Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Ninh Bình 3
 

Phẩn III

Quan niệm lại đê điều khai khẩn đất lấn biển và hệ thống “chuyển đổi” nông nghiệp?

 
Theo lệnh vua Minh Mạng, Nguyễn Công Trứ đốc xuất dân chúng hoàn tất cuối năm 1829, cách đây 180 năm, 14 620 mẩu ta (một mẫu 3600 mét vuông) lấn biển và lập ra huyện Kim Sơn (hay là huyện Núi Vàng).. Một kỳ công tăng quỹ đất nông nghiệp cho tỉnh Ninh Bình, thiếu đất trồng trọt nặng nề. Quá trình 3 bước lấn biển bước 1 dựa vào các cồn cát ven biển đắp đê, đào kênh “chắn mặn”; bước 2 đào kênh tưới rửa mặn kết hợp với trồng cói trong đồng và trồng rừng chống sóng triều ngoài đê; bước 3 đất ngọt đến đâu trồng lúa đến đó. Tiến trình xây dựng này kéo dài trên dưới 10 năm. Điển hình là nông trường Bình Minh, bắt đầu lấn biển năm 1958, 40 năm sau tạo thêm Bình Minh 2 và các xã mới. Tuy nhiên kỹ thuật áp dụng đã xưa cũ gần 200 năm rồi. Nay đã có kỹ thuật mới tinh xảo lấn biển, chống bão lụt, ô nhiễm, lập cảng sông cảng biển, đô thị trấn hóa các làng huyện, hồ nước nhân tạo, cải thiện đất bùn phèn chuyển đổi loại cây trồng như ở các châu thổ hạ Hà Lan (như công trình Delta Works đã hoàn tất năm 1997, hy sinh nhiều khía cạnh môi sinh hơn) và châu thổ sông Mississipi (của quân đoàn kỹ sư công binh Corps of Engineers Hoa Kỳ, ít hy sinh môi trưòng hơn) (theo tiến sĩ Trần Đăng Hồng ở tạp san Nông Nghiệp Hải Ngoại Việt Nam, Ca Li, 2007 - 2008). Nay chúng ta đã có đủ xi măng, sẽ đủ sắt thép và nhiều vật liệu xây dựng khác, nhiều chuyên viên, nhân công thủy lợi, công chánh cập nhật và khá tinh tường kỹ thuật mới thế giới (đã thực hiện đườngTrường Sơn công nghiệp, tổng công ty sông Đà làm nhiều nhà máy thủy điện lớn..) ngân sách có thể đủ tiền tài trợ, đầu tư kích cầu cải thiện hạ tầng cơ sở, ít sợ lạm phát vào một giai đoạn kinh tế quốc tế, nước nhà suy thoái. Các hồ đập thủy điện thượng nguồn sông Hồng ở Trung Quốc và chi lưu chẳng hạn ở sông Đà như các đập Hòa Bình, Sơn La... cũng đã thay đổi dòng chảy, đất bồi tụ, từ của sông Đáy đến cửa Thần Phù; hệ thống đê điều quan niệm từ thời nhà Lý, e không còn bao nhiêu giá trị bảo vệ và giao thông, thêm đất lấn biển Ninh Bình… thế kỷ 21, cũng như toàn thể châu thổ sông Hồng?  

Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp tạo thế cân đối giữa trồng trọt, chăn nuôi (tính luôn cả ngư nghiệp) và dịch vụ nông nghiệp, tuy được quan niệm từ hơn 10 năm nay, vẫn chậm rì so với mức tiến triển ở miền Nam và Tây Nguyên. Năng xuất lúa còn chưa đến 6 - 7 tấn/mỗi vụ/ha, dù rằng nay đã có các giống lai cao năng tiềm năng 12 - 13 tấn/mỗi vụ/ha; phân đạm hóa hoc urê - muối diêm lạnh cho lúa đã sản xuất khá dồi dào trong nước, bón ruộng thay thả bèo hoa dâu - azolla loại bèo chứa vi khuẩn có khả năng tổng hợp đạm, nhưng tổng hợp này không đủ sức cung ứng đầy đủ đạm cho lúa cao năng, siêu năng ngày nay, mà lại có cơ choáng mất đất, mất vụ. Ninh Bình cũng như miền Bắc có lạnh thích hợp cho các loài lúa Japonica cao năng, hột tròn hột dẻo và sửa soạn thị trường xuất khẩu nay mai sang Nhật, Đại Hàn, Bắc Trung Quốc… lại ít được khảo cứu phổ biến hơn cả ở An Giang không có lạnh, đồng bằng sông Cửu Long. Năng xuất ngô (bắp) lại còn tệ hại hơn nữa trong khi trên thế giới tân tiến, ngay cả ở một vài vùng Tây Phi Châu, các giống ngô - bắp lai lại có năng xuất trung bình cao hơn cả lúa lai nữa. Nhóm cây công nghiệp hàng năm (đậu phụng - lạc chưa có phát triển các giống mới nhóm Virginia hột to, bổ sung nhóm Spanish nước nhà, mía, cói thật ra là lác chiếu - lác gon tên khoa học là Cyperus tegetiformis Roxb., tên Anh là chinese mat grass, tuy đã tuyển chọn được giống cói bông trắng Nhật năng xuất gần gấp đôi, phẩm giá tốt hơn các giống Kim Sơn, Thanh Hóa, Trung Quốc, Đại Hàn du nhập, đay, mè - vừng chưa cái thiện như các giống mè tân tuyển Thái Lan, đậu tương - đậu nành, thuốc lá) cũng không mấy cải thiện năng xuất từ nhiều năm nay, dù trên thế giới cũng đã có nhiều kỹ thuật mới cải thiện năng xuất, phẩm giá.
 
Mở mang thêm quỹ đất nông nghiệp, ngoài việc khai khẩn đất lấn biển, nên tận dụng đất đai thích hợp cho cây ăn quả (ăn trái) và cây công nghiệp lâu năm, đặc biệt xét lại việc trồng và chế biến chè - trà, khi mà sản phẩm trà khô tỉnh nhà không có thị trường xuất khẩu. Cần tái xét đất lâm nghiệp hiện chiếm đến gần 20% diện tích đất tự nhiên. Chương trình trồng lại rừng 5000 ha, tăng bao phủ rừng thêm, từ sác xuất 9% đến 31%, nên dùng cây vừa ăn trái vừa làm gỗ tốt, thay thế cây rừng chỉ công dụng làm gỗ; dưới tàn cây trồng, phát triển chăn nuôi hay trồng cây lương thực hàng năm, chờ đợi thu hoạch cây lâu năm. Con số 4000 ha cây ăn quả năm 2000 - 2001 của tỉnh Ninh Bình có thể tăng lên gấp 3 gấp 4, nếu triển khai đại trà hơn thể thức nông truờng, lâm trường, nhiều loại cây ăn trái bán ôn đới, bán nhiệt đới,theo thế nông lâm mục đa năng, đa tầng. Vùng Cúc Phương đã nhận diện nhiều loài hồ đào như Mày Châu Carya tonkinensis, Mày Thanh Hóa Carya anamocarya, Mày Trung Quốc Carya sinensis hột ngon, tương tự các giống Carya pecan hay illinoensis Mỹ - pecan nut, sao chưa thấy khuếch trương ở các sườn đồi, vườn tượt “làng đồi Ninh Bình” những giống pecan lai - hybrids gỗ tốt ở các tiểu bang Hoa Kỳ? Cũng không thấy nói ở vùng đồi ráo nước không úng thủy, đất vôi, trồng ngay cả dẻ bi - macadamia nut hay Úc châu kiên quả, mới đây đã thành công ở Ban Mê Thuột, Lâm Đồng, ngoài Lạng Sơn…; các giống hồ đào óc chó - walnut Ba Tư, Anh Quốc, Pháp .. các giống dẻ, sồi dẻ - chestnut; các giống cây bơ -avovado (cần tránh nơi đồng bằng ven biển hay bão tố vì cành bơ dễ gãy); các cây sung ngot - ficus carica loại không cần ong đặc biệt thụ phấn, các cây kiwi dương đào (ruột xanh, ruột vàng) cần đôi chút lạnh; các cây hạnh nhân loại ngọt Ca Li cần đôi chút khô hạn, nơi vùng Ninh Bình gió Lào khô thổi qua. Quanh đồi núi ngoài chùa Bích Động sao không thấy bóng dáng những vườn trái mơ (mai) - apricots cải thiện làm ô mai mơ hay ăn trái tươi, làm mứt… như rừng mơ nhiều loại quanh chùa Hương. 
 
