Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Ninh Bình 2
 

Tiếp theo

Phần II. Phát triển Ninh Bình:
 
Tổ chức ngành du lịch chưa xứng đáng với danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử 
 
Hạ Long cạn” núi đá vôi và hang động cácxtơ nhiệt đới

Tuy vùng đồi núi Ninh Bình chiếm khoảng 20% diện tich tự nhiên toàn tỉnh, nhưng địa mạo theo dạng địa hình cacxtơ - relief karstique đặc trưng, độc đáo của Ninh Bình có ý nghĩa to lớn về kinh tế, du lịch. Độc đáo nhất là khu vực cố đô Hoa Lư và Tam Cốc - Bích Động. Nhiều người cho rằng kiểu cácxtơ Ninh Bình là cácxtơ vịnh Hạ Long hay “Hạ Long trên cạn”, trưóc đây là một vịnh biển nông, như Hạ Long ngày nay. Hạ Long trên cạn gồm hàng trăm hòn đảo xinh xắn với đầy đủ hình dạng đặc sắc, rải rác trong một vùng đồng chiêm trũng. Chân các núi đá vôi có nhiều hàm ếch và hang động ngập nước, vết tích hoạt động mài mòn của biển trước đây như khối núi đá vôi Thiên Tôn (Ninh Mỹ) và các núi đá vôi ven đường 12 B từ Cầu Đế đến thị trấn Nho Quan. Địa hình cacxtơ Ninh Bình là đặc trưng cácxtơ nhiệr đới gồm dạng vòm, dạng tháp (Núi Tròn, Núi Ông Trạng - Trường Yên), dạng đồi (Gia Sinh, Sơn Lai), dạng xiêng (Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động), dạng phễu, dạng cánh đồng cácxtơ (xã Ninh Hòa, Ninh Nhất, Ninh Tiến - Hoa Lư)… Đặc biệt trong hang động cácxtơ có nhiều bồi tụ vú đá - thạch nhũ tạo cảnh đẹp huyền ảo nổi tiếng như Bích Động, Thiên Động, động Hoa Lư, Hang Dơi (Hoa Lư), Địch Lộng, động Người Xưa, động Trăng Khuyết ở rừng Cúc Phương…
 
Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử
 
Cố đô Hoa Lư, một kiến trúc đặc biệt nước nhà (phỏng theo kiến trúc sư Đoàn Đức Thành, Hà Nội 1989)
 
Đáng kể ở Ninh Bình là cố đô Hoa Lư. Hoa Lư được Đinh Tiên Hòang chọn làm kinh đô nước Đại Cồ Việt, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, cách Hà Nội 100 km, là một di tích lịch sử lớn, có thành cổ, cung điện, đền, chùa, lăng vua và là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng có sông ngòi, núi non, hang động. Thành Hoa Lư nằm trong thung lũng bằng phẳng, rộng chừng 300 ha, ba mặt có vách núi đá vôi của dãy Tràng An bao bọc. Mặt Tây Bắc thưa núi hơn, có dòng sông Hoàng Long án ngữ. Những đoạn trống không có núi, được chắn bằng trường thành nhân tạo nối từ chân núi này đến chân núi kia. Đoạn dài nhất 500 m, đoạn ngắn nhất 65 m, cao ngót 10 m, rộng khoảng 15 m. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những viên gạch xây thành có khắc nổi hình phựợng vờn, bướm hoa sen và dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” và “Giang Tây quân” niên đại thế kỷ 10 - 11. Hai vòng thành không lồng vào nhau mà ở cạnh nhau, liên hệ qua một ngách núi ở giữa là Quền Võng. Thành Ngoại ở phía Đông rộng chừng 150 ha, nơi xây dựng cung điện nhà vua, nay thuộc làng Yên Thành. Vua Đinh Tiên Hoàng đã dựng cột cờ ở cung điện Thành Ngoại. Thành Nội ở phía Tây, nơi hoàng gia sinh sống, nơi dạy dỗ và bảo vệ trẻ em. Hình như cung điện nhà vua hinh chữ Vương, như Dinh Độc Lập nay là Dinh Thống Nhất ở Sài Gòn vậy (theo kiến trúc sư Ngô Viêt Thụ ?, người họa kiểu dinh, thay cho dinh Toàn quyền, dinh Norodom cũ ?).
 
