Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Ninh Bình
 
Lên mạng ngày 21/6/2009

Thô thiển lạm bàn về tỉnh Ninh Bình, cố đô Hoa Lư, Đinh, Tiền Lê…
G S Tôn Thất Trình
 
Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh
Con quan thứ sử ở thành Hoa Lư.
Khác người tự thuở còn thơ
Rủ đoàn mục tử mở cờ bông lau.
Dập dìu kẻ trước người sau….
        
 
Vị trí , lãnh thổ
 
Ninh Bình là một tỉnh nhỏ, rìa phía Nam và Tây Nam Đồng bằng sông Hồng.. Tây Bắc giáp Hòa Bình, (ranh giới chung dài 66 km). Tây Nam giáp Thanh Hóa (79 km), Đông và Đông Bắc giáp Nam Đinh và Hà Nam (84 km), Nam là Vịnh Bắc Bộ, với chiều dài đường biển là 16.5 km.
 
Diện tích tự nhiên của tỉnh là 1387,3 km2. Năm 1992 , khi tái lập tỉnh Ninh Bình từ tỉnh Hà Nam Ninh, dân số chỉ có 802 600 người. Dân số năm 1999 là 891 500 người. Mật độ dân cư là 637người/km2 , thưa nhất các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Năm 2005 tăng lên 918 500 người. Ninh Bình là địa bàn xuất cư. Năm 1995 và năm 1996 đã vận động được gần 10 000 người đi xây dựng vùng kinh tế mới. Tuy nhiên, việc di dân ít có ý nghĩa đối với sự hạ thấp tỉ lệ tăng trưởng dân số. Vì vậy muốn thật sự giảm mức tăng dân số, trước hết tầm quan trọng hàng đầu là giảm tỉ lệ sinh. Nhờ vận động kế hoạch hóa gia đình, tỉ suất sinh đã giảm được 5.39 phần ngàn từ năm 1991 đến năm 1997. Tuy nhiên cần đẩy mạnh cuộc vận động giảm tỉ lệ sinh hơn nữa, ngay cả ở hai thị xã Ninh Bình, Tam Điệp và huyện Hoa Lư, những nơi có tỉ suất sinh thấp hiện nay. Đáng quan tâm là các huyện có tỉ suất sinh từ 2.3% đến 2.5% như Kim Sơn, Nho Quan và Yên Khánh.
 
Người Kinh chiếm 98.37% dân số toàn tỉnh. Phần còn lại thuộc 23 tộc dân, đông nhất thuộc 2 tộc dân Thái và Mường, tập trung cư trú và sản xuất ở Nho Quan với 14 668 người, chiếm 1.63% dân số toàn tỉnh và 9.9% dân số huyện.
 
Ninh Bình nằm án ngữ con đường giao thông huyết mạch (quốc lộ 1A) nối liền vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trong đó có thủ đô Hà Nội, với duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, luôn cả thành phố Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long, liên lạc trực tiếp và ngõ giao lưu của các tỉnh phía Nam với vùng Tây Bắc giàu tiềm năng về tài nguyên, nhưng thiếu nhân lực tay nghề, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật.
 
Phân chia hành chánh
 
Ninh Binh nguyên là đất phủ Trường Yên vào đời Lý. Thời Lê sơ chia làm hai phủ: Trường Yên và Thiên Quan. Đời Lê Trung hưng là Thanh hoa ngoại trấn. Năm 1806 đổi là đạo Thanh Bình. Năm 1821 đổi là đạo Ninh Bình. Năm 1829, đổi là trấn Ninh Bình. Năm 1831 đổi là tỉnh Ninh Bình. Tháng 12 năm 1975, sáp nhập với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1992, Ninh Bình được tách ra từ tỉnh Hà Nam Nịnh.
 
Ninh Bình có 2 thị xã, 6 huyện với 125 xã và 11 phường, thị trấn. Thị xã Ninh Bình là tỉnh lỵ, trung tâm chánh trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; nằm ngay trên quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam, cách thủ đô Hà Nội 90 km. Thị Xã Tam Điệp chạy dài dọc theo quốc lộ 1A là cửa ngõ Ninh Bình sang thành phố Thanh Hóa. 6 huyện của tỉnh là Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, Yên Khánh và Kim Sơn. Nho Quan là huyện có diện tích lớn nhất, nhưng số dân chỉ đứng thứ hai, sau huyện Kim Sơn. Huyện có số dân ít nhất là Yên Mô. Huyện có mật độ dân cư cao nhất là Yên Khánh. 

