Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Khảo cổ và nông nghiệp Miền Nam 2
 
Trang 2

5.2.      Các giai đoạn phát triển hệ văn hóa Đồng Nai
Hiện nay, quá trình tiến hóa của hệ văn hóa Đồng Nai có thể chia làm 5 giai đoạn (Phạm Đức Mạnh, 1997):
 
1)         "Cầu Sắt-Suối Linh: Giai đoạn đá-đồng, 4.500-4.000 năm cách nay.
2)         Núi Gốm-Bình Đa-Cù Lao Rùa: Giai đoạn đồng thau sớm, khoảng thiên niên kỷ II trước CN.
3)         Dốc Chùa-Bưng Bạc: Giai đoạn đồng thau muộn, khoảng nửa đầu thiên niên kỷ I trước CN.
4)         Suối Chồn-Phú Hòa: Giai đoạn sớm của thời đại sắt, khoảng nửa sau thiên niên kỷ I trước CN.
5)         Cần Giờ (Giồng Phệt-Giồng Cá Vồ)-Lộc Chánh: Giai đoạn phát triển mới của thời đại sắt, khoảng 1-2 thế kỷ trước và sau CN."
 
Di chỉ khảo cổ Cầu Sắt - Suối Linh được coi là biểu tượng cho giai đoạn phát triển sớm nhứt của thời đại kim khí thuộc lưu vực sông Đồng Nai, do vết tích của loại rìu đá có vai kích thước nhỏ và trung bình với tỉ lệ lớn hẳn các công cụ khác và loại dao hái nhỏ, ghè mài từ những mảnh tước nhỏ có mũi nhọn để làm dụng cụ nông nghiệp. Đồ gốm có trình độ kỹ thuật cao, chế tạo bằng bàn xoay và một số khác bằng tay, độ nung cao, thành gốm mỏng… Chưa tìm được dấu vết kim loại và mộ táng. Ngành nông nghiệp cuốc đá hiện diện rõ nét. Do đó, niên đại của Cầu Sắt tương đương với giai đoạn Phùng Nguyên ở phía Bắc, tức cách nay độ 4.500 năm - thời đại đồng. Giai đoạn phát triển sớm của đồng thau tiếp theo là văn hóa Bến Đò (3040 ± 140), văn hóa Cù Lao Rùa (Khoảng thiên kỷ II tr. CN) với các công cụ có kích thước lớn như cuốc, mai, rìu có vai phát triển mạnh, cùng với các đồ trang sức hình tam giác hoặc hình bầu dục. Kế tiếp là văn hóa Dốc Chùa của thời đại kim khí (khoảng nửa đầu thiên kỷ I tr. CN), với sự xuất hiện phong phú của rìu tứ giác, giáo, lao, vòng trang sức, tượng động vật, nhiều khuôn đúc đồng. Tiếp theo Dốc Chùa là Suối Chồn-Phú Hòa (khoảng nửa sau thiên kỷ I tr. CN) và Cần Giờ-Lộc Chánh (khoảng 1-2 thế kỷ trước và sau CN) với các loại công cụ đa dạng và phong phú về hiện vật sắt, đồ trang sức thủy tinh và kim loại quý như vàng, bạc, mộ gốm. Ngành nông nghiệp đã phát triển mạnh hơn với công cụ sản xuất kim khí.
 