Theo thư tịch cổ thì sau 41 năm dưới triều nhà Đinh và nhà Tiền Lê ở kinh đô Hoa Lư có nhiều cung điện lầu gác, đình tạ. Chính vua Lê Đại Hành mới xây dựng nhiều cung điện và làm cho Hoa Lư đẹp đẻ thêm, lộng lẫy thêm. Đẹp nhất là cung điện Bách Bảo Thiên Tuế, dát vàng, dát bạc nguy nga lộng lầy. Tiếc rằng thời gian đã hủy hoại tất cả. Nhưng sau hơn 1 ngàn năm, có lẽ chúng ta nên tìm cách tái tạo những đặc sắc kiến trúc, xây dựng Thành Nội, Thành Ngoại, Thành Nam cố đô Hoa Lư, như đã làm ở Huế, Hà Nội?
 
Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn xuống chiếu dời đô, năm 1010, về Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Dân chúng đã dựng lên ở Hoa Lư, trên nền cũ cung điện, hai ngôi đền thờ vua Đinh và vua Lê. Đền vua Đinh ở làng Yên Trung, còn gọi là đền Thượng cách đền Hạ, đền vua Lê ở làng Yên Hạ, 500 m. Cả hai đền đều bố cục theo kiểu “Nội công, ngoại quốc”, công trình bố trí qua đường thần đạo. Đền thờ có nhà bái đường, thiên hương (thờ các quan) và chánh cung (nơi có tượng vua Đinh Tiên Hoàng). Bên trái tượng này là con cả vua Đinh Liễn, bên mặt là các tượng Đinh Hạng Vương và Đinh Toàn. Mỗi bên bàn thờ đều có hình rồng bằng đá, tương tự các hình rồng long sàng. Ngoài ra còn có nhà Khải Thánh (thờ cha mẹ vua Đinh), vọng lâu Ngọ Môn (sau cổng vào này, có hình con Nghê đứng canh hai bên một long sàng, giường vua ngủ bằng đá), trụ cổng, sân rồng, hồ sen, vườn cảnh, bể cạn, núi giả… Đền vua Lê cũng tương tự, nhưng quy mô nhỏ hơn, có bái đường, Thiên Hương và bàn thờ vua Lê. Ở giữa là tượng Lê Đại Hành, bên trái là hoàng hậu Dương Vân Ngà, bên mặt là Lê Ngọa Triều. Từ đền vua Đinh, lần theo bậc đá lên đỉnh núi Yên Ngựa ở gần đó, là lăng vua Đinh, khiêm nhường, giản dị. Dưới chân núi Yên Ngựa về phía Nam có lăng vua Lê.
 
Sông núi Hoa Lư là một danh lam thắng cảnh, gắn truyền thuyết vua Đinh, vua Lê. Trên đỉnh Yên Ngựa, nhìn sang bên kia sông Hoàng Long là thôn Kim Lư, nơi Đinh Bộ Lĩnh ra đời. Nơi đây có Thung Lá, Thung Lau đã từng chứng kiến “ông vua mục đồng” phất cờ lau tập trận, mổ trâu khao quân. Mỏm đá Ghềnh Tháp bên con ngòi Sào Khê đã in đậm hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh đứng duyệt thủy quân thuở nào. Về hướng nào cũng có thể chiêm ngưỡng những hang động và cảnh đẹp. Làng Yên Hạ có am Tiêm Động ở lưng chừng núi, bên trong có thạch nhũ hình cây tiền, cây lúa óng ánh và hang rồng sâu thẳm.    
 
Bích Động - Tam Cốc
 
Năm 1773, Nguyễn Nghiêm, cha của nhà đại thi hào Nguyễn Du, thăm viếng hang động thuộc dãy núi Ngũ Nhạc, đã đặt tên hang động này là Bích Động, động Ngọc bích Xanh biếc.Bích Động đã được nhiều nhà vua xem là hang động đẹp thứ hai, sau hang động Hương Tích, có thể trụt xuống hàng thứ ba (?) sau khi khám phá nhiều hang động mới dài, rộng hơn ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình. Chùa Bích Động, tỉnh Ninh Bình, cũng được xem là chùa đẹp thứ hai ở Việt Nam, sau chùa Hương ở tỉnh Hà Tây. Chùa cách thị xã Ninh Bình 11 km, có thể đến bằng đò hay xe ô tô. Chùa này chia ra làm ba mức: Chùa Hạ, Chùa Trung cà Chùa Thượng xen trong sườn núi. Từ Chùa Thượng, nhìn phong cảnh tuyệt vời, thơ mộng trên phương diện kiến trúc và lịch sử núi đồi, sông suối vùng Hoa Lư. Vị trí chùa Bích Động được hai nhà sư lựa chọn năm 1428 , mến cảnh sông núi vùng này. Sau đó vào thế kỷ thứ 18, vua Lê Cảnh Hưng đã viết một bài thơ ca tụng phong cảnh chùa Bich Động và gọi chùa này là thắng cảnh thứ hai, sau chùa Hương.
 
