Lên mạng ngày 19/11/2008
CƠ THỂ KHI VỀ GIÀ
“Thời gian thắm thoát thoi đưa, Chiều qua song cửa có chờ ai đâu, Ngày nào áo sẫm tóc xanh, Nay đà áo bụi mái đầu bạc phơ…”. Vào ngày 13-09-2008, đang ở Texas Hoa Kỳ tôi nhận được bài thơ “Hoa Học Trò Vẫn Nở” của Thi Sĩ Nguyễn Việt Quang từ TP Cần Thơ Việt Nam. 4 câu trên mở đầu bài thơ gồm 32 câu thơ lục bát biến thể, tôi chợt nhớ rằng khi về già thì chức năng các cơ quan trong cơ thể cũng đổi theo thời gian.
I-TRUNG KHU THẦN KINH: Não bộ là tên gọi tổng quát của trung khu thần kinh, não bộ có cả ngàn tỷ tế bào thần kinh màu xám nhạt, khi trưởng thành nặng khoảng 1,5 kg. Tế bào thần kinh nối tiếp nhau theo nhiều cách, tạo ra một nạng lưới điều hòa sinh hoạt cơ thể.
Não bộ là phần mềm (brain) tập hợp nhân tế bào nên có màu xám nằm bên trong xương sọ, phần dưới là cuống não (brain stem), nối liền với cuống não chạy xuống lưng là tủy sống (spinal cord).
Phần dưới phía trước não bộ có chi nhánh 12 đôi thần kinh (cranial nerve =CN): 1-CN1 (thần kinh cảm giác mũi); 2-CN2 (thần kinh cảm giác mắt); 3-CN3 (thần kinh vận động cơ 1,2,3,4 của tròng mắt); 4-CN4 (thần kinh vận động cơ 5 của tròng mắt); 5-CN5 (thần kinh vận động và cảm giác vùng mặt), 6-CN6 (thần kinh vận động cơ 6 của tròng mắt); 7-CN7(thần kinh vận động vùng hàm và cảm giác nếm của lưỡi… ; 8-CN8 (thần kinh thính giác, thăng bằng); 9-CN9(thần kinh vận động vùng cổ để nuốt… và thần kinh cảm giác nếm của lưỡi…; 10-CN10(thần kinh vận động vùng cổ,tai… và thần kinh cảm giác vùng cuống họng, lưỡi gà…; 11-CN11(thần kinh vận động cho cơ phía trước cổ và trên lưng phía sau…);12-CN12(thần kinh vận động cho lưỡi…)
Phía sau cuống não có một bộ phận là (medulla Oblongata), bộ phận này kiểm soát sự hoạt động tuần hoàn, tiêu hóa, hô hấp, bài tiết, ngủ, thức, chu kỳ ngày đêm…
Tủy sống tập hợp nhân tế bào màu xám và thân tế bào màu trắng, theo từng khớp xương, đường thần kinh chạy ra 2 bên trước là thần kinh vận động bắp cơ (phải và trái), đường thần kinh chạy ra 2 bên sau (phải và trái) là thần kinh cảm giác, có 3 loại cảm giác: cảm giác cơ (myotome), cảm giác gân sụn và khớp xương (sclerotome), cảm giác da (dermatome); (cổ, cervical nerve, là 7 đôi; lưng trên, thoracic nerve, là 12 đôi; lưng dưới, lumbar nerve, là 5 đôi, phần xương chậu phía sau, sacral nerve, là 5 đôi).
Sự điều hòa của cơ thể liên đới với nhau từ dinh dưỡng, hô hấp, tuần hoàn, bài tiết, chuyển động, bảo vệ, tình cảm, cảm giác… được kiểm soát bởi hệ thống tự động của trung khu thần kinh (automatic nervous system) kết hợp bởi: não bộ, CN1, CN2, CN5, CN7, CN8, CN9, CN10, cuống não-medulla oblongata, cervical nerve, thoracic nerve, lumbar nerve và sacral nerve.
Automatic nervous system chia ra 2 hệ thống hơi tương phản nhau: 1- sympathetic nervous system (thể hiện nhiều trong ánh sáng) và 2- parasympathetic nervous system (thể hiện nhiều trong bóng tối).
Vào buổi sáng trời trong gió mát, chợt nghe giọng nói thân thuộc (CN8) thấy lòng vui sướng; lúc ngửi mùi hương thơm của hoa trong gió thoảng (CN1) khiến tâm hồn sản khoái; ánh mắt bắt gặp đóa hoa nở đẹp hay nhìn thấy mái tóc dài chấm gót (CN2) thì lòng rộn ràng chân liền bước theo “Ngọ về” (hệ thần kinh tự động sympathetic nervous system).