5.3.      Nền nông nghiệp cổ sơ
Sự hiện diện dày đặc của các di vật đa dạng như đá, đồng, sắt, gốm, xương, thủy tinh… ở nền văn hóa Đồng Nai cho thấy cư dân sống khá đông đảo cách nay ít nhứt 5.000-4.000 năm. Họ sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp cuốc với các công cụ sản xuất có số lượng rất lớn như rìu có vai hay tứ giác, dao hái, dao cắt khá độc đáo, cuốc đá rất phổ biến và nhiều đồ đựng bằng gốm. Nông dân dùng những chiếc rìu đá (Hình 2) không những để chế tạo dễ dàng hơn những vật bằng gỗ hay tre, mà còn có thể chặt cây, phá rừng trồng trọt trên đất cao, chủ yếu nông nghiệp nương rẫy, làm vườn. Rìu đá rất đa dạng và phong phú, gồm có các loại rìu vai, rìu không vai, rìu tứ giác. Rìu tứ giác có dạng hình thang rõ rệt, rìu có phần đốc hẹp, lưỡi xòe rộng, chiều dài có khi lớn gấp 2 hoặc 3 lần chiều rộng, giúp khai thác nông nghiệp dễ dàng và hữu hiệu hơn.
 
Những chiếc cuốc đá (Hình 2) được dùng trong phát triển nông nghiệp đất cao và ruộng thấp, đặc biệt ruộng nước ở dọc bờ sông Đồng Nai hoặc các vùng đất gần thôn xóm. Cuốc đá có kích thước lớn, thường dài hơn 15 cm, vai vuông, lưỡi được mài ở một mặt hoặc 2 mặt. Lưỡi thường xoè rộng và có dạng cong lồi, giúp xới đất mau lẹ hơn dùng tay hoặc chân ở thời kỳ trước đó.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm được ở di chỉ Cầu Sắt những chiếc dao hái bằng đá badan hình bán nguyệt, lưỡi cong hình cung, sống thẳng được mài nhẵn khá mỏng, mặt cắt ngang hình tam giác cân. Các nhà khảo cổ cho rằng đó là các dao gặt lúa (Hình 2) được tìm thấy ở Bến Đò, Phước Tân, Hội Sơn… Địa điểm Cầu Sắt được tìm thấy đến 50 chiếc (Hoàng Xuân Chinh, 1978), địa điểm Suối Linh 58 chiếc (Phạm Đức Mạnh, 1996). Dao cắt (còn gọi là cưa đá) có dạng hình thang, rộng bản thường được mài nhẵn toàn thân, lưỡi sắc hiện diện ở hầu hết các di chỉ từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn. Sự phát hiện các dao hái, dao cắt bằng đá - các công cụ thu hoạch - cho thấy ngành trồng lúa nương và lúa nước chiếm vị trí quan trọng trong nông nghiệp cuốc đá. Các xưởng chế tạo công cụ đá có thể ở Suối Linh, Mỹ Lộc, Bưng Bạc, Dốc Chùa…
 
Cách nay vào khoảng 5000-6000 năm, nhiều nhà nghiên cứu biết rằng, các bộ lạc trồng lúa, chủ yếu lúa rẫy, xuất hiện trên khắp nước và vùng Đông Nam Á (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000). Do đó, sự hiện diện của các di vật cuốc đá, dao hái, dao cắt khá phong phú ở nhiều địa điểm khảo cổ chứng tỏ nghề trồng lúa rẫy xuất hiện trước ở trên đất cao hoặc sườn đồi núi, sau đó lúa nước có mặt ở nơi trũng thấp hoặc ven sông rạch và trở nên nghề chủ yếu vì sản xuất cao hơn rẫy nương, bên cạnh các hoạt động hái lượm và săn bắt truyền thống ở Miền Đông Nam Phần. Nhờ đó, cư dân có đời sống ổn định hơn, họ thành lập xóm làng lâu đời, với các di vật phát hiện dày đặc là chứng tích. Vào thời đại kim khí, các công cụ sản xuất bằng đồng và sắt đã phát hiện ở di chỉ Dầu Giây, Hàng Gòn, gồm có rìu, cuốc, dao, liềm… đã giúp cho nền nông nghiệp ở Miền Đông tiến bộ thêm một tầng cao hơn để làm tăng hiệu năng sản xuất của nông dân. Theo Saurin (1973), các đồ sắt ở Dầu Giây, Hàng Gòn xuất hiện sớm nhứt ở Đông Dương vào độ thế kỷ V tr CN đến thế kỷ I sau CN.
 
