Lên mạng ngày 20/12/2008
Thử tìm giải pháp thuỷ lợi cho đồng bằng Cửu Long
Phần 4. Kinh nghiệm châu thổ Sông Hồng
Trần Đăng Hồng, PhD
LỊCH SỬ ĐÊ ĐIỀU Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
Con người đã sống ở Đồng bằng sông Hồng từ thời Đồ Đá Củ cách đây khoảng 25 ngàn năm. Canh tác lúa nước được phát triển vào thời Đồ Đá Mới trong nền văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, cách đây khoảng 9 ngàn năm. Ước vọng chế ngự lũ lụt ở Đồng bằng sông Hồng của dân Lạc Việt được thi vị hóa qua huyền thoại Sơn Tinh thắng Thủy Tinh. Hệ thống đê sông ở Châu thổ sông Hồng Việt nam đã có lịch sử trên 2 ngàn năm.
Theo Giao Châu Ký của Trung Hoa, thì khoảng 3 thế kỷ trước công nguyên ở Giao Châu đã có đê lớn “Ở huyện Phong Khê có đê bảo vệ nước lũ từ Long Môn” (Sông Đà bây giờ). Theo Hán Thư thì “Miệt tây bắc Long Biên (tức Hà Nội) có đê chống giữ nước lũ từ sông” (2).
Trong sách lịch sử Việt Nam, đê được nói đến đầu tiên là vào khoảng năm 521 dưới thời Lý Bí (tức Lý Bôn). Tuy nhiên, người có công và được nhắc nhở nhất là Cao Biền, giữa thế kỷ thứ 9: “Sử chép rằng Cao Biền đào sông, khơi ngòi, mở đường lộ, lập quán trọ cho khách đi đường trên khắp An Nam. Nhiều đoạn đê, nhất là đoạn đê trên vùng gần Hà Nội hiện nay được đắp để chống lụt lội” (8). Cao Biền ra lệnh dân thiết lập đê quanh thành Đại La với tổng số chiều dài 8,500 thước, cao 8 thước (2).
Đê Cơ Xá là con đê đầu tiên được vua Lý Nhân Tông (1072-1127) cho xây dựng vào tháng 3 năm Mậu Tý (1108) để bảo vệ kinh thành Thăng Long khỏi ngập lụt (18)). Nhà vua ra lệnh đắp đê trên sông Như Nguyệt (Sông Cầu bây giờ) dài 30 km (2).
Dưới đời nhà Trần, những con đê được đắp chỉ cốt giữ cho nước lũ không tràn vào đồng ruộng để kịp làm vụ lúa chiêm, sau khi mùa màng thu hoạch xong thì nước được tự do tràn vào đồng ruộng. Tháng 3 năm Mậu Thân (1248), vua Trần Thái-Tông sai quan ở các lộ đắp đê ở hai bên bờ sông Hồng từ đầu nguồn tới biển, gọi là Dỉnh Nhỉ Đê hay Đê Quai Vạc. Lại đặt quan để coi việc đê, gọi là Hà Đê chánh phó sứ hai viên (5). Hể chổ nào mà đê đắp vào ruộng của dân, thì nhà nước cứ chiếu theo giá ruộng mà bồi thường cho chủ ruộng (18). Mỗi năm sau vụ mùa, triều đình còn ra lệnh cho quân sĩ đắp đê hay đào lạch, hào, giúp đỡ dân chúng. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép: “Tân Mão, Kiến Trung năm thứ 7 (1231): Mùa xuân, tháng giêng, sai nội minh tự Nguyễn Bang Cốc (hoạn quan) chỉ huy binh lính phủ mình đào vét kênh Trầm và kênh Hào (là tên hai con kênh, thuộc huyện Ngọc Sơn (nay là Tĩnh Gia), tỉnh Thanh Hóa) từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn Châu”. Triều đình cũng cho phép các vương, hầu có quyền chiêu tập những người nghèo khó, lưu lạc đi khai khẩn đất hoang để mở mang thêm ruộng nương (5). Có thể nói rằng hệ thống đê sông Hồng được hoàn chỉnh dưới thời vua Trần Thái Tông, cách nay hơn 750 năm.
Thiết lập đê biển được ghi trong lịch sử đầu tiên là vào cuối nhà Trần, Hồ Quý Ly cải tổ lại điền địa “Khi trước những nhà tôn thất cứ sai đầy tớ ra chổ đất bồi ở ngoài bể, đắp đê để một vài năm cho hết nước mặn, rồi khai khẩn thành ruộng. Nay ngoại trừ bậc đại vương, công chúa ra, thứ dân không được có hơn 10 mẩu” (18).
Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đặt ra quan “Hà Đê” để lo đê điều và quan Khuyến Nông để phát triển nông nghiêp (18). Dưới triều Lê sơ (1428-1527) những con đê lớn hơn được đắp mới, và tân tạo hệ thống đê cũ trên hai bờ sông Nhị Hà bằng đá vửng chăc (2). Kết quả trái ngược là sông Hồng trở nên hung dữ hơn, phá vỡ đê và gây ngập lụt triền miên trong thời nhà Nguyễn, nảy sinh nhiều ý kiến đề nghị xem xét vấn đề bỏ hay giữ đê (28).
Giặc giả thường xuyên xảy ra trong thời Lê, Mạc, Trịnh Nguyễn phân tranh, đê điều bị hư hại nhiều, mải tới thời Vua Gia Long (1802-1820), vua truyền cho các quan ở các trấn phải “xoi đào sông ngòi và các cửa bể, và nhất là ở Bắc Thành phải giữ gìn đê điều cho cẩn thận: chổ nào không có thì đắp thêm, chổ nào hư hỏng thì phải sửa chửa lại” (18).
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) đã có công khẩn hoang vùng duyên hải Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương. Ông đi kinh lý khắp bải bồi vùng duyên hải, tự vẽ bản đồ, phân phát trâu bò, nông cụ cho dân để khẩn hoang. Chỉ trong 2 năm (1828 - 1829), Ông lập ra 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) cùng hai tổng Hoàng Thu và Minh Nhất (ven bờ biển Thái Bình, Ninh Bình), khai khẩn tổng cộng được 37,770 ha đất. Đây là vùng đất bồi, hàng năm tốc độ phù sa bồi tụ tiến ra biển từ 80 - 100 m. Từ đó, cứ sau 20-30 năm, đê biển mới được xây đắp lấn ra biển. Đến nay, 178 năm sau, Kim Sơn đã tiến hành quai đê lấn biển sáu lần, tiến ra biển hơn 500 m, nhờ vậy diện tích hiện nay gấp gần 3 lần so với khi mới thành lập (24, 31).
Ngoài ra, từ trước năm 1837, Nguyễn Công Trứ đã đề xuất giải pháp phân lũ bằng cách khai đào đoạn khởi đầu sông Đuống (tức sông Thiên Đức thời bấy giờ) nối với sông Hồng ở phía thượng lưu để chuyển nhận nước từ sông Hồng giải tỏa áp lực lũ ở vùng Hà Nội. Nhưng phải sang thời Tự Đức ý tưởng đó mới được thực hiện một phần và được hoàn chỉnh thêm trong thời Pháp thuộc. Từ đó, sông Đuống trở thành đường thoát lũ quan trọng nhất của sông Hồng (28). Hệ thống đê sông và đê biển được hoàn chỉnh thêm trong thời Pháp đô hộ và sau này.
