo dao động của thủy triều của nước sông Hậu nên kết quả đo sẽ cho ta cảm giác nước ngầm được bổ sung theo chu kỳ. Trong khi thực tế là mực nước ngầm bị suy giảm theo thời gian. Nhìn chung, kết quả nghiên cứu sơ bộ này cho thấy nguồn nước ngầm của TP. Cần Thơ rất nhạy cảm với lượng nước khai thác hằng ngày và tương tác chặc chẽ với các diễn biến của nguồn nước sông Hậu. Lưu lượng khai thác nhiều hơn lưu lượng bổ cập làm cho tại một số khu vực của TP. Cần Thơ mực nước ngầm bị tuột xuống khoảng 0,7m/năm.     

   Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi một sự cải tiến chiến lược quản lý nước ngầm tại TP. Cần Thơ. Nhưng trước mắt sự cải tiến trong phương pháp quan trắc nước ngầm phải được xem như bước đi đầu tiên và cần thiết trong việc quan trắc và đánh giá cả hệ thống.
   Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị có sự hợp tác giữa Sở Tài Nguyên – Môi Trường Cần Thơ và các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước, để thực hiện các hoạt động nhằm quản lý sử dụng tốt nguồn tài nguyên nước ngầm:
   - Xây dựng bản đồ dẫn đường đồng cao độ và mô hình nước ngầm:
      * Đo đạc cao độ của các giếng quan trắc với mốc Hòn Dấu.
      * Xây dựng đường đồng mức và lưu lượng sử dụng và bổ cập của nước ngầm.
      * Mô hình hóa quản lý nước ngầm bằng phần mềm modflow.
   - Nghiên cứu sâu hơn ảnh hưởng của thủy triều:
      * Soạn thảo chi tiết kế hoạch Quản lý nước ngầm bền vững.
      * Nghiên cứu bổ cập nước nhân tạo.
      * Chạy mô hình với nhiều kịch bản.        
 
Ngày 06/06/09
Thạc Sĩ Kỷ Quang Vinh & Lương Hồng Tân, Sở Tài Nguyên Môi Trường Cần Thơ. Thomas Nuber, Bộ môn Kỹ Thuật Môi Trường và Sinh Thái, Khoa Xây Dựng, Đại Học Buhr Bochum, Cộng Hòa Liên Bang Đức. 

Trở lại Trang KHNN
 
 
  Số người đọc 421084 visitors (1088294 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free