Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Bên mâm com ngày Tết
 
Lên mạng ngày 20/1/2009

Bên mâm cơm ngày Tết…
TS Nguyễn Văn Huỳnh (Cần Thơ)
 
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè
Cu là lòai chim đã đi vào ca dao đồng nội vì đó là lòai chim ăn lúa lại có tiếng gáy rất hay, hàng năm thường tụ hội về đồng trong mùa lúa chín vào những ngày giáp Tết. Khi gió bấc rao rao làm cho hàng cây so đủa bên bờ kinh bắt đầu ra nụ thì giống lúa Gié Vàng đang tăng trưởng trên đồng cũng dừng lại để nghe ngóng, rồi mơn man theo gió để tượng đòng và trổ bông sớm. Cho nên ba tôi thường chống xuồng vào trong ngọn để mua lọai lúa này về, phơi phong giê sạch rồi trữ vào bồ trước khi Tết đến, ra giêng đem xay giả mà ăn dần trong suốt năm. Ba tôi cũng có nghề câu tôm. Cho nên trong khi mẹ và chị tôi đi chợ xa để bán trái cây và mua sắm Tết thì tôi được ông đưa xuống xuồng ngồi dằn sau lái để theo ông đi câu trên sông. Mồi câu được luồn bằng trùng hổ hay ốc ma thành cục mồi lớn rồi dùng cần câu dể thả xuống tận đáy nước ở chổ mé sông nào mà ông biết tôm thường hay lui tới kiếm ăn. Con tôm mê mồi sẽ dùng chân và càng ôm chặt cục mồi rồi tha đi, lúc đó ba tôi sẽ dùng cần câu để dắt chúng lên rồi lòn vợt phía sau mà vớt. Mê nhất là những con tôm càng sào bằng bắp tay người lớn vảy vụa tung nước trong vợt. Đôi khi ba tôi cũng vớt được những con cua đinh hay cá chạch lấu mà nhiều con lớn đã làm rách lưới… Tuổi thơ của tôi ở miền quê nghèo nàn nhưng để lại nhiều ký ức khó quên.
            Bây giờ thì hình ảnh đó chỉ còn thấy lại đôi khi, ở một vài nơi, như ở vùng của Long An, Bình Chánh nơi người ta còn giữ lại giống Nàng Thơm Chợ Đào và trồng nếp để làm rượu Gò Đen. Đây là vùng đất bị nhiễm mặn vào mùa nắng nên không thể canh tác vụ lúa đông xuân. Do đó, sau khi gặt xong vụ hè thu sớm vào khoảng tháng Tám thì người ta nhổ mạ và cấy lại lúa mùa. Chúng chịu ảnh hưởng của đỏan quang kỳ nên sẽ trổ vào những ngày giáp Tết, khi mà mưa đã hết và nước cũng vừa cạn trên đồng. Vào những ngày này, nếu có dịp đi công tác Sài Gòn khi ngang qua khỏi cầu Bến Lức thì tôi thường hay dõi mắt nhìn theo những ruộng lúa chín vàng hai bên đường như để tìm về ký ức.
Có lần tôi được mời đi kiểm tra tình hình rầy nâu ở Tà Keo bên Campuchia thì sau khi đi hết vạt lúa đông xuân ở dọc theo biên giới, vào đến bên trong tôi lại gặp lúa mùa còn chín tràn đồng nên rất nhớ nhà. Ở Thái Lan cũng vậy, vùng đông bắc của họ giáp với Lào và Campuchia đất rộng người thưa nên họ cũng chỉ canh tác lúa mùa, nhờ vậy mà họ có gạo ngon để xuất khẩu mà không sợ rầy nâu. Vì vậy nên cơ cấu giống lúa của họ rất ổn định từ năm này sang năm khác, giống như các giống Tàu Hương, Nàng Thơm, Trắng Tép của mình mà từ bao đời nay vẫn vậy. Chớ làm hai ba vụ như hiện nay để có dư lúa xuất khẩu như của ta thì phải dùng giống lúa mới kháng rầy. Mà kháng rầy thì phải chạy đua theo sự đồng tiến hóa với gen kháng của chúng thì khó mà có được bộ giống lúa ổn định qua nhiều năm. Do đó, nếu có ai đổ thừa là ta làm “lọan giống” thì cũng chịu thôi chớ biết sao giờ! Chẳng lẽ trở lại làm lúa mùa một vụ thì lấy đâu có đủ gạo ăn cho cả nước và dư để xuất khẩu? Cũng có ý kiến cho là có cần phải xuất khẩu gạo không? Vì người ta chỉ cần xuất được một cồng-ten-nơ con chips điện tử thì ngọai tệ thu về còn cao hơn mình chở không biết bao nhiêu tàu với hàng trăm ngàn tấn gạo.
Xin thưa rằng cũng cần chớ! Từ chổ phải nhập khẩu gạo để cứu đói thì Việt Nam mình đã dần dần tự túc được lương thực rồi bắt đầu xuất khẩu đã làm cho bao nhiêu người từ ngạc nhiên đến khâm phục. Có lẽ đó cũng làm cái trớn để đẩy nền kinh tế Việt Nam đi lên. Từ đó đến nay lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày một gia tăng, hiện nay lên đến trên 4 triệu tấn hàng năm, từ một quỹ đất luá chỉ bằng khỏang một phần tư của Thái Lan. Hạt gạo Việt Nam mặc dù không có thương hiệu nhưng đã đến với nhiều nước láng giềng, cho đến tận các nước châu Phi nghèo khổ. Và trong cuộc khủng hỏang lương thực thế giới vừa rồi nhiều nước đã trông chờ và tin tưởng vào gạo Việt Nam, lọai gạo mà chỉ có một thương hiệu nôm na gọi là “gạo Việt Nam”, nhưng có thể đủ để no lòng cho nhiều người trong những lúc khó khăn nhất.  