Trong đêm khuya vắng ở đồng quê trời tối đen như mực, đôi tình nhân hò hẹn với nhau ở địa điểm hoang vắng ít ai dám léo hánh tới như ở “gò mã đá” thì niềm vui sướng vô cùng tận, lúc đó nỗi sợ ma bị ỉm đi bởi sự cảm nhận của hệ thống parasympathetic nervous system.
CN10 tiếng Anh viết nguyên chữ là vagus nerve, xem tự điển Anh-Việt chữ “vagus” dịch là “thần kinh mê tẩu”, đúng vậy hệ thống thần kinh tự động cảm nhận êm ả, buồn, vui, sầu thảm, sung sướng… từ hoàn cảnh bên ngoài hay từ khắp châu thân báo về trung khu thần kinh là não bộ ở trên đầu. CN10 góp phần đắc lực vào hệ thống sympathetic và parasympathetic khi sung sướng... tác giả Việt Nam dịch là “mê tẩu” thì trúng phóc 5/5.
Khi ở tuổi 65 thì 1/10 của số tế bào thần kinh bị thoái vị, vậy thì có phương pháp nào để những tế bào não không bị thoái vị và hậu quả này ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể ra sao? Xin trả lời không có cách nào hết… “sinh lão…” Theo các nhà nghiên cứu về thần kinh học thì khi có một tế bào bị thoái vị thì tế bào kế cận sẽ phát sinh ra hệ thống nối tiếp mới thay thế ngay để tiếp tục hoạt động dùm cho tế bào đã mất nhưng càng lúc càng nhiều thì sẽ đuối… Khi già có những thay đổi sau đây: bệnh run (parkinson desease=thoái vị của basal ganglion), chứng khó ngủ, đi khó, chuyển động khó khăn vì cơ yếu, mất thăng bằng, phải chống gậy, tính tình khó khăn, hay tức giận, đổi tánh, tình cảm bất bình, ngửi mùi kém (CN1), lãng tai hay điếc (CN8), mắt lòa (CN2,…mẹ lần mò ra trước ao, nắm áo người xưa ngỡ như giấc mơ, tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ…) thân nhiệt bất thường, áp huyết lên hay hạ xuống, hay quên, có khi lại nhớ lại chuyện xa xưa thật rành rẽ, nói xàm một mình (limbic system thoái vị hơn 30%)… Những năm cuối đời của cựu Tổng Thống Renold Regan bảo đó là những nhánh cây khi người trong nhà cho ông xem lại chữ ký của ông hồi còn làm việc ở Tòa Bạch Ốc.
Tuổi càng già thì máu đến não bộ giảm dần nên dưỡng khí và dinh dưỡng ít đi, thể tích của não nhỏ lại, có sự hiện diện của chất lipofusion ngày càng gia tăng bám vào tế bào não là yếu tố chánh làm trở ngại cho hệ thần kinh.
2-BỘ MÁY TIÊU HÓA: Sự tiêu hóa bắt đầu từ miệng với sự xuất hiện của nước miếng, xuống bao tử thì được co bóp kiểm soát bởi hệ thống thần kinh tự động 24/24 (parasympathetic nervous system), phần chất đạm được tiêu hóa bởi dịch vị của bao tử ở đây (nhóm tế bào gần cuống bao tử “parietal cell” tiết ra dịch vị độ pH là 2.1), bởi vậy khi ăn uống không điều độ hay nhịn đói lâu quá… hoặc ăn uống xong mà quên nghỉ ngơi để bao tử làm việc đều hòa cho việc dinh dưỡng thì sẽ bị bệnh loét bao tử xuất hiện vì sự hiện diện của độ pH quá thấp không được trung hòa đúng lúc, (trường hợp của nhà văn Nguyễn Hiến Lê vì ông làm việc say mê, ăn uống thất thường, mê viết, quên đi việc làm của cái bao tử nên triệu chứng loét bao tử kinh niên trung thành theo ông về trời).
Sau đó thức ăn được chuyển xuống 6 mét của ruột non, ở đây hóa chất của ruột non và tụy tạng tiếp tục tiêu hóa đạm và đường đa hay cơm=carbohydrate (ở phòng thí nghiệm thì phải đun cơm trong HCL đậm đặc tới 24 giờ mới thủy giải cơm ra đường=glucose), đồng thời cũng có sự tiêu hóa của mỡ=chất béo (lipid) nhờ phận sự của mật, nơi đây việc nuôi dưỡng “long thể” nhờ ruột non đưa các chất bổ dưỡng vào mạch máu, còn nước được hấp thụ lại ở ruột già, chất bả thì tiếp tục bay bay ra ngoài trong vòng 7-12 giờ.