Tính đến nay (2006), hệ thống đê sông Hồng khu vực quanh Hà Nội được nâng cấp tương đối hoàn chỉnh, dài tổng cộng khoảng 60 km. Dự án này thực hiện từ năm 1996, kết thúc năm 2002, nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng ADB. Một số đoạn đê khác đã có đường hành lang hai bên thân đê, mặt đê được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông (1, 28).
Dưới thời quân chủ, phá hủy hay làm hư hại đê là một trọng tội. Năm nào có thiên tai, lũ lụt nặng, chính nhà vua lập đàn chay tạ tội, nhận trách nhiệm cùng trời đất.
ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VÀ NGUYÊN NHÂN LŨ LỤT
Đồng bằng Sông Hồng bắt đầu được thành lập vào thời Holocene, cách đây khoảng 9 ngàn năm, khi mực nước biển, cao hơn hiện nay 2-3 m, bắt đầu hạ thấp. Đồng bằng được phù sa sông Hồng bồi đắp nhờ rừng ngập mặn, và hàng năm lấn dần ra biển Đông với vận tốc khoảng 22 m/năm. Cách đây khoảng 6 ngàn năm, đồng bằng tiến ra biển chậm hơn, với vận tốc khoảng 4 m/năm (15). Hiện nay, phù sa bồi đắp lấn biển trung bình 25 – 30 m, có nơi 120 m (17). Phù sa lắng đọng từ thời Cenozoic có độ sâu tới 5,000 m, trong số đó phù sa thời Quaternary dày 250 m, và thời Holocene sâu 30-60 m (17). Bờ biển trong thềm lục địa co độ sâu 20 m.
Vùng đồng bằng sông Hồng (giữa vĩ độ 22°00' và 21°30' Bắc, kinh độ 105°30' và 107°00' Đông) có hình dáng tam giác điển hình của một vùng châu thổ, với đáy là đường bờ biển dài 130 km, từ thành phố Hạ Long đến điểm cực nam của tỉnh Ninh Bình. Đỉnh của tam giác này thay đổi theo thời gian cùng với sự mở rộng của nó và hiện tượng mực nước biển rút xuống. Vào thời Văn Lang, cách đây khoảng 4,000 năm, đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng ở gần thành phố Việt Trì ngày nay. Đến thời kỳ Âu Lạc (thế kỷ 3 trước công nguyên), đỉnh của tam giác đã lui xuống vùng Đông Anh (Hà Nội). Hiện nay, đỉnh của tam giác này ở Hưng Yên. Nếu vẫn coi đỉnh tam giác là ở Việt Trì, thì diện tích tổng cộng của đồng bằng sông Hồng khoảng 16,644 km² (27).
Dãy Hoàng Liên Sơn, cao 3,142 m, có vai trò như một trường thành ngăn gió mùa đông và các luồng không khí từ biển Đông chứa nhiều hơi nước. Do đặc điểm này khí hậu vùng Tây Bắc ấm hơn và khô hơn. Sườn phía đông đón gió nên có lượng mưa lớn hơn với nhiều tâm mưa lớn như: Hoàng Liên Sơn với lượng mưa/năm tới 3,552 mm, Sapa 2,833 mm, Yên Bái 2,106 mm. Ngược lại, ở phía tây phần lớn có lượng mưa/năm ít hơn nhiều: Yên Châu 1,217 mm, Sơn La 1,444 mm, Cò Nòi 1,319 mm (11).
Trung bình hàng năm Đồng bằng sông Hồng nhận 4 trận bảo tố từ biển Đông gây nhiều mưa ở vùng núi cao và đồng bằng, từ tháng 5 đến tháng 10, tạo ra lũ lụt, tháng 7 và 8 thường là lũ lớn. Vì vậy, nguồn nước sông Hồng khá dồi dào nhưng phân bố không đều. Mùa lũ chiếm khoảng 70% lượng nước cả năm.
Địa hình thượng lưu các sông gồm các vùng đồi núi với độ dốc lớn nên nước mưa đỗ nhanh chóng xuống vùng đồng bằng. Mỗi khi có mưa to, vùng đồng bằng Sông Hồng nhận nước lũ từ hai hệ thống Sông Hồng và Sông Thái Bình. Hệ thống Sông Hồng bao gồm Sông Đà, Sông Hồng, Sông Thao nhập lưu tại Việt Trì, và hệ thống Sông Thái Bình gồm các nhánh chính là Sông Cầu, Sông Thương, sông Lục Nam nhập lưu tại Phả Lại.
Ngoài nguyên nhân chính là các trận mưa bão ở miền thượng lưu, nạn phá rừng trầm trọng ở đầu nguồn (thảm rừng chiếm 95% năm 1943, chỉ còn 17% năm 1991), cũng như ở đồng bằng (từ 55% năm 1943 còn 29% năm 1991) (17); hệ thống đê đập còn nhiều nhược điểm, hệ thống thoát lũ và thoát nước thải thành phốyếu kém(16), và đô thị hóa nông thôn hiện nay làm trầm trọng lũ lụt ở Đồng Bằng Sông Hồng.
Khu trung tâm của vùng ĐBSH rất bằng phẳng, phần lớn nằm ở độ cao từ 0,4 m đến 12 m trên mực nước biển, với 56% có độ cao thấp hơn 2 m. Tuy nhiên cũng có những khu vực đất cao, gồm các đồi đá vôi, các đỉnh núi nhọn và những dãy đồi núi dọc theo hai cánh tây-nam và đông-bắc của vùng. Phần lớn vùng đất của đồng bằng sông Hồng được 2 loại đê bảo vệ: khoảng 3,000 km đê ngăn lũ của hệ thống sông, và 1,500 km đê biển ngăn sóng lớn của các cơn bão ở vịnh Bắc Việt (27). Tuy nhiên, đa số các trung tâm đông dân cư đều nằm dưới mực nuớc lũ Sông Hồng. Vì vậy khi mưa quá to và nước lũ phá vỡ đê làm nhiều nguời thiệt mạng (16).
Đồng bằng sông Hồng nằm trong 8 tỉnh hay thành phố. Mật độ dân cư ở đồng bằng châu thổ sông Hồng cao nhất Việt Nam (1,179 người/km²). Tổng dân số của vùng là 17,649,700 người (2003) (27).
Đồng bằng châu thổ sông Hồng do phù sa của 2 sông chính bồi đắp là sông Hồng và sông Thái Bình.
SÔNG HỒNG
Sông Hồng có tổng chiều dài là 1,149 km bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông. Đoạn chảy trên đất Việt Nam dài 510 km (29). Hệ thống Sông Hồng gồm khoảng 500 phụ lưu và suối chảy vào. Diện tích toàn bộ lưu vực sông Hồng là 143,600 km2, phần của Việt Nam có 40%.