Trong 3 món khoái khẩu dân Ninh Bình là Rượu Kim Sơn, Thịt dê và Cơm cháy , sao trong thế nông lâm mục vừa kể, không thấy đề cao nuôi dê giữa các hàng cây; có lẽ nên thêm các giống dê sữa nhiều thịt nhiều sữa trên thế giới hơn là giống dê Bách Thảo? Hay nuôi “bò mini” Hoa Kỳ, nhất là nuôi trâu sữa Murrah, lấy sữa làm phó mát buffalo mozzarella ngon, làm sữa tươi, sữa chua yogourt, cà rem, bánh ga tô phó mát - cheese cake, dân Á Đông ưa chuộng… ở gần thủ đô Roma, thành phố Napoli tỉnh Campania nước Ý (tuy cần xét lại cơ cấu tại sao chăn nuôi trâu sữa ở Mộc Châu không mấy phát đạt). Có lẽ bên cạnh thịt dê khoái khẩu nên nghĩ cách làm những món thịt thỏ hầm - civet de lapin trộn môn, khoai, hô đào, dẻ, nấm, đặc sản tỉnh nhà, vì nay ngành nuôi thỏ đã khởi xướng, đặc biệt ở Nho Quan, nhờ mới tìm được thị trường xuất khẩu cả triệu con sang Nhật (?)
 
Lạ lùng thay, Ninh Bình có nhiều hang động ẩm thấp, lạnh lẽo lại không nghe nói tới nuôi trồng đại trà các loại nấm như nấm mỡ Agaricus sp., nấm rốn to bự Portobello, nấm kim châm, nấm đinh enoki, nấm đông cô, nấm hương, nấm cỏ dày, nấm da báo, nấm ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng), ngoài nấm rơm, nấm mộc nhĩ (tai mèo), bào ngư… nhiều nấm dược liệu là các nấm linh chi Ganoderma sp. Chuyển đổi ngành rau đậu, hoa kiểng, ngoài việc phụ thêm các loài nhiệt đới nội địa (như rau đay, rau sắng, rau muống, rau dền…) phải bổ sung mạnh bằng các loài giống bán ôn đới mới mẻ nguồn gốc Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bổn và cả Bắc Ấn Độ nữa. Nếu cần thiết trồng rau hoa trong các vòm, nhà kiếng nhựa dẻo điều hòa không khí thích nghi, nuôi trồng theo kỹ thuật thủy sinh - hydroponics. Ở các đất thấp không trồng cói nữa, hay đất trũng đầm lầy còn mặn, ngoài việc tăng cường nuôi tôm nuôi cá, các loại ngư sản khác, có lẽ cũng nên nghĩ đến các loài rong - tảo - algae mới cao năng, không chỉ để làm thực phẩm nuôi súc vật, nuôi cá, trích dâu diesel, mà còn để ăn tươi, ăn sấy khô đã thông dụng ở Nhật, Hàn Quốc… Nếu đưa được khí thải chứa CO2 , khí hâm nóng địa cầu các nhà máy chạy than đá Ninh Bình qua các hồ, ao, ruộng nuôi tảo thích nhiều thán khí này (thay vì đưa các khí qua các mạch mỏ ngầm) có cơ giải quyết khía cạnh ô nhiễm các nhà máy chạy than đá dơ bẩn; dù rằng trồng thêm cây cổ thụ bóng mát đường phố, công viên thị trấn hay gây tao rừng cũng đã góp phần làm sạch vụ ô nhiễm, hâm nóng địa cầu này rồi.
 
Chuyển đổi cơ cấu loại công nghệ
 
Ngành công nghệ Ninh Bình cần thoát ly quản trị quốc doanh, cả địa phương lẫn trung ương, chuyển đổi mau đến các công nghệ khai thác tri thức mũi nhọn, công nghệ liên hệ quốc phòng và tương lai hướng về biến chế dầu khí vjnh Bắc Bộ nữa.
 