Thật vậy, sắp tới chúng ta có thể sẽ xuất khẩu được con chips điện tử để làm giàu nhưng cũng xin đừng quên rằng hạt gạo ở đồng bằng sông Cửu Long cũng là nguồn dự trữ lương thực cho cả nước và của cả khu vực. Lúc đó muốn đánh gôn thì đất ở vùng cao nguyên hay bờ biển đầy nắng và gió của nước ta thiếu gì, cho nên xin đừng lấy ruộng đồng vì đó là nồi cơm, là mạch sống của nhiều người, là lá phổi của các đô thị đang ngày đêm nhả khói và bụi bặm. Tôi rất khâm phục nhà vua Bomibol của Thái Lan với chương trình phát triển nông thôn đồng bộ để vừa xóa đói giảm nghèo, vừa tạo sự cân bằng sinh thái, khi mỗi nông hộ hay nông trang được tổ chức liên hòan gồm có cả ruộng vườn ao chuồng hầm ủ biogas khép kín, rồi gắn kết với mạng lưới khuyến nông, truyền thông cùng dịch vụ thương mại nông sản. Người dân ở nông thôn có thu nhập tương đối thấp so với người thành thị nhưng họ không cảm thấy mình nghèo, và tôi thấy họ lại giàu hơn về nhân cách, bình yên và thư thái trong cuộc sống khá hài hòa ở môi trường ít bị xáo trộn. 
Đất nước ở đồng bằng sông Cửu Long của ta có khác, đất hẹp người đông lại là vùng trũng thấp nên trồng lúa và nuôi cá là mạch sống cố hữu của bao người. Công nghiệp hóa để hiện đại hóa đất nước là điều tất yếu của phát triển đất nước nhưng phải có tầm nhìn và cân nhắc thấu đáo chớ đừng thiển cận mà đánh liều bức tử ruộng lúa dòng sông. Là thế nào khi một tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng lúa hàng năm đến trên một triệu tấn mà có quy họach đến năm sân gôn? Bây giờ ngay đến huyện cũng đua nhau quy họach khu công nghiệp mà có chổ nào dễ hơn là cứ chọn ngay trên cánh đồng màu mỡ hay ven sông mà lại không có định chuẩn cho hệ thống xử lý chất thải...
Đã đến lúc phải cứu lấy vùng đất này trước khi quá muộn mà trước tiên không ai khác hơn là chính người dân của đồng bằng, bởi vì đó là máu thịt của họ. Vậy thì làm sao giúp cho họ có thêm công ăn việc làm để khỏi phải vội vàng đốt rơm rồi sạ chay lại ngay sau khi vừa thu họach vụ trước, để họ khỏi phải bón nhiều phân đạm khi họ biết rằng độ phì nhiêu trong đất có đủ thời gian để phục hồi, để họ khỏi phải đánh liều đi mua chịu ở đại lý mà đưa thuốc gì cũng được miễn sao cho nhận chịu đến ngày bán lúa xong mới trả, để họ biết rằng gieo sạ đồng loạt theo quyết định tập thể thì có thể né được sự tấn công của rầy và không cần phụn xịt thuốc mà lúa vẫn trúng mùa… và sau hết là để họ biết cùng hợp sức lại với nhau nhằm trao dồi kiến thức, trao đổi kinh nghiệm và cải tiến sản xuất để khai thác lợi thế của kinh tế thị trường. Và phải làm gì nữa để giúp họ có thể chỉ canh tác hai vụ chính trong năm cho ít bị sâu bệnh lây lan, thế nào để có được giống lúa xác nhận mà khi gặt xong thì thương lái đến thu mua ngay và giá lúa đã được định trước là chắc chắn sẽ có lời, và làm thế nào để nhà nước có thể hỗ trợ nông dân cho họ an tâm sản xuất lúa vì lợi nhuận chung của gia đình họ sẽ tương đối phù hợp hoặc ít chênh lệch so với các ngành dịch vụ hay công nghiệp khác?
Đó là những điều mà mỗi con em của gia đình nông dân chúng ta thường hay trăn trở và kỳ vọng khi được về ngồi chung nhau bên mâm cơm ngày Tết trong cái không khí mát dịu của gió đồng. Tết nào gia đình của chúng tôi cũng về quê với bà chị cho đầm ấm mái nhà xưa, để đốt nén nhang lên bàn thờ ba má và cho các con tôi làm tuổi ông bà. Tết này cũng vậy, hàng so đủa chắc vẫn còn trổ trắng bên sông nên chiếc xuồng câu của ba tôi sẽ hiện về theo ký ức. Tôi sẽ nhớ lại hình ảnh của mình đang ngồi ê a học bài sau lái chiếc xuồng câu của ba tôi xuôi ngược theo dòng sông trước nhà. Miền quê bây giờ đã đến thời phải đổi mới nhưng làm sao cho đồng lúa vẫn giữ được cánh cò và con diều giấy của trẻ thơ còn có chỗ để bay cao.


Trở lại Truyện Viết
 
             
 
 
  Số người đọc 419617 visitors (1084797 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free