Chút ít địa hình, thủy văn, khí hậu
 
Địa hình Ninh Bình nghiêng dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, từ vùng núi Nho Quan,Tam Điệp tới miền đồng bằng Hoa Lư , Yên Khánh rồi thấp dần ra vùng biển Kim Sơn. Đông bằng chiếm phần lớn diện tích, còn vùng đồi núi chỉ khoảng 20% diện tích tòan tỉnh. Phía Tây và Tây Bắc của tỉnh là khu vực cacxtơ xâm thực Cúc Phượng, tiếp đó là giải đồng bằng tích tụ xâm thực Nho Quan, kéo tới Đồng Giao - Tam Điệp. Khu vực lớn nhất là vùng đồng bằng tích tụ trũng Gia Viễn. Hoa Lư và đồng bằng tích tụ (cao) Yên Khánh. Vùng ven biển Kim Sơn là đồng bằng duyên hải được bồi tụ do sông - biển, quá trình bồi tụ phát triển mạnh mẽ, hàng năm tiến ra biển với tốc độ lớn (80 đến 100 m một năm).

Sông ngòi Ninh Bình có lượng nước khá dồi dào, dòng chảy trung bình đạt 30 lit/giây/km2. . Mạng lưới sông suối của tỉnh phân phối tương đối đều, gồm hàng chục con sông lớn nhỏ, với tổng chiều dài khoảng 1000 km. Những con sông chánh là sông Đáy, sông Bôi, sông Nho Quan, sông Hoàng Long, sông Đằng, sông Vác, sộng Vân. Độ sâu trung bình 1.0 m và và độ rộng lòng sông trên10m. Sông Hoàng Long và sông Đáy là đường giao thông thủy quan trọng nhất, nối liền các vùng trong tỉnh và mở rộng giao thông với các tỉnh xung quanh, đặc biệt với đồng bằng sông Hồng. Ngoài hệ thống sông, Ninh Bình còn có nhiều hồ đầm, cảnh quan đẹp nằm ngay chân các núi đá vôi như đầm Cút (Gia Viễn), hồ Thường Sung, hồ Đồng Liêm (Nho Quan), hồ Đông Thái, hồ Yên Thắng (Yên Mô).

Khí hậu Ninh Bình chia ra 2 mùa, mùa đông từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa đông có gió mùa Đông Bắc lạnh, làm cho 2 - 3 tháng nhiệt độ trung bình xuống dưới 18 độ C. Khu vực đá vôi Cúc Phương lạnh hơn cả, nhiệt độ trung bình có tháng dưới 15 độ C. Lượng mưa trung bình là 1870 mm, mùa mưa chiếm 86 - 91% lượng mưa cả năm. Độ ẩm trung bình là 85%. Trở ngại lớn nhất cho sản xuất là mùa mưa bảo. Năm nào mùa này cũng xảy ra úng lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải, và sinh hoạt nhân dân, đặc biệt ở vùng trũng Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư. Ngoài úng lụt, Ninh Bình cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng một số ngày nóng nắng, khô kiểu gió Lào vào mùa hè. 