Viếng Bích Động thì không thể bỏ qua động Tam Cốc, cách chùa 2 km và cách bến Văn Lâm 3 km. Tam Cốc là ba hang động: Hang Cả, Hang Hai và Hang Ba, ở làng Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Ngã vào duy nhất vào ba hang là đi đò sông, mất ba tiếng đồng hồ từ Đình Các ở bến Văn Lâm. Sau khi rời đường bộ, hàng trăm đò nhỏ chờ đợi đón mời du khách vào ba hang Tam Cốc. Đi đò thì du khách sẽ bị cảnh đẹp thiên nhiền núi đá to lớn dọc theo sông và rải rác những cánh đồng lúa xanh tươi thơ mộng, quyến rũ... Sáng tinh sương phong cảnh mù dày đặc bao phủ, khiến du khách không phân biệt đó là Hạ giới hay Tiên cảnh. Nếu cũng là buổi sáng từ Văn Lâm, du khách sẽ đến Hang Cả; nơi đây một cầu vòng trên nước chào mừng khi mặt trời lên cao trên Hang Múa, đẩy du khách ra khỏi thực tế, lạc vào mộng ảo Hư Vô. Núi đá vôi đã bị nước biển mài mòn, tạo ra một loạt hang động ở vùng này. Khi nước biển rút đi, thì còn lại hang động. Nước mưa giúp bào láng hang động và biến sông ngòi thành sông ngầm. Hang Cả dài 127 m dưới núi lớn, trải dài hai bên sông Ngô Đồng. Khi chạm núi, sông xuyên qua hang động. Hang im lặng như tờ, chỉ còn nghe tiếng chèo khua. Đò ra khỏi hang, du khách sẽ ngạc nhiên thấy tuồng như một ngư phủ già râu bạc ngồi đánh cá. Trên trời cao mây lững thững bay. Thiên nhiên hoàn tất bằng vài nông phu thu lượm củi và vài con dê trắng gặm cỏ trên đồi. Sau đó sẽ đến gần Hang Hai, cũng đẹp như vùng Hang Cả. Nước sông không chút gợn sóng nào, phản chiếu chi tiết hoa, cây, đá, dọc bờ sông trên trời xanh ngắt, mây trắng lưng lờ bay qua. Hang Hai cũng đầy nước và mây bay. Cách đó 100 m là Hang Ba, lạnh nhất, vì thấp nhất. Điểm hút dẫn ở đây là ánh sáng thiên nhiên trong hang do nước phản chiếu. Những tảng đá lớn, bằng phẳng ngay ở dòng sông cũng thể làm bàn dựa cho ai muốn tắm sông. Truyền thuyết gọi dòng sông là Suối Tiên, vì đã có lân bầy tiên xuống tắm. Thật hay ảo, tắm nơi vùng hoang dã, kềm theo tiếng động rừng sâu và hương thơm hoa đồng cỏ nội là một kỷ niệm khó quên. Cả ba hang đều có thạch nhũ đa dạng, đa hình óng ánh như châu báu.
 
Tam Điệp, một khu di tích lịch sử
 
Tam Điệp nay là một thị xã tỉnh Ninh Bình. Ngoài việc đóng vai trò chiến tuyến phòng thủ, Tam Điệp còn là thắng cảnh di tích, đã đi vào lịch sử và thơ văn. Đây là nơi dãy núi đá vôi xen lẫn các đồi đất chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, ranh giới hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Địa hình và cảnh trí thiên nhiên, đa dạng, hùng vĩ, khép kín, tạo ra vòng cung khu rừng nguyên thủy Cúc Phương với những núi đá vôi muôn hình muôn vẻ, vách dựng đứng, những đồi đất hiền lành chen giữa những thung lũng bằng phẳng, những dòng suối uốn quanh. Trà Tu, Tam Giao là những hang động đẹp nổi tiếng của Tam Điệp. Đại Nam Nhất thống Chí mô tả: “mạch núi từ huyện Thạch Thành kéo đến liên tiếp chạy ngang suốt cả bải biển”. Phan huy Chú (Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí) nhìn địa thế Tam Điệp “núi cao nhất, cỏ xanh tốt, đứng trên đỉnh núi thấy biển cả. Núi ở chung quanh, đường đi ở giữa, trông về hai bên tả hữu, núi như chậu úp một, chỗ gần hết núi thì hai bên như bức vách đứng thẳng lên.. .” Từ lâu Tam Điệp đã xuất hiện trong thơ văn Lê HữuTrác, Ngô Thì Sĩ, Đoàn Nguyễn Tuấn, Thiệu Trị, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến. Ngô Thì Sĩ, khi qua Tam Điệp, đã tức cảnh bài thơ chữ Hán, so sánh với thói nham hiểm của lòng người, tạm dịch:
 