Ngoài ra, sự phát hiện các dọi xe sợi với số lượng lớn, cho biết nghề thủ công nghiệp dệt vải xuất hiện rộng rãi ở vùng Đồng Nai lúc bấy giờ. Điều này cho biết ngành nông nghiệp trồng cây bông vải hoặc trồng dâu nuôi tằm cũng phát triển mạnh lâu đời ở Miền Đông.
 
            Trên đất nước Việt Nam vào thời đại kim khí, có ba nền văn hóa xuất hiện gần đồng bộ vào 700-500 năm tr CN; đó là văn hóa Đông Sơn ở Miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở Miền Trung và văn hóa Dốc Chùa ở Miền Nam. Khi nền văn hóa Đông Sơn bước vào thời kỳ đồng thau, có hoạt động nông nghiệp khá tiến bộ với trồng lúa hai mùa, dùng lưỡi cày kim loại và sức kéo trâu bò làm nền tảng cho phát triển kinh tế của tộc Việt. Văn hóa Sa Huỳnh bước vào thời kỳ đồng thau, có nền nông nghiệp lớn mạnh, với trồng lúa nước và lúa rẫy, đánh bắt cá, thương mại. Văn hóa Dốc Chùa đã bước vào thời sắt sớm, có nền nông nghiệp phát triển cao, chủ yếu trồng lúa rẫy và lúa nước, với sự phát hiện bộ nông cụ thu hoạch - những chiếc liềm đồng và các khuôn đúc ở nhiều nơi, bên cạnh nghề trồng dâu, bông vải, làm vườn rau quả quanh nhà.
 
6.   Văn Hóa Óc Eo và Sinh Hoạt Nông Nghiệp (cách nay 2.200-1.300 năm) (Viện Khảo Cổ Học, 2002)
 
Nước Phù Nam có nền văn hóa Óc Eo cực thịnh chỉ xuất hiện trong khoảng hơn 8 thế kỷ rồi suy tàn vào giữa thế kỷ thứ VII và bị cư dân gốc Khmer chiếm lấy để thành lập nước Chân Lạp. Một trong nhiều giả thuyết về sự suy yếu này được đánh giá cao là hiện tượng biển tiến làm ngập lụt và bùn biển chôn vùi các vùng thuộc văn hóa Óc Eo, và làm suy yếu nền kinh tế và chính trị của nước Phù Nam. Khi biển rút đi, những người còn sống sót ở các gò đất cao đã trở nên kiệt quệ. Nước Phù Nam bị Chân Lạp mà đa số gốc Khmer chiếm lĩnh. Sự suy tàn của nước Phù Nam có thể nói lên gì về tương lai của vùng đất Nam Phần và cả Việt Nam với những lần biển tiến trong các thập niên tới, mà hiện tượng hâm nóng toàn cầu hiện nay đang tăng gia ở mức độ đáng lo ngại? Và phải làm gì để chuẩn bị cho biến cố này?
 
6.1.      Lịch sử khảo cổ văn hóa Óc Eo
 
Vào 1944, Nhà khảo cổ học Louis Malleret đã thực hiện cuộc khai quật địa điểm Óc Eo thuộc xã Vọng Thê, tỉnh An Giang, nhưng sau đó phải ngưng vì chiến tranh xảy ra. Các di vật tìm được từ cuộc khai quật lần đầu tiên của Malleret (1963) rất phong phú, chủ yếu gạch ngói, tượng, đồ gốm với trình độ kỹ thuật, hoa văn rất cao; chứng tỏ nền văn hóa Óc Eo có một thời kỳ rực rỡ. Nền thương mại của nước Phù Nam phát triển rất mạnh và sung túc. Các di vật tìm thấy cho biết nước này có giao thương rộng rãi với Ấn Độ, Trung Hoa, Ba Tư và La Mã và bị ảnh hưởng sâu đậm bởi nền văn hóa Ấn Độ, đặc biệt Phật Giáo và Ấn Giáo.
 
