Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ
  Méo miệng
 
Lên mạng ngày 11/3/2009
MÉO MIỆNG
 
   Nhớ hồi năm xửa năm xưa làng quê tôi mỗi nhà thi đua nhau treo một hàng chữ trên cổng: “nuôi dạy con tốt”, “gia đình văn hóa”, “nếp sống văn minh”… Có nhà treo đôi câu thơ lục bát “sắm ngay tủ thuốc trong nhà, phòng khi có bệnh đem ra trị liền” thật tuyệt hảo! Tôi hãy còn nhớ câu tục ngữ: “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Từ khi bắt đầu hấp thụ kiến thức khoa học về bảo vệ sức khỏe thì tôi nghĩ nên biết rõ từng căn bệnh rồi áp dụng phương pháp trị liệu bảo đảm toàn 5/5.  
   Sáng sớm nọ, cô thợ cấy đang chuẩn bị ra đồng chợt cảm thấy tê buốt như kim chích một bên má, vội chụp lấy cái mặt kiếng soi mặt của mình thì hởi ơi!!! “Cái gì vậy!” “Sao cái miệng của tôi hôm nay méo như thế nầy?”. Thế là công việc đồng áng tạm gát lại. Không sao đâu hởi cô thợ cấy của tôi ơi!, đừng lo sợ, bệnh méo miệng rất dễ trị, thống kê cho thấy 90% khỏi hẳn.
   Bệnh méo miệng, Bell’s Palsy, được bác sĩ chuyên khoa giải phẩu kiêm nhà sinh lý học người cùng quê của bài hát Auld Lang Syne, tò te rô be đánh đu…, tên là bác sĩ Sir Charle Bell chào đời tại xứ Scotland năm 1774 hưởng thọ 68 tuổi, đưa ra giải thích chí lý trong quá trình hành nghề y khoa của ông như sau:  
   Palsy nghĩa là mất cảm giác và tê liệt cơ một phần nào hay hoàn toàn, tài liệu y học viết bằng Anh Ngữ ghi Bell’s Palsy, tôi tạm dịch là bệnh méo miệng, một bên miệng kéo hẳn phía gò má. Khi miệng bị kéo về bên phải thì bắp cơ gò má bên phải có sức mạnh hơn bắp cơ phía bên trái.
   Khi sức mạnh bắp cơ ở 2 bên gò má và vùng miệng bên trái và phải không đồng nhau nên méo, kéo về bên mạnh đúng như câu nói “mạnh được yếu thua” !!!    
   Bác sĩ Bell giải thích rằng đây là triệu chứng đến thật bất ngờ ở một bên mặt, thần kinh ở xương gò má bị tê bởi siêu vi khuẩn hay khi nằm đè một bên ngủ lâu làm máu chậm lưu thông ép vào một bên thần kinh trên mặt, Cranial Nerve 7 CN7, CN7 là đôi thần kinh đi ra từ não bộ, đây là thần kinh cảm giác và vận động bắp cơ hai bên mặt để nhai, phùng má, trề môi. Còn trợn mắt là CN5.
   Khi sáng sớm dậy cảm thấy tê cứng sau vành tai, cảm giác bị vặn một bên mặt, khó nhắm mắt một bên, tê buốt, có cảm giác như kim đâm vùng gò má, sau vành tai, vị nếm bên đó vị kém, nước miếng bên ấy cũng giảm. 
   Trị liệu, trước tiên là nhỏ mắt với thuốc “methylcellulose”. Đồng thời phục hồi bắp thịt bằng thuốc gốc “corticosteroids” như “prenisone” 60-80 mg mỗi ngày từ 1 đến 2 tuần, không nên dùng lâu. Nhớ là cái đau nầy dùng kháng sinh là đi trật đường rầy. Áp dụng tất cả phương pháp vật lý trị liệu như chạy điện, siêu âm (ultrasound giảm đau không phải siêu âm xem hình), thoa bóp (massage), châm cứu (trigger point therapy), tập thể dục cổ: quay cổ từ từ phải trái, cúi trước ngữa sau, ngã bên phải trái, ngã phải trái đưa ra sau rồi quay, dầu nóng nên dùng từ ngày thứ ba trở đi… hầu giúp đều hòa máu huyết nhằm kích thích bắp cơ yếu trở lại chức năng bình thường kết hợp với ăn uống dinh dưỡng giúp cơ thể mau lành. Tình trạng nặng thì dùng vật lý trị liệu lâu hơn từ 6 tháng đến 1 năm.          
   Thống kê cho biết bệnh này xãy ra nữ giới nhiều hơn nam. Bell’s Palsy được trị khỏi vì thần kinh ngoại biên bị tổn hại. Trong khi đó tai biến mạch máu não không phục hồi được vì trung khu thần kinh bị hủy diệt.
   Méo miệng bởi tai biến mạch máu não không trị được. Nhưng bệnh méo miệng Bell’s Palsy thì có thể phục hồi như ý muốn.
  
 Ngày 11/3/2009, 
BS Trần Văn Diên, CT 70-73 NLS Cần Thơ

Trở lại Trang KH & NN
 
 
  Số người đọc 421240 visitors (1088537 hits) kể từ 12/10/2007  
 
This website was created for free with Own-Free-Website.com. Would you also like to have your own website?
Sign up for free