Suôi dòng thời gian
 
Những trang sử không tên tuổi lịch sử Việt Nam, kể từ khi con người xuất hiện trên Trái Đất cách đây 2 - 3 triệu năm, cũng đã kéo dài hàng chục vạn năm, mở đầu bằng người vượn nay hóa thạch tìm thấy trong hang động Bắc Sơn, những sơ kì đá cũ Núi Đọ (Thanh Hóa), ở lưu vực sông Đồng Nai, cho đến những di tích thời đại đồng thau. Di tích người vượn Thẩm Khuyên và Thẩm Hai ở dãy núi đá vôi theo quốc lộ số 13, từ Lạng Sơn đi đến huyện lỵ Bình Giả, sau 2 năm khai quật 1964 - 64, tìm thấy 10 chiếc răng người hóa thạch, có những nét đặc trưng gần với người vượn Bắc Kinh (Sinanthropus ), cùng với nhiều răng của đười ươi (Pongo ), gấu tre (Ailuropoda ), voi răng kiếm (Stegodon ) và vượn khổng lồ (Giganthopithecus ) v.v… , niên đại trung kỳ Pleistocene cách ngày nay chừng 300 000 năm. Đây là di cốt người vượn biết sớm nhất trên đất nước ta (theo các giáo sư Phan huy Lê, Hà văn Tấn, Hoàng xuân Chinh, Hà Nội năm 1989). Nhắc lại là châu thổ sông Hồng, mà Ninh Binh là một thành phần, chỉ mới bắt đầu lồi từ từ ra khỏi mặt biển chừng 7000 năm nay thôi. Cũng vì vậy, Ninh Bình không có được nhiều di tích văn hóa tiền sử nước ta thuộc thời đại đồ đá và đầu thời đại kim khí: như văn hóa Sơn Vi công cụ đá cuội quartzit đồi gò Trung du, văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn (các nhà khảo cổ Pháp phát hiện những năm 20 thế kỷ thứ 20, nơi tộc dân Mường, một tộc dân còn khá đông ở Ninh Bình, đuợc xem là người Việt cồ, ngôn ngữ rất gần với tiếng Việt cồ, cư trú chánh ở núi rừng tỉnh Hòa Bịnh.
 
Tiếp theo văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn là văn hóa Sông Hồng , diễn biến liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên, mở đầu với những công cụ và vòng trang sức đá mài tinh xảo cũng những mảnh xỉ đồng; qua giai đoạn Đồng Dậu - Gò Mun với những đồ đá đẹp bên cạnh một số lượng đáng kể công cụ sản xuất nhỏ bằng đồng; đến đỉnh cao Đông Sơn, với sự vắng mặt công cụ đá và sự xuất hiện hàng loạt công cụ vũ khí và đồ dùng bằng đồng kích thước lớn, hoa văn độc đáo, mà tiêu biểu là trống đồng, tháp đồng, rìu xéo… . Các nhà khảo cổ học gọi là văn minh Sông Hồng của người Việt cổ miền Bắc. Tương đương niên đại với văn hóa Sa Huỳnh (niên đại xác nhận như văn minh Sông Hồng bằng đồng vị phóng xạ C14) ở các tỉnh ven biển miền Trung đến miền Đông Nam Bộ. Hay văn hóa lưu vực Đồng Nai, trên các đồi đất đỏ trung du miền Đông Nam Bộ ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ. Quá trình phát triển diễn ra từ cuối thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên đến buổi đầu công nguyên, phản ảnh hình thành nhà nước đầu tiên dân tộc ta là nước Văn Lang của các vua Hùng.
 