Khi tuổi càng thọ thì miệng khô vì hạch nước miếng teo lại nên khó nhai và khẩu vị giảm(CN7,CN9), dịch vị giảm 25% ở tuổi 60, cơ bao tử yếu dần. Ruột non hấp thụ Calcium giảm, xương yếu, sự hấp thụ B12 ít nên việc sản xuất hồng huyết cầu kém, sinh lực yếu dần… Không có thuốc “cải lảo hoàn đồng” biến hệ tiêu hóa của người già trở thành tươi non thời xuân xanh như những lời mời mọc của những viên cao đơn hoàn tán.
3-CƠ QUAN HÔ HẤP: Hai lá phổi và 2 phế quản là bộ phận mang oxy vào cơ thể. Phổi có cả triệu phế nang với diện tích khi trải rộng ra có thể phủ cả sân quầng vợt, nhờ phế nang này mà dưỡng khí chuyển sang mạch máu và tống thán khí bay ra ngoài. Phế quản giống như hình cái cây lộn ngược với nhiều nhánh nhỏ để dẫn không khí vào phế nang. Nhịp thở trung bình khi nghỉ là 12 lần trong 1 phút, nhanh khi hoạt động mạnh hay thán khí của máu gia tăng. Mỗi nhịp thở có 0,5 lít không khí ra vào phổi, ngừng thở trong 5 phút thì tế bào não sẽ bị xìu xìu ểnh ểnh nên não bộ liên tục cần oxy 24/24.
Khi lớn tuổi thì phế nang dưỡng khí ít lại, thán khí cao, do đó dưỡng khí trong máu giảm, làm cơ thể chóng mệt khi hoạt động mạnh. Ung thư phổi là triệu chứng tế bào phế quản phát triễn đại tràn làm cơ thể thiếu quân bình, sụt cân nhanh, rồi tuột dốc luôn, mà người già thường gặp. Đấy cũng là trường hợp của Ca Sĩ Thái Hằng phải hát bản nhạc “Tiếng Sáo Thiên Thiên” lúc đó “Xuân Thì” đúng con số 72.
4-HỆ TUẦN HOÀN: Trái tim bơm máu và mạng lưới mạch máu lớn nhỏ chạy khắp châu thân. Tim ví như tòa nhà song lập 2 tầng với 2 tâm nhĩ ở trên và 2 tâm thất ở dưới, mỗi bên thông tin với nhau bằng 1 chiếc valve để lùa máu đi 1 chiều từ trên xuống. Mạng lưới mạch máu xanh gồm mạch máu phổi bắt nguồn từ tâm thất phải, đưa máu nhiều thán khí lên phổi để trao đổi lấy dưỡng khí. Còn mạng mạch máu đỏ thì đưa máu đỏ nhiều oxy từ tâm thất trái đi nuôi dưỡng khắp châu thân. Mỗi ngày tim bơm khoảng 7.000 lít máu vào hơn 100.000 cây số mạch máu lớn nhỏ. Nhịp tim bình thường là 72/1 phút.
Khi lớn tuổi có thay đổi chức năng và cơ cấu của hệ tuần hoàn. Cách đây 5 thế kỷ, nhà danh họa kiêm bác sĩ Leonardo De Vinci đã quả quyết là sự dầy cứng của mạch máu làm người ta già đi, ngăn cản máu lưu thông nên giảm dinh dưỡng. Khoa học ngày nay chỉ đồng ý 1 phần với ông và minh chứng rằng còn tùy thuộc vào lối sống nữa. Thay đổi quan trọng nhất là vách tâm nhĩ trái dầy lên, cứng, kém đàn hồi, làm giảm sức bơm của tim, máu ít oxy và dưỡng chất. Mạch máu cứng và dầy thêm nên kém đàn hồi vì có nhiều chất vôi và collagen (gốc từ cholesterol) bám lên thành mạch máu, làm cho máu lưu thông chậm, có chổ phình ra, chổ thì teo lại nên lực dồn mạnh làm bễ mạch máu, sự cung cấp dưỡng chất tê liệt lúc đó tế bào ngợp thở gây tai biến, tai nạn xãy ra ở trung tâm não bộ, đấy là tai biến mạch máu não “stroke”. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vì “left side heart failure”, do tâm nhĩ trái dầy yếu đi không đủ lực đẩy máu xuống tâm thất trái nên phải ngủ ngồi để giúp máu từ tâm nhĩ trái dồn xuống, tuy nhiên không lâu sau đó ông phải về thiên đàng. Mặc khác khi lớn tuổi van tim trái “mitral valve” và van tim phải (tricuspid valve) thường hay bị triệu chứng mở ra không hoàn toàn “stenosis” nên máu chảy đi không đều hòa. Nếu động mạch cơ tim nghẹt, cơ tim ngột, thì gọi là nhồi máu cơ tim (myocardiac infarction) gây tử vong hàng đầu mỗi năm ở Xứ Cờ Hoa đấy là do cách sống như động cơ nổ, tập quán, môi trường… chứ không phải nhất thiết do tuổi già sinh ra.