Năm 1996, công nghiệp Ninh Bình chỉ chiếm 8,83% lao động, đóng góp 23,63% tổng sản xuất và 17.1 GDP (so với năm 1994) của tỉnh, dừ trù tăng 14 - 16% GDP trong thời gian 2001 - 2010, 33 - 34% năm 2010. Công nghiệp Ninh Bình thuộc loại nhỏ, so với cả nước (ngoài nhà máy xi măng Tam Điệp công xuất 1,4 triệu tấn thiết lập năm 1999 và nhà máy nhiệt điện chạy than đá tỉnh lỵ Ninh Bình) hay với các tỉnh thành phố của đồng bằng sông Hồng, tập hợp thành 3 nhóm: công nghiệp chế biến, công nghiệp điện nước và công nghiệp khai thác. Toàn bộ những ngành quan trọng đều do Trung Ương quản trị, như điện, hóa chất phân bón (phân nung chảy) sản xuất sản phẩm phi kim loại, khai thác đá. Các ngành chế biến kim loại, sản xuất máy móc thiết bị, khai thác than qua lữa, xuất bản, in… do quốc doanh địa phương quản lý, chiếm 19,8% công nghiệp toàn tỉnh. Công nghiệp ngoài quốc doanh chỉ chiếm giữ vai trò đáng kể trong hoạt động tiểu thủ công nghiệp ở cấp huyện, tuy mảng công nghiệp nhỏ nhưng lại rất linh hoạt, tạo ra nhiều sản phẩm và thu hút nhiều lao động trẻ. Chẳng hạn ngành tiểu thủ công nghệ ở Yên Khánh đã đẩy mạnh chế biến cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ… Phải khích lệ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khai thác các khoáng sản như than nâu, than mỡ, than bùn ở Đồng Giao, Thạch Bích, Sơn Hà (Nho Quan), đá vôi có cường độ chịu lửa và tinh nguyên khối cao làm đá ốp lát trang trí các xây dưng; đôlômít phong hóa làm gạch không nung cưòng độ chịu nén cao ở Hoa Lư và Tam Điệp, bột màu xây dựng ở Văn Phú (Nho Quan), khai thác các nưóc nóng hay nước khoáng tốt chữa bệnh hay làm nước đóng chai uống giải khát, các lò gạch ngói ở những nơi có nguồn đất sét làm gạch ngói tốt ở Sơn Hà, Xích Thổ (Nho Quan) Đồng Giao, Ghềnh (Tam Điệp), khai thác cát vàng, cát đen ở các bãi bồi và lòng sông dùng cho xây dựng, cát trắng với hàm lượng ôxyt silic cao thích hợp sản xuất thủy tinh, gạch ngói silicat…. Cần thêm nhiều cố gắng đẩy mạnh đầu tư tư nhân, tư bản ngoại quốc vào hai khu công nghệ Tam Điệp (62.2 ha) ở thị xã Tam Điệp và nhất là khu công nghệ Ninh Phúc ở huyện Yên Khánh diện tích đến 350 ha.
 
Tương lai công nghiệp Ninh Bình phải duyệt xét các ngành sản xuất cơ khí (từ lâu máy bơm đã không xuất khẩu được?), điện tử và hóa chất bổ sung bằng những công nghiệp phục vụ quốc phòng diện địa đã có truyền thống lịch sử (và vì Ninh Binh không có nhiều bờ biển làm quốc phòng bảo vệ Biển Đông), những công nghiệp phục vụ trang trí thiết bị nhà cửa theo đà đô thị hóa và tiện nghi hóa gia cư khang trang, đúng vệ sinh, ít phá hại môi sinh hơn, cũng như tiết kiệm năng lượng, công nghệ dược phẩm cả âu dược tân tiến (sản xuất thuốc chủng, thuốc tương thích chung -generic) lẫn Nam - Bắc Đông Y, công nghiệp viễn thông, truyền thông, bưu điện máy computer, phần mềm phần cứng, robot, nanô … Giải quyết mau lẹ tranh chấp vấn đề khai thác 7 bồn trũng khí dầu Vịnh Bắc Bô đã khám phá, hay cố tìm cho được giếng khí dầu gần lảnh thổ, lảnh hải Ninh Bình - Thái Bình hơn, hầu hình dung một cụm công nghệ điện khí đạm như đã làm ở Phú Mỹ - Bà Rịa, Cà Mau hay chung sức nới rộng cụm phức tạp lọc dầu, chế biến sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa kế cận?      
 
(Irvine, Ca Li ngày 16 tháng 6 năm 2009)

Trở lại Trang KH&NN
 
  Số người đọc 396296 visitors (1026518 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free