Sơ đồ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và hạ lưu sông Thái Bình (3)
Sông Hồng bắt nguồn từ dãy núi Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1,776 m. Đến biên giới Việt - Trung, sông Hồng chạy dọc theo biên giới khoảng 80 km; đoạn thì sang bên lãnh thổ Việt Nam, đoạn thì sang bên lãnh thổ Trung Quốc. Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam tại xã A Mú Sung (huyện Bát Sát), chính giữa sông là điểm phân chia lãnh thổ hai nước. 40% nước sông Hồng do từ lảnh thổ Trung quốc chảy tới (17). Đến thành phố Lào Cai, sông Hồng chảy hẳn vào lãnh thổ Việt Nam qua Hà Nội trước khi đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt.
Ở Lào Cai sông Hồng cao hơn mực nước biển 73 m. Đến Yên Bái, cách Lào Cai 145 km, thì sông chỉ còn ở cao độ 55 m. Giữa hai thị trấn đó là 26 ghềnh thác, nước chảy xiết. Đến Việt Trì thì triền dốc sông không còn mấy nên lưu lượng chậm hẳn lại. Đồng bằng sông Hồng nằm ở hạ lưu con sông này (29). Các sông nhánh chính của sông Hồng là sông Đà, sông Lô (với phụ lưu là sông Chảy và sông Gầm).
Lưu lượng sông Hồng biến đổi tùy theo năm có vũ lượng ít hay nhiều, từ 93.1 tỷ (năm 1963, năm ít mưa nhất)) đến 159 tỷ m3 nước (năm 1971, năm mưa nhất gây lụt 1971) (17). Lưu lượng nước bình quân hàng nǎm 2,640 m³/s (tại cửa sông), tuy nhiên lưu lượng nước phân bố không đều. Về mùa khô lưu lượng giảm chỉ còn khoảng 700 m³/s, nhưng vào cao điểm mùa mưa có thể đạt tới 30,000 m³/s. (29). Mực nước lũ cao nhất là 14.13 m tại Hà Nội, nhưng vào mùa khô, mức thấp nhất là 1.5 m tại Hà nội (13). Nước sông hạ thấp trung bình 9 cm/giờ khi lũ rút (22). Lưọng phù sa trung bình khoảng 80 triệu m3, tương đương với 130 triệu tấn (19). Năm 1971, năm lũ lớn của thế kỷ, có lượng phù sa tới 202 triệu tấn (17). Trong mùa lũ, mỗi mét khối nước chứa khoảng 1.5 kg phù sa làm nước sông có màu đỏ hồng (29). Vì nạn phá rừng và đất bị xoi mòn ở thượng nguồn, lượng phù sa có khuynh hướng gia tăng. Chẳng hạn, tại trạm Yên Bái trong thời kỳ từ 1961-1970, lượng phù sa là 1,780 g/m3 đã tăng lên 1,820 g/m3 trong thời kỳ 1981-1993. Tương tự tại trạm Bảo Yến lượng phù sa đã tăng từ 997 g/m3 trong thời kỳ 1983-1989 đến 1,250 g/m3 vào 1990-1993 (11). Chỉ 5% số phù sa (khoảng 26 triệu tấn) lắng đọng suốt chiều dài dòng chảy làm lòng sông cạn dần, còn bao nhiêu (khoảng trên 100 triệu tấn) đều được đưa ra vịnh Bắc Việt bồi đắp dọc biển làm cho đồng bằng châu thổ sông Hồng lấn biển mỗi năm có nơi thêm 100 m (19). Để phòng lũ lụt, ngưòi Việt đã đắp đê ngăn nước tràn vào làng mạc ruộng đồng. Chỉ riêng sông Hồng, chiều dài đê tổng cộng là 1,660 km (19).
Trong 3 nhánh của sông Hồng, sông Đà và sông Thao có lưu vực xấp xỉ như nhau (sông Đà: 52,900 km2, sông Thao: 51,900 km2), và dòng chảy lũ sông Đà đóng góp trung bình tới trên 50% lượng lũ sông Hồng tại hạ lưu (Sơn Tây). Trên 70% trường hợp lũ lớn xảy ra ở hạ lưu sông Hồng trùng hợp với tâm mưa lớn nằm trên lưu vực sông Đà (11).
Hệ thống sông Hồng đổ ra Vịnh Bắc Việt qua 10 cửa sông. Các cửa chính gồm: (i) Cửa Ba Lạt là cửa chính ở bờ biển giáp ranh Nam Định và Thái Bình; (ii) Cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ) ở tỉnh Nam Định; (iii) Cửa Đáy (sông Đáy) ở tỉnh Ninh Bình; (iv) Cửa Lân ở Tiền Hải (Thái Bình); Cửa Trà Lý (sông Trà Lý) ở tỉnh Thái Bình; (v) Cửa Diêm Điền (Thái Bình); (vi) Cửa Hà Lận ở tỉnh Nam Định (27).
SÔNG THÁI BÌNH
Hệ thống sông Thái Bình gồm sông Thái Bình cùng các phụ lưu và chi lưu. Các phụ lưu gồm sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam ở thượng nguồn, với tổng chiều dài khoảng 1,650 km và diện tích lưu vực khoảng 10,000 km². Ngoài ra, hệ thống sông này còn nhận một phần dòng chảy của sông Hồng, để đổ ra biển Đông (30).
Sông Thái Bình, dài 93 km, khởi sự từ khúc Lục Đầu ở Phả Lại. Gọi là Lục Đầu vì đây là chỗ tập trung của 6 con sông: 4 sông chảy vào là sông Cầu (dài 290 km), sông Thương (dài 80 km), sông Lục Nam (dài 200 km), sông Đuống (dài 65 km, nối với sông Hồng ở Phả Lại), và 2 sông chảy ra là sông Kinh Thầy (hay sông Cấm, dài 30 km) và sông Bình Than.
Hệ thống sông Thái Bình nối với sông Hồng bởi sông Đuống ở thượng lưu, và sông Luộc ở hạ lưu. Nhờ hệ thống sông nối này giúp phân nước lũ của sông Hồng làm giảm bớt lụt lội ở hạ lưu đồng bằng sông Hồng.
Do phần lớn lưu vực của hệ thống sông Thái Bình bắt nguồn từ các vùng đồi trọc miền Đông Bắc, đất đai bị xói mòn nhiều nên nước sông rất đục, hàm lượng phù sa cao. Do đặc điểm lòng sông rộng, ít dốc, đáy cạn nên sông Thái Bình là một trong những sông bị bồi lấp nhiều nhất. Lưu lượng nước hàng năm đạt khoảng 53 tỷ m³ (30).
Hệ thống sông Thái Bình ra biển Đông với các cửa: (i) Cửa Thái Bình của sông Thái Bình, nằm giữa hai tỉnh Thái Bình và Hải Phòng; (ii) Cửa Văn Úc, trên sông Văn Úc (dài 38 km) Hải Phòng; (iii) Cửa Lạch Tray, trên sông Lạch Tray (dài 43 km), Hải Phòng; (iv) Cửa Cấm, trên sông Cấm (dài 37 km), Hải Phòng; (v) Cửa Nam Triệu, trên sông Bạch Đằng (dài 42 km), nằm giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng; (vi) Cửa sông Chanh, Quảng Ninh (27).
Ở Vịnh Bắc Việt, trung bình cứ 20 km đường bờ biển thì có một cửa sông lớn. Lượng cát bùn lớn vào mùa lũ, chiếm tới 75- 85 % lượng dòng chảy cả năm tạo các bải bồi và lấn biển.
