Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Song Mekong khat nuoc
 
Lên mạng ngày 27/5/2009


Sông Cửu Long sẽ khát nước... ngọt
 
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh

Nông dân ĐBSCL đã phải đối mặt với nước mặn xâm nhập. Trong ảnh: nông dân xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cắt bỏ lúa bị khô cháy do nhiễm mặn, mang về cho trâu bò ăn - Ảnh: N.C.T.

TT - Trước thông tin sông Mekong bị “bức tử” bởi đập Tiểu Loan cao 292m ở Trung Quốc (theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc ngày 21-5), thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên - môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường TP Cần Thơ), nói về những tác hại của nó liên quan tới khu vực hạ lưu, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông KỶ QUANG VINH vô cùng bức xúc:
- Trước đây những con đập có chiều cao 15m là đã khá lớn rồi. Nay con đập này cao tới 292m là không thể tưởng tượng nổi. Có thể đập này có tác dụng điều tiết nước phục vụ vài vùng khô hạn của Trung Quốc hoặc sau đó khai thác thủy điện, mở rộng diện tích sản xuất lương thực... Nhưng tác hại trước mắt có thể thấy rõ ngay chính tại vùng trên con đập là sẽ có một vùng đất rộng lớn bị ngập nước. Điều đó sẽ tạo ra biến đổi cả hệ sinh thái ở vùng này do phát sinh tình trạng yếm khí. Một số loài động thực vật sẽ gặp nguy hiểm, có thể biến mất, không loại trừ trong đó có cả những động thực vật quý hiếm.
* Sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Ông Kỷ Quang Vinh - Ảnh: D.T.Hùng

- Thực tế sông Mekong đang bị cắt vụn ra, không chỉ do đập Tiểu Loan mà chạy dài về hạ lưu qua các nước Lào, Thái Lan và Campuchia. Chính phủ các nước này cũng đang có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chảy chính của con sông. Những con đập đó sẽ ngăn cản các luồng cá di cư và gây xáo trộn lớn tới dòng sông, tạo ra nguy cơ cho hàng triệu người đang sống dựa vào nguồn thu nhập và thực phẩm do dòng sông đem lại.
Mặt khác, các công trình xây đập trên vùng thượng nguồn sông Mekong (Lan Thương) của Trung Quốc đã gây nên những vấn đề nghiêm trọng về môi trường cho khu vực hạ lưu như Myanmar, bắc Thái Lan và bắc Lào. Trữ lượng cá giảm sút và mực nước sông biến đổi không dự đoán được sẽ làm cuộc sống của người dân quanh vùng càng thêm khó khăn.
Sông Mekong chảy tự do đang sở hữu sự đa dạng vô cùng to lớn về thủy sinh vật, chỉ đứng sau sông Amazon. Sông Mekong là một trong những vựa cá nước ngọt giàu có nhất thế giới đang nuôi sống hơn 60 triệu người. Các ước tính chính thức về giá trị của dòng sông này là hơn 3 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, con số to tát đó vẫn chưa nêu hết được giá trị thực, bởi vì vựa cá này là nơi tập trung nguồn dinh dưỡng chủ yếu và bảo đảm an toàn lương thực cho hàng chục triệu người.
Việc xây dựng hàng loạt con đập trên dòng chảy chính của sông Mekong sẽ làm các loài quý hiếm nhanh chóng tới bờ diệt chủng như: cá heo nước ngọt Irrawaddy, cá catfish khổng lồ Mekong và vô số loài cá di cư khác. Mất đi sự giàu có về sinh thái này sẽ là thảm họa mang tính toàn cầu.
* Cảm giác của ông như thế nào khi điều đó sẽ ảnh hưởng đến dòng sông Cửu Long của chúng ta?

Nông dân huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) bơm nước ngọt cứu lúa vì nhiều cánh đồng bị nhiễm mặn - Ảnh: Duy Khang

- Tôi cảm thấy trăn trở và đau lòng. Sông Cửu Long cũng sẽ bị xáo trộn lớn về mặt sinh thái. Hằng năm vào mùa lũ, một lượng cá khổng lồ di cư về đây sinh sản, cùng với nguồn cá linh, cá sặt, các loại cá quý hiếm khác như cá hô, thờn bơn, thác lác, tôm càng, mè vinh... đổ về tạo nguồn sống cho cư dân hai bờ sông. Nay nếu đập xây lên thì đồng nghĩa với nguồn lợi thủy sản sẽ không còn. Ngoài ra còn có các nguồn thủy sinh, rong tảo, vi sinh vật, có khả năng điều hòa, cân bằng sinh thái sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng.
Có thể ngay cả mùa lũ - mùa nước nổi đặc trưng của vùng ĐBSCL - cũng không còn, bởi vì nước có về nhiều nữa đâu mà còn mùa lũ.
* Nếu các con đập ở thượng lưu xây lên thì điều gì sẽ xảy ra cho ĐBSCL?
- Điều dễ thấy nhất sẽ là thiếu nguồn nước ngọt nghiêm trọng. Điều đó đã xảy ra vào mùa khô giữa tháng tư vừa qua và trong những năm tới sẽ còn tiếp tục gay gắt. Vào mùa lũ, lượng nước cũng đã sụt giảm chứ không dồi dào như nhiều người lầm tưởng. Thấy nhiều vậy chứ không còn bao nhiêu đâu. Kết quả đo nước hồi tháng 10-2008 cho thấy lưu lượng nước chỉ còn ở mức 28.000m3/s trong khi trước đây tới 40.000m3/s.
Vụ đông xuân 2009 vừa qua, lưu lượng nước trên sông Tiền và sông Hậu chỉ đạt mức 1.600m3/s, so với nhu cầu của 1,5 triệu ha lúa phải là 1.700m3/s. Vì vậy mà vụ lúa vừa rồi ta thấy ở một số vùng hạ lưu sông Cửu Long nông dân phải chạy vạy kiếm nước tưới ruộng rất khổ sở. Đặc biệt là những vùng duyên hải các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... nước mặn xâm nhập sâu trong đất liền có nơi tới 70km.
Riêng ở thị xã Vị Thanh (Hậu Giang), lần đầu tiên trong lịch sử, người dân nội ô thị xã “nếm mùi” nước mặn 3-4 ngày liền, do nước mặn tràn vô mà ngành cấp nước không hay biết, cứ tưởng còn ngọt nên vẫn lấy nước mặt cung cấp.

Sông Mekong trải dài qua 6 nước
Lưu vực sông Mekong trải dài qua lãnh thổ sáu nước: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và VN. Với chiều dài 4.800km và diện tích 795.000km2, lưu vực sông Mekong rộng gần bằng nước Pháp và Đức cộng lại. Sông Mekong bắt nguồn trên vùng núi cao 5.000m của cao nguyên Tây Tạng. Vùng hạ lưu sông thuộc bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và VN.
Trên lãnh thổ VN có năm vùng riêng biệt thuộc lưu vực sông Mekong gồm những diện tích rộng lớn thuộc đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây nguyên và những vùng đầu nguồn diện tích nhỏ tại Hướng Hóa (Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Điện Biên, Lai Châu.

Theo Tuổi Trẻ online, 25/5/2009.

Trở về Trang KHNN
 
 
  Số người đọc 419605 visitors (1084777 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free