Óc Eo, Thủ đô của Vương quốc cận biển Phù Nam (Hình 3), có diện tích gần 500 km2, là một thành phố hải cảng sầm uất, có hệ thống thuế quan của nước Phù Nam được thành lập từ thế kỷ II tr CN (thay vì thế kỷ III sau CN theo sử Tàu trước đây) cho đến giữa thế kỷ VII (Stark, 1999). Thành phố này được xây dựng bằng gạch ngói, nhà sàn có hệ thống kinh rạch khắp nơi. Kiến trúc đô thị của nền văn hóa Óc Eo cho thấy cư dân nơi đây có nền văn minh sớm, có thể tiến bộ hơn cư dân đồng bằng sông Hồng trong cùng thời đại.
Hình 3: Thành cổ Óc Eo,
Vùng Núi Sập-Ba Thê (Bảo Tàng tỉnh An Giang)
 
            Theo báo cáo của Ông Malleret, các hiện vật đã gây sự chú ý đặc biệt: 1311 gr vàng và 9283 hạt ngọc. Ngoài ra còn thu lượm hàng ngàn di vật đồng, sắt, thiếc, gỗ, đá, hàng vạn đồ gốm gồm nhiều loại khác nhau: bình, vò, nồi, lọ, tô, tượng, chân đèn, chì lưới… nhiều di vật do ngành luyện kim biến chế sắt, nghề kim hoàn. Đặc biệt hơn hết nhiều di vật có nguồn gốc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Á, Roma… có niên đại vào thế kỷ II và III (Viện Khảo Cổ Học, 2002). Vì đặc điểm địa chất của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lầy lún, nên khó phân biệt các tầng văn hóa như đã thấy ở đất cao, nhưng ông Malleret cho biết có hai nền văn hóa Phù Nam và Chân Lập.
 
            Sau 1975, nhiều cuộc điều tra, khai quật được tiến hành từ tỉnh Đồng Nai cho đến Kiên Giang. Cho đến nay, di tích văn hóa Óc Eo được tìm thấy trong các tỉnh: Sông Bé, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cửu Long, huyện Duyên Hải thành phố (Cần Giờ), Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Minh Hải… Nền văn hóa Óc Eo bao gồm cả miền Đông và Tây Nam Phần, ngoài địa điểm Óc Eo.
 
Gần đây các nhà khảo cổ học phân loại nền văn hóa của ĐBSCL với ít nhứt 3 tầng văn hóa rỏ rệt:
 
-         Văn hóa tiền Óc Eo (trước thế kỷ II tr. CN),
-         Văn hóa Óc Eo (Phù Nam từ thế kỷ II tr. CN đến giữa thế kỷ VII sau CN), và
-         Văn hóa hậu Óc Eo (Chân Lạp).
 
6.2.      Những đặc trưng chính
Những đặc tính của nền văn hóa Óc Eo gồm có di vật đồ đá, đồ gốm, kim loại và các kiến trúc như sau (Viện Khảo Cổ Học, 2002):
 
Đồ đá: Cuộc khai quật ở gò Cây Tung, xã Thới Sơn, Tịnh Biên (An Giang) đã thu được nhiều di vật đồ đá: 7 rìu mài trong đó có 2 chiếc là bôn có mỏ, 2 mảnh vòng tay, vật liệu trang trí bằng đá. Nhóm công cụ bằng đá này có niên đại hậu kỳ đá mới đến sơ kỳ thời đại đồng thau. Các tượng đá thuộc tín ngưỡng Bà La Môn và Phật Giáo: đầu tượng Brahma được phát hiện ở Giồng Xoài và Ba Thê, tượng Visnu (Hình 4), đầu Siva ở Gò Tháp (Đồng Tháp Mười). Ngoài ra, còn có các vật dụng làm bằng đá như bàn mài, bàn nghiền, cối, chày…, vật đá làm kiến trúc; cho biết lúa gạo là thức ăn căn bản của cư dân Óc Eo.
Hình 4: Tượng Thần Visnu: Đầu và thân (Văn Hóa Óc Eo)
(Viện Khảo Cổ Học, 2002)