Từ thời đại các vua Hùng, đến thành Cổ Loa, cố đô Hoa Lư
 
Thời đại các vua Hùng (Hùng Vương) tổ tiên chúng ta đã xây dưng một nền văn minh cao, trước khi bị văn hòa Hán (Tàu, Trung Hoa) xâm nhập. Khởi đầu thời đại này theo truyền thuyết, huyền thoại cách đây 4000 năm, đã được xác định kỳ thú, theo phương pháp than phóng xạ C14. Đặc điểm là cư dân thời đó sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, giống lúa hột tròn, phần lớn là nếp. Đã khảo cổ tìm thấy những chõ đồ xôi bằng gốm, phần nồi đựng nếp gắn liền với phần nồi đáy đựng nước. Ban đầu làm ruộng bằng cuốc đá. Đến đỉnh Đông Sơn dùng cày, lưỡi đúc bằng đồng sức kéo là trâu bò, gặt bằng dao đá hay đồng. Cư dân thời các vua Hùng cũng đã biết nuôi chó, gà heo, trâu, bò, voi, nhưng chưa tìm thấy dấu vết của ngựa. Nghề săn bắn và đánh cá đã xuống địa vị thứ yếu. Các nghề thủ công đa dạng và phát đạt. Nghề làm nông cụ đã phát triển trước giai đoạn Đông Sơn, sau đó chuyển thành nghề làm đồ trang sức. Nghề làm đồ động đã phát triển cao trong giai đoạn Đồng Dậu. Đến giai đoạn Đông Sơn, đã có những đồ đồng lớn, đẹp như thạp đồng, trống đồng. Nghề rèn và đúc sắt bắt đầu thực hiên. Nghề gốm khá thịnh vượng, nhưng hết thời đại này, vẫn chưa có đồ sành sứ. Nghề mộc và đan lát để lại nhiều dấu vết, với nhiều kiểu đan lóng một, lóng đôi, lóng thúng, lóng nia… giống hệt ngày nay. Con người thời đại vua Hùng đã biết làm mắm, nấu rượu làm các loại bánh như bánh chưng, bánh dầy. Đời sống tinh thần phong phú. Để chơi nhạc, tổ tiên chúng ta thời này đã biết trống đồng lớn, trống da nhỏ, khèn ngắn, khèn dài sáo, cồng, chuông, lục lạc... biết nặng tượng, biết vẽ, biết khắc lên nhà, lên thuyền, lên đồ vật, lên cả mình mẩy. Dần dần các cộng đồng đã nảy sinh sự phân hóa giàu nghèo. Qua những ngôi mộ Đông Sơn, sống chết cũng có thân phận khác nhau. Bắt đầu có phân tầng xã hội. Văn hóa Đông Sơn phân bố trên một vùng rộng lớn hơn trước đó, chứng tỏ một sự thống nhất văn hóa trên quy mô quốc gia. Thế thống nhất chính trị trong thời đại các vua Hùng đã tạo ra sức mạnh to lớn cho dân tộc Việt để có thể trường tồn qua những thể thức ghê gớm, dưới ách thống trị nghìn năm của người Hán sau đó.
 
Cổ Loa đô thi thủy lợi miền châu thổ, ”Mỵ Châu - Trọng Thủy - mất nước vì thật bụng tin người.”
 
Sau cuộc kháng chiến lâu dài chống nhà Tần xâm lược, bành trướng, Thục Phán lên ngôi thay vua Hùng, đổi tên nước là Âu Lạc, dời đô từ vùng Bạch Hạc - Việt Trì xuống vùng Cổ Loa, di chuyển trung tâm chính trị từ miền trung du xuống miền châu thổ, khia phá thêm thành miền trồng lúa phát triển cao. Thục Phán cho xây đắp ở Cổ Loa trên bặc thềm đất cổ cuối cùng mở xuống một đồng bằng phù sa mới một tòa thành nổi tiếng. Một đô thị thủy lợi, kết hợp một quân trấn của bộ binh giỏi cung nỏ với một quân cảng của thủy binh dùng thuyền, bản sắc quân sự thủy bộ của người Âu Lạc. Ở Cổ Loa, khảo cổ học đã tìm thấy hàng vạn mũi tên đồng, hàng trăm lưỡi cày đồng các loại và mấy chiếc trống đồng. Trống đồng Cổ Loa phát hiện năm 1982, được xếp cùng trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ thành bộ ba trống đồng to và đẹp nhất trong dòng trống đồng Đông Sơn. Đây là tòa thành cổ nhất và lợi hại bậc nhất hiện biết ở nước ta. Cổ Loa là quê hương truyền thuyết Mỵ Châu -Trọng Thủy. Triệu Đà đánh vua Thục Phán (An Dương Vương) ở thành Cổ Loa, mấy lần không thắng, lấy kế sai con trai là Trọng Thủy sang làm“con tin” giữa hai đối phương, mượn cớ cầu hôn con gái vua Thục Phán là Mỵ Châu, ở rể ba năm tại Cổ Loa, điều tra tình hình Cổ Loa và nội bộ Âu Lạc, rồi trốn về nước, báo vua cha xuất quân đánh chiếm Cổ Loa và Âu Lạc. Nước ta mất vào tay giặc phương Bắc từ đó, vào năm 179 trước công nguyên. Truyền thuyết “thật bụng tin người , bị người làm hại” của Mỵ Châu, đánh dấu một chặng đường bi tráng lịch sử Việt Nam cổ đại. Sau chiến thắng vĩ đại sông Bạch Đằng năm 938 sau Công Nguyên, Cổ Loa lại trở thành  kinh đô đầu tiên của nước Việt phục hồi quyền tự chủ, từ thế kỷ thứ 10. (Theo Trần Quốc Vương - 1989, Hà Nội).
 