HỆ THỐNG CHỐNG LŨ LỤT
Ở Đồng Bằng Sông Hồng, hệ thống chống lũ lụt gồm (i) thiết lập đê sông, đê biển, (ii) hồ chứa nước ở thượng nguồn, (iii) hệ thống phân lũ thoát nước, (iv) thiết lập các vùng chặn lũ xung quanh Việt Trì và Phả Lại, và (v) hệ thống báo động.
Hệ thống đê sông: Hiện tại, tổng số chiều dài hệ thống đê sông trong vùng đồng bằng Sông Hồng là 3,000 km, gồm 2,417 km đê thuộc Bắc Bộ, và 420 km ở các sông vùng Thanh - Nghệ. Hệ thống sông Hồng có 1,667 km đê, và 750 km đê thuộc hệ thống sông Thái Bình. Hệ thống đê sông Hồng có quy mô lớn và hoàn thiện hơn so với các hệ thống đê còn lại. Các đê sông thường có độ cao không quá 10 m (3). Chiều cao trung bình của đê sông từ 6-8 m, có nơi lên đến 11 m. Tuy nhiên hệ thống đê được xây dựng đã lâu đời trên nền đất yếu, đất đấp đê cũng lấy từ địa phương và không đồng nhất, nhiều nơi bị hư hại vì thiếu bảo quản. Nhiều kè cống rất củ kỳ. Dọc theo đê còn có nhiều ao hồ làm nước lũ khó thoát. Dân cư quá đông đúc sống kế cận bờ đê. Ngày nay, nhiều nhà cửa xây cất ngay trên bờ đê. Vì vậy đê có thể bị vỡ bất cứ lúc nào trong mùa lũ lớn.
Hệ thống đê ở đồng bằng sông Hồng và Thái Bình (3)
Tùy theo tầm quan trọng kinh tế và số dân cư của địa phương, dựa vào đợt lũ lớn nhất thế kỷ năm 1971, 5 cấp đê được thiết kế. Chẳng hạn, ở vùng Hà Nội đê thiết kế từ cấp I đến cấp III, với mức nước an toàn thiết kế 0.8%, hay mức nước lũ 125 năm lặp lại một lần. Tại các khu vực khác trong vùng đồng bằng sông Hồng (nơi cấp đê thay đổi từ cấp I đến cấp III) cũng áp dụng cùng một mực nước thiết kế nhưng độ cao an toàn không thấp hơn, do đó an toàn thiết kế là 1%, tương đương với mực nước lũ tần suất 100 năm. Cấp đê IV là cấp bảo vệ chống mực nước lũ tần suất 20 năm (3). Tiêu chuẩn phòng lũ đối với hệ thống đê Hà Nội là bảo đảm chống được lũ tương ứng với mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên là 13.4 m, và thoát được lưu lượng tối thiểu là 20,000 m3/giây.
Phòng tuyến đê lũ Hà Nội.
Từ ngàn xưa, bảo vệ thủ đô Đại La/Thăng Long/Hà Nội là ưu tiên của nhà vua qua các thời đại. Hàng loạt đê cao, có nơi cao 15 m, được đắp từ hàng thế kỹ trước. Ngày nay, có nhiều nơi lòng sông cao hơn mặt đất đồng ruộng, làng mạc.
Hà nội bằng phẳng có độ cao trung bình 7-8 m trên mực nước biển, nơi thấp nhất có độ cao 5 m. Diện tích tổng cộng là 270 km2, dân số khoảng 2 triệu, nếu tính cả ngoại ô là 3 triệu (13).
Đê sông Hồng
Trong thời nhà Nguyễn, người Hoa ở vùng Hà Nội xin phép nhà vua để họ đắp kè lấp đá cho một số đê dọc sông Hồng nơi họ cư trú.
Năm 1885 mưa bão lớn làm sụt lở bờ sông sát Đồn Thuỷ. Người Pháp đổ kè đá ở bên ngoài bờ sông Hồng chỗ Hàng Than dài 400 m để hướng dòng chảy về phía Gia Lâm (19).
Trận lụt năm 1926, Hà nội bị ngập lụt nặng, vì lúc đó chưa có đoạn đê dọc đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải ngày nay (4). Người Pháp đắp đê này đồng thời củng cố cả hệ thống đê Hà Nội, có nơi cao 14 m.
Sau biến cố vỡ đê năm 1971, nhiều biện pháp mới được ban hành, ngoài việc tăng cường hệ thống đê, còn lập hồ chứa nước và phân lũ. Khi mực nước sông Hồng tại Hà Nội đến mức báo động 13.4 m, thì dòng nước sông Hồng ở đầu nguồn được xả vào Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam và Nam Định. Việc tháo nước phân lũ vào sông Đáy do Thủ Tướng quyết định vì có ảnh hưởng đến khoảng 675,000 dân chúng, và chính phủ bồi thường thiệt hại.
Ngày nay, hệ thống đê dọc sông Hồng bảo vệ Hà Nội dài 61 km được nâng cấp tương đối hoàn chỉnh. Dự án này thực hiện từ năm 1996, kết thúc năm 2002, nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng ADB. Một số đoạn đê khác đã có đường hành lang hai bên thân đê, mặt đê được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông (1, 28). Ngoài ra, Hà Nội có hơn 40 hồ lớn và sâu, chưa kể ao, có khả năng giảm lũ khi có mưa lớn.
Hệ thống đê biển: Bờ biển Vịnh Bắc Việt cấu tạo bởi đá và phù sa. Do ảnh hưởng của biến động thời tiết trên toàn thế giới vì dòng nước El Nino và La Nina, những trận bão biển xảy ra càng khốc liệt hơn. Mùa bão thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, và trung bình hàng năm có 4 cơn bão. Những cơn bão này thường xuất phát từ Phi Luật Tân, Biển Đông và Tây Thái Bình Dương rồi 3-4 ngày sau sang đến vịnh Bắc Việt tạo những sóng cao, gây lụt lội vùng duyên hải. Hệ thống đê biển được thiết lập từ lâu đời và được xây đắp ngày càng vững chắc. Chiều dài tổng cộng đê biển và cửa sông khoảng hơn 1,500 km. Hiện nay, đê biển còn thấp (cao khoảng 5 m), nhiếu nơi còn bằng đất, có nơi bằng bê tông, và chỉ chịu được các cơn bão nhỏ. Ngày nay, với kỹ thuật trồng rừng ngập mặn ngoài bờ đê, và cỏ Vetiver hai bên bờ đê có thể cản được sự phá hủy đê do sóng bảo.
Trong thời gian 1958-1995, tổng số diện tích đất bồi đầm lầy vùng duyên hải Vịnh Bắc Việt được biến cải thành đồng ruộng nhờ hệ thống đê biển là 24,000 ha (17).
Hệ thống đê biển bằng bê tông với trồng cỏ Vetiver (9)
Hồ chứa nước
Ngoài hệ thống đê, còn có các đập thủy điện và hồ chứa nước lớn ở vùng thượng lưu để giảm thiểu lũ lụt ở vùng đồng bằng.