Núi non sừng sững, cây im hơi
Đường đá cheo leo lên được thôi.
Duy chốn gập ghềnh không thể biết
Dầu hơn cõi thế với lòng người.
 
Nguyễn Du cũng có bài thơ Tái Du Tam Điệp, tạm dịch:
 
Chạm mây núi Ba Dội
Bên trời, khách lại qua
Mắt đưa, trùm bốn cõi
Ngoài khơi chiếc thuyền xa.
Sương tan, đồi núi trọc,
Trời lạnh, cây cỏ già .
Bồn chồn khách ngoảnh lại,
Càng thêm nhớ quê nhà.
 
Công viên quốc gia, rừng nguyên thủy Cúc Phương (phỏng theo Trần Tuyền, Hà Nội, 1989)
 
Diện tích 25 000 ha này tuy trực thuộc tỉnh Ninh Bình, nhưng nằm gối trên địa phận ba tỉnh là Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa. Cúc Phương, cách Hà Nội 140 km về phía Tây Nam, cách Biển Đông 60 km, là một khu bảo tồn thiên nhiên, không phải chỉ riêng cho Việt Nam mà cho cả thế giới nữa. Rừng nguyên thủy nhiệt đới trên đá vôi Cúc Phương, chủ yếu là rừng mưa luôn luôn xanh (vạn niên thanh), rừng rụng lá chiếm tỉ lệ nhỏ, được phát hiện năm 1960 và trở thành công viên quốc gia hai năm sau. Rừng mưa nhiệt đới điển hình có cấu trúc thực vật 5 tầng, trong đó có 3 tầng cây gỗ. Công viên gồm hơn 2000 loài - species thực vật (cây cỏ) trong số trên 16000 loài thực vật rừng kiểm kê, định danh ở Việt Nam và 262 loài động vật, chim chóc và bò sát, 20 bộ côn trùng mà bướm là bộ đặc sắc nhất. Bướm địa phương hay bướm lạ bay về, nhiều đàn khổng lồ, sặc sỡ đủ màu bay lượn trong nắng; nhiều loài mang tên thơ mộng như bướm Nàng Tiên, bướm Phượng Hoàng, hoa văn cánh làm say mê nhà sưu tập. Tưởng cũng nên nhắc lại bộ sưu tập bướm Đông Pháp thời bộ nông nghiệp còn dưới tên là Tổng Thanh tra Canh Nông, đã vang danh thế giới một thời.  
 