5-XƯƠNG- BẮP CƠ: Xương che chở cho cơ thể, di chuyển… nơi dự trữ calcium. Xương cấu tạo bởi 45% calcium, tủy xương – mạch máu 30% và nước 25%. Khi về già calcium trong máu giảm, xương yếu, dòn, dễ gãy, lâu lành. Khi calcium trong máu hạ thì
cơ thể lấy calcium từ xương vào máu cung cấp cho hệ thần kinh,bắp cơ…làm xương yếu.
Cử động của khớp xương của người già cũng yếu đi vì sự thoái vị của sụn độn, độ nhờn giảm, gân bắp cơ thoái vị nên độ đàn hồi kém làm cho sự co giản các khớp xương bị giới hạn dần dà làm đau nhức (cảm giác myotome, sclerotome và dermatome).
Bắp cơ chiếm phân nửa trọng lượng của cơ thể. Hai loại cơ là cơ bắp thịt và cơ nằm trong các cơ quan như tim, ruột, mạch máu... Cử động của cơ thể là nhờ sự vận động của bắp cơ, cơ cần năng lượng từ dinh dưỡng, cơ thải ra chất bã là lactic acid làm đau nhức và mệt nên ta cần oxy để loại acid này. Khi về già sinh hoạt của hệ tiêu hóa giảm làm cơ có kích thước nhỏ lại (da nhăn, tóc bạt, da mồi). Chức năng của bắp cơ giảm 20% ở tuổi 50; giảm 40% ở tuổi 70. Gần đây chương trình thi tài khiêu vũ trên tivi đài ABC Hoa Kỳ show “dance with star” có vũ công 82 tuổi, sau đó có người 93 tuổi mà cũng ra tranh tài. Chứng tỏ rằng khi tuổi đà xế bóng sự hoạt động của cơ xương liên hợp với chức năng của tất cả cơ quan toàn châu thân cũng cừ lắm tùy vào dinh dưỡng, lối sống… Nên dân gian ta có câu “càng già càng dẻo càng dai” là như thế đấy!!!
6-TÍNH MIỄN DỊCH: Khi vừa lọt lòng, con người được tạo hóa ban cho hệ thống phòng thủ mà khả năng miễn dịch là một, khả năng này được thực hiện đầu tiên bởi bạch huyết cầu là neutropil, lymphocyte (T4 lymphocyte mất hoạt động sẽ bị bệnh SIĐA= AIDS), monocyte, eosinophile và basophile. Khi mới sinh ra thì được sản xuất từ thymus gland, nhưng dần dần thì bạch huyết cầu được sản xuất từ tủy sống, các hạch và lá lách.
Các nhà sinh lý học giải thích rằng vì bạch huyết cầu không còn sự chỉ đạo của thymus gland như thời đầu nên chức năng kém dần, lúc về già thì dễ bị nhiểm bệnh hơn.
Nam tài tử Hollywood tên là Rock Hudson bạn thân của Elizabeth Taylor đã bị chứng T4 lymphocyte tê liệt phải về chầu tiên tổ vào năm 1986 có phải do lối sống của tài tử này hay là tại vì T4 lymphocyte ăn nhằm chất độc.
TÓM LẠI: Những thay đổi chức năng của các cơ quan trong cơ thể cũng không gây ra nhiều khó khăn cho sinh hoạt của người cao tuổi nếu có một nếp sống lành mạnh, dinh dưỡng đều hòa, vui tươi, hồn nhiên, yêu đời… thì cơ thể sồn sồn hay già sụ ở tuổi cao niên sẽ cường tráng cho dù đà xế bóng 80, 90, bách niên gia lão hoặc hơn nữa với sự nhân cách hóa “muôn đời” như câu thơ cuối trong bài thơ “Hoa Học Trò Vẫn Nở” của Thi Sĩ Nguyễn Việt Quang: “… Công Thôn bằng hữu muôn đời không quên./.”
Dr. Trần Văn Diên, Học Sinh Công Thôn NLS Cần Thơ 1970-1973, ngày 18-11-2008