Hiện tại đã có 3 hồ chứa và 1 đang xây dựng, đóng vai trò quan trọng trong phòng chống lũ nhờ giữ cho mực nước ở mức thấp trên sông trong mùa lũ (3):
1. Hồ Thác Bà trên sông Chảy để làm thủy điện, đưa vào vận hành từ năm 1972, có dung tích chứa lũ là 460 triệu m3, điều tiết khoảng 6 % lưu lượng nước sông Hồng tại Sơn Tây.
2. Hồ Hoà Bình trên sông Đà, diện tích 208 km2, đưa vào vận hành từ năm 1988, có dung tích chứa lũ 5,720 triệu m3, và điều tiết khoảng 48% lưu lượng xả tại Sơn Tây. Đập Hoà Bình được ước tính có thể giảm đĩnh lũ năm 1971 tại Hà Nội chừng 1.5 m (3).
3. Hồ Đại Thị trên sông Gầm tỉnh Tuyên Quang vận hành vào năm 2007, với dung tích chứa lũ là 1,600 triệu m3, điều tiết 9 % lưu lượng tại Sơn Tây.
4. Ngoài ra, hồ Sơn La trên sông Đà tại tỉnh Sơn La, thượng nguồn hồ Hoà Bình và cách hồ Hoà Bình khoảng 187 km, sẽ được đưa vào vận hành năm 2015, với dung tích chứa lũ là 4,500 triệu m3 và điều tiết 46% lưu lượng xả tại Sơn Tây.
Với 4 hồ chứa khi đưa vào vận hành, tổng dung tích chứa lũ sẽ tăng lên, làm cho mức an toàn trong vùng đồng bằng tăng đáng kể. Tổng dung tích chứa lũ sông Đà khi vận hành hồ Sơn La được xác định ở mức 7 tỷ m3 và được chia giữa hồ Sơn La và hồ Hoà Bình (6).
Tất cả các hồ chứa nói trên đều là hồ đa mục đích (thủy điện, thủy nông). Tuy nhiên, nếu các đập này giữ nước lũ ở mức độ cao trong nhiều ngày có thể đe dọa độ an toàn của đê đập. Hai đập Sơn La và Hoà Bình ở thượng lưu Sông Đà là một vùng có động đất thường xuyên và mạnh nhất nước. Nếu có chấn động mạnh sẽ gây vỡ đập dây chuyền, dẫn tới thảm hoạ khủng khiếp cho Hà Nội và các trung tâm dân cư vùng đồng bằng Sông Hồng. Vì vậy, mực nước hồ chứa phải duy trì thấp vào mùa lũ (từ tháng 6 đến giữa tháng 9), như vậy có ảnh hưởng đến phát điện và việc cấp nước tưới vào mùa khô. Vào mùa khô hạn, ưu tiên giữ nước để phát điện, nên đồng ruộng thường thiếu nước.
Một yếu điểm của việc thiết lập hồ chứa nước là số lượng phù sa lắng đọng nhiều trong hồ, giảm số lượng phù sa lưu chuyển trên sông, giảm lắng tụ ngoài bờ biển, đôi nơi vì thiếu phù sa bồi đắp bờ biền bị xói mòn vì sóng biển khi rừng ngặp mặn bị phá hủy. Trước khi có Đập Hòa Bình, 113 triệu tấn phù sa/năm đựơc bồi đắp vùng biển Đồ Sơn. Nhưng từ khi có Hồ Hòa Bình, 48 triệu tấn phù sa/năm đã lắng tụ trong hồ, số lượng phù sa chảy qua Sơn Tây giảm từ 119 triệu tấn/năm trước khi có hồ, xuống 79.4 triệu tấn/năm sau khi có hồ, và chỉ còn tổng cộng 70 triệu tấn chuyển ra biển vùng Đồ Sơn (30). Tại cửa biển Ba Lạt (cửa chánh của sông Hồng), trong thời gian 1965-1990 (trước khi có Hồ Hòa Bình), phù sa lấn biển trung bình 88.8 m/năm, nhưng trong thời gian 1990-1998 (sau khi có hồ Hòa Bình), phù sa chỉ lấn biển 58.7 m/năm (17).
Phân lũ
Ngay từ thời vua Minh Mạng, Nguyễn Công Trứ đã đề nghị giải tỏa áp lực lũ sông Hồng bằng cách khai đào đoạn khởi đầu sông Đuống, chuyển cửa nhận nước từ sông Hồng. Nhưng phải sang thời Tự Đức ý tưởng đó mới được thực hiện một phần và được hoàn chỉnh thêm trong thời Pháp thuộc.
Sông Hồng có phân lưu phía tả ngạn là sông Đuống chảy từ Hà Nội đến Phả Lại (thuộc Hải Dương) và sông Luộc chảy từ Hưng Yên đến Quý Cao (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Hai sông này nối sông Hồng với hệ thống sông Thái Bình.
Phân lưu phía hữu ngạn là sông Đáy và sông Đài (còn gọi là Lạch Giang hay Ninh Cơ), nối sông Hồng và sông Đáy là hai sông Phủ Lý và sông Nam Định. Vùng chậm lũ Vân Cốc nằm ở thượng nguồn đập Đáy. Nếu khi nước sông Hồng sắp tràn bờ thấp ở cống Vân Cốc; và nếu tiếp tục tăng cao thì có thể mở đập Đáy cho nước tràn vào sông Đáy. Sông Đáy có thể rút lấy nước lũ sông Hồng với 5,000 m3/giây (6).
Ngoài ra, thông qua sông Tích, nước từ sông Đà có thể được dẫn trực tiếp vào sông Đáy.
Tạo các vùng phân chậm lũ
Trong trường hợp mực nước sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục vượt quá mức báo động 13.4 m thì tháo cống đê, hoặc cho nổ mìn đê sông Hồng để cho nước chảy vào một số vùng thấp gần Việt Trì, như Tam Thanh ở tỉnh Phú Thọ, Lập Thạch ở tỉnh Vĩnh Phúc, Lương Phú và Quảng Oai ở huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây, và dọc theo sông Đáy, như Chương Mỹ, Mỹ Đức, hoặc gần Phả Lại thuộc tỉnh Thái Bình. Tổng dung tích chứa lũ của các vùng này ước tính vào khoảng 3 tỷ m3 (3, 6).
TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ DỰ BÁO LŨ
Từ thời xa xưa, quản lý đê điều do Hà Đê Chánh Sứ (tương tự chức Bộ Trưởng bây giờ) của triều đình do vua bổ nhiệm. Cấp thừa hành thấp nhất là làng xả, có nhiệm vụ bảo trì, báo cáo lên cấp trên, những vấn đề thuộc đê điều trong phạm vi làng xả của mình. Ngày nay, quản lý bậc cao nhất là Thủ Tướng, các vị bộ trưởng liên hệ (Nông nghiệp, Giao Thông, v.v.) ở cấp quốc gia, tới cấp tỉnh (hay thành phố), huyện và làng xả. Mỗi xã đều có một đội quản lý đê xuống đến tận thôn/xóm. Các đội quản lý đê này được các kỹ sư thuỷ lợi huyện tư vấn và hỗ trợ về mặt kỹ thuật (3).