Bộ sưu tập thực vật vừa có những tên gọi quen thuộc nước ta như kim giao, chò, gie, dẽ, mun, cẩm hương, sấu, táu, gụ, đinh… nhiều loài cổ thụ lạ, hiếm, gỗ qúy như nghiến Burretiodendron hsienmu, hoàng đàn Cupressus torulosa…; vừa qui tụ một luồng thực vật di thực từ vùng nhiệt đới khô Ấn độ - Miến Điện đến sinh cơ lập nghiệp ở đây, như những cây thuộc họ Bàng Combretaceae: chò xanh, chò nhai; họ Gạo Bombacaceae, rụng lá mùa khô. Leo lên sườn núi, luồn lỏi qua những ngách đá lô nhô ta bắt gặp cây chò cao hơn 50 m, sừng sững ngút trời xanh, gốc rộng 16 người ôm mới xuể. Chò chỉ tên khoa học là Parashorea chinensis (chò chỉ Trung Quốc), còn cao hơn nữa, đến 70 m, thân lớn dựng đứng đến 60 m (thân đứng này có lẽ cao hơn cả cây sao đen Hopea odorata, thân thuộc các rừng quanh Sài Gòn hay trang điểm vài đường phố Sài Gòn trước đây và có khi còn gặp ở rừng Hà Giang, Tuyên Quang hay Lâm Đồng), xòe tàn lá một vùng, cũng đến tuổi 1000 năm, thuộc họ cây dầu Dipterocarpaceae, đặc điểm rừng mưa ẩm nhiệt đới Mã lai - Inđônêxia. Cây kim giao, bên đường mòn thân gốc xù xì cổ kính. Kim giao tên khoa học là Podocarpus neriifolius, còn gọi là thông tre, kim giao trước (Trúc) đào - faux pemou, đôi khi có thể gặp ở rừng Yên Bái, Vinh Phú, Đà Lạt - Bảo Lộc. Đũa gỗ kim giao cũng như đũa gỗ mun, theo truyền thuyết có thể phát hiện thức ăn nhiễm độc (?). Còn cây gù hương Hopea mollissima còn gọi là sao mềm, sao mặt quỷ, gù táu, hoa đo đỏ bao phủ một vùng thơm ngát hương đưa. Cây sấu (tía) hay long cóc Dracuntomelon duperreanum, thân bạnh ra, xù xì như thành quách rêu phong, vòng gốc 60 m, ngang tuổi cây chò. Có lẽ không nên quên trên 50 loài phong lan quý hiếm, màu sắc kỳ lạ, treo trên cành cao như những chùm đèn sáng một góc rừng. Có loài phong lan Cúc Phương hoa nở bốn mùa.             
 
Cúc Phương có 255 loại động vật có xương sống, trong số này chim chiếm 140 loài, thú 64 loài, bò sát 36 loài, lưỡng thể 17 loài và một số loài cá. Động vật quý hiếm gồm có cá niếc hang, hươu sao, cheo cheo, khỉ vàng, vẹt “quần đùi”, chồn, trăng gấm, báo gấm, gấu ngựa, sơn dương, tắc kè, khỉ, phượng hoàng đất, gà lôi, chim trĩ, công, cu li, heo rừng, hồ cáo.., và đặc biệt hai loài rất hiếm trên thế giới là sóc bay bộ cánh là làn da mỏng căng ở bốn chân và thằn lằn bay màu xanh mướt cánh như sóc bay, khiến du khách tưởng lầm là chiếc lá liệng từ những rừng cây rậm rạp la đà giữa từng không. Trăn gấm, báo gấm là những thú dữ còn rất ít ở vùng Đông Nam Á.
 
Cúc Phương còn mang trong lòng cả suối nước nóng. Nước Suối Thường Xung nóng trên 37 độ C. Cúc Phương còn giữ nguyên những di chỉ hoang sơ đất nước, hang động kỳ thú nhũ thạch huyền ảo, thần thoại: động Trăng Khuyết, động Vui Xuân, động Chua, động Thành Minh, động Con Moong… Đường vào động Người Xưa (hang Đăn) vòng vèo, cheo leo. Leo cao 223 bậc thang, đến nơi gặp gió hun hút, tạo dựng không gian sinh sống của người thời cổ đồ đá. Du khách còn có thể nghe kể sự tích Quèn Voi nơi vua Quang Trung cùng binh sĩ và đàn voi nghỉ chân. Vết chân voi còn như in dấu một thời chinh chiến trên thảm cỏ, trên bờ khe.   
 