Cố Đô Hoa Lư, kinh đô trong 41 năm, 968 - 1009, 12 năm thời nhà Đinh
 
Hoa Lư thời Đinh Tiên Hoàng ( 924- 979 )
 
Cổ Loa hướng về phát triển đồng bằng phù sa Ninh Bình phía cực nam châu thổ phù sa sông Hồng này. Hoa Lư mới thật là một cố đô, thuộc Ninh Bình. Năm 944, Ngô Vương Quyền mất. Đất nước ta trải qua một thời loạn lạc, vô chánh phủ, trên 20 năm (944 - 968), sử cũ gọi là “Loạn 12 sứ quân”. Đinh Bộ Lĩnh, sinh năm 924, nguyên quán động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư), cha là Đinh công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Châu Hoan, mất sớm Đinh Bộ Lĩnh vốn là con quan, đứng đầu một châu, thu phục nhân tâm bằng tài năng của mình và lại chiếm giữ được một vùng khe động hiểm trở, đã đứng ra đảm trách gánh vác sơn hà. Một trong những sứ quân mạnh mẽ là Trần Lãm (Trần Minh Công) vùng Bố Hải khẩu (cửa biển, nay là vùng thị xã Thái Bình) đã liên kết với ông.Đinh Bộ Lĩnh đã dùng mưu tình cảm thu phục 2 sứ quân khác là Ngô Nhật Khánh, chiếm giữ Đường Lâm (nay thuộc huyện Bà Vì, ngoại thành Hà Nội) và Ngô Xương Xí, con cháu Ngô Vương chiếm Bình Kiều (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Nhờ dân dân giúp sức, Đinh Bộ Lĩnh đã dùng cung kiếm, mưu lược, phá tan hai sứ quân mạnh là Đổ Cảnh Thạc chiếm vùng Đổ Đông Giang (Thanh Oai, Hà Sơn Bình), và Nguyễn Siêu chiếm Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội). Các sứ quân khác như Kiều Công Hãn, Kiều Thuận, Nguyễn Thủ Tiệp, Phạm Bách Hổ… đã bị đánh bại ngay từ trận đầu của Đinh Bộ Lĩnh. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh được suy tôn lên ngôi vua, lấy hiệu là Tiên Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư làm kinh đô.  Tháng 10 năm 979, ông bị nội nhân Đổ Thích giết, thọ 56 tuổi, táng ở sơn lăng Trường Yên. 

Hoa Lư thời Lê Đại Hành ( 941- 1005 )
 
Triều đình sau khi giết Thích, tôn vệ vương Đinh Toàn, mới 6 tuổi, lên ngôi vua, cử Lê Hoàn thập đạo tướng quân - điện tiền đô chỉ huy sứ (tống chỉ huy quân đội Đại Cồ Việt) làm nhiếp chính. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp nổi loạn, nhưng bị Lê Hoàn dẹp tan. Sứ quân cũ, phò mã nhà Đinh Ngô Nhật Khánh, bỏ trốn vào Nam, rước vua Chiêm Thành cùng hơn nghìn chiến thuyền toan cướp kinh đô Hoa Lư, nhưng bị bão dìm chết. Lợi dụng triều đình rối ren, Trung Quốc lộ ngay ý định thôn tính nước ta. Tháng 6 năm 980, nhà Tống họp quân bốn mặt, theo hai đường thủy bộ rắp tâm cướp nước ta. Thái hậu Dương Vân Nga, cử Lê Hoàn chọn tướng. Đại tướng Phạm Cự Lạng cùng các tướng lĩnh khác đồng thanh tôn Lê Hoàn làm vua (Lê Đại Hành). Mùa xuân năm 981, ông đã đem chiến thắng trở về, tái tạo một Bạch Đằng, sáng tạo một Chi Lăng lịch sử, thắng lớn trên cả hai mặt thủy bộ: thủy của tướng Lưu Trừng gần sông Bách Đằng; bộ giết tướng Tống đầu sỏ Hầu Nhân Bảo ở ngã Ôn Châu, tiêu diệt quá nửa quân Tống, bắt vô số tù. Khiến Vua Tống phải xuống chiếu lui quân. Đại thắng mùa xuân 981, còn lớn hơn cả chiến thắng trận Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền phá quân Nam Hán, giết Hoằng Tháo, và mở đầu kỷ nguyên Đại Việt, một dân tộc phục hưng sau hơn ngàn năm Bắc thuộc, bách thắng bọn xâm lược Phương Bắc.
 