Để dự đoán bảo lụt, một mạng lưới các trạm đo khí tượng và thuỷ văn theo thời gian thực được sử dụng, cùng với các thông tin từ vệ tinh và dự báo thời tiết để đưa vào các mô hình thuỷ văn và thủy lực, từ đó dự báo lưu lượng và mực nước trong vùng đồng bằng sông Hồng. Hệ thống này có thể dự báo trước 1 ngày cho hồ Hoà Bình, và khoảng 2 ngày cho Hà Nội để tiến hành những biện pháp thích hợp (3).
Các biện pháp phòng chống lũ được tiến hành khi mực nước ở cầu Long Biên (Hà Nội) ở mức báo động. Việc điều tiết lũ ở lưu vực sông Hồng được tiến hành theo các giai đoạn sau:
1. Phòng lũ bằng cách vận hành hồ Hoà Bình và Thác Bà,
2. Khi mực nước tại Hà Nội vượt quá 12.7 m, phân lũ qua Vân Cốc,
3. Khi mực nước tại Hà Nội đạt 13.40 m, phân lũ vào sông Đáy qua đập Đáy,
4. Khi dự báo thấy nước lũ còn tiếp tục tăng và đã phân lũ sông Đáy thì mở các vùng phân chậm lũ khác bằng cách cho nổ mìn phá đê hoặc vận hành đập tràn cứu hộ vào các vùng chặn lũ xung quanh Việt Trì và Phả Lại.
NHỮNG TRẬN VỠ ĐÊ TRONG LỊCH SỬ:
Trong thời Nhà Nguyễn, cứ vài ba năm là có một trận lũ lớn phá đê. Vì vậy, vua Tự Đức đã triệu tập triều đình để hội ý là nên giữ đê hay phá đê, và nếu giữ đê thì tìm biện pháp nào để trị lũ lụt. Những trận lụt lớn có ghi trong sử là: 1078, 1121, 1236, 1238, 1243, 1270, 1445, 1467, 1491, 1506, 1630, 1713, 1728, 1806, 1809, 1821, 1827, 1844, 1893 (13). Kể từ đầu thế kỷ 20 tới nay, đồng bằng sông Hồng đã có 26 trận lũ lớn. Các trận lũ lớn này đa số xảy ra vào tháng 8, nhằm vào cao điểm của mùa mưa bão (28).
Năm 1913, ngày 9 tháng 8, mực nước tại Hà Nội đạt 11.35 m làm vỡ đê sông Hồng ở đoạn đê thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trên 2 đoạn phía tả ngạn tại Nhật Chiên, Cẩm Viên và Hải Bối, Yên Hoa thuộc Phúc Yên; vỡ đê Phu Chu thuộc tỉnh Thái Bình. Ngày 14 tháng 8, khi lũ Hà Nội xuống mức 10.69 m vẫn vỡ đê Lương Cổ, tả ngạn sông Đáy thuộc tỉnh Hà Nam. Ngày 17 tháng 8, vỡ đê Phương Độ, Sơn Tây phía hữu ngạn sông Hồng khi mực nước Hà Nội là 11.11m. Ngày 18 tháng 8, vỡ đê Nghĩa Lộ phía hữu ngạn thuộc tỉnh Hà Nam, khi mực nước Hà Nội 11.03 m. Ngày 19 tháng 8, vỡ đê Quang Thừa, Lỗ Xá sông Đáy phía hữu ngạn thuộc tỉnh Hà Nam, khi mực nước Hà Nội 10.99 m. Nước lũ làm ngập gần hết tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), một phần Hà Tây, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình và Bắc Ninh (28).
Năm 1915, từ ngày 11 đến 20 tháng 8: Đê bị vỡ liên tiếp 42 chỗ với tổng chiều dài 4,180 m (từ 11 - 20/7/1915 khi mực nước Hà Nội dao động từ 11.55 – 11.64 m). Những nơi vỡ chính như: Xâm Dương, Xâm Thị đê hữu sông Hồng thuộc tỉnh Hà Đông. Các chỗ vỡ khác như Lục Cảnh, Hoàng Xá, Trung Hà tỉnh Phúc Yên; Phi Liệt, Thuỷ Mạo tỉnh Bắc Ninh. Đê tả sông Hồng, vỡ ở: Mễ Chân tỉnh Hưng Yên; Gia Quất, Gia Thượng, Phú Tòng, Yên Viên, Đông Thụ, Danh Nam tỉnh Bắc Ninh và một số chỗ khác trên sông Phó Đáy, Đuống và sông Đáy (28).
Năm 1926, ngày 29 tháng 7, khi mực nước Hà Nội lên tới 11.93 m thì vỡ đê tả ngạn sông Hồng vùng Gia Quất, Ái Mộ, Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh; vỡ đê hữu ngạn sông Luộc tại Hạ Lao, Văn Quán tỉnh Thái Bình; vỡ đê tả ngạn sông Luộc tại Bô Dương, tỉnh Hải Dương. Tổng diện tích đất canh tác bị ngập lụt do vỡ đê khoảng 100,000 ha (28). Hà nội lúc này chưa đắp đê cao như hiện nay nên lũ sông Hồng uy hiếp trực tiếp Thành phố Hà Nội. Kể từ đây đê được nâng cao lên 14 m. Nhiều tuyến đê được nắn lại, hai sườn đê được đắp không đối xứng đảm bảo chống chịu nước lũ tốt hơn (19).
Năm 1945. Một trận lũ lớn vào tháng 8 năm 1945 gây vỡ đê tại 79 điểm, gây ngập 11 tỉnh với tổng diện tích 312,000 ha, ảnh hưởng tới cuộc sống của 4 triệu người (28)
Năm 1971, ảnh hưởng những trận mưa to liên tục và một cơn bão lớn, nước trên sông Thao, sông Lô và sông Đà đã hợp lại gây nên cơn lũ lịch sử của đồng bằng sông Hồng. Mực nước sông Hồng ngày 20 tháng 8 lên đến 14.13 m ở Hà Nội (cao hơn mực nước báo động cấp III đến 2.63 m). Mực nước Sông Hồng đo được 18.17 m ở Việt Trì (cao hơn 2.32 m mức báo động cấp III) và 16.29 m ở Sơn Tây (1.89 m cao hơn mức báo động cấp III). Đồng thời mực nước ở các Sông Cầu, Sông Lô, Sông Thái Bình lên cao hơn bao giờ hết. Mưa lũ năm 1971 đã gây vỡ đê ở ba địa điểm, làm chết 100,000 nguời, úng ngập 250,000 ha và hơn 2,7 triệu người bị thiệt hại (28).
Năm 1996. Ngày 24 tháng 7 năm 1996 bảo Frankie với gió 100 km/giờ gây lụt lội hơn 177,000 ha bị úng ngập, mưa bảo làm 100 người bị thiệt mạng, và 194,000 căn nhà bị hư hại. Không có tường trình vở đê (16).
Năm 2008. Trận mưa lớn nhất trong 35 năm đổ xuống ngày 31/10 và 1/11/2008 với hơn 600 mm biến Hà Nội và nhiều vùng khác trong đồng bằng Sông Hồng thành biển nước. Thành phố Hà Nội có hệ thống thoát nước chỉ chịu đựng được lượng mưa tối đa 86 mm mới không bị ngập lụt.