Thắng cảnh Cánh Diều hay Ngọc Mỹ Nhân - Phát Diệm
 
Là một dãy núi huyền thoại phía Tây tỉnh lỵ Ninh Bình, cách Hà Nội 90 km về phía Nam. Truyền thuyết là hiện thân của danh tướng phù thủy Cao Biền, nhà Đường. Người ta thường thấy ông bay như một cánh diều, do thám và phá hoại phong cảnh đẹp đẻ nước ta. Ông bị một ẩn si Lão giáo tài năng bắn hạ và các cánh rơi rụng trong dãy núi, nên dãy núi này mới có tên là Cánh Diều. Thật ra dãy núi gồm ba đỉnh, đỉnh cao nhất nằm giữa hai bên dãn ra hai đỉnh khác như cánh diều hâu. Nhà bác học Lê Qúy Đôn (1726 - 1784), quê ở Thái Bình kế cận, đã khắc một bài thơ ở vách phía Đông, ghi những đặc điểm phong cảnh dãy Cánh Diều. Năm 1821, vua Minh Mang thăm viếng Bắc Hà đã dừng nơi đây và cũng đã ghi khắc ở vách chênh lênh phía Bắc, xem phong cảnh núi như thể một bức tranh, vua cúi đầu nhìn xuống rủ “bụi đời, phong sương”. Về lại Huế, Vua Minh Mạng đã nghĩ đến lao lực phong sương nông nghiệp vùng Ninh Bình - Thái Bình, nghĩ ra kế hoạch Dinh điền và giao phó công tác thực hiện cho Nguyễn Công Trứ. Cũng có truyền thuyết cho rằng Nguyễn Công Trứ đã lựa chọn một khu đông dân cư đặt tên là Phát Diệm, nơi phát ra Người Đẹp; vì “khám phá” ra một mỹ nhân trẻ tuổi, ngực trần, nằm trải lưng dài suốt dãy núi, mắt ngước nhìn trời cao vô tận, như đóng dây chuyền cả thân hình vào dãy núi. Vì vậy núi Cánh Diều còn có tên là Ngọc Mỹ Nhân, mặt đẹp mỹ nhân hướng về Biển Đông, ở vùng Dinh điền Kim Sơn, nơi phát ra diện mạo đẹp đẻ Ngọc Mỹ Nhân (Phát Diệm)
 
Hai xây dựng thờ phụng tôn giáo nguy nga tỉnh Ninh Bình.           
 
Chùa Bải Dinh (?) đang xây cất có là chùa lớn nhất Việt Nam không?
 
Ngoài các chùa Bích Động, Nhất Tự ở cố đô Hoa Lư… cũng nên viếng Chùa Cần Linh, chùa Bành Long, và nhất là chùa Bái Dinh tại làng Gia Sinh, huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Chùa đang xây cất, hy vọng sẽ hoàn tất vào năm 2010, kỷ niệm một ngàn năm ngày dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Hà Nội. Tuy chỉ mới làm phân nửa chùa vào giữa tháng 9 năm 2009, mà đã có rất nhiều khách thập phương thăm viếng mỗi ngày, dưới dàn giáo 500 thợ nề làm việc ngày đêm. Một điện thờ trong chùa chứa một tượng Phật bằng đồng nặng 100 tấn, có lẽ là tượng phật đồng lớn nhất Đông Nam Á. Còn các đền khác chứa ba tượng Phật cũng bằng đồng, nhưng chỉ nặng 50 tấn. Cả 4 tượng đều do những nghệ sĩ danh tiếng tỉnh Nam Định đúc từ đồng nước Nga chế tạo. Chùa cũng còn có thêm hai chuông đồng thau, nặng 27 và 36 tấn cũng do nghệ sĩ tài ba ở Huế đúc ra. Chuông 27 tấn đã được chuyễn đến hai năm trước và đã đặt trên đỉnh núi. Chuông 36 tấn, cao 5.4 m, là chuông lớn nhất Đông Nam Á (?). Ở một cảnh đồi khác, chùa đặt 200 tượng phật la hán - arhats, mỗi tựợng cao 2 m. 300 tượng la hán khác sẽ được chuyển đến cuối năm nay. Khi hoàn tất, chùa núi Bải Dinh sẽ là chùa chứa nhiều tượng la hán nhất vùng. Một đặc điểm khác của chùa là có thêm hai đền thờ khổng lồ, cạnh núi cao 200 m. Hình như ngày mồng 6 tháng 6 năm 2009, Phật Ngọc Buddha Saririkaidhatu, từ chùa Giác Quan - Sài Gòn, sau khi đến chùa Quán sứ Hà Nội, đã đến chùa Bải Dinh để cho hơn 10 000 tín đồ  sùng bái, chiêm ngưỡng và 1000 nhà sư ngày đêm tụng niệm. 
 