Nhờ một phần tư thế kỷ đứng đầu đất nước, Lê Hoàn là người công đầu Nam Tiến, dù rằng vua Tống Thái Tông, Trung Quốc, quyết tâm ngăn cản Đại Cồ Việt, không cho đánh Chiêm Thành, Chămpa. Năm 982, sau khi thắng quân Tống xâm lăng, vua Lê Đại Hành cất đại quân chinh phạt Chiêm Thành, chém chết tại trận tiền vua Chiêm Tùy Mi Thuế (Paramec vara Varman), tiến phá thành bình địa kinh đô Chiêm Đồng Dương- Indrapura, Quảng Nam, chia quân đánh các nơi xung yếu Chiêm Thành đến tận thành Vijaya - Đồ (Chà) Bàn tỉnh Bình Định, lưu lại một đạo quân trú phòng chiếm đóng phần phía Bắc nước Chiêm Thành, từ Hoành Sơn đến mũi Đèo Cả - Cap Varella. Năm 992, vua Tiền Lê lại sai Phụ Quốc Ngô Tử An đem 30 000 người mở đường bộ từ cửa Nam Giới (Cửa Sót, tỉnh Hà Tĩnh) vượt Đèo Ngang và xuyên suốt châu Bố Chính đến thẳng châu Địa Lý (miền giữa tỉnh Quảng Bình), 77 năm trước khi Chế Cũ dâng 3 châu, Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh, năm 1069 đời vua Lý Thánh Tôn.         
 
Tam Điệp chiến tuyến phòng thủ quân bộ, cho đại thắng Thăng Long năm 1789
 
Từ xa xưa, đường thiên lý qua Tam Điệp vẫn là trục đường lớn chủ yếu quan trọng nhất nối liền Nam Bắc, chạy thẳng từ Thăng Long vào Thanh Hóa. Con đường độc đạo này phải qua đèo Tam Điệp còn gọi là đèo Ba Dội, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã khen:
 
Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo…
 
Nhìn từ xa mạch núi khép kín dần như cái miệng, Ngô Thì Sĩ đã coi là “ miệng đó của Trời chặn lấy cửa ải Cửu Chân.” Địa hình đặc sắc Tam Điệp có giá trị như bức thành ngăn cách Giao Chỉ và Cửu Chân. Ở đời Lý, Trần, đây là địa đầu của lộ Trường Yên ngăn cách với đất Ái Châu hay làm ranh giới phân Thanh Hoa nội và Thanh Hoa ngoại. Cuối năm 1788, 290 000 quân Thanh tràn vào xâm lược nước ta. Quân Tây Sơn lúc bấy giờ chỉ có 10 000 quân đồn trú ở Thăng Long và Bắc Hà. Trước lực lượng quá chênh lệch, Ngô Thì Nhậm chủ trương rút quân về lập phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Quân thủy đóng đồn tại hải phận Biện Sơn (Thanh Hóa). Chuẩn bị sẵn địa bàn mai phục cho đại quân. Ngày 20 tháng chạp, đại quân Quang Trung từ Phú Xuân ra đến Tam Điệp, cho quân lính ăn Tết Nguyên Đán trước ngày. Rồi ngày năm tháng giêng năm kỷ dậu (30 – 1 - 1789), quân Tây Sơn kéo về đại phá quân Thanh Thăng Long, kết thúc thắng lợi cuộc tiến công thần tốc, làm sáng mãi tên Tam Điệp - Ninh Bình. 

Đọc tiếp Phần 2
 
  Số người đọc 415488 visitors (1074596 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free