Mực nước lúc 16 giờ ngày 4/11/2008 trên sông Thao tại Yên Bái là 31.94 m (dưới mức báo động III là 0.06m); trên sông Lô tại Tuyên Quang là 25.77 m (dưới báo động III là 0.23 m); trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 5.93 m, (trên báo động III là 0.13 m); hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội là 9.1 m (dưới báo động I là 0.4 m); sông Thái Bình tại Phả Lại là 4.76 m (trên báo động II là 0.26 m); sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 5.34 m (dưới báo động III là 0.46 m). Tại Hà Đông, chiều 4/11, nước sông Nhuệ tràn qua mặt đê, mực nước lên tới 6.17 m. Hàng loạt các hồ chứa nước của Hà Nội và một số tỉnh lân cận bị quá tải. Tại Hồ Miễu, hồ Đồng Đò, hồ Kèo Cà, hồ Bàn Tiện, hồ Đền Sóc (huyện Chương Mỹ), mực nước lên cao vào chiều tối và tràn bờ. Nhiều hồ khác lên mức tràn xả lũ là hồ Cầu Bãi, hồ Đồng Đò, hồ Đồng Quan, hồ Cầu Dọc.
Tuyến đê sông Hồng có 13 vị trí hư hỏng tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Từ Liêm, Đông Anh, Long Biên, Sóc Sơn. Tuyến đê tả Bùi, tả Tích đã tràn hầu hết tuyến. Tuyến sông Nhuệ và Duy Tiên (Hà Nam) có tổng cộng 6,000 m đê bị tràn. Điểm Châu Can, Bạch Hạ, Đại Xuyên bị sụt. Tại Ninh Bình đê trên sông Hoàng Long bị vỡ, hàng ngàn nhà ở Nho Quan bị ngập lụt (22).
Tổng số người chết ở Miền Bắc là 92, riêng Hà Nội 22 người, thiệt hại kinh tế lên đến gần 5,000 tỷ đồng. Mưa lũ kéo dài cũng khiến cho khoảng 169 km đê nội đồng kênh mương hư hỏng; hơn 266,000 ha diện tích hoa màu và thủy sản bị ngập úng; hàng trăm nghìn nhà cửa bị sập đổ và hư hại (21).
TẠI SAO HÀ NỘI BỊ LỤT?
Trận lũ tháng 11/2008 tại Hà Nội và đồng bằng sông Hồng không lớn lắm. Mặc dầu mưa to gió lớn liên tục trong ba ngày, mực nước sông tại Hà Nội vẫn dưới mức báo động, hệ thống đê sông Hồng và Thái Bình vẫn vửng chắc, không bị phá vở nhiều nơi như trận lụt năm 1971. Các hồ chứa và biện pháp phân lũ cũng như hệ thống đê chứng tỏ có hiệu quả. Tuy nhiên, Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác ngập trong biển nước trong nhiều ngày. Lý do của việc thất bại bảo vệ thủ đô Hà Nội là do:
(i) Xây cất nhà cửa, chiếm cứ đất đai trên mặt đê làm đê yếu, rạn nức khoảng 40 địa điểm (25).
(ii) Đường sá phát triển và nhà cửa xây cất vô trật tự cản trở thoát nước.
(iii) Các hồ trong thành phố cạn, thiếu nạo vét, hệ thống phân lưu quá tải và tắt nghẻn, nhiều kinh mương và hồ bị lấp nên thiếu đường thoát nước
(iv) Hệ thống tháo nước của thành phố quá yếu kém, chỉ cần một trận 100 mm là có nhiều vùng bị ngập, nếu mưa 200 mm là nguyên thành phố bị ngập. Tổng số nước mưa tại Hà Nôi trong ngày 31/10 và 1/11 hơn 600 mm, dĩ nhiên ngập lụt xảy ra do mưa, chứ không phải do vỡ đê. Hơn 90% máy bơm không chạy được trong thời gian có lụt (7).
Trên phạm vi của đồng bằng sông Hồng, quá trình đô thị hóa, chiếm hửu đất mặt đê để xây nhà cửa, và mất đất nông nghiệp làm hệ thống phân lủ và thoát nước yếu kém.
CÁC TRANH LUẬN
Nên hay không nên thiết lập đê sông ngăn ngừa lũ lụt vẫn là một đề tài tranh luận ở mọi nơi và mọi thời đại.
Việc chống đối thiết lập đê dựa vào các lý do sau:
- Phù sa không vào đồng ruộng, mà lắng đọng trong lòng sông, bờ đê, sông trở nên cạn và hung dử, xoi mòn bờ và phá đê khi có lũ lớn. Đáy sông ngày càng cạn, tạo các cồn và bải bồi ở cửa sông, làm khả năng thoát lũ càng chậm.
- Các vùng trủng (ở Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định...) vẫn tồn tại sau hàng ngàn năm, vì không được phù sa bồi đắp.
- Đê phải nâng ngày càng cao và to hơn, hể củng cố nơi này thì nạn đê vỡ xảy ra nơi khác, lũ lụt vẫn xảy ra.
- Nguồn lợi cá và thủy sản khác trên đồng ruộng và sông bị giảm.
- Con người đã có kinh nghiệm sống chung với lũ lụt. Tìm biện pháp sống chung hơn là trị lụt bằng đê điều.
- Môi sinh bị phá hủy
Người xưa không phải không biết chuyện này, và đã từng có những cuộc bàn luận trong triều đình.
Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Đăng Giai đã có bản tấu phản đối việc đắp đê vì tốn nhiều công sức mà vẫn không chống được lũ lụt, ông đề nghị phá bỏ đê, mà nên khơi thông sông.
Mười sáu năm sau, vào ngày 5 tháng 10 năm Tự Đức thứ 6 (1861), Khoa đạo Ngự sử Vũ Văn Bính lại dâng bản điều trần nói về cái hại của việc giữ đê và cái lợi của việc bỏ đê. Bản điều trần này lặp lại ý kiến của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai năm 1846. Nguyễn Trường Tộ (1830–1871) cũng chủ trương phá đê, mà phải khai thông sông và đào kinh.
Vua Tự Đức triệu tập một hội nghị lớn thẩm nghị bản điều trần này và tất cả đều cho rằng không nên bỏ đê, và cần khơi thông sông Thiên Đức, củng cố hệ thống đê cũ còn lại ở hai bờ sông (12).
Khoảng 6 văn bản điều trần của các quan ở triều đình và địa phương hiện còn lưu trữ tại khu Lưu trữ TƯ 2, dưới ký hiệu tập CB.262, trang 47-70. (12).
Không ai có thể phủ nhận lợi ích của hệ thống đê sông và đê biển ở Đồng bằng sông Hồng.
Sau hàng ngàn năm thiết lập và củng cố hệ thống đê điều, từ vùng đầm lầy trở thành đồng bằng, một vựa lúa quan trọng của Việt Nam, mang đến ấm no thịnh vượng cho dân Việt từ ngày thành lập nước, đủ sức mạnh kinh tế để chống ngoại xâm từ phương bắc, và phát triển lảnh thổ về phương nam.
Với diện tích tổng cộng khoảng 1.3 triệu ha, diện tích trồng cây lương thực khoảng 1.2 triêu ha, trong số đó khoảng 1 triệu ha trồng lúa (23) với năng xuất trung bình 6 tấn/ha, để nuôi một dân số khoảng 14.8 triệu người, là vùng có mật độ cao nhất ở Việt Nam, 1,180 người/km2 (1999) (23).