Nhà thờ Phát Diệm đã hoàn toàn trùng tu
 
Nhà thờ Phát Diệm cách Hà Nội 130 km về phía Nam và cách tỉnh lỵ Ninh Bình 28 km về phía Đông Nam. Xây dựng từ năm 1875 đến năm 1899, là một mạng lưới ao, hồ, nhà thờ và các động nhân tạo. Nhà thờ Phượng Đình, một thành phần cơ sở Phát Diệm khổng lồ hoàn toàn bằng đá. Rất nhiều chạm trổ trên đá tường trong và tường ngoài. Tháp chuông chứa một chuông to lớn, đúc vào thập niên 1890, nặng gần 2 tấn. Năm 1891, nhà thờ Phát Diệm có 4 mái và sáu hàng cột gỗ lim cứng như sắt thép. Hai bên nhà thờ lớn là bốn nhà thờ nhỏ, diện mạo khác nhau. Ở cuối gốc Bắc là ba hang động bằng đá. Hang động đẹp nhất là hang động Đức Mẹ Lộ Đức. Nhà thờ Phát Diệm là Trung Tâm Thiên Chúa Giáo Cơ Đốc Bắc Việt. Nhà thờ không mấy thay đổi, kể từ khi nhà văn Graham Greene mô tả; … những cột làm bằng chỉ một cây lim và công trình sơn mài đỏ ở các bàn thờ trông có vẻ là Phật Giáo hơn là Thiên Chúa Giáo, trong cuốn truyện cổ điển xuất bản năm 1955 “Người Mỹ Thầm Lặng - The Quiet American.” Thật tế, với mái nhà uốn cong, đa tầng và 48 cột gỗ lim (cột lớn nhất nặng 7 tấn), Phát Diệm khác hẳn các nhà thờ lớn Âu Châu. Vài thiên thần đá khắc nổi, vươn lên trên các con rồng điêu khắc và chuông hai tấn của nhà thờ lại kèm theo một cồng (chiêng) đồng thau khổng lồ. Ở khu bao quanh nhà thờ đá và gỗ lim, trên những cánh đồng lúa, rải rác nhiều nhà thờ đá nhỏ hơn. Dị biệt với nhà thờ nhỏ do các người Âu xây cất, nhà thờ lớn Phát Diệm do Cha Sáu, người Việt họa kiểu từ năm 1875 đến năm 1899, như đã nói trên. Cha Sáu đã hô hào dân địa phương góp công xây cất nhà thờ lớn, năm nơi thờ phụng cạnh bên, ba động nhân tạo, một hồ nhân tạo và một tháp chuông. Năm hoàn tất khu nhà thờ cũng là năm cha Sáu qua đời. Dân chúng Thiên Chúa Cơ Đốc địa phương coi việc sống sót nhà thờ Phát Diệm là một phép lạ. Một trận ném bom năm 1972 đã làm sập hai nơi thờ phụng cạnh và làm chánh tòa nghiêng 20 độ. Tuy nhiên công cuộc trùng tu đã khởi sự ngay khi còn chiến tranh và nay dấu vết bom thả chỉ còn ở vài chạm trổ điêu luyện trên đá thôi.   
 
Dù có nhiều loại hình thái cho du lịch, ngành dịch vụ này ở Ninh Bình còn kém xa nhiều tỉnh khác. Hành hương tôn giáo chùa Nhất Tự, chùa Bích Động thua hẳn chùa Hương, các chùa Hà Nội, các chùa Huế như Từ Đàm, Thiên Mụ, Vĩnh Nghiêm Sài Gòn. Phát Diệm dù có hang Đức Mẹ Lộ Đức, quần thể kiến trúc Cơ Đốc giáo Pháp (Âu) Việt giao liên, còn thua nhà thờ lớn Đức Bà Sài Gòn, nhà thờ đức Mẹ La Vang Hải Lăng. Viếng thăm nghiên cứu công viên Cúc Phương không mấy hơn công viên Cát Tiên, Bạch Mã, Bản Đôn và cố đô Hoa Lư thua xa cố đô Huế trên phương diện trùng tu cung điện, đền đài, lăng tẩm, nhạc múa (vũ) cung đình. Hạ Long cạn - Ninh Bình thua xa Hạ Long biển - Quảng Ninh. Tổng số du khách năm 1999 là 406 000 hành khách, trong đó chỉ có 96 400 khách ngoại quốc. Tuy có mức gia tăng đáng kể những năm kế tiếp, nhưng vẫn kém cỏi, so với con số du khách đến Quảng Ninh là 2 600 000 người năm 2005 và 3 600 000 người năm 2007. Khó lòng chấp nhận một công nghệ dịch vụ dễ làm, có sức thu hút nhân lực cao, ở một tinh nhỏ dân quá đông đúc, mà năm 1999 chỉ tạo ra 346 lao động ở 6 cơ sở quốc doanh lớn của tỉnh, khách sạn Hoa Lư 2 sao, khách sạn Ninh Bình và Nhà Khách Ủy Ban Nhân dân tỉnh… Hinh như năm 2008, Ninh Bình đã nâng cấp hệ thống khách sạn tỉnh, nay đã đếm được 300 khách sạn (năm 1999 chỉ có 25 khách sạn), 3 (Bích Động, Hoa Lư, Tam Cốc?) đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao.
 