 
Đồ gốm: Gốm ở miền Tây có những sắc thái đặc biệt trong nền văn hóa Óc Eo. Gốm Sông Hậu có màu xanh đen lẫn nhiều bã thực vật. Gốm giữa sông Hậu và Sông Tiền mịn hơn, màu xám đen. Gốm ven biển (Cần Giờ) làm bằng đất pha cát phù sa, có độ nung cao, áo gốm màu hồng hoặc đen. Những di tích bằng gốm và đất nung, đa dạng được tìm thấy ở hầu hết các di chỉ Óc Eo. Di tích Nền Chùa và Ba Thê gồm có nồi nấu thức ăn, cà ràng, chén, bát, bình, vò… Trong di chỉ Thành Mới, Vũng Liêm, Vĩnh Long cho biết đây là khu cư trú rộng lớn. Đồ gốm gồm gốm mịn cao, nhiều hoa văn trang trí, độ nung thấp và cao, có niên đại từ thế kỷ VI tr. CN đến thế kỷ V sau CN.
 
            Đồ kim loại: Các di vật được tìm thấy làm bằng đồng, thiếc, bạc, chì, sắt và vàng. Tượng phật bằng đồng được tìm thấy ở Ba Thê, Cây Thị. Ngoài ra, còn tìm thấy các đồ trang sức như nhẫn, hoa tai, vòng tay bằng thiếc và các loại hợp kim; con dấu chạm chìm hay nổi; đồng tiền vàng, bạc, thiếc; và vàng trong đồ trang sức có hình người, động vật, thảo mộc… Ngoài ra, nhiều dụng cụ chế tạo kim hoàn như nồi nấu cũng được tìm thấy.
 
            Kiến trúc: Vật liệu kiến trúc gồm đá, gạch, đất nung và gỗ. Các loại đá làm kiến trúc từ thô sơ (Nền Chùa) đến những phiến đá lớn được gọt đẽo và trang trí (Ba Thê, Giồng Cát, Gò Tháp), những cột đá lớn vuông có cạnh, có mộng và chốt để nối theo chiều cao (Gò Tháp). Gạch gồm đủ loại từ gạch nung sơ sài đến độ nung trung bình và nung cao cứng như đá. Màu gạch gồm từ trắng, xám, hồng, đỏ, nâu…. Cọc gỗ được sử dụng để làm nhà sàn ở các di chỉ cư trú, hoặc làm vật thờ như Linga, sàn gỗ ghép… (Võ Sĩ Khải, 2002)
 
            Những di vật dày đặc và đa dạng đã được tìm thấy ở các địa điểm khai quật cho biết chắc chắn một thời đô hội của các thành thị Óc Eo ở Miền Nam cách đây hơn 2000 năm. Những vết tích dãy cọc gỗ dọc nhà sàn ở di chỉ Nền Vua cho biết có những phố phường dọc theo các kênh rạch với những nhà sàn dọc theo hai bờ. Cư dân đô thị sinh sống bằng nghề thủ công như nghề gốm (nhưng gốm men chưa xuất hiện), kim hoàn trang sức, thủy tinh, thương mại, buôn bán trao đổi với người trong nước và các tàu bè ngoại quốc.
6.3.      Sinh hoạt nông nghiệp
Những dụng cụ sinh hoạt, sản xuất được tìm thấy ở các di chỉ Óc Eo cho biết người Ốc Eo có nền nông nghiệp thâm canh và trình độ cao với ruộng sâu, tưới tiêu, vườn trái cây, đánh bắt cá và chăn nuôi. Ngành trồng lúa nước vẫn là chủ yếu của cư dân này. Các di vật như nồi nấu kim loại, dọi se sợi, chì lưới, cùng với các dụng cụ bằng đá như rìu mài, bôn có mỏ, bàn mài, bàn nghiền, cối, chày. Ngoài ra, các di tích sinh hoạt được ghi nhận qua những thanh gỗ nhỏ có gia công, thanh củi cháy dở bên cạnh nồi nấu và những phế thải như xương cá, xương lợn, trâu bò, vỏ dưa, trái cây. Những hạt lúa cổ cũng được tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Nền Chùa, Kiên Giang (Viện Khảo Cổ Học, 2002). Các mảnh vàng lá có trang trí và khắc minh văn như hình động vật, hình thảo mộc… Điều này cho thấy các cư dân Óc Eo sống ngoài các đô thị với nghề nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa nước, dùng sức kéo trâu bò, chăn nuôi, làm vườn, săn bắt, đi biển
 