Để bù đắp vào việc thiếu phù sa do lụt mang tới đồng ruộng, từ hàng ngàn năm nay nông dân Miền Bắc đã phát triển phân hửu cơ như bèo hoa dâu, phân gia súc, phân bắc, phân xanh để bồi dưởng màu mở đất. Nhờ vậy, canh tác nông nghiệp ở miền Bắc rất thâm canh, năng xuất cao.
Nhờ cải thiện đất từ lâu đời, không còn thấy tường trình đất bị dậy chua phèn như thường xảy ra sau khi đào kinh thoát thủy. Nhờ hệ thống đê biển và cống trên đê biển khá hoàn hảo, nước mặn chỉ xâm nhập vào sông khoảng 20 km (vì không có cống ở cửa sông), nhưng đất ruộng ở vùng duyên hải miền Bắc bị nhiểm mặn trong mùa khô hạn không trầm trọng như thường xảy ra ở đồng bằng Cửu Long (26).
Thay vì phù sa bồi đắp vào đồng ruộng, 95% phù sa của 2 hệ thống sông Hồng và Thái Bình được bồi đắp dọc duyên hải, lấn biển hàng trăm mét mỗi năm, tạo nhiều cồn, đảo phù sa ngoài khơi, làm lảnh thổ nới rộng thêm hàng chục km2/năm. Cũng chính khối phù sa này làm vịnh Bắc Việt phong phú thủy sản.
Thay vì đánh bắt cá thiên nhiên hiếm hoi từ đồng ruộng do lụt mang tới, người dân Miền Bắc đã bao đời nuôi cá thâm canh trong ao hồ, đồng ruộng. Hiện nay, đồng bằng sông Hồng có khoảng 58 ngàn ha mặt nước nuôi thủy sản (23). Ngoài ra, nguồn cá bột của sông Hồng đã cung cấp giống đáng kể cho nghề nuôi cá nước ngọt ở đồng bằng Bắc Việt (29).
Quang cảnh và sinh động thực vật đã biến đổi sau khi thành lập đê sông. Cảnh trí mô tả trên các trống đồng, như Trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ cho thấy cảnh quang thời vua Hùng, cách đây trên 2 ngàn năm, là cảnh chèo ghe trong đầm lầy. Muôn thú gồm động vật hiện nay như bò, ngựa, chó, cọp, hưu, chim, v.v. Ngoài ra, còn một số thú lạ như con vật đầu chim có 4 chân, có đuôi dài của loài khỉ; hoặc con vật 4 chân, có bờm, đuôi cuộn, miệng há rộng, nay đã tuyệt chủng (32, 33). Dầu môi trường đầm lầy của hơn 2 ngàn năm trước nay không còn, nhưng ngày nay, các vùng đất trủng (wetlands) ở các cửa biển vẫn tồn tại và vẫn phát triển như vùng đầm lầy Xuân Thủy, Tiền Hải ở cửa sông Hồng vẫn trù phú với chim muông được bảo vệ (14).
Một yếu điểm của hệ thống đê sông ở đồng bằng sông Hồng hiện nay là không đủ nước cung cấp cho nông nghiệp trong mùa khô. Nhu cầu tưới gia tăng từ 6.6 tỷ m3 năm 1985 lên 7.4 tỷ m3năm 1990 và 8.9 tỷ m3năm 2000 (17). Tuy nhiên, việc thiết lập thêm hồ chứa nước ở thượng nguồn, việc trồng lại rừng vốn bị tàn phá trầm trọng trong 50 năm qua, và việc áp dụng những tiến bộ công chánh (dùng tàu nạo vét sông, thiết lập cửa chuyển lưu như ở Mississippi, cống ở cửa biển như ở Hòa Lan, trên sông Thames của nước Anh v.v., khi tài chánh cho phép) sẽ sửa đổi được những khuyết điểm của ngày hôm nay.
Tóm lại hệ thống trị thủy của Đồng bằng sông Hồng là một trong những công trình thủy lợi được thiết lập cổ xưa nhất trên thế giới. Mặc dầu không có những công trình xây dựng tân tiến như Hòa Lan (xem phần I), hay Mississippi của Hoa Kỳ (xem phần II), hệ thống đê sông và đê biển của châu thổ sông Hồng đã được dân Việt quyết chí xây dựng qua hơn 2 ngàn năm, từ những vật liệu của địa phương của một đất nước nghèo nàn, nhưng đã chứng tỏ rất hửu hiệu trong vấn đề ngăn chận lũ lụt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ADB 2003. Hanoi – Hatay dyke subproject. Workshop from 9 to 12 November 2003, organized by ADB.
2. Anonymous. Dykes Keep Vietnam abreast of History’s Tide.
3. Bùi Công Quang (2006). Quản lý lũ ở đồng bằng châu thổ sông Hồng.
4. Dương Trung Quốc (2006). Có nhất thiết chỉ trị thủy bằng đê điều? Vietnamnet ngày 30/10/2006.
5. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư.
6. Đăng Quang Tính, Nguyen Si Nuoi, Nguyen Thanh Phuong. Flood Control for the Red River. The Red River, the Delta and Floods. In: Total Disaster Risk Management - Good Practices - Chapter 3. Asian Disaster 30 Reduction Center.
7. Hà Yên (2008). Hệ thống thoát nước của đồng bằng sông Hồng quá tải.
8. Lê Mạnh Hùng (2007). Nhìn lại sử Việt. Tổ hợp xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ. Trang 243.
9. Le Xuan Roanh (2006). Construction and design methods for protection layers of sea-dyke in vietnam. Vietnam- Japan Estuary Workshop 2006, August 22nd – 24th Hanoi, Vietnam.
10. Lebel, L., Sinh, B.T., Tuan, L.A., Garden, P. and Seng, S. (2008). Dykes, dams, drains, and diversions: the promise of flood protection.
12. Nguyễn Xuân Diện (2008). Trị thủy chớ quên đê điều.
14. Ramsar (2008).Ramsar Convention and Wetlands in Vietnam.
15. Susumu Tanabe, Yoshiki Saito, Quang Lan Vu, Till J.J. Hanebuth, Quang Lan Ngo and Akihisa Kitamura (2006). Holocene evolution of the Song Hong (Red River) delta system, northern Vietnam.
18. Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược.QI, trang 101, 108, 185, 257; QII, 177.
19.Trần Huy (2007). Sông Hồng – Những đổi thay theo thời gian.
20. Vô danh. Phải giữ bằng được đê sông Hồng, hồ Hòa Binh, Tuyên Quang, Thác Bà.
21. Vô danh. BBC ngày 6/11/2008
22. Vô danh. Hệ thồng đê Hà Nội.
25. Vô danh. http://www.highbeam.com/doc/1G1-16647535.html
27. Wikipedia. Đồng bằng sông Hồng.
28. Wikipedia. Đê sông Hồng.
30. Wikipedia. Hệ thống sông Thái Bình.
32. Wikipedia. Trồng đồng Đông sơn.
33. Wikipedia. Trống đồng Việt Nam
<div style="marg
Phần 5: ĐBCLVN : Mơi trường sông rạch thiên nhiên