Sở dĩ như vậy là vì Ninh Bình chưa tận dụng khai thác đủ các ưu điểm du lịch tỉnh nhà (cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên); du lịch khảo sát, mạo hiểm thể thao (leo núi đá vôi vách đá cheo leo, xuống sâu các hang động thăm thẳm mới, cũ, khảo sát các động vật, thực vật hiếm Cúc Phương…); du lịch truyền thống dân tộc (cố đô Hoa Lư, hành hương phật giáo, thiên chúa giao cơ đốc , Bích Động - Tam Cốc, Tam Điệp, khu Voi Quèn Cúc Phương…), những quần cư nông thôn đắc sắc: “làng đồi” đẹp trên sườn núi hay thung lũng, rải theo các tuyến giao thông đường bộ ở Yên Mô, Gia Viễn, Nho Quan, “các làng ven biển” xây cất chắc chắn chống bão tố, song song với bờ biển nhìn xuống các kênh ngang, các làng “dệt chiếu cói”, mái ngói hiên nhà rộng, có vẻ khang trang, trù phú, làng “nấu rượu nếp (nay đã sạch, không còn chất độc ô nhiễm, nhờ trang bị dung cụ chưng cất Nhật) vùng đất Kim Sơn…; lịch sử văn hóa, nghệ thuật cá tính Ninh Bình (không rõ lễ hội Thái Vù - Ninh Hải, Hoa Lư mỗi trăng khuyết hạ tuần tháng ba âm lịch, lễ hội Trường Yên, lễ hội Yên Cư, lễ hội Non Khê… có những gì sáng tạo văn hóa, văn nghệ địa phương?); chưa có du lịch nghỉ ngơi, chữa bịnh (dù có nhiều suối nước nóng, nước khoáng bổ dưỡng như suối nước nóng Kênh Gà, huyện Gia Viễn, nhiệt độ 53 độ C, phun mạnh, đều, lưu lượng 5 m3/giờ, suối nước khoáng Kỳ Phú, huyện Nho Quan 20 loại hóa chất hòa tan, có khả năng chữa bệnh…) hay giải trí (chẳng hạn tại sao rặng núi Ngọc Mỹ Nhân - Cánh Diều lại không tổ chức thi đua quốc tế, trong nước thả diều như Vũng Tàu, cho du khách nhảy - lượn dù giải trí như ở nhiều thị trấn du lịch Thái Lan, múa hát giữa thành phố hay ở trình diễn kịch định kỳ ở các cung điện xưa điệu tân, cổ nhạc như ở thành phố Avignon, miền nam nước Pháp và thiết lập những công viên đóng xi nê, kịch ti vi…. kiểu tiểu Hồ Ly Vọng Nam Ca Li, Cinecitta, Ý; công viên “hí trường thể thao tiêu khiển kiểu quốc tế ngày nay tựa các Disneyland, Disney World, nhưng nhỏ, ít phí tổn hơn và cộng thêm nhiều đặc sắc văn hóa Việt Nam). Tóm lại, cần hình dung, quan niệm lại từ cơ cấu, tổ chức, đầu tư tân trang cận đại hệ thống đón mời, kể luôn cả mau lẹ hoàn tất tân trang giao thông đường sông (284 km, lượng luân chuyển lớn hơn, tuy hàng hóa vận chuyển chỉ phân nửa đường bộ vào năm 1999), đường bộ (hương lộ và huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ tổng cộng 2927 km, đường sắt (Ninh Bình chỉ có 20 km tuyến Bắc Nam từ cầu Non nước đến Dốc Xây - thị xã Tam Điệp với các ga Ninh Bình, Cầu Yên, Ghềnh, Đồng Giao). Hầu mở rộng nối liền, chung sức khai thác các vùng chánh du lịch cùng các tỉnh lận cận hay xa xôi sang tận các nước bạn Lào, Miên, Miến Điên, Thái Lan... (quốc lộ 1A, quốc lộ 10, các tỉnh lộ 12A, 12B, 12C, 59…). Việc khánh thành các trạm khang trang bên đường - road side stations năm 2008 (hình như với viện trợ Nhật JICA?) là một hướng mới đáng tiếp diễn ở những khía canh tăng cường, cập nhật khác tăng cường cho ngành dịch vu tạo nhiều công ăn việc làm nay. 

Đọc tiếp Phần III
 
 
  Số người đọc 423656 visitors (1094899 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free