Do ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, tôn thờ đạo Ấn Giáo và Đạo Phật, những cuộc giao thương với các thuyền bè ngoại quốc, gồm cả Việt Nam, Trung Hoa…, cư dân nền văn hóa Óc Eo có trình độ trồng lúa nước tiến bộ cũng gần giống với dân tộc Chăm, Ấn Độ và Việt Nam. Có lẽ phần lớn họ chỉ trồng lúa nhờ nước trời và một số nơi trồng lúa tưới tiêu khi có hệ thống thủy lợi. Khi mưa rơi vài đám, ruộng bắt đầu ngập nước, cư dân dùng chiếc phảng dọn cỏ lát, dùng sức kéo trâu bò hoặc dùng chân người và thú để làm nhuyển đất trước khi gieo hạt lúa. Đây là vùng nông nghiệp dùng phảng, đặc trưng của ngành trồng lúa nước người Khmer bấy giờ. Họ chưa biết dùng phân hữu cơ, nhưng biết chăm sóc ruộng lúa, đặc biệt nhổ cỏ dại cho đến khi thu hoạch. Phần lớn họ trồng lúa một mùa mỗi năm vào mùa mưa để cung cấp thực phẩm cho gia đình và trao đổi hàng hóa khác ở đô thị. Tuy nhiên, nước Phù Nam không những chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa của Ấn Độ, mà họ còn học hỏi được kỹ thuật dẫn thủy nhập điền của nước này. Di chỉ Óc Eo ở Ba Thê cho thấy nơi này có nhiều kinh rạch, cho nên nông dân tại đây có thể biết trồng lúa 2 mùa (mùa mưa và mùa khô) vào những thế kỷ đầu Công Nguyên, như đã thấy ở nền nông nghiệp thâm canh lúa của Ấn Độ (Royal Exclusive Travel, 2007) và nước Chiêm Thành.
 
Tóm lại, sau khi nước Phù Nam suy tàn từ giữa thế kỷ VII, dân tộc Khmer chiếm lĩnh đất đai, ưa thích cư trú và sinh hoạt trên các vùng đất cao (Lục Chân Lạp); trong khi vùng đất thấp trũng, nhiều sông rạch và đầm lầy (Thủy Chân Lập) bị bỏ hoang sau nhiều năm ngập lụt. Ngành trồng lúa nước sâu ở một số vùng của nền văn hóa Óc Eo (ĐBSCL) lần lượt biến mất, rừng hoang phát triển theo thời gian cho đến khi phong trào Nam tiến khai khẩn đất mới được Chúa Nguyễn đàng trong phát động từ thế kỷ XVII. Các di dân (Việt Nam, Trung Hoa, Chàm) thường dùng đường biển để đến cư trú và khai thác đất mới, đầu tiên các vùng đất hoang ven biển thuộc Miền Đông Nam Phần (Mô Xoài/Bà Rịa, Đồng Nai/Biên Hòa) và sau đó các nơi khác ĐBSCL (Gò Công, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên…).
 

Đọc tiếp
 
 
  Số người đọc 419548 visitors (1084696 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free